Phóng Sự

Nghề tóc của người Việt trên xứ Mỹ (kỳ 4)

Sunday, 22/05/2016 - 09:24:08

Chị kể khi qua định cư tại Hoa Kỳ từ cuối thập niên 1990, được người chị gái đã qua đây từ trước là chủ tiệm nail, khuyên chị học nail để đi làm trong tiệm của người chị.

Bài BĂNG HUYỀN

Giảng viên ngành thẩm mỹ (phần 2)

Khi còn ở Việt Nam, chị Shayla Cao không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành một giảng viên dạy trong ngành thẩm mỹ, vì khi đó chị học Đại Học Kinh Tế tại Sài Gòn. Vậy mà cuối cùng duyên nghề đưa đẩy, từ một chủ tiệm nail ở Corona del Mar, vùng biển Newport Beach, chị đã học và trở thành instructor (giảng viên dạy thẩm mỹ) tại trường Advance Beauty College (Trường ABC, chi nhánh tại thành phố Garden Grove) khoảng 10 năm nay.

Chị kể khi qua định cư tại Hoa Kỳ từ cuối thập niên 1990, được người chị gái đã qua đây từ trước là chủ tiệm nail, khuyên chị học nail để đi làm trong tiệm của người chị. Nếu so với thời gian phải học cả năm trời, khoảng 1,600 giờ để lấy bằng tóc (là cách nói tắt của nhiều học viên Việt Nam để nói về bằng hành nghề thẩm mỹ toàn phần Cosmetology, trở thành một chuyên viên có thể cắt tóc, uốn tóc, nhuộm, duỗi tóc, làm móng tay, móng chân, săn sóc da mặt, trang điểm, wax, xâm phun chân mày, nối lông mi…) thì nail là một nghề dễ kiếm tiền và kiếm tiền nhanh.

Giảng viên Shayla Cao (mặc áo màu hồng) đang hướng dẫn cho học viên (áo khoác màu đen, bên phải) phần cắt tóc cho khách ngay tại salon của trường ABC chi nhánh tại thành phố Garden Grove. (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Tại California, học viên chỉ cần theo học tại trường thẩm mỹ khoảng 400 giờ, với số tiền học phí khoảng $450 Mỹ kim, sau đó nộp đơn lên hội đồng thẩm mỹ, thời gian chờ đợi khoảng 6 tuần, qua cuộc thi gồm thực hành và lý thuyết. Nếu đậu thì được cấp bằng hành nghề cùng ngày và có thể đi làm ngay.
Hiếm có nghề nào khác ở Mỹ mà một người lại chỉ cần bỏ ra khoảng thời gian và tài chính ít như vậy. Chính vì dễ thành nghề như thế, mà ngày càng có nhiều người Việt Nam học nail. Ngành này càng dễ dàng hơn kể từ năm 1994, khi tiểu bang California đã chính thức phát hành mẫu bài thi để lấy bằng manicurist bằng tiếng Việt, song song với mẫu tiếng Anh.

Đã có nhiều người Việt qua tiểu bang California học và thi bằng tiếng Việt, sau đó có đi làm ở một vài tiểu bang khác thì chỉ cần đổi bằng. Điều này lại tạo thêm điều kiện cho những người Việt mới đến Mỹ định cư theo đuổi nghề nail, kể cả nam giới. Vì vậy, ngày nay, những người chuẩn bị đi định cư ở Mỹ, kể cả những sinh viên, học sinh chuẩn bị đi du học, đã học trước ở Việt Nam về nail để “phòng thân”, khi cần thì có thể kiếm tiền được ngay.

Chị Shayla Cao khi mới đến Mỹ, cũng không ngoại lệ, chị ghi danh học nail ở trường Elegante Beauty College (ở Mission Viejo), đây là trường do người Mỹ làm chủ, chỉ có chị là học viên Việt Nam duy nhất thời điểm đó và cũng là học viên duy nhất học nail. Vì vậy các giảng viên trong trường chỉ dạy cho chị phần lý thuyết còn phần thực hành thì họ không giỏi. Trong thời gian học ở trường, cuối tuần chị ra tiệm của chị gái làm cho khách, nên chị học nghề rất nhanh.

Nhưng có bằng nail rồi, chị không tiếp tục làm nail mà đi làm công ở hãng để có bảo hiểm sức khỏe cho chồng con. Làm công nhân ở hãng hàn chì một thời gian, chị lại tiếp tục đi học facial vì muốn có thêm nghề để dễ kiếm việc hơn, do bấy giờ nghề nail cũng đã bắt đầu gặp chút khó khăn. Bởi việc hạ giá đến mức thấp nhất của các tiệm nail Việt Nam khiến nghề này gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh khốc liệt giữa những người Việt trong nghề, giá dịch vụ và tiền lương xuống thấp, không còn thịnh vượng như trước.


Giảng viên Lý Ngọc Thu đang trên lớp dạy môn học lý thuyết về xâm chân mày tại trường Asian American International Beauty College. (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Vào năm 2002-2003, chị mua được tiệm nail để làm chủ, may mắn tiệm rất đông khách nên chị mở cửa suốt 7 ngày trong tuần, chị vừa làm chủ, vừa làm cho khách, kiêm luôn quản lý của tiệm có 6 thợ, do công việc cực quá, không có thời gian đi chơi, giải trí với chồng con, nên làm được 2 năm, chị quyết định bán lại tiệm, rồi chuyển về vùng Little Saigon sống, xin được công việc làm Front desk ở một phòng mạch bác sĩ Việt Nam. Lúc này, chị quyết định đi học lấy thêm bằng tóc (Cosmetology), và ghi danh học Teacher Training (600 giờ) tại trường ABC để lấy bằng instructor dạy nghề thẩm mỹ.

Sau khi chị học xong, thấy chị có khả năng nên ban giám đốc trường ABC đã nhận chị vào làm giảng viên tại trường ABC (chi nhánh tại thành phố Gadern Grove) từ 2006 đến nay.

Chị Shayla Cao cho biết, chị may mắn không phải lên State Board để thi lấy bằng hành nghề instructor, mà năm chị học xong khóa học instructor (thời điểm 2004-2005), chị chỉ cần làm project để nộp cho State Board chứ không phải thi lý thuyết, thực hành như những instructor trước đó.

Chị Shayla Cao kể, “Sau khi tôi hoàn thành xong 600 giờ học tại trường ABC, tôi chỉ làm một Project, viết tường trình những chi tiết khả năng ngành nghề thẩm mỹ mình đã làm, có bao nhiêu kinh nghiệm trong nghề. Rồi nộp lên cho State Board và tôi đã được State Board chấp thuận cho tôi dạy. Tôi may mắn là có bằng nail, bằng facial, bằng tóc (Cosmetology , học các thời điểm khác nhau), cộng thêm kinh nghiệm làm chủ tiệm nail, làm facial, tôi đều ghi hết trong project của mình. Vì vậy tôi được State Board chấp thuận cho tôi dạy được cả 3 lớp gồm lớp nail, tóc đến facial luôn.

 


Giảng viên Lý Ngọc Thu đang dạy môn học lý thuyết về xâm chân mày tại trường Asian American International Beauty College ở Westminster. (Băng Huyền/ Viễn Đông)



“Theo tôi biết khoảng thời điểm những năm sau năm 2000, những người học để lấy bằng instructor không cần đi thi State Board như trước đó, mà chỉ cần có bằng hành nghề thẩm mỹ, có đi làm ba năm kinh nghiệm và có học lớp Teacher Training 600 giờ, có chủ trường chịu mướn mình thì mình chỉ cần làm project gửi lên State board là được cấp bằng đi dạy.”

Chị Shayla Cao tâm sự, “Trong thời gian đầu làm giảng viên dạy nghề thẩm mỹ tại trường ABC, tôi thấy mình thật may mắn, vì được cơ hội, vừa có mẹ cô Linh (Linh Nguyễn- giám đốc điều hành trường ABC) giúp tôi về phần thực hành rất kỹ, vì mẹ cô Linh từng làm chủ tiệm beauty salon trước khi mở trường dạy nghề thẩm mỹ, tay nghề rất vững. Còn cô Linh thì giúp tôi về phần lý thuyết, vì cô là người rất giỏi dạy về lý thuyết, cô đã hướng dẫn tôi trong những năm tháng đầu tiên mới làm giảng viên để tôi thêm vững vàng khi đứng lớp dạy các học viên trong trường.”

Cũng giống như chị Shayla Cao, cựu hoa hậu người Việt - Los Angeles 2009 Lý Ngọc Thu (chị còn có thêm nghề tay trái là một ca sĩ, biên đạo múa cho một vài trung tâm như Đỗ Thanh, Monarch, Asia). Chị nói chị không bao giờ nghĩ là mình sẽ trở thành giảng viên dạy nghề thẩm mỹ, nhưng sau một thời gian bôn ba nhiều nghề, từng làm thợ nail, chuyên viên chăm sóc da, nhân viên bán mỹ phẩm trong mall Nordstrom, Macy, cuối cùng chị lại quyết định học thêm để lấy bằng tóc, học thêm 600 giờ để lấy bằng instructor tại trường Elite Beauty College và trở thành giảng viên dạy ngành thẩm mỹ tại trường Asian American International Beauty College (tên cũ là Elite) dạy chính là lớp facial, nhưng nếu thiếu giáo viên lớp tóc hay nail, chị kiêm luôn phụ trách các lớp này cả phần lý thuyết và thực hành.

Những buồn vui trong nghề của người giảng viên dạy nghề thẩm mỹ

Nói về những buồn vui trong công việc của một giảng viên dạy nghề thẩm mỹ, chị cho biết, “Nghề nào cũng có áp lực riêng, khi làm instructor (giảng viên dạy nghề thẩm mỹ) thì phải soạn bài giảng thật kỹ khi lên lớp, phải luôn đổi mới cho bài giảng sinh động, hấp dẫn học viên, để học viên không chán.
“Vì nhiều học viên đến trường thẩm mỹ để học tóc, nail hay facial, không chỉ có người từ Việt Nam mới qua, mà còn có nhiều người có trình độ cao, từng đi làm một ngành nghề khác, khi họ quay lại học nail, facial, tóc là vì họ muốn đổi một công việc mới, một nghề mới.

“Đối với tôi, làm một giảng viên thẩm mỹ, chỉ là sự chia sẻ kinh nghiệm của mình đã có trong nghề nghiệp cho học viên, có thể là tôi có thời gian lâu năm trong nghề hơn họ, hoặc những trãi nghiệm của tôi sâu sắc hơn, nên tôi dùng những kinh nghiệm đã có để truyền đạt lại cho người mới.

“Ông bà mình thường nói trăm hay không bằng tay quen. Mà những người mới thì có thể còn hơi ngỡ ngàng trong công việc này, chứ theo tôi người Việt hầu hết đều rất khéo tay trong nghề thẩm mỹ. Khi học ra, có rất nhiều học viên thành đạt trong nghề.”

Theo chị Lý Ngọc Thu, “Dù trường tôi dạy số học viên gốc Việt rất đông, nhiều học viên chọn thi lý thuyết bằng tiếng Việt, nhưng khi dạy, các instructor người Việt vẫn phải dạy song ngữ Anh- Việt. Vì trong nghề tóc, nail, facial đều có những từ chuyên môn kèm theo, nhiều khi trong tiếng Việt không có từ để dịch phù hợp. Nhất là trong ngành học về tóc, có những từ về các hóa chất của sản phẩm, phải giảng cho học viên hiểu.

“Khi qua Mỹ định cư tôi cũng đã 20 tuổi, nên những phát âm của tôi vẫn còn bị accent. Nhiều khi trong lớp, có học viên giỏi tiếng Anh, bắt bẻ lại mình khi mình phát âm không trúng. Nếu học viên thương mình, thì du di cho mình, nhưng nếu họ không thích mình, thì sẽ tìm mọi cách để bắt bẻ mình, hỏi nhiều câu lắt léo, để mình quê trước các học viên khác trong lớp.

“Vì vậy, một người instructor phải có kinh nghiệm nghề nghiệp nhiều, phải có tinh thần mạnh mẽ (không nên quá nhạy cảm, dễ tức giận khi bị học viên thiếu tôn trọng mình). Phải thật khéo léo ứng xử khi đang dạy trên lớp, nếu bị học viên bắt bẽ, làm mình quê với các học viên khác trong lớp, mình không nên đôi co qua lại với học viên ở trên lớp.”

Do đó chị Lý Ngọc Thu cho rằng có được bằng instructor là một chuyện, nhưng để trụ lâu với công việc giảng dạy trong ngành thẩm mỹ, thì bản thân chị cũng như nhiều đồng nghiệp của chị đều phải tự nâng cao nghề nghiệp của bản thân để tránh bị tụt hậu so với thị trường thẩm mỹ thay đổi mỗi ngày.
Các giảng viên dạy nghề thẩm mỹ không chỉ dạy sách vở, mà cần có kinh nghiệm làm đẹp, có tay nghề cao với gu thẩm mỹ tinh tế. Cùng với những kiến thức chuyên sâu, nắm bắt được những xu thế làm đẹp mới nhất, cung cấp đến cho các học viên những hiểu biết thực tế về các dịch vụ thẩm mỹ, cộng với sự nhiệt tình, hướng dẫn chu đáo, phương pháp giảng dạy hiện đại, thu hút; để trong quá trình học có sự tương tác giữa giảng viên và học viên giúp cho học viên tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả nhất.
Còn theo chị Shayla Cao thì, “Trong nghề tóc, hay những ngành nghề dịch vụ thẩm mỹ khác, dạy cho mình sự kiên nhẫn một cách ghê gớm, mình phải biết cách tính bill từ một khách hàng thật dễ dãi cho đến một khách hàng quá khó khăn, thành ra sự kiên nhẫn của mình rất cao. Khi mình đã từng làm thợ, làm chủ tiệm và đã có nhiều kinh nghiệm với khách hàng rồi thì khi học để trở thành một instructor, mình cũng có được sự kiên nhẫn với các học viên.

“Những giảng viên dạy nghề thẩm mỹ cần phải giỏi về các hóa chất trong những sản phẩm làm các dịch vụ trong beauty salon như một người thợ giỏi nghề, thì mới có được sự tự tin khi dạy cho các học viên. Là một instructor dạy nghề thẩm mỹ, nếu mình không chịu luôn bồi dưỡng nghề nghiệp mỗi ngày thì rất khó tồn tại trong công việc được tốt. Nhà trường đã tạo cho mình cơ hội nâng cao nghề nghiệp theo quy định của bộ giáo dục.

“Bản thân mình cũng phải luôn tự học thêm và nâng cao tay nghề. Vì nếu không, sẽ có những học viên dù mới qua đây định cư, nhưng đã có nhiều năm hoặc nhiều chục năm kinh nghiệm làm nghề tại Việt Nam hoặc tại quê hương của họ (đối với những sắc dân khác), khi họ học trong lớp với một giáo viên tay nghề còn thấp thì người học viên từ chổ không phục giảng viên, sẽ gây nhiều khó khăn cho giảng viên đó trong quá trình học. Vì vậy người instructor phải có kinh nghiệm thật vững. Nếu giảng viên thẩm mỹ nào có kinh nghiệm càng nhiều năm thì sẽ càng vững vàng hơn nếu luôn chịu khó trau dồi nghề nghiệp.
“Ngày xưa khi tôi mới dạy, có gặp học viên tay nghề rất vững tại Việt Nam, qua học lấy bằng để làm nghề, dù tay nghề họ cao, nhưng kiến thức lại không cao. Thành ra sau khi kết thúc khóa học, họ vẫn cám ơn tôi vì đã cung cấp cho họ kiến thức theo lối Mỹ. Có sách vở, tài liệu chi tiết, có hệ thống chi tiết về các hóa chất, kỹ thuật, dẫn đến cho học viên hành nghề một cách dễ dàng chứ không như tại Việt Nam, chỉ cần có tiền, mở tiệm tóc, làm hết người này sang người khách khác để học kinh nghiệm.

“Cuối cùng người ta vẫn trân trọng mình, vì cái người ta cần học mà ngày xưa tại Việt Nam không có. vì người ta có kinh nghiệm thực hành, nhưng kiến thức chung lại thiếu, chỉ nhờ học trong trường lớp bên này, họ mới có đủ để giúp họ thêm thăng tiến trong nghề nghiệp.”

Chia sẻ về hạnh phúc trong công việc dạy nghề thẩm mỹ, chị Shayla Cao tâm sự, “Đôi khi tôi từ vị trí là một cô giáo dạy nghề, tôi có cảm giác như mình là cha mẹ của một bầy con. Đa số người Việt Nam chúng ta rất tôn sư trọng đạo, nhưng song song đó vẫn có những người không có điều này. Đôi khi có những lớp tôi dạy rất dễ dàng, những khi lên lớp cảm thấy rất vui.

“Nhưng cũng có những lớp mình dạy mà đỏ mặt tía tai vì giận, nhưng rồi mình nghĩ, ồ, đó là những người chưa hiểu rõ thôi, nhưng rồi mọi người sẽ quen dần theo thời gian, vì lớp tóc học hơn 1 năm lận. Phần đông học viên của trường khi vào học trong một thời gian thì xem nhau như trong gia đình. Bản thân tôi luôn hết lòng hướng dẫn cho các học viên, có nhiều học viên sau khi có bằng, làm một thời gian trở thành chủ cả của vài tiệm beauty salon, chủ những beauty supply… Lâu lâu họ về thăm trường, tặng quà cho tôi để bày tỏ sự biết ơn vì đã dạy cho họ nghề. Những lúc đó tôi vui lắm, vì thấy sự thành công của họ trong nghề và sự trân trọng của họ dành cho mình.”
(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT