Phóng Sự

Nghề tóc của người Việt trên xứ Mỹ (kỳ 2)

Sunday, 08/05/2016 - 10:41:28

“Hoàn tất đúng và đủ những quy định này sẽ làm người chủ trường tốn tiền, tốn thời giờ, vì phải chờ đợi hai năm mới được cấp giấy phép của Bureau for Private Postsecondary Education và Board of Barbering & Cosmetology. Trong hai năm đó chủ trường phải tốn tiền trả thuê mướn mặt bằng và đóng cửa để chờ được cấp giấy phép mới mở trường hoạt động và nhận học viên. Tuy nhiên khó khăn vẫn chưa hết, trường mới mở, nên chính phủ sẽ không có trợ cấp tiền học phí cho học viên.

 Bài BĂNG HUYỀN

 
Evon McMaken, người sáng lập và điều hành của trường Evons Beauty College mở năm 2014), đang hướng dẫn học viên xâm chân mày. (Băng Huyền/ Viễn Đông)
 

Những khó khăn trong việc mở trường thẩm mỹ

Nếu trong ngành làm móng tay, người Việt Nam đã lần hồi thống lĩnh thị trường nghề nail khắp nơi tại Hoa Kỳ, trên toàn nước Mỹ có hơn 50% cơ sở làm móng sử dụng nhân công gốc Việt hoặc do người Việt làm chủ; và ở California - cái nôi của nghề nail của cộng đồng Việt Nam, có khoảng 90% tiệm nail nằm trong tay người Việt Nam, thì với nghề tóc, tạo mẫu tóc, số người Việt tham gia có phần khiêm tốn hơn nghề nail.

Riêng trong lĩnh vực huấn luyện để đào tạo những người thợ rành nghề đi thi lấy bằng hành nghề của hội đồng thẩm mỹ State Board, có sự tham gia của người Việt trong vai trò là chủ trường dạy nghề thẩm mỹ (beauty college), dạy nghề làm tóc và nail, facial, waxing, là giảng viên, giám khảo của State Board.

Mặc dù hiện nay vẫn chưa có con thống kê chính xác về những trường dạy thẩm mỹ do người Việt làm chủ, nhưng những tiểu bang nào có người Việt tập trung sinh sống khá đông, đều có ít nhất là một trường thẩm mỹ của người Việt làm chủ. Còn các giảng viên dạy nghề thẩm mỹ song ngữ (Anh- Việt) cũng có mặt khắp nơi.
Chỉ riêng khu vực Little Sài Gòn tại Quận Cam đã có khoảng mười trường dạy nghề thẩm mỹ do người Việt làm chủ, như trường ABC (Advance Beauty College), trường Asian American International Beauty College (mà nhiều người quen gọi là trường Hằng Nga), trường Hoàn Mỹ Beauty College, Coastline Beauty College, trường Elite Beauty College (nay được đổi thành Asian American International Beauty College), trường Evons Beauty College, v.v..

Ngoài việc dạy chuyên môn, nhà trường còn có chương trình giúp người có lợi tức thấp xin trợ cấp học phí từ chính phủ, cho bộ đồ nghề, giúp tìm việc làm. Với lực lượng thầy, cô giáo Việt Nam khá đông, cộng thêm sách giáo khoa, tài liệu và các DVD thực hành tất cả bằng song ngữ, báo chí, các đài phát thanh, đài truyền hình do người Việt làm chủ, thường có chương trình hướng dẫn kinh nghiệm của những người đi trước giúp người đi sau là những nguồn tài liệu hỗ trợ đầy đủ, rất thuận lợi cho những ai có ý định hoặc đang học ngành thẩm mỹ.
Một số tài liệu hiện nay Hội Đồng Thẩm Mỹ đã dịch ra Việt ngữ, nơi thi có nhân viên người Việt giúp cách thức điền đơn và ngay cả vào phòng thi cũng có nhân viên hướng dẫn sử dụng computer để làm trắc nghiệm chọn a, b, c, d, v.v..

Tại Hoa Kỳ, muốn làm việc trong ngành tóc nói riêng ngành nghề thẩm mỹ nói chung một cách hợp pháp, người đó cần phải đến trường dạy nghề thẩm mỹ theo học tùy từng ngành nghề mình chọn và trải qua số giờ học cần thiết tại các trường, với số giờ học khác nhau tùy theo quy định của từng tiểu bang. Sau khi học viên học đủ số giờ quy định, đã hoàn tất chương trình học tại trường, thì mới đủ điều kiện để nộp đơn đi thi lấy giấy phép tiểu bang để làm việc. Vì vậy điều kiện để mở trường thẩm mỹ (Beauty College) cũng rất nhiêu khê.
Chị Evon McMaken, là người sáng lập và điều hành của trường Evons Beauty College kể, “Evon cũng như bao người Việt khác, đến Mỹ trên 20 năm rồi, khi đến cũng còn trẻ, cũng theo học tại trường thẩm mỹ, lấy các ngành học skin care, permanent make up, nail. Vì thích ngành skin care, permanent make up (phun xâm, thêu, điêu khắc 3D, 6D chân mày) nên có làm việc tại nhiều salon beauty chủ yếu phục vụ cho khách Mỹ, trước khi mở trường.

“Trường Evons Beauty College (tại Garden Grove) mở từ năm 2014, là một trường thẩm mỹ sinh sau đẻ muộn nhất so với những trường của người Việt mở ra tại vùng Little Saigon này. Trước đó Evon có một trường khác tại Westminster, có trên 10 năm, là trường chuyên về permanent make up và những lớp cao cấp về chăm sóc da, xăm hình nghệ thuật Body Tattoo. Trường cũ đó có tên là Evons Permanent Makeup. Evon có rất nhiều học trò học ngành permanent make up, nhiều người muốn học thêm ngành Thẩm Mỹ Toàn Phần (Cosmetologist), ngành nail, skin care, mà trường cũ của Evon lúc bấy giờ lại không có những ngành học đó. Vì vậy quyết định mở Evons Beauty College có nhiều ngành nghề hơn.”

Chị Evon cho biết, nếu như trường cũ của chị chỉ là trường dạy thêm lớp nâng cao, chứ không phải dạy từ căn bản, nên học viên học không cần phải bấm giờ, riêng permanent make up là ngành mới, chính phủ chưa có quy định luật lệ mở trường về ngành này, nên khi mở trường cũng dễ dàng hơn là mở Beauty college. Mở trường Beauty college tốn kém rất nhiều, phải kiên trì lắm thì mới mở được, nếu như ai không kiên nhẫn thì bỏ cuộc lâu rồi.

Trước khi mở trường, đầu tiên phải tìm hiểu kỹ các luật lệ. Vì xin mở trường Beauty College có rất nhiều luật lệ, phải xin phép Bureau for Private Postsecondary Education phê duyệt. Đây là Cục Giáo Dục Tư Nhân sau Trung Học theo Luật Giáo Dục California Mục 94915. Không chỉ cần được sự chấp thuận của Bureau for Private Postsecondary Education mà còn phải xin phép Board of Barbering & Cosmetology, là hội đồng gồm những người điều hành giám sát những người làm về ngành thẩm mỹ thực hiện đúng và đủ những quy định vệ sinh, an toàn.

Chị Evon nói, “Qua được hai cơ quan này rất khó khăn, một khó khăn nữa là sau khi tìm được địa điểm mở trường rồi, phải làm việc với chủ đất có đồng ý cho mình thuê không, phải xin phép thành phố nơi mở trường có chịu cấp giấy phép cho mình xây dựng trường học (phải theo đúng quy định tiểu bang). Vì theo quy định, nơi mở trường phải có nhiều chổ đậu xe, phải liên lạc với các thầy cô giáo trong vùng để mời học về trường dạy.
“Khi xin giấy phép mở trường, mình phải chứng minh được đủ điều kiện tài chánh, đủ chuyên môn, diện tích mặt bằng thuê mướn có đủ để mở trường. Muốn dạy bao nhiêu môn thì xin giấy phép bao nhiêu môn. Phải có giáo trình cho cơ quan cấp giấy phép.

“Hoàn tất đúng và đủ những quy định này sẽ làm người chủ trường tốn tiền, tốn thời giờ, vì phải chờ đợi hai năm mới được cấp giấy phép của Bureau for Private Postsecondary Education và Board of Barbering & Cosmetology. Trong hai năm đó chủ trường phải tốn tiền trả thuê mướn mặt bằng và đóng cửa để chờ được cấp giấy phép mới mở trường hoạt động và nhận học viên. Tuy nhiên khó khăn vẫn chưa hết, trường mới mở, nên chính phủ sẽ không có trợ cấp tiền học phí cho học viên.

“Do đó những học viên có thu nhập thấp được chính phủ tài trợ tiền học, sẽ không đến ghi danh học tại trường, trường chỉ có thể nhận các học viên tự túc đóng học phí. Trường muốn nhận được tiền tài trợ học phí của chính phủ phải mất đến 8 năm sau nếu trường có điểm credit tốt thì mới xin được tài trợ học phí của chính phủ.
“Vì chưa có Financial Aid của chính phủ, nên trường Evons Beauty College sẵn sàng giúp đỡ những em học sinh không có điều kiện tài chính hoặc không đủ điều kiện nhận Financial Aid, chỉ cần các em phải chăm chỉ, học đúng giờ, hoàn tất đủ số giờ do chính phủ quy định là được học bổng của trường. Ngoài ra tiền học phí học các ngành tại trường, vì nhắm vào đối tượng là học viên Việt Nam, nên chúng tôi luôn có giá học phí rẻ, để tạo điều kiện cho học viên vào học, sớm có một nghề nghiệp để đi làm lo cho gia đình.” Để xin được nguồn tài trợ của Liên Bang cho các học viên có thu nhập thấp

Nói về những khó khăn, tốn kém của việc mở trường beauty college, chị Phạm Thảo Vân, chủ trường Asian American International Beauty College, nói, “Muốn mở trường phải đầu tư ít nhất 200 ngàn, cộng thêm tiền sửa chữa nơi thuê để làm trường. Khi đã có giấy phép mở trường rồi thì tối thiểu phải có 25 học viên, mới chính thức được mở trường. Vì nếu không có học trò cũng không được mở trường.”

Do đó ngay từ đầu khi quyết định làm chủ trường, chị Phạm Thảo Vân đã chọn mua lại trường beauty college đã có sẵn chứ không xin phép lập trường mới hoàn toàn. Năm 1996 chị mua trường và đổi tên mới là Elite Beauty College. Năm 2013 chị mua trường Hằng Nga (là tên học viên gốc Việt quen gọi, nhưng trường có tên là Asian American International Beauty College, khi mua chị vẫn giữ lại tên này, và năm 2015 chị mua cổ phần trường Coastline Beauty College.

Chị Thảo Vân nói, “Nếu mua trường đã có sẵn, thì rất dễ vì các giấy tờ mình chỉ chuyển qua từ chủ cũ sang chủ mới thôi. Khi mình mua, nếu trường cũ vẫn chưa có NACCAS (là hội đồng chuyên thẩm định các trường dạy nghề thẩm mỹ hội đủ các điều kiện để đào tạo học viên đúng tiêu chuẩn của quốc gia về hành nghề thẩm mỹ, khi trường đủ điều kiện thì sẽ nhận được nguồn tài trợ của Liên Bang cho các học viên có thu nhập thấp). Mình có thể xin chương trình tài trợ của chính phủ. Mọi thứ đều làm bằng online hết. Nhưng để xin chương trình này cho trường, thì cần phải có người chuyên nghiệp làm về các giấy tờ này làm việc cho mình. Khi Vân mua trường để làm chủ, Vân chỉ biết nghề thôi, chứ chưa biết gì về vấn đề giấy tờ. Vân có thuê đội ngũ nhân viên giúp cho mình về mặt giấy tờ.”

Chị Thảo Vân giải thích, “Để trường có được nguồn tài trợ của Liên Bang cho các học viên có thu nhập thấp, rất nhiêu khê. Nếu biết cách làm việc và làm đúng thủ tục, mướn đúng người làm tốt công việc này thì những người đó giúp cho mình có được tiền chính phủ, làm đúng thì khoảng 1- 2 năm sẽ xin được. Chứ không phải đợi đến 8 năm. Nếu làm không đúng thì 8- 10 năm hay lâu hơn vẫn không xin được. Vì mỗi lần bị từ chối, mình phải làm lại hồ sơ. Từ một đường gạch sai, dấu chấm, phẩy sai cũng bị bắt lỗi, phải làm lại từ đầu. Mà khi làm lại từ đầu hồ sơ, phải tốn tiền lại, từ các lệ phí phải đóng, cứ tốn vài ngàn mỹ kim hoài như vậy thì chủ trường cũng nghèo luôn.

           Linh Nguyễn, giám đốc điều hành của trường Advance Beauty College. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

“Khi mình xin được tiền rồi, thì sẽ có một công ty đứng trung gian giữa chính phủ và trường. Công ty trung gian này sẽ giúp chuyển tiền từ chính phủ vào trường của mình, khi chính phủ làm việc, sẽ không bao giờ tin mình, mà chỉ tin công ty trung gian này. Bởi vậy những công ty trung gian ở trên nước Mỹ chỉ có 2- 3 công ty thôi, nhưng rất uy tín. Họ thà mất mình, chứ không bao giờ muốn bị vấn đề gì đó với chính phủ.

“Thành ra trường mình làm sai quy định là bị công ty trung gian này cắt ngay tiền tài trợ của chính phủ dễ dàng. Mà mất rồi thì có quyền xin lại, nhưng mọi giấy tờ vẫn phải làm lại từ đầu, nhưng sẽ bị án treo. Phần lớn những trường xin tiền chính phủ bị rớt là vì sai những lỗi về giấy tờ nhiều hơn, còn những vấn đề khác thì ít.

“Mà khi xin tiền chính phủ thì phải làm đúng những quy định. Chính phủ cho mình 300 ngàn, thì trong nhà băng của mình phải có ít nhất 45 ngàn, số tiền đó luôn luôn có trong nhà băng. Nếu không có là mình phạm luật. Họ sẽ dễ dàng cắt ngay tiền cho trường. Những người làm việc về các giấy tờ này phải thật kiên nhẫn, vì phải theo dõi kỹ lưỡng các luật lệ của chính phủ ban ra. Chính phủ cứ thay đổi luật mới hoài.”

Còn chị Linh Nguyễn (Nguyễn Linh Tâm) là Giám Đốc Điều Hành của trường Advance Beauty College (mà nhiều người quen gọi tắt là Trường ABC). Trường này có hai chi nhánh, một tại Garden Grove (học viên phần lớn là gốc Việt) và chi nhánh mới mở vài năm nay tại Laguna Hills (đa số học viên là người Mỹ).

Chị Linh Nguyễn giải thích, “Những trường mới mở cần ít nhất hai năm để làm giấy tờ xin được chính phủ cho phép trường nhận học viên có Financial Aid của chính phủ tài trợ. May mắn là trường ABC đã có lâu năm, nên chương trình này đã có từ lâu, giúp những học viên thu nhập thấp xin được chính phủ tiền học.

“Nếu trường đã được chương trình Financial Aid, thì luôn có ít nhất ba cơ quan kiểm tra trường để xem trường có thực hiện đúng quy định hay không? Ba cơ quan đó là Board of Barbering and Cosmetology, Bureau for Private Postsecondary, và NACCAS. Ba cơ quan này sẽ đến trường kiểm tra bất kỳ lúc nào mà không thông báo trước.
“Nhiều trường dù đã mở lâu năm vẫn không có Financial Aid cho học viên. Có nhiều lý do trường không xin chương trình của chính phủ.

“Những điều kiện để có được chương trình Financial Aid rất cao. Đầy đủ hết những điều kiện, từ cách giảng dạy, sản phẩm mình dùng, từ cách làm giấy tờ kỹ càng, họ sẽ tìm đủ mọi khía cạnh để xem mình có đủ điều kiện thì mới được chấp thuận. Chuẩn bị kỹ càng, đâu ra đó thì có trong vòng hai năm sẽ có, còn có trường cứ bị kéo dài thời gian vì không chuẩn bị kỹ và đủ những điều mà chính phủ yêu cầu.”

Trường Advance Beauty College ra đời rất sớm tại vùng Little Sài Gòn vào cuối thập niên 1980. Cộng đồng Việt Nam sinh sống lâu năm tại vùng này, quen thuộc với tên cũ của trường khi trường mới thành lập, có tên gọi Tâm Beauty College do ông Nguyễn Minh Tâm, nguyên là một Trung Tá Hải Quân VNCH, và vợ là bà Nguyễn Kiên Tâm đã sáng lập ra. Từ năm 1999 ông bà đã giao lại việc điều hành trường cho thế hệ thứ hai trong gia đình, là con trai, Bác Sĩ Nguyễn Thành Tâm (Tâm Nguyễn) và con gái là Nguyễn Linh Tâm.

Chị Linh Nguyễn tâm sự, “Hồi xưa khi bố mẹ của Linh và Tâm bắt đầu mở trường vào năm 1987, do bố mẹ khi đó nói tiếng Anh không giỏi, nên gặp rất nhiều khó khăn, bố mẹ phải dựa vào người Mỹ, mướn người Mỹ vào để lo các giấy tờ, luật lệ của tiểu bang California để làm cho đúng. Ngay từ thời gian đầu mới đến Mỹ định cư năm 1975, mẹ của Linh và Tâm đã nhanh chóng đi học và lấy được bằng làm tóc, vì bà đã có kinh nghiệm trước đó, từng làm trong ngành thẩm mỹ khi còn ở Việt Nam.

“Sau khi lấy bằng, bà đi làm cho chủ người Mỹ và Đại Hàn. Một thời gian sau, nhận thấy nghề này sẽ phát triển trong tương lai, bố Linh cũng đã theo học ngành này và lấy bằng để trở thành giảng viên dạy nghề thẩm mỹ. Bố mẹ đã mở một salon đầu tiên và đặt tên là Tâm Beauty.

“Sau khi điều hành tiệm ổn định, bố nhìn xa hơn, đã quyết định mở trường dạy nghề thẩm mỹ ngay trong cộng đồng Việt Nam. Ban đầu, gia đình thuê một địa điểm ngay tại góc đường Euclid và Westminster, lấy tên là Tâm Beauty Salon vào năm 1987. Đến năm 1990, bố mẹ đã mua một building tại thành phố Garden Grove và mở ra trường ABC College tại địa điểm này từ năm 1990 cho đến nay.

“Có một lúc bố mẹ đã mở ra 5 chi nhánh, nhưng về sau đã bán hết các chi nhánh này, vì ông bà không thể quản lý được một cách bài bản, nên đã không phát triển như ông bà mong muốn. Từ tháng 3 năm 1999, trường Tâm Beauty College (ABC) chính thức đổi tên là Advance Beauty College vì khi đó anh em của Linh thay bố mẹ điều hành trường, muốn lấy một tên Mỹ, để đỡ bị kỳ thị với các trường do người Mỹ điều hành.

“Học phí của trường Advance Beauty College có thể cao hơn những trường quanh đây, nhưng rẻ hơn những trường do người Mỹ mở ra. Chúng tôi luôn đưa ra giá học phí không quá cao, nhưng muốn có phẩm chất cao khi dạy các học viên là mục đích chính. Trường còn có một số học bổng được tài trợ từ những công ty sản xuất các sản phẩm cho ngành tóc, nail, facial có uy tín trong thị trường Mỹ và thế giới mà trường chúng tôi hợp tác. Các học sinh vào học trong trường có thể tìm được những học bổng đó.”

Bác sĩ Tâm Nguyễn và chị Linh Nguyễn đều đã tốt nghiệp cao học quản trị kinh doanh MBA từ đại học California State University, Fullerton. Trước đó, anh Tâm Nguyễn theo học cử nhân tại UC Irvine và y khoa tại đại học American University of the Carribbean, St. Martin Island, tốt nghiệp bác sĩ năm 2002. Còn chị Linh Nguyễn từng có bằng Cosmetologist học trong trường thẩm mỹ của gia đình, chị học thêm ngành học Sư Phạm tại UCLA Extension Vocational Credential. Để có Credential đi dạy ngành thẩm mỹ tại trường công vài năm, rồi mới quay lại giúp bố mẹ điều hành công việc tại trường ABC. Ngoài ra chị cũng có bằng cử nhân về Thương Mại Học và MBA tại Cal State Fullerton.

Chị Linh Nguyễn cho biết thêm, “Linh thấy hai anh em Linh- Tâm rất may mắn, có cơ hội được bố mẹ lập ra trường ABC giao cho hai anh em Linh- Tâm quản lý. Cả hai anh em có những mặt hay riêng. Anh Tâm rất giỏi về ngoại giao bên ngoài. Còn Linh giỏi về điều hành nội bộ. Cả hai hỗ trợ cho nhau, để cơ sở càng ngày càng phát triển hơn. Tâm có tham gia vào những hiệp hội, là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Horizon Cross Cultural Center, được bổ nhiệm vào chức Board of Directors of Garden Grove Community Foundation, là một thẩm định viên của NACCAS, hội đồng chuyên thẩm định các trường dạy nghề thẩm mỹ, để có tiếng nói đem lại quyền lợi về cho các chủ trường gốc Việt, học viên gốc Việt. Vì ngày xưa luật lệ về ngành thẩm mỹ do những người Mỹ soạn ra, khi mình vào, có tiếng nói, sẽ giúp được những điều có lợi hơn cho người di dân.”
(còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT