Phóng Sự

Nghề tóc của người Việt trên xứ Mỹ (kỳ 10)

Monday, 04/07/2016 - 12:29:53

Anh nói anh cũng không phân biệt khách hàng bình dân hay sang trọng, là người nổi tiếng hay bình thường. Với đối tượng khách nào, anh cũng đều tận tâm phục vụ như nhau.

Bài BĂNG HUYỀN

Anh Philip Phương- người tạo mẫu tóc theo trường phái Vidal Sassoon và Tony&Guys

Ấn tượng ban đầu của nhiều người khi mới gặp anh Philip Phương, chủ nhân của Bellagio the Salon trên đường Bolsa qua vẻ ngoài rất phong trần, lãng tử từ mái tóc đến cách anh mặc đều toát lên phong thái của người gắn bó với nghệ thuật, nên nghĩ rằng anh là một nghệ sĩ hơn là một chuyên viên làm tóc, chuyên chăm sóc vẻ đẹp “gốc con người” cho các khách hàng. Nhất là trong số những khách hàng của anh, có rất nhiều ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, như ca sĩ Như Quỳnh, Nguyễn Hồng Nhung, Quang Dũng, Jennifer Phạm, Thành Lễ.





Anh Philip Phương say sưa tạo kiểu cho mái tóc của khách hàng. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Thật ra nghề tay trái của anh là nhạc sĩ chơi bass và guitar trong ban nhạc The V-POP-5 thường trình diễn trong các chương trình văn nghệ của các buổi họp mặt các hội đoàn trong cộng đồng và sân khấu văn nghệ ngoài trời tại chợ đêm Phước Lộc Thọ trong dịp hè. Dù là biểu diễn guitar và bass là nghề tay trái, nhưng lại được anh chọn để làm ngành học chính tại trường đại học cộng đồng ngay tại thành phố San Francisco ở phía Bắc California vào những năm đầu thập niên 1980, nơi anh sống đầu tiên khi mới vượt biên và đến Mỹ định cư lúc 15 tuổi.

Một thời gian dài khi anh còn sống tại San Francisco, anh thường chơi trong ban nhạc của cộng đồng người Hoa tại đây. Anh nói do muốn tìm học một nghề để có thu nhập ổn định, nuôi dưỡng đam mê âm nhạc, nên anh chọn học lấy bằng Cosmetologist (Thẩm mỹ toàn phần) tại trường Miss Marty beauty (của chủ người Mỹ). Vì anh cho rằng nghề tạo mẫu tóc, làm đẹp cho khách hàng cũng là công việc rất nghệ thuật và đòi hỏi sự sáng tạo. Với anh, mỗi mái tóc phải là một tác phẩm nghệ thuật và để tạo nên vẻ đẹp cho từng người, mái tóc ấy phải hợp với vóc dáng, khuôn mặt và vị trí xã hội cũng như cá tính của từng người khách.

Anh Philip Phương không chỉ có bằng Cosmetologist mà còn có kỹ thuật cắt điêu luyện của hai trường phái Vidal Sasoon và Toni & Guy, là hai trường phái danh tiếng hàng đầu thế giới trong tạo mẫu tóc, anh đã ghi danh theo học cắt, tạo kiểu của Vidal Sasoon và Toni & Guy ngay sau khi thi lấy bằng State Board vào thập niên 1980.

Trường phái cắt tóc kiểu Vidal Sassoon và Tony&Guys

Vidal Sassoon (sinh 1928 tại Anh- mất 2012 tại Los Angeles) không chỉ được biết đến với tư cách là nhà tạo mẫu tóc danh tiếng hàng đầu của vương quốc Anh mà ông còn được biết đến như một huyền thoại của ngành tạo mẫu tóc thế giới, và là "cha đẻ" cho phong cách tóc hiện đại, nổi tiếng với các kiểu tóc như Five Point (kiểu tóc với những chữ V sắc cạnh ở tai và gáy), Asymetric (kiểu bob với một bên dài, một bên ngắn), Greek Goddless (kiểu tóc ngắn, xoăn và đánh rối... Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là kiểu tóc Bob (kiểu tóc cắt ngắn, còn được gọi là đầu vuông, vốn được các phụ nữ thập niên 20, 30 của thế kỷ 20 rất ưa chuộng.)

Tại thời điểm đó, tóc Bob được coi là sự cách tân và thể hiện sức mạnh nữ quyền của phái đẹp. Theo thời gian, kiểu tóc Bob giờ đây đã có rất nhiều biến tấu với các tên gọi như: Layer Bob (tóc ngắn nhiều tầng), Romantic Bob (tóc bằng, chấm vai tạo rối), Angel Bob (không có mái, tóc thẳng buông rủ xuống hai bên quai hàm), Blunt Bob (tóc cắt ngang hàm, hở gáy, mái cắt ngang để lộ chân mày)...

Toni&Guy là thương hiệu thời trang tóc hàng đầu nước Anh do hai anh em nhà Moscolo thành lập vào năm 1963. Nổi tiếng với kiểu tóc ngắn đặc trưng của Toni&Guy. Những kiểu tóc “tomboy” cắt tỉa tỉ mỉ, tinh tế qua những đường kéo bấm chính xác, tạo cho mái tóc ngắn cá tính và mềm mại, độ ôm và bo gáy khéo léo khoe trọn chiếc gáy quyến rũ của phái đẹp. Toni&Guy còn nổi tiếng với những mái tóc xoăn lọn to. Nữ tính và quý phái, mái tóc xoăn bồng bềnh, những kiểu đầu xoăn gợn sóng tự nhiên, óng mượt nhờ sử dụng những dòng sản phẩm cao cấp, có độ dưỡng cao của hãng Tony&Guys Bên cạnh những kiểu tóc cuốn hút dành cho nữ giới, Toni&Guy còn mang đến cho phái mạnh những kiểu tóc khác lạ mà rất nam tính với những điểm nhấn là gọt gáy cao và mái dài hoặc mái vuốt keo, tạo nếp đầy cá tính…

Mỗi người thợ tóc đều có sở trường, sở đoản khác nhau

Anh Philip Phương cho rằng dù 10 người tạo mẫu tóc đều cùng học một trường, một thầy với trường phái cắt tóc, bài bản giống nhau, cùng ra trường thời gian như nhau, nhưng khi ra làm thực tế, thì mỗi người vẫn sẽ có cách cắt khác nhau, không ai giống ai, bởi mỗi người có 1 cái hay riêng, tâm hồn riêng.
Anh Philip Phương tâm sự, “Tôi cắt tóc, có người khen, nhưng vẫn có người chê, vì kiểu cắt của tôi không hợp với họ, nên họ sẽ không bao giờ tìm đến tôi để cắt tóc. Đặc biệt là những người già, 100 người tôi cắt, có được một người khen là may lắm rồi, còn những người trẻ có gương mặt cá tính, tìm đến tôi cắt tóc thì sẽ hài lòng với những tạo mẫu của tôi hơn.”

Anh Philip Phương kể anh có hơn mười mấy năm làm trong tiệm tóc A Nouvoul salon, là tiệm tóc của chủ người Mỹ trắng, chuyên phục vụ khách hạng sang thuộc giới doanh nhân, nghệ sĩ trong khu nhà giàu tại San Francisco hơn 10 năm, trước khi chuyển về vùng Little Saigon vào năm 1999, làm thợ ăn chia khoảng 7 năm tại tiệm Hair Expo ở khu Bolsa và từ 2007 đến nay làm chủ tiệm Bellagio the Salon, tiệm anh có hai thợ ăn chia và hai thợ thuê station.

Nhắc lại thời gian làm trong tiệm A Nouvoul Salon, anh Philip cho biết, “Đây là tiệm cao cấp, chuyên phục vụ khách nhà giàu. Chỉ có tôi là người Việt duy nhất, còn thợ và các nhân viên của tiệm đều là người Mỹ trắng. Thợ làm trong tiệm có hai hình thức là được bao lương và ăn chia 7-3, chủ 7, thợ 3. Tiền Tip thì thợ được giữ nhưng phải trích 10 phần trăm đóng thuế. Chủ 7, thợ 3 là cách ăn chia của hầu hết các tiệm hạng sang do người Mỹ trắng làm chủ.

“Vì những tiệm này, các dịch vụ mà chủ tiệm cung cấp cho khách hàng rất cao, từ các sản phẩm dùng chăm sóc, dưỡng tóc, những bức tranh đắt giá trang trí trong tiệm, ghế ngồi cắt tóc… Thợ chỉ đem đồ nghề đến, còn khi thợ cắt tóc xong, có người quét dọn cho thợ, người thợ chỉ dành thời gian chăm chút mái tóc cho khách hàng.

“Tôi làm tiệm đó hơn 10 năm, nhưng chưa bao giờ thấy State Board vào kiểm tra vệ sinh, vì tiệm quá sạch sẽ và giữ gìn vệ sinh rất kỹ, không có gì để mà kiểm tra hết. Trong tiệm tôi làm lúc bấy giờ, có ba nhân viên chuyên nhận book hẹn của khách, ba người này có mắt nhìn rất tinh tế, biết mỗi người thợ trong tiệm có sở trường cắt cho khách lứa tuổi nào, kiểu dáng nào, nên cứ khách nào vào là họ đưa khách cho thợ đó cắt, sẽ làm cho khách hài lòng.”

Nói về cái khó khăn của một người thợ làm trong tiệm tóc cao cấp, anh Philip Phương cho rằng, “Cái khó là con người, chứ không phải mái tóc đó cắt khó hay dễ. Vì những khách giàu có tính tình rất khó chiều. Nếu họ thích mình, thì họ đưa mình lên trời, dễ thương với mình lắm, tiền tip rất hậu hĩnh, nhiều khi họ đi du lịch ở đâu đó, gọi về tiệm tìm gặp mình để hỏi mình có thích món gì tại nơi họ đang du lịch không, để họ mua tặng cho mình. Nhưng nếu mình có làm sai điều gì đó với họ, họ sẽ trở mặt thành rất đáng sợ với mình. May mắn là tôi chưa bao giờ bị trường hợp này, nhưng làm tại đây hơn 10 năm, nhìn thấy hai lần đồng nghiệp mắc lỗi với khách, khiến khách nổi giận, tôi cũng rất khiếp đảm.”

Vào năm 1999, vì có người em kết nghĩa làm chủ tiệm tóc Hair Expo tại vùng Little Saigon rủ anh về làm trong tiệm, sẵn đang có nỗi buồn vừa kết thúc hôn nhân, nên anh muốn tìm đến vùng đất mới sinh sống.

“Khi về đây, tôi phải làm lại từ đầu, khách của tôi lúc đó chủ yếu là khách walk in. Nhưng thời gian đó tôi rất bi quan, vì kiểu cắt của tôi không hợp với khách hàng chủ yếu là người Việt trung niên và cao niên (đây là số khách walk in vào tiệm) cắt tóc. Khi đó tôi lại không biết cắt bằng tông đơ, vì ở tiệm cũ tôi làm, khách nam chủ yếu là người Mỹ trắng, toàn những người là doanh nhân, cắt tóc cho họ chỉ bằng kéo thôi.

“Dù khi học có học cắt bằng tông đơ, nhưng khi ra làm, chủ yếu là cắt bằng kéo, thành ra không dùng tông đơ hơn chục năm, đến khi về vùng Little Saigon, tôi không biết cắt tóc bằng tông đơ. Nên chỉ dám nhận cắt cho khách nữ, nhưng cũng bị chê, vì mấy khách nữ thường là người già, đâu có thích kiểu cắt của tôi.

“Nản quá, tôi phải tìm đến tiệm Saigon hair and nail (nay tiệm này đã không còn) cũng nằm trên đường Bolsa, ở trong khu nhà hàng Thành Mỹ, để xin học cắt bằng tông đơ, khách vô tôi được chỉ cách sử dụng tông đơ rồi cắt cho khách, sau đó anh chủ của tiệm sửa lại cho khách, rồi chỉ cách cho tôi.”

Anh Philip Phương nói, “May là trong thời gian làm tại tiệm Hair Expo, có một em nữ sinh học lớp 10 đến cắt, thích kiểu cắt của tôi, đã giới thiệu thêm các bạn trong trường trung học đến tôi cắt tóc, nhờ vậy mà tôi có khách quen (em này vẫn theo cắt với tôi từ đó đến nay). Lúc đó tôi mới an tâm tay nghề của mình, chứ trước đó tôi buồn lắm, vì thấy mình cắt ở khu dưới này ai cũng chê hết. Qua đó, tôi nhận thấy muốn làm nghề này, thì phải hiểu cộng đồng khách hàng mà mình phục vụ ra sao để xem mình có phù hợp để phục vụ cho đối tượng khách đó không. Chứ không phải dương dương tự đắc rằng mình từng học trường danh tiếng, làm tiệm hạng sang, thì khách nào cũng khen mình cắt đẹp.”

Theo anh Philip Phương, với mỗi người khác nhau anh thường tìm ra những đặc điểm riêng của họ, như mũi, mắt, gương mặt, khung xương của đầu, chiều dài của cổ và đặc biệt là phong cách của họ để giới thiệu cho họ kiểu tóc phù hợp. Còn với những người làm nghệ thuật như ca sĩ, người mẫu, MC... luôn có một style riêng để bản thân họ tạo sự khác biệt với mọi người. Vì thế mái tóc của họ cũng phải phù hợp với điều đó. Nhưng dù là người bình thường giản dị, hay ca sĩ, nghệ sĩ thì cũng phải làm nổi vẻ đẹp theo kiểu tóc cổ điển hay kiểu fantasy mà họ mong muốn và phù hợp với chính họ, với hoàn cảnh, phong cách và cả vị trí của người đó.

Anh nói anh cũng không phân biệt khách hàng bình dân hay sang trọng, là người nổi tiếng hay bình thường. Với đối tượng khách nào, anh cũng đều tận tâm phục vụ như nhau.

Anh Philip Phương bảo với 30 năm kinh nghiệm trong nghề tóc, anh đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm nhưng chính niềm đam mê, sự tận tâm trong nghề là yếu tố quan trọng giúp anh vươn lên. Bên cạnh đó, anh cảm ơn sự ủng hộ và tin tưởng của khách hàng, đó chính là động lực giúp anh anh phát triển sự nghiệp. Cho đến hôm nay, anh vẫn đang tiếp tục học mỗi ngày để trau dồi nghề nghiệp làm đẹp cho mái tóc của các vị khách tìm đến salon của anh.
(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT