Người Việt Khắp Nơi

Nghệ sĩ Úc gốc Việt dựng lại quá khứ bất toàn của cha mẹ thuyền nhân

Sunday, 18/11/2018 - 09:07:22

Anh giải thích, “Việc trình diễn này không được thiết kế để làm thay đổi thế giới, nhưng tôi muốn khơi mào cho những cuộc hội thoại mới về người tị nạn, diễn ra trong khung cảnh mật thiết, riêng tư giữa người với người.”


Ngô Phương và tác phẩm Colony (kiều dân) tại bảo tàng viện Museum of Contemporary Art. (Janie Barrett/The Age)

MELBOURNE - Anh Ngô Phương là một nghệ sĩ mỹ thuật dưới 40 tuổi, đang có một cuộc triển lãm chung với bảy nghệ sĩ khác tại bảo tàng viện Museum of Contemporary Art tại thành phố Melbourne. Những tác phẩm của Phương gồm nhiều kỷ vật, hình ảnh mà anh thâu thập từ nhiều nguồn khác nhau, để tìm hiểu về quá khứ của cha mẹ anh, khi họ là thuyền nhân và được tỵ nạn tại Úc, nơi anh đã chào đời. Tuy không thể nào trải nghiệm được hết tất cả cảm xúc và hoàn cảnh vượt biên của cha mẹ, nhưng anh vẫn muốn dùng nghệ thuật để mang kinh nghiệm tìm tự do của cha mẹ qua lăng kính của ngày nay. Dưới đây là phần chuyển dịch bài giới thiệu Ngô Phương được nhật báo The Age đăng trên mạng vào ngày 8 tháng 11, 2018, nói về cuộc triển lãm vừa bắt đầu và sẽ kéo dài đến đầu năm sau.
*
Ngô Phương hiểu rằng tái tạo dĩ vãng là một sứ mạng hầu như vô ích. Vào năm 1982, cha mẹ anh phải rời bỏ Việt Nam. Cách đây mấy năm, anh trở lại đảo Pulau Bidong, Mã Lai Á, nơi từng có trại tị nạn mà gia đình anh đã tạm trú trước khi bắt đầu cuộc sống tại Úc Đại Lợi.
Tuy nhiên, mặc dù đến Pulau Bidong với ý định tốt nhất, anh không thể nào nắm bắt được sự thật về kinh nghiệm của cha mẹ.

Ngô Phương nói với The Age, “Tôi nghĩ rằng cách thức dễ nhất để hiểu họ là dò lại hành trình của họ, nhưng đó là một thất bại ê chề do chính tôi gây ra. Tôi trọ tại một khu nghỉ mát và không đi thăm một trại tị nạn nào hết. Tôi đã đến thăm một hòn đảo nhiệt đới. Lẽ ra không đi như vậy thì hay hơn, vì tôi đã tưởng tượng về câu chuyện của họ mà không nhận thấy rằng mình đã xa quá khứ của họ đến mức độ nào.”

Ngô Phương là một trong tám nghệ sĩ trong chương trình triển lãm của của Primavera tại Museum of Contemporary Art (Bảo Tàng Viện Nghệ Thuật Đương Thời, MCA).

Cuộc triển lãm hàng năm này, năm nay do bà Megan Robson thực hiện, đề cao một số tiếng nói mới nhất trong nghệ thuật của nước Úc, trong đó có cả các tác phẩm của Hoda Afshar, Caroline Garcia và Jason Phu.

Ngô Phương chào đời ở Adelaide, tự tả mình là “một đứa trẻ kỳ quặc luôn gặp rắc rối vì ở lại trễ tại phòng tranh.”

Anh học khoa chính trị và nghiên cứu Á Châu, và làm việc trong một thời gian ngắn tại thủ đô Canberra trước khi trở về với nghệ thuật thị giác ở Melbourne. Từ năm 2010, anh tạo dựng một sự nghiệp dựa trên những căng thẳng trong thời niên thiếu xuất phát từ cuộc sống của cộng đồng người Việt hải ngoại.
Tiến trình tạo dựng đó đã cho thấy một khoảng cách trong các nhìn của đời anh và quá khứ của cha mẹ. Quá khứ đó là một phần của lịch sử và được nhắc tới trong những cuộc hội thoại về kinh nghiệm người tị nạn ngày nay. Trong tám năm qua, Ngô Phương đã lắp ráp  TheVietnam Archive Project (Dự Án Lưu Trữ Việt Nam).

Để thực hiện dự án, anh tìm kiếm những kỷ vật từ cuộc chiến Việt Nam trên eBay - bưu thiếp, album ảnh cũ, phim slide được chụp bởi các cựu chiến binh Mỹ. Tác phẩm này tạo khung mới cho một câu chuyện từng được kể lại qua ống kính Tây Phương. Nó cũng phơi bày bản chất giả tưởng của những quan điểm lịch sử.

Ngô Phương nói, “TheVietnam Archive Project là một tiến trình đang diễn ra của công việc thu thập những kỷ vật, và là phần chính của sự thực hành nghệ thuật của tôi - nhiều tác phẩm mà tôi triển lãm đều được khởi đầu từ kho lưu trữ này.”

Anh đã bỏ ra nhiều năm nghiên cứu về những dạng thức thị giác xuất hiện từ kho lưu trữ đó, để khai quật những âm hưởng ẩn khuất, và cho đến nay đã thu thập được hơn 20,000 hình ảnh.

Sang tháng Giêng 2019, anh sẽ dành 10 ngày sống tại MCA, chỉ ăn mía, cơm và sữa đặc để sống - đây là những gì mà cha mẹ anh đã ăn trong cuộc hành trình đến Úc – trong cuộc trình diễn được gọi là Article 14.1. Những người xem anh sống đời thuyền nhân cũng sẽ được mời xếp thuyền giấy origami, trong khi nghe kể về lịch sử truyền miệng của những người tị nạn.

Ngô Phương nói rằng đợt trình diễn 10 ngày này, lấy tên từ bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Quát, và trước đó đã diễn ra ở Melbourne và Bỉ, là một nỗ lực khác để tôn vinh kinh nghiệm của cha mẹ anh. Đó cũng là một nỗ lực nhằm cho khán giả thấy những câu chuyện của tất cả chúng ta được kết nối với nhau như thế nào.

Anh giải thích, “Việc trình diễn này không được thiết kế để làm thay đổi thế giới, nhưng tôi muốn khơi mào cho những cuộc hội thoại mới về người tị nạn, diễn ra trong khung cảnh mật thiết, riêng tư giữa người với người.”

“Cha mẹ tôi có đặt câu hỏi, tại sao người ta lại muốn xem con bị đói? Nhưng tôi thấy những vết thương mà cha mẹ bạn trải qua trở thành một phần trong vết thương của bạn. Khả năng của tôi để làm cho công việc nặng nội dung chính trị này, mà không phải sợ hãi, là điều minh chứng cho việc họ đã liều mạng cho cuộc đời của tôi. Nỗ lực của tôi có thể đã tiềm tàng ự thât bại, nhưng tôi hy vọng đó là một nỗ lực đẹp và thi vị.”

Chương trình Primavera diễn ra tại Museum of Contemporary Art từ ngày 9 tháng 11 cho tới ngày 3 tháng Hai. Article 14.1 sẽ diễn ra từ ngày 14 đến ngày 23 tháng Giêng.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT