Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Nghệ sĩ hát bội Dương Ngọc Bầy

Saturday, 02/08/2014 - 03:05:07

Hát bội là một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Việt Nam được hình thành trên cơ sở ca vũ nhạc và các trò diễn xướng dân gian vốn có từ lâu đời và rất phong phú của dân tộc Việt Nam, gắn liền với văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc, đã được kết tinh qua mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước

Băng Huyền/ Viễn Đông




Hai MC chương trình Y Sa và Lam Phương


 
70 năm đời, 50 năm bảo tồn nghệ thuật Hát Bội

Hát bội là một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Việt Nam được hình thành trên cơ sở ca vũ nhạc và các trò diễn xướng dân gian vốn có từ lâu đời và rất phong phú của dân tộc Việt Nam, gắn liền với văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc, đã được kết tinh qua mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Từ các bậc vua chúa, quần thần cho tới giới nông dân, kẻ chợ, ai cũng đam mê, thích thú những tuồng tích kèm theo hát, nói, và tiếng kèn, nhịp trống, điệu đàn cò (đàn nhị, tiếng trống chầu quen thuộc... kết hợp cùng hình thức vũ đạo, vẽ mặt, sử dụng nhiều thủ pháp ước lệ, khoa trương cách điệu...

Là nghệ thuật sân khấu tự sự, Hát Bội đóng vai trò giáo dục con người rất hiệu quả, đề cao Tam Cang và Ngũ Thường, dạy cho người ta yêu mến những bậc anh hùng, những tấm gương tận trung báo quốc, hiếu với cha mẹ, kính nhường người trên, gia đình thuận thảo, giúp kẻ thế cô, giữ cho trọn đạo làm người: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.


                                     Nghệ sĩ Ngọc Bầy và các nghệ sĩ thân hữu, học viên chào khán giả


Nhưng vì không đáp ứng được trào lưu tiến hóa theo thời đại với lớp khán giả trẻ, những năm gần đây, Hát Bội ngay tại trong nước đã dần dần bị thất truyền mai một, vậy mà ngay tại vùng Little Sài Gòn này vẫn có một nghệ sĩ miệt mài với khát khao lưu truyền lại môn nghệ thuật Hát Bội cổ truyền hiếm quý cho thế hệ con cháu mai sau của dân tộc Việt tại Hoa Kỳ khi bà đến định cư tại đây.

Người nghệ sĩ ấy chính là Dương Ngọc Bầy, là giảng viên dạy hát bội tại trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn từ năm 1964. Sau năm 1975, bà là nghệ sĩ và giảng viên của đoàn Hát Bội Thành Phố Sài Gòn. Đến định cư tại Hoa Kỳ năm 1992, cuối năm 2008, đầu năm 2009 bà dạy lớp hát bội ngay tại Little Saigon, được Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt-Mỹ VAALA bảo trợ cùng với sự tài trợ kinh phí một năm hoạt động của Hội Kennet A Picerne Foundation Artist Outreach Project. Bà vừa kỷ niệm “50 năm bảo tồn nghệ thuật Hát Bội” vào chiều Thứ Bảy, 27-7-2014 tuần qua, tại hội trường L Đình Điểu. Những khán giả yêu Hát Bội và các thân hữu, bạn bè, học trò, thân nhân của nghệ sĩ Dương Ngọc Bầy đã có dịp hội ngộ bên nhau, cùng thưởng thức một số trích đoạn Hát Bội do nghệ sĩ Dương Ngọc Bầy và các học viên câu lạc bộ Hát Bội biểu diễn.


Lớp diễn Trưng Trắc tiễn Thi Sách (trích tuồng Trưng Nữ Vương của Thân văn Nguyễn Văn Qúy) do nghệ sĩ Dương Ngọc Bầy vai Trưng Trắc đằm thắm bên phu quân Thi Sách (học viên Hồ Ngọc Ân)
 



Chương trình giàu màu sắc

Để mở đầu chương trình, trong tiếng trống đổ liên hồi làm náo nức rộn rã lòng người, các học viên Trần Ý Thu, Bội Phương, Hồng Nga và Hạnh Dung đã thể hiện tiết mục “Múa Tứ Thiên Vương”, đây là 1 trong 6 nghi thức của nghi lễ Đại Bội, là một nghi lễ quan trọng và hấp dẫn nhất trong các dịp cúng đình, miễu, lăng tẩm v.v... tại Việt Nam. Nội dung của nghi thức “Tứ Thiên Vương” nhằm giới thiệu bốn vị Thiên Tướng là “Tứ Trụ Thiên thần”, trấn bốn cửa trời (Đông, Tây, Nam, Bắc ) để điều hòa sấm, nước, lửa, gió. Bốn vị vâng lệnh Thượng Đế xuống chúc cho dân giàu, nước mạnh, thịnh vượng, thọ trường... Tiết mục này là những vũ đạo căn bản trong nghệ thuật hát bội, không có hát, mà chỉ có múa, các điệu múa nhằm diễn tả những chuyển động biến dịch để sanh ra “Bát Quái”.

Sau phần mở đầu màu sắc, trích đoạn “Điêu Thuyền Bái Nguyệt” (của Ông Thân Văn Nguyễn Văn Quí) qua phần trình diễn của nghệ sĩ Dương Ngọc Bầy và học viên Trần Tường Nguyên, đã đem lại nhiều thích thú cho người xem. Dù nghệ sĩ Dương Ngọc Bầy đã qua tuổi thanh xuân, nhưng khi hóa thân vào vai Điêu Thuyền- một dưỡng nữ của quan Tư Đồ Vương Doãn, một mỹ nữ trẻ trung kiều diễm, một sắc nước hương trời lộng lẫy, khán giả dường như đã quên đi những hạn chế về hình thể, đã xúc động khi xem bà diễn thật “xuất thần”, uyển chuyển từ cách thể hiện tâm trạng đến lối trình diễn từng động tác đi đứng, vung tay, từng ánh mắt, nụ cười, lời nói, lời ca được bà thể hiện khá tinh tế, như bị chính vai diễn này nhập vào hồn. Nhất là lớp diễn sau khi nghe mưu lược mỹ nhân kế của Vương Tư Đồ, Điêu Thuyền than thân, “Thân con phận gái hai chồng”. Hai tiếng “hai chồng” được nghệ sĩ Dương Ngọc Bầy nói ngắt quãng và nhỏ giọng xuống, như muốn gượng nhẹ, khỏa lấp đi nỗi đau khổ trong lòng, để bằng lòng “sớm Lữ Bố, tối Đổng Công”, hy sinh tấm thân ngọc ngà, mặc tình cho cha con kẻ háo sắc dày vò, hoàn thành sứ mạng cứu lấy non sông.



Nghệ sĩ Dương ngọc Bầy và học viên Thanh Long (vai Nguyễn Trung Trực) qua trích đoạn Nguyễn Trung Trực tòng quân (do Dương Ngọc Bầy và Hồ Ngọc Ân sáng tác)


Phối hợp cùng nghệ sĩ Dương Ngọc Bầy, học viên Trần Tường Nguyên dẫu chỉ mới học Hát Bội với bà từ cuối năm 2008 đầu năm 2009, anh cũng chỉ có cơ hội tham gia diễn những suất hát ít ỏi trong suốt thời gian qua, nhưng tài hóa thân của anh vào vai Tư Đồ Vương Doãn khá tốt. Ánh mắt đầy thần sắc, giọng nói sang sảng uy nghi, từng động tác của Vương Tư Đồ được anh diễn tả khiến người xem như bị hớp hồn, bởi tài hóa thân của anh. Anh đã cho mọi người nhìn thấy ý thức học hỏi, rèn luyện của anh dành cho Hát Bội với một tình yêu đầy trân trọng.

Thầy trò Dương Ngọc Bầy và Trần Tường Nguyên còn đem lại thích thú cho khán giả khi cả hai cùng phối hợp qua trích đoạn “Lưu Kim Đính đại chiến Dư Hồng” (của soạn giả Huỳnh Hữu Hạnh). Kết hợp với các hóa trang đầy ấn tượng qua phần tạo hình nhân vật Dư Hồng với bộ mặt vằn vện, hai con mắt “ốc nhồi” do chính anh tự hóa trang, Trần Tường Nguyên đã tạo ra một Dư Hồng hung bạo nhưng cũng đầy tính hài hước với những bước đi hơi cường điệu, ngúng nguẩy... Còn nghệ sĩ Dương Ngọc Bày đã thoát khỏi vai Điêu Thuyền yểu điệu, trong hóa thân vào Lưu Kim Đính, với phong cách diễn oai phong, bộ tịch uy nghi tự nhiên, bà thể hiện một Lưu Kim Đính nữ tướng thật oai phong từ những vũ đạo Hát Bội, từ ánh mắt nhìn, từ giọng nói đầy sinh lực.




Trích đoạn “Điêu Thuyền Bái Nguyệt” (của Ông Thân Văn Nguyễn Văn Quí) qua phần trình diễn của nghệ sĩ Dương Ngọc Bầy (Điêu Thuyền) và học viên Trần Tường Nguyên (Tư Đồ Vương Doãn)



Khi bà vào vai Trưng Trắc trong lớp diễn Trưng Trắc tiễn Thi Sách (Trích tuồng Trưng Nữ Vương của Thân Văn Nguyễn Văn Quý) bà thể hiện một Trưng Trắc thật đằm thắm bên phu quân Thi Sách (học viên Hồ Ngọc Ân) của mình. Các điệu bộ như cách đưa tay, mọi động tác di chuyển đều nhịp nhàng theo nhịp đàn, bước chân đi khoan thai, chậm rãi theo từng nhịp trống, với giọng ca đầy tình cảm. Và khi bà thể hiện vai người mẹ của Nguyễn Trung Trực qua trích đoạn Nguyễn Trung Trực tòng quân (do Dương Ngọc Bầy và Hồ Ngọc Ân sáng tác) diễn cùng các học viên Thanh Long (vai Nguyễn Trung Trực), Hồng Nga, Hạnh Dung, Bội Phương, Trần Ý Thu, với những bước đi chậm, lưng còng, bà thể hiện thật tròn vai một người mẹ già nua, giàu tình thương dành cho người con trai, không muốn tuổi già của mình làm vướng bận khát vọng ra đi vì nghiệp lớn chống thực dân Pháp, cứu quê hương của Nguyễn Trung Trực.

Dẫu đã bước sang tuổi 70, đã không còn ở phong độ tốt nhất trong nghề, nhưng qua những vai diễn mà bà đã hóa thân, nghệ sĩ Dương Ngọc Bầy đã để lại ấn tượng tốt nơi khán giả về tài năng của mình đối với nghề.



 Nghệ sĩ Dương Ngọc Bầy thể hiện vai người mẹ của Nguyễn Trung Trực qua trích đoạn Nguyễn Trung Trực tòng quân (do Dương Ngọc Bầy và Hồ Ngọc Ân sáng tác)

Ngoài những trích đoạn trên còn có màn múa Ngũ hành do các học viên Bội Phương, Ý Thu, Hạnh Dung, Hồng Nga và Thanh Long biểu diễn. Màn múa này là nghi thức thứ năm trong 6 nghi thức của Lễ Đại Bộ. Học viên Hạnh Dung thể hiện tiểu phẩm “Tiểu thơ dạo cảnh mùa xuân”. Những nghệ sĩ cải lương thân hữu của câu lạc bộ Hát Bội như Bách Thanh, Huỳnh Đạt, Hồng Hạnh, Kim Hoa- Minh Hiền, Trường Giang, Ái Liên, Thành Nhân... giúp vui trong chương trình những bài tân cổ, vọng cổ với tiếng đàn guitare của Ngọc Thanh, đàn sến Trần Khải. Chương trình được dẫn dắt bởi 2 MC Lê Đình Y Sa và Lam Phương.

Buổi diễn còn nhiều thiếu sót

Chương trình đã để lại tiếc nuối cho khán giả yêu Hát Bội, là chương trình kỷ niệm chặng đường 50 năm của người nghệ sĩ, lẽ ra phải hoàn thiện hơn, vì sẽ đâu còn cơ hội để kỷ niệm “50 năm nữa” như lời tâm sự của nghệ sĩ Dương Ngọc Bầy bày tỏ lý do thực hiện chương trình lần này.

Hát Bội có nhiều yếu tố nghệ thuật tham gia, trong đó âm nhạc giữ một vai trò hết sức quan trọng. “Ngoài việc đệm cho hát, cho múa, cho các hiệu quả sân khấu như phong ba bão tố, chiến trận sa trường, đăng đàn bái tướng, âm nhạc trong sân khấu tuồng còn thể hiện tình cảm nhân vật trong các lớp diễn không lời và còn làm cầu nối của thế giới nội tâm nhân vật tới khán giả”. Dàn nhạc của Hát Bội gồm có bộ gõ (trống, thanh la, mõ...), bộ hơi (kèn, sáo, chủ yếu là kèn), bộ dây (nhị, cò, hồ, đại, tiểu...) và bộ gảy (tam, tứ, nguyệt...). Điểm độc đáo của Hát Bội còn có người cầm chầu. Từng âm thanh roi chầu phát ra đều có quy tắc hẳn hoi, tiếng trống chầu trên sân khấu hát bội như một chiếc cầu nối đặc biệt giữa khán giả và diễn viên, là tín hiệu về sự tham gia trực tiếp của người thưởng thức để định giá nghệ thuật. Hát hay thì người cầm chầu sẽ đánh “thùng... thùng” để khen thưởng; hát sai, hát cương hoặc múa không đẹp thì người cầm chầu gõ dùi trống vào thành phát ra âm thanh “cắc... cắc” khiển trách. Trước một thực tế vì điều kiện hạn chế tại hải ngoại, người am hiểu Hát Bội để cầm chầu có lẽ rất khan hiếm, nên trong buổi diễn thiếu tiếng Trống Chầu. Và cũng vì những hạn chế khó có thể có một ban nhạc live cho nghệ sĩ diễn các trích đoạn, nên ban tổ chức đã sử dụng các băng dĩa thâu sẵn. Tuy nhiên do không có một đạo diễn cho chương trình, thiếu sự tập dợt trước giữa người điều khiển âm thanh và nghệ sĩ, nên khi tiết mục bắt đầu, người điều khiển âm thanh thường xuyên lúng túng không biết bật đĩa nào cho các nghệ sĩ diễn, chưa kể phần âm thanh lúc to, lúc nhỏ, khiến nghệ sĩ Dương Ngọc Bầy và các học viên đôi chỗ bị bối rối tạm ngưng, hoặc có lúc nghệ sĩ diễn “chay” không âm nhạc phụ họa, khiến mạch cảm xúc của diễn viên và khán giả cũng gián đoạn nhiều lần.



Nghệ sĩ Dương Ngọc Bầy trong vai Lưu Kim Đính, trích đoạn “Lưu Kim Đính Đại Chiến Dư Hồng” (soạn giả Huỳnh Hữu Hạnh).

Một trong những động tác khó của nghệ thuật tuồng là đi hia. Khác với những loại giày khác, đôi hia của Hát Bội có thân đế cao, mặt đế hẹp, dáng đế vuốt theo dáng mũi thuyền. Kỹ thuật đi hia tuy đơn giản nhưng để bước đi được trên đôi hia đó và biểu diễn các động tác vũ đạo thuần thục, đẹp mắt không phải là điều dễ dàng. Trong màn múa tái hiện lại nghi lễ đại bội do các học viên của câu lạc bộ Hát Bội thể hiện, nguyên thủy của màn múa này, nghệ sĩ phải đi hia, nhưng các nữ học viên mang giày cao gót hiện đại bên dưới trang phục Hát Bội. Còn nam học viên thì mang giầy boot. Những động tác vũ đạo của các học viên đem lại cảm giác múa minh họa hơn là múa vũ đạo Hát Bội.


Học viên Trần Tường Nguyên trong vai Dư Hồng trích đoạn “Lưu Kim Đính Đại Chiến Dư Hồng” (soạn giả Huỳnh Hữu Hạnh).


Thật ra cũng khó mà đòi hỏi cao với các học viên, vì kỹ năng diễn vũ đạo Hát Bội là những khổ luyện đòi hỏi tập luyện rất nhiều năm, còn các học viên của câu lạc bộ Hát Bội chỉ vì yêu nghệ thuật này mà ghi danh theo học, thời gian tập luyện, trình diễn rất ít ỏi vì họ còn bận công việc mưu sinh lo cho đời sống. Các buổi diễn của câu lạc bộ cũng toàn diễn không bán vé, khán giả đến xem cũng không nhiều, vì lối hành văn trong các vở Hát Bội thường theo thể biền ngẫu, mỗi câu mỗi chữ phải đối nhau, dùng nhiều từ Hán Việt và điển tích nên rất khó hiểu, chưa kể để hiểu hết ngôn ngữ ước lệ mang tính biểu trưng của Hát Bội qua từng độc tác vũ đạo, vẽ mặt... là cả một nghệ thuật. Nếu không hiểu thì không thể nào ưa thích được. Rõ ràng triển vọng của loại hình sân khấu cổ điển này vẫn không thấy sáng sủa. Tình yêu với Hát Bội và ước muốn bảo tồn và phát huy nghệ thuật này nơi hải ngoại của nghệ sĩ Dương Ngọc Bầy thật quý vô cùng, nhưng bảo tồn nghệ thuật này bằng cách giữ cho được sự chuẩn mực của nghệ thuật ca diễn, vẫn sẽ khó mà thực hiện được, đây là điều mà nhiều người yêu Hát Bội không khỏi ngậm ngùi. (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT