Đời Sống Việt

Nghệ sĩ gắn bó với môi trường qua nghệ thuật

Bạch Vân/Viễn Đông Monday, 24/10/2011 - 08:22:23

Bà Yolanda Gutiérrez thuộc về một nhóm đang đông dần, qui tụ nhiều nghệ sĩ về môi trường sinh thái, tìm cách biến đổi những thế giới của mình thông qua nghệ thuật.

Bạch Vân/Viễn Đông


Dự án “Santuario” của nghệ sĩ Yolanda Gutiérrez dựng lại những tổ chim
trên đảo Cozumel - nguồn ảnh: Greenmuseum.org

COZUMEL, Mexico – Bà Yolanda Gutiérrez thuộc về một nhóm đang đông dần, qui tụ nhiều nghệ sĩ về môi trường sinh thái, tìm cách biến đổi những thế giới của mình thông qua nghệ thuật. Những nghệ sĩ ấy xuất hiện khắp nơi trên thế giới, tìm kiếm phương thức và ra sức làm thay đổi những vấn đề môi trường, mà họ cảm thấy không hài lòng, xoay quanh nơi sinh sống của các động vật hoang dã, thiên nhiên và đời sống đô thị. Nhưng họ cũng ca ngợi thế giới trong đó họ sinh sống, trân trọng vẻ đẹp của thế giới, và sử dụng tài năng của mình để ca ngợi nó.
Các nghệ sĩ sử dụng những gì có chung quanh họ, để gởi đi những sứ điệp cho khán thính giả. Chẳng hạn, bà Gutiérrez dùng vỏ nghêu sò và những vật liệu hữu cơ khác mà bà tìm ra được tại những địa điểm nơi bà làm việc. Tuy nhiên, bà cũng làm việc trong xưởng vẽ, thường sử dụng những chất liệu thiên nhiên để diễn đạt các chủ đề và những huyền thoại về miền duyên hải của Cozumel.
Từ năm 1995, một trong những dự án chính yếu của bà Gutiérrez đã được khởi hứng bởi một khu bảo tồn động vật hoang dã trên hòn đảo Cozumel. Sau khi hai trận bão lớn ập vào khu vực này, bà đã hợp tác với các nhà sinh vật học của Bộ Nội Vụ Mexico, để tạo ra những tổ chim dành cho những loài chim đã bỏ đảo bay đi, vì chúng bị mất nơi nương thân. Dự án tổ chim của bà Gutiérrez, được gọi là “Sanctuario” (trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là chốn náu nương), nhằm đem những con chim đã bỏ đi trở về lại trên hòn đảo.
Mặc dù thăm dò những vấn đề liên quan tới hòn đảo quê hương của mình, bà Gutiérrez cũng mô tả những vấn đề liên quan tới thế giới thiên nhiên rộng lớn hơn. Một tác phẩm nổi tiếng khác của bà – được gọi là “Umbral”, có nghĩa là ngưỡng cửa trong tiếng Tây Ban Nha – là một sự sắp xếp những mảnh xương hàm của trâu bò, làm cho chúng trông giống như những con chim đang bay. Trang mạng Greenmuseum.org trích dẫn lại lời bà nói: “Một chu kỳ mới của sự sống xuất hiện từ sự chết của một chu kỳ khác. Cái chết không phải là tận cùng, nhưng là sự chuyển tiếp từ một đời sống sang một đời sống kế tiếp”.

* Nghệ thuật nắm bắt sự chuyển tiếp
Từ thập niên 1980, nghệ sĩ thiên nhiên Hee-joon Kang của Nam Hàn sáng tác nghệ thuật thiên nhiên, tạo ra tác phẩm bằng chính thân thể của ông, khi ông tương tác với thiên nhiên chúng quanh mình. Chẳng hạn, ông nấp dưới cỏ cao, kéo những đồ vật đi trên những bãi biển, để lại những dấu vết trên cát, hoặc đặt những cây cọ ở bên ngoài để cho gió có thể tạo ra những những bức tranh riêng của gió.
Trang mạng Greenmuseum.org trích dẫn lời ông nói: “Tôi hết sức quan tâm đến những vật thể nhỏ nhoi, tinh tế từ thiên nhiên, mà bình thường thì người ta không nhận ra được. Tôi đọc thấy những vần thơ thiêng liêng trong thiên nhiên”.
Ông Kang không sáng tạo nhiều cho bằng hỗ trợ thiên nhiên trong việc sáng tạo. Tác phẩm của ông gợi ý rằng mỗi người đều tác động lên thiên nhiên trong mọi việc họ làm.
Những tác phẩm riêng của ông, như “Vẽ”, “Mùa Thu”, hoặc “Mùa Đông” xóa mờ đi những đường ranh giới giữa họa sĩ và những mùa đang trôi qua, khi ông dùng giấy, dùng những chùm gai và đất, xoa phết lên những gốc cây, để làm hiển lộ vẻ đẹp mà ông nhìn thấy trong thiên nhiên, trong khi nhiều người chỉ coi là thường.
Ông Kang chia công trình nghệ thuật của ông ra làm 3 khái niệm khác nhau. Khái niệm thứ nhất sử dụng những chất liệu thiên nhiên, như gỗ và cỏ, để vẽ ra những đường nét, “vì mỗi chất liệu tự nhiên đều có đường nét riêng biệt độc đáo của nó”, ông nói như vậy. Trong khái niệm thứ nhì của ông, ông pha trộn những thứ đất khác nhau với nước, làm cho đất nhão ấy khô đi, để lộ ra những vết nứt tự nhiên. Khái niệm thứ ba liên quan tới việc khắc họa những hình thù và bóng mờ của những vật thể thiên nhiên với chi tiết và tính cách tinh diệu tế vi.
Ông Kang nói: “Những chất liệu thiên nhiên trở thành động lực trong tác phẩm của tôi”.


Tác phẩm “Mùa Hè” của nghệ sĩ Hee-joon Kang ở Ssuk Seom,
Nam Hàn, năm 1993 - nguồn ảnh: Greenmuseum.org

* Thiếu chất liệu thiên nhiên để làm động lực

Tupac Shakur, cố diễn viên và ca sĩ nhạc rap, thường được gọi tên là 2 Pac, đã lên tiếng phê phán môi trường đô thị chung quanh mình, cũng như phê bình nước Mỹ nói chung, trong phần lớn âm nhạc của ông.
Trong ca khúc “Panther Power” (Quyền lực của loài báo), trong album nhạc Resurrection (Phục Sinh) được công bố năm 2003 sau khi ông từ trần, ông gọi Giấc Mơ Mỹ là một âm mưu, vì nó hứa hẹn tự do, giáo dục và bình đẳng, nhưng lại không cho ông và tổ tiên của ông những điều ấy, mà chỉ đem lại chế độ nô lệ mà thôi. Ông hát những câu nhạc rap: “Giấc Mơ Mỹ là cơn ác mộng Mỹ. Ngươi đè chúng tôi [người Mỹ gốc Phi Châu] xuống và không chịu đấu một cách công bằng”.
Ca sĩ 2 Pac nói thêm rằng chính phủ Hoa Kỳ đã sử dụng sự ngu dốt và những chất gây nghiện để ngăn chặn không cho những người Mỹ gốc Phi Châu đạt được thành công. Ông hát rap tiếp rằng mẹ ông chưa bao giờ để cho ông quên đi những sự kiện chung quanh lịch sử tổ tiên của ông tại Hoa Kỳ, tước đoạt họ khỏi nền văn hóa và môi trường Phi Châu. Ông cất giọng hát: “Thời gian đã trôi qua, dường như người ta lãng quên hết mọi chuyện”. Ông nhắc cho các thính giả của mình, đặc biệt những người Mỹ gốc Phi Châu, đừng cảm thấy quá thoải mái trong môi trường Mỹ của họ. “Không có tự do cho bạn và cho tôi, chúng ta chưa được tự do đâu nhé”.
Rốt cuộc 2 Pac kêu gọi tạo ra một sự thay đổi trong cái môi trường được gọi là chính phủ Hoa Kỳ, và thúc giục những người da đen hãy nhớ đến vẻ đẹp của mình, và suy nghĩ về môi trường Phi Châu là nơi từ đó họ ra đi.

* Ý tưởng để suy gẫm
Cộng đồng có thể dùng nghệ thuật như thế nào để biến cải môi trường chung quanh mình? - (BV)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT