Văn Nghệ

Nghệ sĩ cải lương Thanh Vũ và ước mơ nghệ thuật

Friday, 11/01/2019 - 07:34:51

Khi buồn, anh lại ngân nga hát những bản vọng cổ. Bà xã của Thanh Vũ dù không phải là nghệ sĩ, nhưng luôn ủng hộ chồng. Con trai lớn của anh sinh ra tại Mỹ nhưng nói tiếng Việt rất giỏi, rất mê nghe cải lương, gia đình rất ý thức việc giữ tiếng Việt cho con, để con tiếp tục nghe ba hát cải lương.

Từ trái qua, nghệ sĩ Bình Trang trong vai công chúa Tây Sơn, Thanh Vũ (vai Vũ Văn Nhậm) trong trích đoạn cải lương Mặt Trời Đêm Thế Kỷ. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Bài BĂNG HUYỀN

Nghệ sĩ Thanh Vũ là một trong những nghệ sĩ cải lương vẫn kiên trì gắn bó với sàn diễn tại hải ngoại mỗi khi có bầu show tổ chức những show diễn cải lương hiếm hoi. Dù công việc chính để mưu sinh và nuôi gia đình của anh không liên quan gì đến nghệ thuật cải lương, nhưng mỗi khi có dịp được mời tham gia một vai diễn trong một vở cải lương, anh đều siêng năng luyện tập để cống hiến tài năng của mình cho khán giả.


Từ trái qua, nghệ sĩ Đăng Linh (vai Nguyễn Huệ), Thanh Vũ (vai Vũ Văn Nhậm) trong trích đoạn cải lương Mặt Trời Đêm Thế Kỷ. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Nghệ sĩ Thanh Vũ có gương mặt điển trai, rất “sáng sân khấu.” cùng chất giọng ngọt ngào thu hút người nghe. Anh có một làn hơi rất khỏe, chất giọng trong sáng, khá bay bướm, lại rõ chữ tròn vành. Anh ca khá truyền cảm, ngọt ngào, đầy hương vị của vọng cổ miền Nam, và rất thuần chất âm điệu ca ngâm trầm bổng, làn hơi chất giọng phảng phất và thấm đậm trong tình tri âm của giới mộ điệu.

Chất giọng của nghệ sĩ Thanh Vũ là giọng “Đồng.” Kỹ thuật ca ngâm của Thanh Vũ nhờ được học hành bài bản, nên kỹ thuật anh ngân nga, nhấn nhá khá độc đáo. Khi nhân vật, hay tình huống bi ai, sầu não thì anh trầm giọng, làm cho âm điệu ca ngâm trầm lắng, đượm buồn, mùi mẫn, êm dịu.


Nghệ sĩ Bình Trang trong vai Lê Thị Trường An và Thanh Vũ trong vai Lê Long Hồ trong buổi tập trích đoạn vở cải lương Tuyệt Tình Ca. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Bước đầu chập chững học nghề

Kể lại mối duyên gắn bó với cải lương, nghệ sĩ Thanh Vũ cho biết anh sinh ra và lớn lên trong gia đình mà cả hai bên nội ngoại đều là yêu thích cải lương, nên 7, 8 tuổi đầu, cậu bé Thanh Vũ đã biết thưởng thức cải lương và rất mê nghệ sĩ Giang Châu, khi nghe những tuồng hát có nghệ sĩ Giang Châu ca như “Tiếng Hò Sông Hậu” trên radio.

Khi có đoàn hát về quê Bến Tre, nơi gia đình Thanh Vũ sống lúc đó, sát bên Chợ Mới, có những đoàn hát như Bến Tre, Hương Dừa, Hương Mùa Thu về diễn, Thanh Vũ mê lắm, thường chui vô ổ chó để vào rạp để xem. Vì nhà sát với chợ Mới, gần ngay điểm diễn, nhà rộng, nên gia đình Thanh Vũ lúc ấy thường mời các nghệ sĩ vào ở trong nhà miễn phí. Nhờ các nghệ sĩ ở chung trong nhà, nên Thanh Vũ càng say mê nghề hát nhiều hơn. Bồi đắp trong lòng cậu bé Thanh Vũ ngày ấy ước vọng - được trở thành một nghệ sĩ cải lương.

Năm Thanh Vũ lên 11 tuổi, năm 1983, gia đình anh chuyển lên sống ở Sài Gòn, để má anh tiện việc buôn bán, chăm lo cho gia đình, vì khi đó ba của Thanh Vũ, là một quân nhân VNCH, vừa đi tù cải tạo về.


Nghệ sĩ Thanh Vũ (đứng giữa) trong trích đoạn cải lương Tuyệt Tình Ca. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Năm anh 12 tuổi, biết con yêu thích cải lương, ba má đã âm thầm hỏi tìm thầy cho con học. Người thầy đó là nhạc sĩ Út Trong, một trong những người mở lò dạy ca cổ tại gia rất hiệu quả, ông đã góp phần đào tạo một đội ngũ nghệ sĩ tài năng của sân khấu cải lương như: cố nghệ sĩ Thanh Nga, Bảo Quốc, Thanh Tuấn, Ngân Huệ, Kim Tử Long, Thanh Hằng, Ngọc Huyền...

Ban ngày Thanh Vũ đi học chữ, chiều tối thứ Hai, Tư, Sáu từ 6 giờ đến 9 giờ, Thanh Vũ đến học ca với nhạc sĩ Út Trong. Anh nói khi đó, anh mê học lắm, không bỏ ngày nào hết. Học văn hóa thì có trốn học, chứ học ca cải lương thì không bao giờ. Khi mới học được một thời gian ngắn, các bài bản hò, xự, xang, xê, cống, và những bản vắn đã được Thanh Vũ ca vững vàng, chắc nhịp.

Nhờ anh có năng khiếu, lại rất yêu thích, nên anh học bài bản rất nhanh. Đảo ngũ cung 64 câu, mà Thanh Vũ chỉ học trong vòng 1 tuần là thuộc làu. Một năm sau, khi Thanh Vũ mới 13 tuổi, không muốn tài năng của anh bị lãng phí nên nhạc sĩ Út Trong đã đưa Thanh Vũ đến hát tài tử cải lương vào ngày thứ tư, giữa tháng, giao lưu với các nghệ sĩ ca tài tử nổi tiếng như cô Tư Ngọc Ánh, nghệ sĩ Phương Quang, Quốc Hòa… Lúc đó, lớp xàng xê 20 câu lớp xề, đã được thầy dạy trước đó, là dịp Thanh Vũ phô diễn tài năng của mình trong lần giao lưu đầu tiên, đã nhận được lời ngợi khen của những nghệ sĩ tiền bối.

Thời gian từ 12 tuổi đến 16 tuổi theo học với nhạc sĩ Út Trong, Thanh Vũ đã nắm vững những bài bản tổ cải lương, những bài quảng… Trong số 140 bài bản nhỏ, nhưng thường các soạn giả của sân khấu cải lương chỉ sử dụng khoảng 60- 70 bản nhỏ mà thôi, Thanh Vũ nắm vững những bài cần thiết mà sân khấu thường hay sử dụng.


Từ trái qua, nghệ sĩ Bình Trang trong vai công chúa Tây Sơn, Thanh Vũ (vai Vũ Văn Nhậm) trong trích đoạn cải lương Mặt Trời Đêm Thế Kỷ. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Thầy còn dạy cho Thanh Vũ phong cách diễn trên sân khấu, hóa thân vào nhân vật. Suốt thời gian học ca, thầy Út Trong thường cho Thanh Vũ “hành” bằng việc sinh hoạt ca tài tử cải lương với các nghệ sĩ tài tử cải lương giỏi nghề, anh còn được thầy thường xuyên cho ra sân khấu tại quận 8 Phạm Thế Hiển, để hát những trích đoạn cải lương với các bạn học khác, giúp anh trở nên dạn dĩ trên sân khấu.

Nghệ thuật ca ngâm của nghệ thuật cải lương

Nghệ sĩ Thanh Vũ nói, vì nghệ thuật sân khấu cải lương là một loại hình sân khấu ca kịch. Nên một nghệ sĩ cải lương không những phải biết diễn, mà còn phải biết ca hát. Âm nhạc cải lương có nguồn gốc từ nền âm nhạc truyền thống Việt Nam. trong quá trình phát triển, âm nhạc Cải Lương còn tiếp nhận thêm những giai điệu mới cho phù hợp với những tình tiết trong kịch bản. Lịch sử hình thành và phát triển của nghệ thuật cải lương luôn gắn liền với những trào lưu âm nhạc dân tộc dân gian.


Nghệ sĩ Bình Trang trong vai Lê Thị Trường An và Thanh Vũ trong vai Lê Long Hồ trong buổi tập trích đoạn vở cải lương Tuyệt Tình Ca (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Từ những hiểu biết của mình, nghệ sĩ Thanh Vũ chia sẻ, “Âm nhạc của cải lương hoàn toàn chỉ là những bài nhạc có sẵn, được các soạn giả lựa chọn, sau đó đổi lời, sắp xếp để tạo nên kịch bản. Tùy theo tâm trạng, tính cách nhân vật mà soạn giả đặt bài ca, một tuồng cải lương có những bài bản vắn, những câu vọng cổ rất mùi. Để miêu tả tình tiết hay tâm trạng nhân vật vui vẻ, sẽ có những bài bản như Khốc Hoàng Thiên; Xang Xừ Líu; Đăng Sơn Lãm Thuỷ; Ánh Nắng; Ánh Trăng,...

Để miêu tả tình tiết hay tâm trạng nhân vật buồn, sẽ là những bài bản Phụng Hoàng (8 câu – 12 câu); Nam Ai; Nam Ai (mái); Trường Tương Tư; Tứ Đại Oán; Song Cước; Hoài Tình; Lý Giao Duyên. Khi giận dữ có Xàng Xê; Ngựa Ô Bắc. Còn với câu vọng cổ, được xem là “Bà Chúa của cải lương.” Vì vậy các soạn giả luôn kỹ lưỡng khi lựa chọn thời điểm thích hợp để “đưa” bài vọng cổ vào. Và trước khi “vô” vọng cổ phải có “bài dẫn” (nói lối, rao Nam, rao Bắc, hay các bài bản vắn). Những vở tuồng cải lương của những soạn giả tài danh ngày xưa thường thì những bài bản vắn được đưa vào “dẫn” cho vọng cổ là Hướng Mã Hồi Thành; Phong Nguyệt; Thủ Phong Nguyệt.

Do đòi hỏi của những tình tiết khác nhau trong kịch bản, những trạng thái tâm lý khác nhau của nhân vật, ngoài những bản nhạc chủ lực, trong quá trình phát triển, nghệ thuật cải lương còn du nhập thêm những làn điệu dân ca khác có sẵn trong dân gian để diễn tả. Đã có rất nhiều làn điệu dân ca được cải lương du nhập, nhưng phổ biến nhất vẫn là ba hình thức dân ca Nam bộ, đó là hò Nam bộ, lý Nam bộ và Nói thơ.


Nghệ sĩ Thanh Vũ (bìa trái) trong vai Lê Long Hồ trong trích đoạn cải lương Tuyệt Tình Ca. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp

Nhớ lại bước ngoặt lớn đưa Thanh Vũ trở thành kép hát, đi lưu diễn theo đoàn cải lương Cao Văn Lầu một thời gian, trước khi anh sang định cư tại Hoa Kỳ cùng gia đình, theo diện H.0 của ba, vào cuối năm 1992.
Nghệ sĩ Thanh Vũ kể, “Mãi đến năm 1987, Hội Sân Khấu Thành Phố tại Sài Gòn có tổ chức Cuộc Thi Tuyển Lựa Tài Năng Mới, Thanh Vũ mạnh dạn ghi danh để thi, Thanh Vũ đã lọt được vào vòng chung kết, và chờ vài hôm nữa để thi xếp hạng. Ngày thi bán kết hôm Thanh Vũ thi, có ông trưởng đoàn cải lương Cao Văn Lầu, là chú Trần Anh Đạo đến xem. Thấy Thanh Vũ ca được quá, chú bèn ngỏ ý mời Thanh Vũ về đoàn, khi đó đoàn đang lưu diễn tại Bà Rịa Vũng Tàu, lúc này Thanh Vũ đang học lớp 11. Thanh Vũ bèn bỏ trận thi chung kết, bỏ luôn việc học phổ thông, đi theo đoàn luôn.”

Giải thích việc liều lĩnh này, nghệ sĩ Thanh Vũ cho rằng, anh được ông trưởng đoàn thuyết phục các thí sinh dự thi ai ca cũng hay hết, Thanh Vũ chưa chắc được giải cao nhất. Nhưng nếu muốn tiến thân theo nghiệp diễn chuyên nghiệp, thì hãy đi theo đoàn, có các anh chị em nghệ sĩ trong đoàn hướng dẫn thêm, được diễn trên sân khấu hằng đêm để rèn nghề, thì cơ hội đó không dễ gì có.


Từ trái qua, nghệ sĩ Đăng Linh (vai Nguyễn Huệ), Thanh Vũ (vai Vũ Văn Nhậm) trong trích đoạn cải lương Mặt Trời Đêm Thế Kỷ. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Nghệ sĩ Thanh Vũ cho biết vào tối khuya ngày hôm anh đi theo trưởng đoàn tới nơi đoàn Cao Văn Lầu đang đóng quân, là vào khoảng tháng 11 năm 1987. Cùng đi với Thanh Vũ còn có thêm hai cô đào, cũng là thí sinh dự thi cuộc thi đó, quyết định gia nhập đoàn. Hồi đầu đến đoàn, Thanh Vũ được ngồi xem các nghệ sĩ trong đoàn diễn. Lần lên sân khấu đầu tiên, anh được vào vai phụ, ca một màn, trong vai một vị thần của một vở tuồng cổ trang. Nhờ vẻ ngoài của Thanh Vũ rất sáng sân khấu, nên sau đêm diễn đó, trưởng đoàn cho Thanh Vũ vào vai kép ba, vai thái tử con trai của hoàng đế trong vở cải lương Hoàng Đế Cô Độc.
Nghệ sĩ Thanh Vũ tâm sự, “Khi Thanh Vũ vừa về đoàn, nghệ sĩ Minh Vương cũng vừa mãn hợp đồng sáu tháng với đoàn. Thành ra Vũ tiếc quá chừng, không có cơ hội làm việc chung và học nghề với anh. Bên đào hát thì có nghệ sĩ Hương Chung Thủy (Con gái duy nhất của nghệ sĩ Văn Chung với nghệ sĩ Thanh Hương), nhưng hai tháng sau, chị cũng hết hợp đồng để đi đoàn khác. Đoàn diễn tại Bà Rịa một thời gian, đêm cuối dọn đi, khi vãn hát, mọi người cùng dọn cảnh lên xe, thì đúng 2 giờ khuya. Xe đưa các nghệ sĩ lên đường đi về Bạc Liêu.”

Thanh Vũ nói, trong thời gian theo đoàn Cao Văn Lầu lưu diễn, có thời gian diễn ở Bạc Liêu hơn 7 tháng, mãi mãi là ký ức đẹp trong cuộc đời đi hát của anh. Đó là thời gian rất cực nhọc, nhưng rất vui. Mỗi khi đoàn di chuyển từ điểm diễn này sang điểm diễn khác, đi sâu xuống ấp, xã. Các nghệ sĩ trong đoàn thường xuyên ngủ đình, ngủ miễu. Sân khấu dựng ngoài ruộng, nhằm hôm diễn, mưa to quá, đoàn phải tạm ngưng, hôm sau diễn lại, không bán vé, cho mọi khán giả cùng có cơ hội vào xem. Mỗi khi đoàn về địa phương nào, thì người dân cũng đều kéo tới mời về nhà ở. Người dân rất mến mộ nghệ sĩ của đoàn. Dù là quân sĩ cũng được mời về ở, chứ nói chi đến kép chánh hay đào chánh. Thời đó kép ba như Thanh Vũ có tiền lương 15 ngàn, so với thời đó, tiền lương như vậy sống khá lắm. Kép chánh được 1, 2 chỉ vàng sau mỗi đêm diễn là chuyện bình thường lúc bấy giờ.

Quyết tâm trở lại với nghề

Đầu năm 1991, Thanh Vũ qua định cư tại Mỹ. Thời gian đầu gia đình anh sống ở tiểu bang miền Đông. Anh đi học ESL, sau đó anh đi làm hãng.
Đến năm 2006, anh chuyển về California, tại Quận Cam và tiếp tục làm lại công việc cũ. Cũng trong thời gian này tại Quận Cam, Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam tổ chức cuộc thi Giải Phụng Hoàng. Thanh Vũ ghi danh thi và được giải ba giải Phụng Hoàng năm 2006. Sau cuộc thi, Thanh Vũ được mời về cộng tác với đoàn hát của nghệ sĩ Hoài Trúc Linh. Khi đó diễn vở cải lương đầu tiên của Thanh Vũ trên sân khấu tại hải ngoại là vở Bão Cát. Có nghệ sĩ Văn Chung, Phượng Mai, nghệ sĩ Hoài Trúc Linh, Linh Tâm, Thanh Kim Mỹ, Thanh Vũ đóng vai khỉ dã nhân. Sau xuất diễn đó, Thanh Vũ gắn bó với đoàn của nghệ sĩ Hoài Trúc Linh, đều đặn mỗi hai tháng diễn một tuồng, anh còn đi hát với nghệ sĩ Chí Tâm ở những vùng quanh Quận Cam.

Thanh Vũ nói, nhờ có cải lương, giúp anh giảm stress rất nhiều với những bộn bề khó khăn trong cuộc sống mưu sinh nơi xứ người. Cả ngày đi làm hãng rất mệt, nhưng tối về, anh vẫn dành chút thời gian lên youtube nghe cổ nhạc, vào xem nghệ sĩ Vũ Linh tập tuồng trên trang web www.cailuong.com, hiện anh là thành viên.


Từ trái qua, nghệ sĩ Thoại Mỹ trong vai Trang, Thanh Vũ trong vai Đạt trích đoạn vở cải lương Trà Hoa Nữ. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Khi buồn, anh lại ngân nga hát những bản vọng cổ. Bà xã của Thanh Vũ dù không phải là nghệ sĩ, nhưng luôn ủng hộ chồng. Con trai lớn của anh sinh ra tại Mỹ nhưng nói tiếng Việt rất giỏi, rất mê nghe cải lương, gia đình rất ý thức việc giữ tiếng Việt cho con, để con tiếp tục nghe ba hát cải lương.

Cải lương không còn thời hoàng kim, điều đó cũng do thời cuộc mang lại. Tuy nhiên, khán giả vốn là những người khách quan, cứ có tuồng hay là họ xem. Vì thế, dù cải lương có sa sút, những nghệ sĩ như Thanh Vũ đã theo nghiệp Tổ, hát trên sân khấu và hưởng được lộc Tổ từ khán giả ban cho, trót yêu nghệ thuật này, không thể từ bỏ điều mà anh luôn đam mê. Ít người rời bỏ sân khấu. Nếu có khó khăn phải tạm nghĩ một thời gian, khi có dịp thuận tiện thì cũng đều làm nghề trở lại.

Nuôi hy vọng vực lại nền nghệ thuật cải lương tại hải ngoại, có vẻ nghe chừng hơi to tát, nhưng dù sao những nghệ sĩ gắn bó với nghệ thuật cải lương vẫn cần duy trì. Thanh Vũ nói rằng nghề nào cũng phải học suốt đời, huống chi là nghề hát, là nghệ thuật, nên nghệ sĩ phải luôn trau dồi. Anh luôn thích học hỏi với các nghệ sĩ tiền bối, đàn cô, đàn chú, đàn chị, đàn anh. Anh không bao giờ tự ái, ai dạy mình, anh cũng đều học hỏi, vì dù là nghệ sĩ nổi tiếng, cũng phải học những cách lạ của người khác để giàu thêm cách ca diễn cho mình.

Anh khát khao được diễn, được hóa thân vào những nhân vật với số phận khác nhau… Đó là dịp để anh được học hỏi vững hơn về diễn xuất, vốn vẫn cần nhiều rèn luyện hơn. Nhưng cơ hội cho nghệ sĩ như Thanh Vũ bây giờ lại quá hiếm hoi. Vì sân khấu ở hải ngoại lâu lâu mới có bầu show liều mình tổ chức show diễn, để sân khấu “sáng đèn” diễn trọn tuồng và cũng chỉ diễn được một xuất diễn duy nhất. Muốn giỏi nghề, cũng thật khó khăn.

Con đường nghệ thuật cải lương thì rộng thênh thang, lắm hoa hồng và lắm nỗi gian truân. Mong rằng nghệ sĩ Thanh Vũ sẽ tìm được cho mình những cơ hội để tiếp tục thử thách mình qua nhiều vai diễn khác nhau.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT