Phóng Sự

Nghề Medical Billing và Coding (kỳ 4)

Sunday, 30/04/2017 - 06:16:38

Chị nói vì làm trong văn phòng bác sĩ nên công việc đơn giản và nhẹ nhàng hơn là làm cho công ty chuyên về Billing hay chuyên về Coding hoặc trong bệnh viện.

Bài BĂNG HUYỀN

Làm tại văn phòng bác sĩ có thể nhận cùng lúc Medical Billing và Coding

Dù theo học ngành Medical assistant (bao gồm luôn Medical Billing và Coding) tại Santa Ana College, và từng làm những công việc của một medical assistant (lấy máu, chích ngừa, đo huyết áp, nhận hẹn của bệnh nhân…), nhưng cuối cùng thì chị Trúc Nguyễn vẫn thích làm công việc chuyên về Medical Billing và Coding tại văn phòng bác sĩ hơn.


Medical Billing và Coding

Chị nói vì làm trong văn phòng bác sĩ nên công việc đơn giản và nhẹ nhàng hơn là làm cho công ty chuyên về Billing hay chuyên về Coding hoặc trong bệnh viện. Do đó chị (và những người làm tại các văn phòng bác sĩ, nha sĩ) thường làm luôn cả hai công việc Medical Billing và Coding cùng một lúc, chứ không phân ra riêng biệt.  

Chị Trúc Nguyễn giới thiệu, “Khi ghi coding (chuyển các thông tin được ghi trong hồ sơ y tế thành ngôn ngữ alphanumeric, kết hợp các kí tự số và chữ), đòi hỏi mình phải rành về Medical Term (Medical Terminology- thuật ngữ y khoa) và phải có trí nhớ tốt để nhớ những code ghi trong hồ sơ bệnh lý của bệnh nhân thì mới ghi đúng code được. Vì phần coding thì có sẵn trong một cuốn sách rất dày theo thứ tự ABC để mình tìm, mình phải biết đọc phần nào trong cơ thể con người (Medical Terminology- thuật ngữ y khoa) khi bác sĩ ghi trong hồ sơ bệnh án, thì mới tìm được code cần thiết thật nhanh, mới tính bill nhanh được. Làm lâu ngày hoặc làm thường xuyên, gặp những code của căn bệnh đó thì mình cũng nhớ được code và làm sẽ nhanh hơn người mới vào nghề.”

Chị Trúc nói thời gian trước Medical coding dùng ICT 9 CODE khi ghi ra thường ghi code chung chung phần bệnh lý, nhưng kể từ tháng 10 năm 2015 mới thay đổi coding sang ICT 10, thay đổi mới này đòi hỏi người làm Medical Coding phải ghi rõ những code chi tiết hơn. Ví dụ chân đau, phải ghi rõ code của chân trái hay chân phải đau, phần nào của chân (là gót chân phải, hay ngón chân trái hay bàn chân phải... Nếu là ngón chân thì ngón nào...). Nghĩa là phải ghi ra chính xác code đó thì mới được công ty bảo hiểm trả tiền đủ. Vì càng ngày công ty bảo hiểm càng khó, đòi hỏi phải làm hồ sơ nộp cho bảo hiểm kỹ lưỡng, chi tiết hơn.

Thú vị của nghề nghiệp và những áp lực

Chị Trúc cũng cho rằng nghề Medical Billing và Coding không hề nhàm chán. Lúc nào chị cũng phải tìm code mới của căn bệnh để làm bill, chị phải luôn trau dồi nghề nghiệp thường xuyên. Phải đọc các tài liệu, những quy định của các công ty bảo hiểm sức khỏe mà bệnh nhân của văn phòng bác sĩ (nơi chị làm) đến khám, để cập nhật cho công việc của mình. Thường thì muốn biết những cập nhật mới, chị phải vào web site của công ty bảo hiểm để xem. Trước khi tính tiền cũng phải vào xem lại công ty bảo hiểm có những quy định gì mới hay không để tránh bị công ty bảo hiểm trả lại.

Ngoài ra, mỗi hai năm chị phải dự những buổi hội thảo do các công ty bảo hiểm tổ chức, để cập nhật những thay đổi mới cho nghề nghiệp. Người làm công việc này phải rành về MS-word và Excel vì cần thiết cho công việc, và phải biết đánh máy computer khoảng 35 đến 40 từ trong vòng một phút thì mới hoàn thành nhanh các bill theo yêu cầu của văn phòng bác sĩ quy định.

Theo chị Trúc Nguyễn, thường người làm về billing là đem về lợi nhuận cho văn phòng của bác sĩ, “nên bác sĩ phải tin tưởng người làm billing, thì mới giao công việc cho mình. Khi bác sĩ đã tin tưởng mình rồi thì bác sĩ sẽ không bắt buột mình phải làm được bao nhiêu bill trong tuần hay trong tháng. Dù rằng hằng tuần mình đều phải báo cáo lại cho bác sĩ biết qua những bill mình đã làm.

“Tôi từng làm cho nhiều văn phòng bác sĩ trong quận Cam này, có nơi yêu cầu tôi phải báo cáo lại mỗi ngày, và mỗi tuần, và bắt buột mỗi ngày hay mỗi tuần tôi phải hoàn thành bao nhiêu bill gửi đi mà họ quy định… Khi bị như vậy khiến tôi rất áp lực, bị stress. Còn khi làm được tin tưởng, bác sĩ không gây áp lực thì tôi nhiệt tình làm, có khi còn tốt hơn số quy định đề ra nữa, còn khi làm mà cứ bị theo dõi làm được không, nhiều khi không dễ dàng cho mình.”

Quy định của Billing và Coding tại bệnh viện

Chị K. N là Supervisor tại bệnh viện UCI chuyên về Medical Billing cho bệnh nhân bảo hiểm Medicare (bảo hiểm sức khoẻ của chính phủ liên bang, được trả bằng quỹ An sinh Xã hội-Social Security) cho biết vì bệnh viện UCI là một bệnh viện lớn, có nhiều bệnh nhân đến điều trị, cấp cứu, nên những người làm Medical Billing nơi văn phòng mà chị phụ trách được quy định là trong một tiếng đồng hồ người billing phải gửi ra được 15 cái bill đến bảo hiểm. Tại bệnh viên UCI chia ra từng bộ phận là người nào chuyên billing, thì chỉ làm phần billing, người nào chuyên coding, thì làm về coding, chứ không làm cả hai gộp chung như những người làm tại văn phòng bác sĩ.

Chị K. N giải thích, “Người làm Medical coding rất nhức đầu, phải đọc hết hồ sơ bệnh án của bệnh nhân khi vào bệnh viện. Thường hồ sơ bệnh án đâu chỉ có 2- 3 trang, có nhiều bệnh nhân vào bệnh viện, hồ sơ bệnh án có mấy chục trang luôn, nào là phẫu thuật, nào là bác sĩ gia đình đến khám, bác sĩ phẫu thuật ghi hồ sợ bệnh án, những người therapy đến chữa cho bệnh nhân, những y á chăm sóc bệnh nhân… những người đó đều ghi lại trong hồ sơ bệnh án hết, nên người làm coding phải xem tất cả từ đầu đến đuôi, từ lúc bệnh nhân bắt đầu vô bệnh viện cho đến lúc ra viện. Người làm Coding ở bệnh viện sẽ có những đòi hỏi về kinh nghiệm nhiều vì sẽ code cho nhiều loại bệnh án khác nhau chẳng hạn với những bệnh nhân ở bệnh viện dài hạn (impatien Service), hoặc bệnh nhân chỉ tới bệnh viện trong ngày (outpatient service) và rất nhiều bệnh nặng, nhẹ khác nhau.”

Chị K. N nói thêm, “Người Coder cũng phải hiểu rõ về những luật lệ của Center of Medicare- Medicaid Services để không vi phạm vào luật lệ đã định. Vì bệnh viện có hợp đồng với chính phủ (những bảo hiểm medicare, medical) cho nên làm coding có sơ xuất gì người coder sẽ bị phạt, nếu nặng là bị tù luôn chứ không chỉ phạt tiền thôi. Còn làm coding trong văn phòng bác sĩ thì đơn giản hơn, chỉ khám định kỳ, những bệnh thông thường, những bệnh đặc biệt thì thường bệnh nhân đến bệnh viện hết rồi.”

Chính vì vậy mà dù chị K. N học cả hai chuyên ngành Medical Billing and Coding tại trường American Career College (ACC- tại thành phố Anaheim) nhưng cuối cùng chị chọn Medical Billing để làm, chứ không chuyên về Medical Coding.

Chị kể, “Mình chọn Medical Billing là vì khi mình học xong về Medical Billing và Coding, mình đã may mắn được làm cho một tổ hợp bệnh viện lớn Pacific Health Corp gồm có tất cả sáu bệnh viện lớn nhỏ và đủ loại dịch vụ. Mình cũng được học hỏi rất nhiều về công việc Billing ở đó và mình thấy công việc Medical Billing cũng hợp với mình hơn.”

Chị nói công việc Medical Billing thì cũng có vẻ dễ hơn Medical Coding, vì chị có thể đọc những tin cập nhật của Centers of Medicare Medicaid Services online. Nhưng về Medical Coding có thể phải đi học những lớp tu nghiệp ở trường để có được những kiến thức về luật lệ mới.

Chị Trúc Nguyễn và chị K. N đều cho rằng sau khi học xong bằng Medical Billing và Coding, học viên có thể nộp đơn xin việc tại văn phòng bác sĩ hay bệnh viện hoặc các công ty chuyên về Medical Billing và Coding. Chứ không cần phải đi thi lấy certified medical billing specialist (MBS).

Theo chị K. N, những ai được gọi là Medical Billing specialist hay Medical Coding specialist cũng là Medical Billing hay là Medical Coding, nhưng khi được cho là Specialist thì phải có nhiều kinh nghiệm về mọi công việc. Khi học xong lớp Medical Billing and Coding là sẽ được cấp chứng chỉ để chứng nhận mình đã học xong môn học đó, gọi là Certified Medical Billing and Coding. Nhưng những ai muốn làm chuyên về Medical Coding thì bắt buột phải thi licence ở State Board thì mới đi làm được.”
(Còn tiếp 1 kỳ)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT