Phóng Sự

Nghề MC: Y Sa và Nguyễn Hoàng Dũng

Sunday, 09/08/2015 - 11:49:49

Cũng dễ dàng lắm. Cái khó là có người hướng dẫn mình từ việc nhỏ đến việc lớn của người đàn anh đi trước, thì mọi việc sẽ dễ lắm. Cái nào hay, tốt, tránh cái xấu, dở đã có người chỉ bảo thì mình sẽ học rất nhanh.

Nghề xướng ngôn viên truyền thanh, truyền hình và MC trong cộng đồng người Việt tại quận Cam
Y Sa và Nguyễn Hoàng Dũng

Bài BĂNG HUYỀN

Đối với những khán giả thường đến xem các chương trình ca vũ nhạc của đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng (Thuộc Hội Phát Triển Nghệ Thuật Truyền Thống Việt Nam) và chương trình của ban hợp xướng Ngàn Khơi sẽ rất quen thuộc với lối dẫn thông minh, am hiểu sâu sắc về âm nhạc, nghệ thuật truyền thống Việt Nam của cặp đôi MC Nguyễn Hoàng Dũng (Luật sư Derrick Nguyễn Hoàng Dũng) và Y Sa (dược sĩ Lê Đình Y Sa, giám đốc điều hành của hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ VAALA).
Đặc biệt là cả hai khi làm MC, không bao giờ cầm giấy để đọc, họ không chỉ giới thiệu tiết mục, tên tác giả nghệ sĩ trình bày, mà còn cung cấp thêm những kiến thức về tác phẩm, tác giả, nghệ sĩ hay những giai thoại của tác phẩm với phong cách và ngôn ngữ súc tích, gợi lên được những hình tượng nghệ thuật, gây được xúc cảm nơi người thưởng thức.

Nguyễn Hoàng Dũng và Y Sa



Nếu Y Sa mang đến sự thông minh, khéo léo, đằm thắm qua cách dẫn thì Nguyễn Hoàng Dũng lại khiến người xem thích thú với khả năng nối kết tiết mục này qua tiết mục kia, đôi khi pha chút dí dỏm rất có duyên, mang đến không khí vui tươi cho chương trình. Cả hai rất “ăn ý,” phối hợp nhịp nhàng khi dẫn chung cùng nhau, nên đã nhận được nhiều cảm tình của rất đông khán giả khi họ làm MC.
Thực tế thì cả hai không phải lúc nào cũng cùng “cặp đôi” với nhau trong vai trò MC, ngoài chương trình của Đoàn Văn nghệ Dân tộc Lạc Hồng và Ban Hợp xướng Ngàn Khơi, dược sĩ Y Sa và luật sư Dũng còn được mời dẫn riêng một mình hoặc cùng với người bạn dẫn khác trong những chương trình khác nhau và với những chương trình đó, họ vẫn tạo nên những nét hay riêng.
Thế nhưng theo chủ quan của người viết, chỉ khi Lê Đình Y Sa và Nguyễn Hoàng Dũng cùng “kết đôi” với nhau trên sân khấu trong vai trò MC, thì mới tạo nên dấu ấn đẹp với khán giả, bởi sự nhịp nhàng, hiểu ý nhau của cả hai. Nói về sự “ăn ý” này, Y Sa cho biết chị và luật sư Dũng đã cùng dẫn chung với nhau lần đầu tiên trong chương trình “Sài Gòn Mến Yêu” của đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng từ giữa thập niên 1990 và cho đến nay. (Y Sa từng là một trong 18 học trò đầu tiên của đoàn Lạc Hồng), chính vì có 20 năm làm việc chung với nhau, nên sự hiểu ý nhau cũng là chuyện dễ hiểu.
Nguyễn Hoàng Dũng giải thích, “May mắn là tôi đã cộng tác với Y Sa rất lâu, những bài giới thiệu trong chương trình khi Y Sa và tôi cùng thực hiện thì hết 99 phần trăm là do Y Sa soạn hết, còn tôi chỉ thêm 1 phần trăm vào thôi.”
Y Sa tiếp lời, “Đúng là khi nhận chương trình, Y Sa có soạn những chi tiết để nói, nhưng làm cho chương trình sống động, lôi cuốn, khán giả cảm thấy thích thú, háo hức chờ nghe bài đó là công của anh Dũng. Điều mà Y Sa học hỏi được nhiều từ anh Dũng là cách dẫn từ bài này và qua bài khác như thế nào cho nó nhịp nhàng, liên tục. Anh Dũng là người làm ra được sự kết nối đó. Đây là điều rất quan trọng tạo nên hấp dẫn khi giới thiệu chương trình.”
Chia sẻ bí quyết này, luật sư Dũng nói, “Để có sự kết nối nhịp nhàng như vậy là vì tôi luôn nghĩ khi mình giới thiệu chương trình giống như mình đang kể câu chuyện cho mọi người nghe, câu chuyện thì phải có đầu có đuôi, viết một bài văn phải có nhập đề, thân bài và kết luận. Hai tác phẩm trước đó và sau đó khi ca sĩ trình bày, luôn có điểm gì đó để mình nối kết cho nhịp nhàng, có lúc tôi nối theo nội dung, hay nối nhạc sĩ, hay ca sĩ….”
Vì theo Nguyễn Hoàng Dũng, mục đích của sự nối kết này là vì mỗi tiết mục là một thành phần, một diễn ý của chủ đề chung của toàn bộ chương trình. Do vậy, người MC cần giới thiệu cho tiết mục đó sao cho ý nghĩa được khơi gợi lên gắn bó sâu xa nhưng tự nhiên với yêu cầu hàm chứa của chủ đề, chứ không phải là những tiết mục rời rạc nhau.
“Cái khó là nội dung của những bài giới thiệu các tiết mục thì đã có Y Sa làm chính rồi, còn phần kết nối chỉ là phụ thôi. Cũng nhờ cùng làm việc chung với nhau lâu năm, ăn rơ với nhau. Có những điều không phải hoàn toàn đồng ý với nhau, nhưng do hiểu ý nhau, thành ra cùng làm việc với nhau rất dễ.”
Anh nói thêm, “Không chỉ làm MC, mà những công việc gì có hai người cùng thực hiện, như chơi thể thao, hoặc hai nghệ sĩ tấu hài, khi có đôi có cặp thì rất cần sự nhịp nhàng với nhau. Nhiều khi có những đôi diễn viên hài quên bài, diễn cương với nhau, người này tung ra cao trào, người kia ứng biến, nếu hiểu ý thì dễ rồi, còn không thì có khi bể như chơi.
“Vì vậy theo tôi nếu đã làm đôi với nhau, thì phải hợp nhau, hiểu ý nhau, thì phần dẫn của cả hai mới nhịp nhàng, hài hòa. Chính vì vậy mà khi nhận làm MC cho những chương trình chủ đề về văn hóa nghệ thuật, hoặc tôi chỉ dẫn 1 mình, còn nếu cùng dẫn chung với người khác, thì tôi chỉ dám nhận lời khi ban tổ chức mời dẫn cùng với Y Sa. Vì Y Sa có kiến thức rất rộng về văn hóa nghệ thuật Việt Nam, khi tôi làm chung với Y Sa rất vững tâm. Còn những chương trình thuần túy giải trí như thi hoa hậu, diễn thời trang, không cần soạn bài giới thiệu, chỉ giới thiệu đơn giản, thì tôi không kén bạn cùng làm MC.”
Y Sa khen thêm về người bạn dẫn chung chương trình với mình, “Có những điều anh Dũng rất kỹ, khi làm việc cùng anh, Y Sa rất thích, đó là khi chương trình dợt lại trước khi diễn chính thức, như chương trình của ban hợp xướng Ngàn Khơi chẳng hạn, anh Dũng luôn đề nghị Y Sa cùng anh đến xem buổi trình diễn thử này, để biết xem cần bao nhiêu thời gian để các ca viên đi ra (phần hát hợp xướng) để xem mình nói có đủ không, tránh để sân khấu trống. Chính nhờ đến xem chương trình diễn thử, mình lại nảy thêm ý mà mình thấy cần thêm vào trong phần giới thiệu của mình để hay hơn, thay vì chỉ xem sách, tài liệu thôi. Khi xem phần diễn thử này, mình sẽ thêm chi tiết này hoặc bớt chi tiết khác để phần giới thiệu trở nên sống động hơn.”

Vai trò quan trọng của MC

Trong nhiều chương trình khác nhau, từ các sinh hoạt chuyên nghiệp như văn nghệ, sân khấu, lễ hội, các show trên truyền thanh, truyền hình, đến các dạng nghi lễ khánh thành, bế giảng, động thổ, tang ma, cưới hỏi, bổn mạng, sinh nhật, ngân khánh, kim khánh hôn phối, hoặc trong các buổi sinh hoạt tập thể có đông đảo quần chúng tham dự như đêm lửa trại truyền thống, đại hội liên hoan, giao lưu văn hóa, bán đấu giá gây quỹ từ thiện, luôn luôn có sự xuất hiện của người điều hợp chương trình mà mọi người thường quen gọi là MC (viết tắt của Master of Ceremonies, người dẫn chương trình).
Với chị Y Sa khi nhận làm MC, trọng tâm của công việc là cố gắng làm nổi bật chủ đề chương trình mà những người đứng ra tổ chức muốn gửi đến khán giả. Mặt khác, còn tùy vào tính chất chương trình để chọn phong cách nghệ thuật và khẩu ngữ cho thích hợp. “Y Sa luôn phải trò chuyện với người đứng đầu trong ban tổ chức chương trình để biết thêm về mục tiêu của họ muốn đạt được qua chương trình là gì? Chứ không phải chỉ nhìn list bài hát, tiết mục chương trình mà nói. Quan trọng là cần phải biết mục đích của sự kiện nghệ thuật đó. Cần phải làm việc với nhà sản xuất, người phụ trách nội dung chương trình đó… để biết điều gì mà ban tổ chức muốn mình chú trọng nổi bật trong chương trình. Sau đó mình phải tìm hiểu thêm về những ca khúc trong đêm nhạc, nói chuyện với nghệ sĩ trình diễn.”
Còn với anh Nguyễn Hoàng Dũng thì, “Khi làm MC, cần phải nghiên cứu trước là màn này, tiết mục này cần bao nhiêu thời gian cho ca sĩ thay quần áo… thì mình phải nói dài hơn chút xíu, còn phần nào không cần, thì chỉ nên nói ngắn gọn, còn nếu bài hát đó có nhiều điều cần phải nói, thì sau đó với phần giới thiệu cần câu giờ, thì mình nhắc lại cũng được, chứ không nên phần cần ngắn, mà mình cứ nói dài dòng. Điều quan trọng là mình phải chuẩn bị làm sao cho nó liền lạc, nhịp nhàng.
“Tính ra thời gian của MC phải nói trên sân khấu thì rất nhiều. Mà mục đích của buổi trình diễn là khán giả xem các tiết mục chứ không phải đến để nghe MC nói. Chính vì vậy điều quan trọng nhất của MC là giới thiệu tiết mục cho khán giả biết có gì đặc biệt của tiết mục đó góp vào chương trình, cái thứ hai là “câu giờ” để nghệ sĩ thay đồ… MC phải luôn chuẩn bị sẵn kế hoạch A, B, C phòng hờ chương trình bị trục trặc, khi đó MC linh hoạt phải ra lấp chỗ trống trên sân khấu.”
Nói thêm về vai trò MC trong chương chính, Y Sa cho biết, “Khi giới thiệu tiết mục, Y Sa chỉ nói vài nét chính, hoặc là về tác giả, tác phẩm, người ca sĩ trình diễn. Khi khán giả biết qua những chi tiết đó, họ sẽ thưởng thức tác phẩm dễ dàng hơn, thích thú hơn. Mình giống như nhịp cầu đưa cảm xúc khán giả gần hơn với tác phẩm. Y Sa đồng ý với anh Dũng là làm MC thì không nên nói nhiều quá, ngoại trừ nói để câu giờ vì có trục trặc kỹ thuật vấn đề gì đó thì mới cần thôi. Còn thì nên ngắn gọn, súc tích và đặc biệt là nên tránh nói về mình.”
Còn về những khó khăn trong nghề này, Y Sa tâm sự, “Y Sa luôn xem loại chương trình mà mình được mời làm MC có thích hợp cho mình hay không thì mình mới nhận lời và mình có đóng góp như thế nào cho chương trình đó. Y Sa nghĩ cái khó là phải tìm ra điều gì đó lý thú đến với khán giả khi mình giới thiệu. Thường khi mình thích thú với điều gì đó và chia sẻ với khán giả thì sẽ thú vị.”
Nguyễn Hoàng Dũng thì nói, “Cái khó cho MC mà tôi thường gặp thường xuyên là thay đổi chương trình, ví dụ phút chót không có ca sĩ đó, hoặc tiết mục của ca sĩ đó phải dời xuống hay dời lên trong toàn bộ chương trình thành ra bài soạn của mình phải thay đổi. Khi việc thay đổi diễn ra vào phút chót, kéo màn rồi, có sự thay đổi, lúc đó người MC phải thật linh động để ứng biến. Theo tôi, MC cũng phải có sự kết hợp với ban phụ trách hậu trường, ban kỹ thuật sân khấu, để khi mình đi ra đi vào, đèn chiếu vào mình ra sao.
“MC phải quan tâm đến việc sắp xếp trong hậu trường, vì các chương trình của cộng đồng mình thường diễn ở sân khấu nhỏ, thường thì không đổi cảnh trí nhiều, chỉ đổi bằng ánh sáng… nhưng với những chương trình lớn, có đông người, như chương trình của Lạc Hồng, có mấy chục em ra trình diễn, hoặc chương trình của Ngàn Khơi có mấy chục ca viên đi ra, việc đi đứng rất khó khăn khi đường đi ra sân khấu chỉ có một đường ra. Vì vậy MC cũng phải tính đến việc ra trước khi các ca viên đi vào, chứ không sẽ bị kẹt ngay lối đi, sân khấu bị bỏ trống.”
Theo anh “người MC phải có thể lực tốt. Thường chương trình của mình rất dài, có chương trình từ khi bắt đầu đến khi kết thúc kéo dài bốn, năm tiếng, thường có chương trình có nhiều tiền sẽ lấy được rạp trước một, hai ngày, mọi người được tập trước trên sân khấu, còn chương trình nào không nhiều tiền, sẽ chỉ lấy rạp buổi sáng hôm đó, người MC sẽ rất mệt khi tham gia chương trình xuyên suốt từ sáng (tập dợt) đến chiều tối (diễn thật). Vì ca sĩ chỉ hát vài bài rồi vào, còn MC thì xuyên suốt chương trình từ đầu đến cuối. MC nếu không biết giữ sức khỏe, thì sẽ đuối, mặt mũi sẽ bơ phờ không được tươi, nhiều khi phát âm sai (nói lịu lưỡi) những từ muốn nói...
“Khi làm việc với những chương trình mà người tổ chức lâu lâu mới làm, không có sự chuyên nghiệp thì MC cũng gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật, ví dụ một ca khúc có nhiều ca sĩ hát mà không đủ micro phone, khi MC giới thiệu xong, ca sĩ lấy micro phone của MC, hát xong họ tắt đi, MC không để ý cầm lấy nói khi đó khán giả cho biết không nghe gì hết…
“MC phải luôn chuẩn bị kỹ tài liệu, để khi gặp trục trặc kỹ thuật, biết cách ứng biến nhanh nhẹn hơn là ỷ y sự linh động của mình mà không chuẩn bị, để khi gặp sự cố, không ứng biến kịp. Theo tôi, MC nên chuẩn bị càng nhiều càng tốt, không bao giờ có sự hoàn hảo nhưng có chuẩn bị thì sẽ tốt, cách mình nói hay hơn, sự liền lạc của phần dẫn, và nếu có sự cố xảy ra thì cũng sẽ không tệ lắm.”
Nguyễn Hoàng Dũng cho biết có những chương trình anh làm MC, kết thúc rồi mà vẫn còn vui, có chương trình thì sau khi xong rất buồn. Nhưng điều buồn nhất là nếu anh không chuẩn bị để xảy ra sự đáng tiếc cho chương trình, vì vậy anh rất cẩn thận chuẩn bị kỹ khi làm MC và luôn lắng nghe những lời phê bình chân tình về cách nói hay dở của mình hơn là nghe những lời khen xã giao chỉ nói đến mặt tích cực mà không nói mặt tiêu cực. Vì nếu không nghe những lời phê bình thì không biết sửa những điều còn hạn chế.”

Vài nét về Y Sa và Nguyễn Hoàng Dũng

Dù rất thành công trong vai trò MC, nhưng Y Sa và Nguyễn Hoàng Dũng đều không sống bằng nghề MC, mà cả hai đều thành công trong nghề nghiệp của mình. Dược Sĩ Lê Đình Ysa (tốt nghiệp ngành Dược Khoa năm 1994 trường Đại Học USC) hiện đang làm việc tại St. Joseph Home Care Pharmacy. Từ năm 2000, chị hoạt động cho hội bất vụ lợi VAALA, và từ đó chị đã mời gọi và điều hợp hàng trăm thiện nguyện viên khác để làm nhiều sự kiện, trong đó có các đại hội điện ảnh, thi hội họa Thiếu Nhi Tết Trung Thu hàng năm, triển lãm nhiếp ảnh, tranh, ra mắt sách, hòa nhạc, sân khấu kịch, và chương trình smART Program, trong đó hướng dẫn nghệ thuật miễn phí cho các hội đoàn tuổi trẻ vùng Nam Califonia. Không chỉ là giám đốc điều hành của hội VAALA, chị còn là đồng sáng lập và đồng giám đốc lễ hội hằng năm ViFF, Lễ Hội Điện Ảnh Quốc Tế VN. Năm 2012, chị đã nhận giải APAA Service Award, giải giành cho các cựu sinh viên USC đã góp sức phục vụ xã hội của Hội Cựu Sinh Viên Gốc Châu Á Thái Bình Dương của Đại Học USC.
Luật sư Derrick Nguyễn Hoàng Dũng học đại học UCLA ngành Văn Chương Anh, tốt nghiệp bằng Cử Nhân năm 1987. Sau đó anh chuyển sang học luật ở USC, lấy bằng Tiến Sĩ Luật vào năm 1991. Hiện anh hành nghề luật ở Quận Cam, đồng thời làm tình nguyện cho Trung Tâm Pháp Lý Người Mỹ Gốc Châu Á và Thái Bình Dương, cũng như cố vấn pháp luật cho nhiều hội đoàn trong cộng đồng Việt Nam.
Được biết luật sư Dũng được Tổng Thống Bush mời vào làm Ủy Viên trong Ủy Ban Cố Vấn Tổng Thống Về Cộng Đồng Người Mỹ Gốc Châu Á Thái Bình Dương, đặc trách vấn đề thương mại. Đây là một công việc có nhiệm kỳ trong ba năm. Ủy Ban có nhiệm vụ báo cáo với tổng thống về tình cảnh của cộng đồng, đồng thời đề nghị các biện pháp giúp đỡ họ. Trong thời gian này, anh Dũng chuyển được nhiều thông tin cần biết về cộng đồng chúng ta đến với chính phủ Hoa Kỳ, đồng thời cung cấp nhiều thông tin về chính sách của chính phủ Hoa Kỳ nhằm khuyến khích, hỗ trợ cho việc kinh doanh của các cộng đồng thiểu số. Đặc điểm của doanh nghiệp trong cộng đồng Việt Nam là đa phần đều vừa và nhỏ (SME). Trong vai trò Ủy Viên trong Ban Cố Vấn Tổng Thống, anh đã khuyến khích việc thành lập các tổ chức hỗ trợ thương mại, thành lập hội đoàn, thành lập mạng lưới thông tin thương mại trong cộng đồng, cung cấp cho các doanh nghiệp trong cộng đồng các thông tin về những quĩ hỗ trợ doanh nghiệp SME, doanh nghiệp của cộng đồng thiểu số, doanh nghiệp do nữ làm chủ…”
Anh thiết tha mong “các bạn trẻ gốc Việt hãy tham gia vào những hoạt động của dòng chính như thực tập tại các văn phòng của các dân biểu, nghị sĩ của tiểu bang… hoặc tham gia những sinh hoạt với những tổ chức như Liên Đoàn Hoa Kỳ Á Châu Thái Bình Dương (Asian Pacific Islander American Public Affairs Association, gọi tắt là APAPA) với mục đích tạo sức mạnh cho khối người Mỹ gốc Á Châu Thái Bình Dương, hoặc International Leadership Foundation (ILF), v.v..
Đây là những tổ chức của người Mỹ gốc Á châu hoạt động trong dòng chính, từng tham gia trong các sinh hoạt của các ban, bộ, các ngành của liên bang, không phải để làm chính trị mà để hiểu rõ luật lệ đất nước để điều hành cơ sở thương mại của mình hoặc để góp tiếng nói đem lại quyền lợi cho cộng đồng.
Còn về MC trong dòng chính, anh cho biết, “Qua những lần sinh hoạt trong dòng chính, quan sát và học cách họ sinh hoạt như thế nào, từ cách trình bày, sắp xếp trong vai trò MC mình học hỏi thêm. Lâu ngày cũng quen việc. Cũng dễ dàng lắm. Cái khó là có người hướng dẫn mình từ việc nhỏ đến việc lớn của người đàn anh đi trước, thì mọi việc sẽ dễ lắm. Cái nào hay, tốt, tránh cái xấu, dở đã có người chỉ bảo thì mình sẽ học rất nhanh.
“Hình thức khi làm MC trong các chương trình văn hóa nghệ thuật trong cộng đồng Việt thì cũng như MC những chương trình trong dòng chính, dù nội dung khác nhau, nhưng hình thức giống nhau. Cũng là cách để dẫn dắt cho mọi người đi vào điều gì mình muốn nhắc tới. Văn hóa Việt của mình hơi dài dòng, còn văn hóa Mỹ ngắn gọn hơn, nên tùy theo từng đối tượng khán giả mà chọn cách giới thiệu.”
Nguyễn Hoàng Dũng và Y Sa đều cho rằng sở dĩ họ đảm nhận công việc MC là vì muốn đóng góp vào việc giúp khán thính giả nhận ra cái đúng, cái hay, cái đẹp, thậm chí có thể điều chỉnh được cả những thành kiến không tốt của dư luận quần chúng đối với thể loại nghệ thuật, đối với tác phẩm, tác giả.
Ngoài ra cũng là vì cả hai rất yêu văn hóa nghệ thuật Việt Nam. “Khi làm MC trong những chương trình này, vì rất thích tìm hiểu về văn hóa, nghệ thuật sẽ giúp mình tìm hiểu sâu hơn những kiến thức đó. Định nghĩa thành công của chương trình thôi chứ Y Sa không dám nói mình thành công trong nghề MC, mình truyền đạt được điều mà mình muốn đem đến cho khán giả về tác phẩm đó hay chủ đề đó, thấy khán giả cảm nhận được, là điều Y Sa rất vui,” chị Y Sa chia sẻ. (bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT