Phóng Sự

Nghề dạy trẻ mầm non và dạy kèm sau giờ học (kỳ 6)

Sunday, 14/12/2014 - 11:21:57

Anh Hòa Nguyễn cho biết hiện nay, trường anh có giấy phép giữ được 52 em từ 2 tuổi đến 12 tuổi (bao gồm các em Preschool, Pre-K và afterschool (từ lớp mẫu giáo đến lớp 6) và giữ được 8 em từ 6 tháng đến 2 tuổi.

Bài BĂNG HUYỀN

Giữ trẻ qua đêm

Giới thiệu về nét độc đáo mà trường Educare Center (góc đường Beach và đường Ball) thành phố Stanton chuyên dạy các em học Preschool, Pre-K và afterschool (từ lớp mẫu giáo đến lớp 6) có, mà hầu như những trường khác không có, anh Hòa Nguyễn, hiệu trưởng của trường cho biết, “Trường chúng tôi mở cửa từ 6 giờ 30 sáng đến 6 giờ chiều. Sau 6 giờ, các cô giáo phải về, những phụ huynh muốn gửi con sau 6 giờ, nếu học ở những trường khác, sẽ bị phạt sau mỗi một phút là $1 Mỹ kim, trễ bao nhiêu phút thì cứ nhân lên tiền để nộp phạt.

Giáo viên và học sinh trường Educare Center (góc đường Beach và đường Ball) thành phố Stanton chuyên dạy các em học Preschool, Pre-K và afterschool (từ lớp mẫu giáo đến lớp 6). (Hình: Hòa Nguyễn)



“Còn trường tôi không phạt, nếu phụ huynh cần phải gửi con sau 6 giờ mới đón, thì chỉ cần đóng thêm 5 Mỹ kim mỗi ngày, vợ chồng tôi cho các bé ra sau nhà để ăn tối [Vì trường Educare Center là dạng căn hộ Duplex. Trường có 2 unit. Phía trước xin được giấy phép mở trường, có sân chơi. Phía sau là căn hộ của gia đình anh sống, vợ chồng anh Hòa Nguyễn có giấy phép chăm sóc các em nhỏ từ 6 tháng đến 2 tuổi trong nhà dạng giữ tại gia đình như kiểu babysister].
“Nếu cha mẹ nhờ tắm rửa cho bé, chúng tôi sẽ làm luôn. Đến khi họ đón bé về, chỉ cần cho bé đi ngủ thôi. Vì vậy chúng tôi có mấy phụ huynh nhà ở xa như thành phố Santa Ana, cũng tìm đến gửi con. Họ cho rằng gửi con học ở trường chúng tôi, họ yên tâm là các bé vừa được học, vừa được chăm sóc tốt, hơn là họ gửi kiểu babysitter, vì thường gửi con ở những nơi giữ gia đình, đa phần chỉ cho xem truyền hình suốt ngày, các bé không được dạy học như tại các trường Day care.”
Anh Hòa Nguyễn cho biết hiện nay, trường anh có giấy phép giữ được 52 em từ 2 tuổi đến 12 tuổi (bao gồm các em Preschool, Pre-K và afterschool (từ lớp mẫu giáo đến lớp 6) và giữ được 8 em từ 6 tháng đến 2 tuổi.
Hiện trường chỉ mới có 34 em Preschool, Pre-K và afterschool (từ lớp mẫu giáo đến lớp 6) và 4 em nhỏ Infant, nên vẫn có thể tiếp tục nhận ghi danh. Do trường mở cửa quanh năm, chỉ đóng cửa vào ngày cuối tuần và những ngày lễ lớn, việc ghi danh cũng nhận quanh năm, chứ không theo khóa học, rất tiện lợi để các phụ huynh ghi danh cho các bé.
Anh Hòa Nguyễn cho biết thường có 2 thời điểm trong năm là các trường Day Care trồi sụt sĩ số học sinh nhiều nhất, vào tháng 6 nhiều phụ huynh cho con nghỉ hè về Việt Nam vài tháng hoặc ở nhà chơi với ông bà và tháng 9 thì số ghi danh đông hơn, vì bước vào mùa tựu trường. Còn các tháng khác trong năm thì sĩ số học sinh ít biến động.
Ngoài ra anh, Hòa Nguyễn cũng cho biết, thêm một dịch vụ đặc biệt của trường là vợ chồng anh còn nhận giữ trẻ qua đêm. Rất nhiều phụ huynh có việc đột xuất cần đi xa mà không muốn mang con theo, vì sợ con bị bệnh (như về Việt Nam) hoặc thậm chí nhiều vợ chồng muốn đi du lịch để hâm nóng lại tình cảm vợ chồng, không muốn đem con theo, hay có nhiều người phải làm ca đêm... thì sẽ gửi con để vợ chồng anh chăm sóc vài đêm, vài ngày, hoặc vài tuần. Sở dĩ họ dám giao con cho vợ chồng anh giữ, vì họ biết con của họ được chăm sóc tốt, còn vợ chồng anh khi nhận giữ các trẻ trong trường hợp này, thì không phải ai gửi cũng nhận, mà chính vợ chồng anh đã hiểu rõ về các bé và phụ huynh, đây đều là những học trò của trường lâu năm thì trường mới nhận.
Anh cho biết muốn giữ trẻ qua đêm là cần phải có giấy phép. Trường hợp mà vợ chồng anh nhận giữ trẻ hiện nay là kiểu thân tình như trong gia đình, thì anh mới nhận, chứ anh không còn tiếp tục xin giấy phép giữ trẻ qua đêm, là giấy phép mà trước đây vơ chồng anh có.
Giấy phép làm cha mẹ nuôi tạm thời
Anh Hòa Nguyễn giải thích, “Trước đây vợ chồng tôi có giấy phép Foster Care là giấy phép cho cha mẹ nuôi tạm thời để chăm sóc những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ bê, bị bạo hành, hoặc cha mẹ vi phạm pháp luật phải vào tù, hay nghiện hút trước mặt con cái...
“Những đứa trẻ này được dịch vụ bảo vệ trẻ em (child protective service) để ý tới, cuối cùng phải giao cho foster parents (cha mẹ nuôi tạm thời), thường những đứa trẻ được cha mẹ nuôi tạm thời nhận nuôi có nghĩa vụ ràng buộc với nhau cũng khá hạn chế, theo luật định, trẻ không được ở với foster parents quá 15 tháng và sau đó phải trả về gia đình của nó hoặc giao cho cha mẹ nuôi thực thụ (adopted parents).
“Để có giấy phép Foster Care, cả hai vợ chồng tôi đã ghi danh theo học các lớp như cách dạy và chăm sóc một đứa trẻ ngỗ nghịch, hay cách chăm sóc cho đứa trẻ bị nghiện, dù tuổi chỉ mới 11- 12 tuổi, vì sống trong gia đình có bố mẹ nghiện, nên trẻ cũng nghiện luôn...
“Những lớp học này kéo dài vài tháng, cả hai vợ chồng đều phải học chung và không được nghỉ buổi nào. Nếu nghỉ một buổi thì phải học lại hết. Nhưng không phải làm bài kiểm tra kết thúc, mà giảng viên chỉ hỏi chung trong lớp từng vấn đề, học viên sẽ đưa ra cách giải quyết, sau đó cùng bàn thảo với nhau... Thường mỗi county sẽ có một cơ quan chuyên về Foster Care, ví dụ ở quận Cam thì có cơ quan Foster Care, người muốn xin giấy phép sống ở quận Cam thì liên hệ tại địa hạt của mình cơ quan Foster Care để học.”
Anh Hòa Nguyễn cũng cho biết khi trở thành cha mẹ nuôi tạm thời của trẻ, nhân viên lo an sinh cho trẻ sẽ làm việc với mình để lập chương trình chăm sóc cho trẻ. Cha mẹ nuôi tạm thời cũng sẽ hội đủ điều kiện nhận tài trợ hàng tháng mỗi đứa trẻ mình chăm sóc. Muốn nhận giữ trẻ, nhà của cha mẹ nuôi phải rộng rãi, phải có phòng riêng cho trẻ. Mỗi lần nhận chăm sóc trẻ, cha mẹ nuôi tạm thời chỉ được giữ từ 1 đến 2 đứa trẻ, không được hơn. Nếu là 2 anh em ruột cùng phái tính, thì được phép cho 2 trẻ ở cùng phòng, còn khác phái thì 2 phòng khác nhau. Còn nếu 2 đứa trẻ cùng phái tính và cùng tuổi nhưng không là ruột thịt thì vẫn được ở chung phòng với nhau.
Theo anh Hòa Nguyễn thì có nhiều người Mỹ đi học chung với vợ chồng anh, họ không có con, hoặc con cái lớn hết đi học, đi làm xa, nhà có 5, 6 phòng, chuyên nhận Foster Care, có khi họ thu được khoảng 5- 6 ngàn 1 tháng từ việc này.
Sáng sớm chở đứa trẻ đó đi học, sau đó đón về cho ăn uống, chăm sóc... chính phủ trả tiền mọi chi phí mà cha mẹ nuôi bỏ ra như tiền xăng chở trẻ đi học, tiền quần áo, lương thực cho trẻ... cha mẹ nuôi tạm thời cần giữ hóa đơn tháng trước, rồi đầu tháng sau nộp lại cho hệ thống foster-care, họ sẽ trả lại tiền cho cha mẹ nuôi tạm thời. Ngay bảo hiểm sức khỏe của trẻ cũng do chính phủ lo luôn.
Anh Hòa Nguyễn tâm sự: “Khi mình xin giấy phép làm cha mẹ nuôi tạm thời. Mình có quyền chăm sóc các bé tùy theo độ tuổi mình chọn và sắc tộc mà mình muốn. Theo luật định là giữ các bé từ nhỏ đến 18 tuổi. Nhưng vợ chồng tôi chỉ xin giấy phép giữ các bé dưới 12 tuổi thôi, vì lứa tuổi này các bé còn nghe lời, lớn hơn, chúng rất dễ nổi loạn, nhất là những em sống trong hoàn cảnh gia đình phức tạp, càng khó dạy và chăm sóc chúng hơn. Nhiều người đi học trong lớp kể có trường hợp cha mẹ nuôi tạm thời nhận chăm sóc các em lứa tuổi teen, nửa đêm chúng leo khỏi cửa sổ phòng đi mất, khi đó cha mẹ nuôi tạm thời chỉ có thể gọi báo cảnh sát thôi.”
Anh Hòa Nguyễn kể, “Tôi từng giữ 3 em, mỗi em khoảng 2-3 tháng. Tôi là người Việt, nên chỉ nhận giữ trẻ gốc Việt. Có lần giữ 1 em sống ở New York cùng ba mẹ qua đây chơi, ba mẹ vi phạm pháp luật bị bắt giữ, tôi giữ đứa trẻ ấy 3 tháng, sau đó tìm được người thân của đứa trẻ ở New York, đứa trẻ mới được gửi sang bên đó, đi theo là một cán sự xã hội. Khi tiếp cận công việc này, mới thấy mặt trái của một số người gốc Việt cũng nặng nề lắm, cũng có những người buôn bán ma túy, trong băng đảng, bạo hành.”
Anh Hòa Nguyễn tâm sự thêm, “Vì người có giấy phép Foster Care tương đối ít, nên họ hay gọi tôi hoài mỗi khi cần chăm sóc các em, nhưng sau đó tôi không tiếp tục giữ giấy phép này nữa vì thấy quá phức tạp. Ban đầu vợ chồng tôi có 3 con trai, vì muốn có con gái, nhưng thử hoài vẫn chưa có, nên hai vợ chồng quyết định đi học Foster Care để sau khi hoàn tất thì sẽ xin con nuôi.
“Khi có giấy phép Foster Care, tôi có nhận nuôi một bé gái Việt cả cha mẹ đều bị phạt không được giữ con. Một lần tôi cho địa chỉ nhà để cha mẹ đứa trẻ đến thăm con. Theo nguyên tắc là tôi phải chở bé đến 1 địa điểm công cộng để cho cha mẹ gặp, ở đó giám sát, sau đó đưa bé về, tuyệt đối không được cho địa chỉ nơi mình ở.
“Nhưng vì tôi nghĩ là người Việt với nhau chắc không có gì, hơn nữa thời gian đó tôi cũng khá bận, nên khi cha mẹ bé muốn gặp bé, tôi cho luôn địa chỉ nhà để họ đến thăm bé. Khi họ biết địa chỉ rồi, họ cứ tới hoài và làm phiền, nên tôi đề nghị họ không được đến nữa, thì họ hăm dọa tôi cho rằng họ đã từng bị tù rồi, giờ có bị tù nữa thì không sợ. Thế là tôi gọi cảnh sát đến.”
Chính vì sau vụ phiền phức đó, vợ chồng anh đã ngưng không tiếp tục giữ giấy phép Foster Care nữa. “Cũng may sau đó vợ tôi lại sanh được 1 đứa con gái nên chúng tôi cũng dẹp luôn ý định xin con nuôi.”
Được biết theo ghi nhận của Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Sinh Hoa Kỳ Đặc trách về Trẻ Em và Gia Đình, hiện nay có khoảng nửa triệu trẻ em Mỹ đang sống trong chương trình foster-care. Gần 1/4 trẻ em sẽ được chăm sóc trong thời gian hơn ba năm. Một cuộc thăm dò phát hiện có những thanh thiếu niên đã vượt quá độ tuổi, khoảng một nửa trong số đó chưa học xong bậc trung học, khoảng 1/3 đang ngồi tù, và đa số đang chật vật trong cảnh không nhà ở. Chỉ có 38% hiện đang có việc làm ở độ tuổi 18, sau một năm qua độ tuổi foster-care. (bh)
(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT