Người Việt Khắp Nơi

Ngày Văn Hóa Phan Châu Trinh

Saturday, 25/10/2014 - 09:27:53

Tờ báo Thanh Niên viết: “Ngày 19.1.1974, Trung Quốc xua quân xuống cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa lúc bấy giờ đang thuộc chủ quyền của VNCH.

Bài THANH PHONG

WESTMINSTER - Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng tại Nam California vừa thể hiện tinh thần yêu nước, noi gương nhà cách mạng mà ngôi trường trung học thân yêu của mình được mang tên, qua việc tổ chức Ngày Văn Hóa Phan Châu Trinh với chủ đề “Hướng Về Biển Đảo Quê Hương” tại hội trường VNCR vào ngày 18 tháng 10, 2014 vừa qua.

Quý vị hiệu trưởng, giáo sư và ban tổ chức Ngày Văn Hóa Phan Châu Trinh. (Thanh Phong/Viễn Đông)



Chương trình được khai mạc vào lúc 8 giờ tối với nghi thức chào cờ. Trong phút thinh lặng, các cựu học sinh Phan Châu Trinh cúi đầu tưởng niệm anh linh tổ tiên, anh hùng liệt nữ đã có công dựng nước, giữ nước và đặc biệt các vị giáo sư cũng như các bạn đồng môn trường Phan đã ra đi.
Tiếp đến, Trưởng Ban Tổ Chức, cựu học sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng niên khóa 54-60, nhà văn và cũng là một cựu Phi Đoàn Trưởng Không Quân VNCH, Trung Tá KQ Võ Ý, đọc diễn văn khai mạc. Sau lời chào mừng quý vị Hiệu Trưởng, quý thầy, cô và quan khách, nhà văn Võ Ý nói: “Hàng năm Hội Cựu Học Sinh Phan Châu Trinh tổ chức hai kỳ sinh hoạt, một vào ngày húy kỵ cụ Phan vào đầu tháng Ba và hai là Ngày Văn Hóa Phan Châu Trinh vào mùa Thu. Hiện tình Việt Nam đang gặp nguy cơ Hán hóa nên ban tổ chức quyết định chọn chủ đề cho ngày văn hóa Phan Chu Trinh năm nay là “Hướng Về Biển Đảo Quê Hương.” Chúng ta hướng về biển đảo quê hương cũng là cách thể hiện chủ trương đấu tranh bất bạo động của chí sĩ Phan Tây Hồ với ước vọng hỗ trợ đồng bào trong nước cùng đứng lên chống lại bọn tà quyền chuyên hà hiếp bóc lột dân nghèo. Chúng tôi mong quý thầy, cô và quý đồng hương đồng tình với chúng tôi, cùng ghi nhận tâm huyết và nhiệt tình của các anh chị trong ban tổ chức, và cố gắng thực hiện Ngày Văn Hóa, phần nào phản ảnh lý tưởng của nhà cách mạng Phan Châu Trinh.”
Sau diễn văn khai mạc, ban hợp ca Phan Châu Trinh đồng ca nhạc phẩm “Phan Châu Trinh Hành Khúc,” một bản Hiệu Đoàn Ca của trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng. Tiếp đến là phần giới thiệu quý vị cựu Hiệu Trưởng và giáo sư trường Phan cũng như quan khách và đại diện các cơ quan truyền thông. Sau đó, nhà văn Phan Nhật Nam, cựu học sinh Phan Châu Trinh, có bài “Nhận Định: Hoàng Sa – Trường Sa, Đầu Sóng Ngọn Gió.” Nhà văn Phan Nhật Nam, một cựu sĩ quan QL/VNCH, đã để tâm nghiên cứu các sách lược cộng sản nên có cái nhìn sâu sắc về những gì cộng sản Bắc Việt nói và làm. Ông đưa ra một bài nhận định với những chứng cớ lịch sử có tính thuyết phục cao về chủ trương chiếm lãnh hải phận Việt Nam cũng như những lời tuyên bố của Phạm Văn Đồng, Trường Chinh v.v... khi chúng sẵn sàng dâng hiến một phần lãnh thổ VN cho bọn quan thầy phương Bắc. Giáo sư Thái Doãn Ngà nguyên Hiệu Trưởng trường Phan lên phát biểu, ca ngợi tinh thần của các học sinh trường Phan, đã noi gương nhà cách mạng, tổ chức những sinh hoạt trong cộng đồng để nâng cao ý thức trách nhiệm đối với tổ quốc trước đại họa Hán hóa của Tàu Cộng. Kế tiếp, ban hợp ca lại đồng ca nhạc phẩm “Phan Châu Trinh Đường Chúng Ta Đi” như để nhắc nhở con cháu nhà cách mạng họ Phan trong lúc đất nước đang lâm nguy.
Sang phần thứ hai của chương trình, ngoài những tiết mục văn nghệ, trong đó có nhạc cảnh vinh danh Hải Quân Trung Tá Ngụy Văn Thà, đặc biệt có bài “Nhận Định Trận Hoàng Sa, Cái Nhìn Thay Đổi Sau Năm Tháng” của ông Vũ Đình Huân. Bài nhận định rất sâu sắc, kèm theo dẫn chứng qua những bài báo của một số tờ báo xuất bản trong nước Việt Nam cũng như lời nói của chính những người có chức có quyền của chế độ. Ông đơn cử:
Tờ báo Thanh Niên viết: “Ngày 19.1.1974, Trung Quốc xua quân xuống cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa lúc bấy giờ đang thuộc chủ quyền của VNCH. Trong hoàn cảnh có nhiều bất lợi, các quân nhân VNCH vẫn nổ súng chống lại kẻ xâm lược.” Ông Vũ Đình Huân nói, dù dưới sự kiểm soát của đảng Cộng Sản, tờ Thanh Niên Oline, tờ báo Tiền Phong ngày 19.1.2013 viết: “Hoàng Sa thời điểm đó đang do chính phủ VNCH quản lý.” Các tờ báo này đã phải dùng chữ VNCH hoặc Chính Phủ VNCH thay cho chữ “Ngụy quyền Saigon” hay “Chế Độ Saigon” một cách xách mé như trước đây. Đặc biệt, ngày 3.7.2014 nhà cầm quyền CSVN gửi tập tài liệu về Lập Trường của Việt Nam đề nghị lưu hành tại Liên Hiệp Quốc về chủ quyền đối với đảo Hoàng Sa trong tập tài liệu đó cũng viết: “Năm 1974, lợi dụng tình hình chiến tranh tại Việt Nam, Trung Quốc đã tấn công và chiếm quyền kiểm soát Hoàng Sa từ chính quyền VNCH..” Ông nói, sự thừa nhận VNCH là chính quyền quả là chén thuốc đắng mà Đảng CSVN buộc lòng phải uống.
Ngoài ra, rất nhiều báo trong nước tường thuật lại trận Hoàng Sa, đài truyền hình Đồng Nai còn cho chiếu phim “Hải Chiến Hoàng Sa” do VNCH phát hành với hình ảnh Quân Lực VNCH đơn độc anh dũng chiến đấu, và ca ngợi tinh thần dũng cảm của các chiến sĩ Hải Quân VNCH.
Về Không Quân VNCH, tờ báo Thanh Niên Online ngày 06.01.2014 cũng tường thuật lời tên phi công phản bội Nguyễn Thành Trung ca tụng khả năng của Không Quân VNCH. Nguyễn Thành Trung nói: “Mấy ông chỉ huy Không Quân phát biểu trong cuộc họp rằng: Đánh với Việt Cộng là chỉ đánh chơi thôi, không có sướng. Đánh với Trung Cộng mới là đánh. Cho nên tôi nói thật với các ông, đánh trận này tụi tôi đi đánh trước. Cấp Đại Tá, Trung Tá, Thiếu Tá đánh trước, sau khi chúng tôi chết hết rồi mới đến cấp Úy các ông đi đánh.”
Về Hải Quân và Bộ Binh VNCH, một số tờ báo trong nước, sau khi xem những thước phim về trận Hải Chiến Hoàng Sa cũng đã phải thừa nhận, Quân Lực VNCJH chiến đấu như thế thì không thể gọi họ là hèn nhát được. Mặc dù QL/VNCH không giữ được thành trì, nhưng họ đã chiếm được lòng dân, mà sách binh thư đã ghi: “Chiếm được thành không bằng chiếm được lòng dân,” vì thế hiện nay người dân trong nước đang hướng về VNCH trong niềm cảm phục các chiến sĩ QL/VNCH, và ông kết luận: “Dù Cộng sản VN có gian manh tráo trở, dù Trung Cộng có mạnh bao nhiêu chăng nữa, nhất định người dân Việt sẽ có ngày lấy lại Hoàng Sa, và giành lại chính quyền về tay người dân.”
Sau nhạc cảnh “Lửa Bolsa” do Ban Văn Nghệ Hội Ái Hữu Phan Châu Trinh và hậu duệ trình diễn, ban tổ chức ngỏ lời cảm tạ quan khách và Đêm Văn Hóa Phan Châu Trinh kết thúc tốt đẹp lúc 10 giờ tối bằng bản hợp ca “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ.”

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT