Đời Sống Việt

Ngày thường của một nhà soạn nhạc

Anvi Hoàng/Viễn Đông Wednesday, 07/11/2012 - 09:14:52

Một nhà soạn nhạc không làm việc trong môi trường giáo dục thì cuộc sống hàng ngày của họ có thể khác hơn nhiều so với các giáo sư dạy sáng tác nhạc trong môi trường đại học và sẽ được bàn đến trong một bài khác. Bài này miêu tả ngày thường của một giáo sư nhà soạn nhạc.

Anvi Hoàng/Viễn Đông

Có thể nói nghề soạn nhạc là một trong những nghề “khó hiểu” nhất đối với nhiều người. Một người bình thường khi nghe ai đó giới thiệu: “Tôi là nhà soạn nhạc” (composer) thì hầu như không hình dung ra được cụ thể thì người đó làm gì. Trừ trường hợp của người Ý: truyền thống opera ở Ý rất lâu đời và phần lớn người Ý yêu thích opera. Do đó họ biết một nhà soạn nhạc làm gì và có sự tôn trọng nhất định đối với nhà soạn nhạc. Trong khi đó những người khác có thể nghĩ “nhà soạn nhạc” cũng như là một “nhạc sĩ” theo nghĩa người viết nhạc bài hát (songwriter). Thật ra, kiến thức, kỹ năng, và công việc của “nhà soạn nhạc” và nhạc sĩ viết ca khúc rất khác nhau.


Một nhà soạn nhạc không làm việc trong môi trường giáo dục thì cuộc sống hàng ngày của họ có thể khác hơn nhiều so với các giáo sư dạy sáng tác nhạc trong môi trường đại học và sẽ được bàn đến trong một bài khác. Bài này miêu tả ngày thường của một giáo sư nhà soạn nhạc.

Cảm hứng và ý tưởng
Tất cả mọi chuyện đều có thể trở thành ý tưởng hoặc cảm hứng sáng tác cho nhà soạn nhạc. Từ chuyện tình cảm, thơ văn đến chuyện khoa học, kỹ thuật, vân vân. Ví dụ nhà soạn nhạc người Nga gốc việt, Nguyễn Lân Tuất, sáng tác bản Giao Hưởng Số 4 (Symphony No. 4) là từ cảm hứng về thân phận của người Việt di cư ra nước ngoài. Chương 3 của bản giao hưởng này, tựa đề “Ở dưới biển sâu”, là về những người Việt vượt biên bỏ xác ngoài biển.
Hoặc Nguyễn Thiên Đạo viết vở opera ballet “Định mệnh bất chợt” lấy cảm hứng từ tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.
Hoặc P.Q. Phan có một bản nhạc tên là “From Perseus Clusters” lấy cảm hứng từ hiện tượng Lỗ Đen (Black Hole). Ông tưởng tượng âm thanh sẽ được tạo ra như thế nào khi có sự cọ xát giữa các dạng thể vật chất không phải là rắn (như ánh sáng chẳng hạn) trong Lỗ Đen.
Nói chung, đề tài làm ý tưởng và cảm hứng cho nhà soạn nhạc là không có giới hạn. Sự giới hạn chỉ tồn tại ở khả năng tưởng tượng của người sáng tác mà thôi.

Soạn nhạc
Công việc của nhà soạn nhạc có phần giống việc sáng tạo của một nhà văn hoặc một họa sĩ ở chỗ họ thực hiện công việc sáng tạo mỗi ngày một ít. Thói quen sáng tạo này rất khác nhau ở mỗi người. Có nhà soạn nhạc thích sáng tác vào buổi chiều, có người thì rảnh lúc nào viết lúc đó, có người thì sáng tác mỗi buổi sáng sớm, có người chỉ làm việc được vào tối khuya, có người khi được đặt viết mà đến gần ngày giao nộp bài mới ngồi xuống viết như vắt giò lên cổ chạy.
Còn về dụng cụ để viết nhạc, bình thường là giấy và bút chì. Ngày nay thời buổi điện tử, nhiều nhà soạn nhạc trẻ và cả những người lớn tuổi chuyển qua dùng máy tính để ghi lại nốt nhạc. Cái lợi cái hại của mỗi phương tiện là do nhà soạn nhạc tính toán và quyết định lựa chọn cho mình.
Nói chung, về thói quen làm việc thì các nhà soạn nhạc không ai giống ai. Điều giống nhau giữa họ là quá trình suy nghĩ về việc sáng tác, hoặc về đề tài của bản nhạc thì liên tục và không ngừng nghỉ. Nó diễn ra cả trong lúc họ thức lẫn lúc họ ngủ.

Dạy học

Điều “bí ẩn” nhất về công việc của một giáo sư nhạc ngành sáng tác có lẽ là việc đi dạy của họ. Thường người ta hay nghĩ đi dạy có nghĩa là đến trường, vào lớp và giảng bài cho mấy chục sinh viên. Trong chương trình Sáng Tác Nhạc (Music Composition) cũng có những lớp về lý thuyết nhạc mà giáo sư giảng bài trước một lớp đầy sinh viên, nhưng công việc chính của một giáo sư nhạc là hướng dẫn từng sinh viên viết nhạc.
Bởi vì bản chất của việc sáng tác là mang tính cá nhân. Viết cho ai: giọng ca (vocal), piano, violin, guitar, hoặc dàn nhạc dây (string quartet), hoặc dàn nhạc giao hưởng (orchestra), vân vân; và bài nhạc dài hay ngắn, v.v., là tùy vào trình độ kỹ thuật và ý tưởng sáng tạo của từng sinh viên. Do đó việc hướng dẫn cũng là để đáp ứng những yêu cầu khác nhau của họ.
Giáo sư gặp từng sinh viên một, mỗi tuần một lần, mỗi lần một tiếng, tại phòng làm việc của mình. Một yêu cầu bắt buộc đối với sinh viên học ngành sáng tác nhạc là phải chơi một nhạc cụ nào đó, không nhất thiết phải là đàn piano nhưng hầu như các nhà soạn nhạc đều biết chơi đàn piano nên trong phòng giáo sư nhạc lúc nào cũng có một cây đàn piano. Thế là mỗi tuần sinh viên đem phần bài mới viết đến trình bày với giáo sư, thầy và trò cùng thảo luận về bài nhạc của trò và dùng đàn piano để giải thích hoặc diễn dãi.
Giáo sư nhạc ngành sáng tác không dạy bằng cách áp đặt ý tưởng của mình cho sinh viên mà phải lắng nghe thật kỹ để hiểu được sinh viên muốn đạt được điều gì hoặc mong muốn thể hiện ý tưởng gì qua bài nhạc của họ, rồi hướng dẫn để họ diễn tả ý tưởng đó qua âm nhạc. Tùy theo tốc độ làm việc nhanh hay chậm của mỗi sinh viên, tùy độ phức tạp và dài ngắn của từng bài nhạc, mỗi bài có thể mất từ vài tuần đến vài tháng hoặc cả năm mới viết xong.

Đi nghe nhạc
Nhạc viết xong thì đến phần trình diễn. Mỗi học kỳ đều có một số buổi trình diễn nhạc nhất định dành cho sinh viên, gọi là recital, thường là vào 8 giờ tối. Mỗi khi nhạc của sinh viên được chơi, giáo sư phải đi nghe. Đôi khi phải dự cả các buổi tập dợt nữa. Đây là một phần công việc của giáo sư nhạc.
Ngoài ra nhà soạn nhạc cũng cần đi nghe nhạc của đồng nghiệp, và các buổi hòa nhạc khác mà họ thích hoặc cho là quan trọng. Tất cả đều là một phần công việc của họ. Nghe qua thì có vẻ “lãng mạn” lắm, nhưng nên nhớ rằng lúc nhà soạn nhạc ngồi trong khán phòng nghe nhạc là quãng thời gian phải tập trung và phải động não, vì một bản nhạc thính phòng là một tác phẩm âm nhạc mang tính kích thích tư duy cao chứ không phải như một bài hát phổ thông nhằm giải trí và đem lại thư giãn cho người nghe. Do đó, một tuần mà phải “đi nghe nhạc” kiểu này hết 3-4 tối thì các giáo sư đôi khi cũng “ngất ngư” luôn.
Bởi thế người ta mới nói “công việc" là “công việc", “chơi” là “chơi”. Điều người ta cần biết là nghề nào thích hợp với mình thì lựa chọn, chứ so sánh nghề này với nghề kia thì giống như so sánh trái cam với trái táo vậy.

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT