Người Việt Khắp Nơi

Ngày Rằm Tháng Bảy, 2017 tại Chùa Huệ Quang, Santa Ana

Tuesday, 05/09/2017 - 08:30:17

Sáng thứ Ba, ngày 5 tháng 9, 2017 nhằm ngày Rằm tháng 7 âm lịch, chúng tôi đến chùa Huệ Quang. Mới 10 giờ mà đã không tìm được chỗ đậu xe gần chùa.

Bài THANH PHONG

SANTA ANA - Đối với Phật Giáo nói chung ngày Rằm Tháng Bảy là ngày rằm lớn nhất, quan trọng nhất, ngày Xá Tội Vong Nhân. Riêng Hòa Thượng Thích Minh Mẫn, Viện Chủ chùa Huệ Quang thì ngày Rằm Tháng Bảy được Thầy coi là một ngày vô cùng quan trọng, mang ý nghĩa lớn, chính vì thế mỗi tháng vào ngày mùng Một và ngày Rằm, Hòa Thượng đều tổ chức một buổi cơm chay và văn nghệ cúng dường ngay tại khuôn viên chùa. Mỗi lần tổ chức như vậy có hàng ngàn Phật tử đến tham dự.

Cô Diệu Hỷ hát tại chùa Huệ Quang sáng thứ Ba. “Con không phải là ca sĩ chuyên nghiệp, con chỉ tụng kinh với thầy và hát karaoke thôi,” cô nói. (Thanh Phong/ Viễn Đông)


Sáng thứ Ba, ngày 5 tháng 9, 2017 nhằm ngày Rằm tháng 7 âm lịch, chúng tôi đến chùa Huệ Quang. Mới 10 giờ mà đã không tìm được chỗ đậu xe gần chùa.

Bước vào cổng chùa, ngay bên tay phải, cư sĩ Tâm Phú đang loay hoay xay nước mía cho khách. Cư sĩ Tâm Phú trao cho chúng tôi ly nước mía ngọt lịm, và nói, “Trời nắng uống nước mía giải cảm.”
Một nữ Phật tử vừa uống xong ly nước mía buột miệng khen, “Nước mía của ông này ngon hơn nước mía bán ngoài chợ.”
Uống xong ly nước, cám ơn cư sĩ Tâm Phú, người luôn có cảm tình nồng thắm với anh em truyền thông, chúng tôi bước vào phía trong. Trước khu nhà bếp có mấy chiếc bàn đã có các Phật tử ngồi kín đang ăn, người thì tô bún riêu, người mấy cái chả giò, người thì tô phở nóng hổi.


Hàng trăm Phật tử ngồi ăn trong lều, vừa ăn vừa nghe nhạc. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Chúng tôi hỏi một Phật tử, “Ngon không chị?”
Chị Huệ, pháp danh Tâm Diệu, trả lời, “Đồ chay ở đây tôi thấy đậm đà hơn ngoài tiệm đó nghe.”
Vào sâu thêm tý nữa là khu nhà bếp, các bà, các chị đang tới tấp múc đồ ăn cho khách. Gặp bác Diệu Phước đang đứng bán đồ ăn, chúng tôi hỏi, “Sáng nay nghe cô Ngọc Ân quảng cáo trên đài Little Saigon là có món Kiểm. Vậy Kiểm là món nào đâu bác?”
Vô tình mà hên, hỏi đúng người. Bác Diệu Phước chỉ tay vào cái ly nhựa đang đựng đầy đồ ăn, nói, “Đây! Kiểm là món này đây.”

Trong này có những thứ gì?
Bác Diệu Phước cho biết, “Có tàu hủ ky, có táo, nước cốt dừa, đồ la ghim như các loại đậu, khoai môn này kia.”

Tại sao lại gọi là món Kiểm?
Bác chưa kịp trả lời thì có một Phật tử trả lời thay, không biết chị nói thiệt hay nói giỡn cho vui, “Kiểm là kiểm lại coi có đủ món chưa đó mà. Tại vì trong này có nhiều thứ nấu chung, cho nên phải kiểm lại, nếu thiếu thứ gì thì phải bỏ vô, thế là kiểm.”

Bác Diệu Phước cười quá trời. Bác nói, món này chỉ có ở miền Nam, hồi còn ở Việt Nam, bác nấu món này hoài, ai ăn cũng khen ngon hết ráo. Bác ở chùa Vạn Phật tới đây làm công quả chín năm rồi, bác chỉ cho người ta nấu Kiểm. Chỗ này thì bán, bên hông chùa thì cho ăn free.


Bác Diệu Phước làm món Kiểm và con gái tên Quế cùng lo thức ăn cho chùa. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Rời khu nhà bếp, chúng tôi lên chánh điện. Gặp một bác cao tuổi tên là Ân Ngọc, năm nay bác 80 tuổi. Bác ngồi một mình có vẻ đang suy tư điều gì.

Chúng tôi hỏi, “Thưa bác, bác từ đâu tới?”
Bác trả lời, “Ở đây chứ ở đâu! Bác đi chùa này nhiều lần chưa?” Bác nói thêm gọn lỏn, “Có lễ thì đi.”
Một Phật tử tên là chị Điệp ở Santa Ana cũng đang ngồi chờ người nhà đến để cùng vào chùa lạy Phật. Muốn phỏng vấn chị một câu, Chị Điệp nói; “Ngày nào tôi chả đọc báo Viễn Đông. Tôi biết anh chứ anh không biết tôi, thôi phỏng vấn người khác đi, tôi không quen nói trước báo chí nên nói nó không lưu loát.”
Đi ra phía sau chùa, gặp một cô gái đang cầm micro hát Karaoke. Đợi cô hát xong, chúng tôi hỏi.
Cô cho biết tên là Diệu Hỷ cư dân Garden Grove. Diệu Hỷ cho biết, “Mỗi ngày rằm, mùng một con tới đây hát, để mọi người vui. Con không phải là ca sĩ chuyên nghiệp, con chỉ tụng kinh với thầy và hát karaoke thôi.”

Sau khi hỏi cô Diệu Hỷ, chúng tôi thấy hai nhà sư còn trẻ đang ngồi rảnh rỗi nên xin phép hỏi hai thầy một câu. Hai vị sư nói, “Không được! Phải hỏi Sư Phụ (tức là HT Minh Mẫn).” Chúng tôi thưa, “Con hỏi một câu thôi, câu này hai Thầy dư sức trả lời.” Vị sư trẻ cười và nói, “Vậy chú muốn hỏi gì?”
“Bên Phật giáo coi ngày mùng một và ngày Rằm là hai ngày quan trọng, xin Thầy cho biết tại sao lại chọn ngày mùng một và ngày Rằm?”

Vị sư trẻ là Đại Đức Huệ Đức ở chùa Huệ Quang trả lời rất rõ ràng. (Chúng tôi sẽ có bài riêng, độc giả nhớ đón đọc).

Trở ra bên hông chùa, chúng tôi gặp một nữ Phật tử đang lo vấn đề nước uống.
Chị cho biết, “Tôi là Diệu Minh ở chùa Liên Hoa, sang đây làm công quả chứ không phải Phật tử chùa Huệ Quang. Tôi làm món chè đậu đen táo đỏ với nước hột é, lát nữa cho các đồng hương dùng. Mỗi tháng Thầy đãi cơm, tôi đãi nước. Còn mấy chị đây là phụ tôi. Mỗi tháng tôi đều làm với cái lòng của tôi thôi, không tính toán gì hết.”


Cô Hiếu (Tịnh Ngộ) làm cây Bồ Đề. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Một cô gái trẻ rất có duyên đang làm một cái cây bằng vàng giả.
Chúng tôi hỏi, “Cô đang làm cái cây gì vậy?”
Cô gái cười một cách thẹn thùng trả lời, “Dạ, làm cái cây Bồ Đề.”
Làm cây Bồ Đề như thế này mất bao lâu?
Cô lại thẹn thùng cười một hồi rồi mới nói, “Dạ cây lớn làm cả tiếng, cây nhỏ thì mau hơn. Cây lớn bán bốn chục đồng, cái này là của chùa không phải của con, con làm công quả thôi, làm 10 năm rồi.”
Hỏi tên, cô bẽn lẽn nói, “Dạ, Tịnh Ngộ, còn tên ngoài đời là Hiếu.”

Đến đây Phật tử đã tới khá đông. Chúng tôi tìm gặp Hòa Thượng Viện Chủ Thích Minh Mẫn. Hòa Thượng đang loay hoay phụ làm ở dưới bếp. Thầy vui vẻ, niềm nở kéo tôi ra phía vườn ngồi uống trà, và thầy đã dành cho Viễn Đông một cuộc phỏng vấn lý thú về ngày Rằm Tháng Bảy. (Vì khuôn khổ bài báo có hạn, chúng tôi sẽ đăng những lời phát biểu của Đại Đức Huệ Đức và Hòa Thượng Thích Minh Mẫn trong số báo sắp tới).

Vào lúc hơn 11 giờ trưa, hàng trăm người sắp hàng dài lấy thức ăn và ngồi trong căn lều khá lớn, vừa ăn vừa thưởng thức âm nhạc. Đây là nét đặc thù của chùa Huệ Quang được các Phật tử khắp nới hoan hỷ đến tham dự mỗi kỳ một đông.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT