Người Việt Khắp Nơi

Ngày Quốc Hận không quên viếng Tượng Đài Thuyền Nhân

Monday, 03/05/2021 - 06:23:57

Sự hiện diện, sự chăm chút từng chậu hoa, từng nén nhang cho các thuyền nhân của các vị trên đã chứng minh tinh thần trách nhiệm, tấm lòng thương mến dành cho các thuyền nhân tử nạn của Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài.

 


Nhà báo Thái Tú Hạp thắp nhang trước tấm bia tưởng niệm 81 chiến sĩ Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù QL/VNCH cạnh Tượng Đài thuyền Nhân. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

 


Bài THANH PHONG

Trước đại dịch Coronavirus, mỗi năm vào ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư, Ủy Ban Thực Hiện Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân đều cung thỉnh các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo trong Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ, các cấp chính quyền, dân cử địa phương, các hội đoàn, đoàn thể và hàng trăm đồng hương đến trước Tượng Đài Thuyền Nhân trong nghĩa trang Peek Funeral Home, Westminster để cử hành Lễ Tưởng Niệm, Cầu Nguyện cho hương linh hàng trăm ngàn thuyền nhân, bộ nhân đã tử nạn trên đường vượt biển tìm tự do sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975.

Năm nay vì dịch bệnh vẫn còn nên Ủy Ban Thực Hiện Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân đã thông báo quyết định không tổ chức lễ tưởng niệm, cầu nguyện chư hương linh, hương hồn thuyền nhân đã mất cho đến khi nào tình hình an toàn trở lại thật sự bình thường, Ủy Ban sẽ thông báo đến quý đồng hương.

Tuy đã được đọc thông báo trên nhưng trưa ngày 30 tháng Tư chúng tôi vẫn ra viếng Tượng Đài Thuyền Nhân. Khu vực Tượng Đài trước lúc 1 giờ trưa vắng lặng, không một bóng người nhưng toàn bộ khu Tượng Đài đã được Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Thuyền Nhân phủ đầy một màu hoa cúc vàng thật tươi, thật đẹp trước đó.

Một giờ 5 phút nhà báo Thái Tú Hạp và phu nhân Ái Cầm cũng là hai thuyền nhân khởi xướng công trình hình thành Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân, đi bên cạnh có giáo sư Vân Bằng (phu nhân ông cựu Chánh Án Nguyễn Trọng Nho), bà Thu Thủy (phu nhân Bác Sĩ Lê Hồng Sơn) là các vị trong Ủy Ban Thực Hiện Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân đến nơi.





Bà Ái Cầm thắp nhang cho hương linh các thuyền nhân có khắc tên trên các phiến đá. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Nhà báo Thái Tú Hạp và phu nhân Ái Cầm mang rất nhiều hương, hoa đến. Cả bốn người thắp hương khấn nguyện trước bức tượng thuyền nhân, sau đó lần lượt đi cắm nhang trên tất cả 54 phiến đá xung quanh Đài Tưởng Niệm, trên mỗi phiến đá có khắc tên hàng trăm thuyền nhân tử nạn hoặc mất tích trong cuộc hành trình tìm tìm tự do.

Nhà báo Thái Tú Hạp cho chúng tôi biết, trước năm 1975 ông phục vụ tại Phòng Tâm Lý Chiến, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I, Quân khu I/ QL/VNCH. Khi Cộng Quân chiếm miền Nam, ông bị đưa vào trại tập trung “cải tạo” mà thời gian chưa biết đến bao giờ, vì theo ông, đối với Việt Cộng, Tâm Lý Chiến là kẻ thù số một của chúng vì là cơ quan tuyên truyền chống chủ nghĩa Cộng Sản hữu hiệu nhất.

Trong khi đó, phu nhân của ông đi dạy học và gia đình làm thương mại nên bị Việt Cộng ghép vào tội “tư sản” cần phải tịch thu toàn bộ tài sản. Trong kế hoạch “Đánh Tư Sản,” nhiều lần cán bộ Việt Cộng đến nhà bắt gia đình bà phải rời nhà nhưng bà kiên quyết trả lời “Tôi không đi đâu hết, chừng nào chồng tôi được về đi đâu tôi mới đi.”

Không ngờ biến cố chiến tranh xảy ra giữa Cộng Sản VN và Trung Quốc vào năm 1979 tại biên giới Hoa – Việt. Những gia đình người Hoa ở trong diện phải rời khỏi Việt Nam theo chính sách ban hành. Bà Ái Cầm có cha là người Hoa, mẹ là người Việt nên phải vào danh sách ra đi sau khi nộp vàng và hiến nhà cho nhà nước. Nhờ đó bà đã chạy được cho chồng là ông Thái Tú Hạp về với gia đình để chuẩn bị ra đi. “Đúng là kẻ hở của lịch sử..”

Sau đó, gia đình hai ông bà đã vượt biên bằng đường biển và may mắn đến được bến bờ tự do sau khi con tàu chở trên 200 người vượt biển bị bão tố đánh vào bờ đảo Hải Nam làm chết 13 người. Tàu bị vỡ nhưng người sống sót nhờ tàu mắc cạn. Lên bờ mỗi người chỉ còn một bộ đồ mặc trong người. Sáng hôm sau một vài xác người tử nạn giạt vào bờ, ông Hạp trong nhóm người giúp chôn cất họ trên bờ biển và có lời nguyện “Nếu đến được bến bờ tự do sẽ không bao giờ quên những người nằm lại trên hoang đảo hiu quạnh này.” Và đó là nguyên nhân ông bà Thái Tú Hạp đã cố gắng thực hiện việc khởi xướng Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân trong thời gian gần 15 năm. 



Giáo Sư Vân Bằng (phu nhân cựu Chánh Án Nguyễn Trọng Nho) và bà Thu Thủy (phu nhân Bác Sĩ Nguyễn Hồng Sơn) thắp nhang cho các thuyền nhân. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Chính vì thế ông bà đã cùng một số quý vị có tấm lòng cảm phục sự hy sinh cao cả của những thuyền nhân, liều mình vượt qua biển cả mênh mông trên những con thuyền mỏng manh để rồi một số bị sóng to gió lớn đánh chìm giữa biển khơi, nhưng đau đớn, xót xa hơn cả là những thiếu nữ đã bị bọn hải tặc Thái Lan cưỡng hiếp ngay trước mặt cha mẹ, những người chồng chứng kiến vợ mình bị hải tặc thay phiên nhau hãm hiếp; một số người chồng không kìm nổi tức giận, phản ứng liền bị bọn hải tặc đập chết và hất xác xuống biển trong tiếng la hét thảm thương của vợ con... Nhiều thuyền nhân ra đi đến nay sau 46 năm gia đình vẫn bặt vô âm tín.

Nhà báo Thái Tú Hạp nói, “Những chuyện đau lòng về thuyền nhân đã được nhiều người kể lại trên giấy trắng mực đen, và nhiều cuốn sách viết về thuyền nhân đã được dịch sang ngoại ngữ khiến cả thế giới bàng hoàng, sửng sốt và tự hỏi “Ai là người gây nên thảm cảnh này? Nếu quân Cộng Sản Bắc Việt không xua quân cưỡng chiếm miền Nam thì đâu có xảy ra thảm cảnh kinh hoàng như vậy, đâu có hàng triệu người phải bỏ nhà cửa, tài sản, bỏ quê cha đất tổ để ra đi mà chín phần chết chỉ có một phần sống nhưng họ cũng vẫn ra đi tìm ‘Tự Do Hay Là Chết’. Cũng chính vì sự hy sinh đó mà sau khi ổn định cuộc sống tại Hoa Kỳ, chúng tôi đã nghĩ đến việc phải xây dựng một Tượng Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân, và may mắn chúng tôi đã được sự giúp đỡ tận tình của ông Jeff Gibson, Giám Đốc Nghĩa Trang Westminster Memorial Park, và bằng chính khả năng của đồng hương người Việt tỵ nạn hải ngoại và Ủy Ban Thực Hiện Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân gồm có ca - nhạc sĩ Việt Dũng, Chí Thiện - Minh Phượng, Radio Bolsa, ông bà BS Lê Hồng Sơn, GS Vân Bằng, BS Ngô Phùng Hỷ, Điêu Khắc Gia Vy Vy...”

Ông cũng cho biết trên 54 phiến đá khắc ghi trên 7 ngàn tên các thuyền nhân đã tử nạn. “Ủy Ban chúng tôi khẳng định không nhận bất cứ tài chính đính kèm theo danh sách thân nhân tử nạn thuyền nhân gửi về. Và hiện còn rất nhiều gia đình đang tiếp tục gửi tên thân nhân của họ đã mất về cho chúng tôi để chúng tôi tiếp tục thực hiện thêm nhiều phiến đá khác nữa nếu có điều kiện trong tương lai.”




Thuyền nhân Ngọc Ân đặt hoa Ly Ơn trắng trên các phiến đá khắc tên thuyền nhân. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Đang khi nhà báo Thái Tú Hạp kể cho chúng tôi nghe, mọi người lại thấy có thêm cô Ngọc Ân, anh Hùng, anh Nguyên và ông Hứa Trung Lập đến. Cô Ngọc Ân, một thuyền nhân may mắn đến được bến bờ tự do, hôm nay trong y phục màu đen và nét mặt sầu buồn, cô ôm một bó hoa Lay Ơn trắng và đến từng phiến đá, cô đặt trên đó một cành hoa và miệng lâm râm cầu nguyện. Trong tháng Tư vừa qua, trên nhật báo Viễn Đông, thuyền nhân Ngọc Ân đã có những bài viết thật cảm động khiến nhiều độc giả gọi đến tòa soạn khen ngợi và cám ơn tác giả và mong cô tiếp tục viết thêm những gì cô đã mắt thấy tai nghe.

Dù không có đông người tham dự, không có những lễ nghi , không có những lời cầu nguyện của các vị lãnh đạo tôn giáo như những năm trước đại dịch, nhưng sự hiện diện, sự chăm chút từng chậu hoa, từng nén nhang cho các thuyền nhân của các vị trên đã chứng minh tinh thần trách nhiệm, tấm lòng thương mến dành cho các thuyền nhân tử nạn của Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài, và điều đó chắc chắn đã làm cho hương linh các thuyền nhân được an ủi.

 


Từ trái, Hứa Trung Lập, Thái Tú Hạp, bà Ái Cầm, cô Ngọc Ân, bà Vân Bằng, bà Thu Thủy, anh Hùng và anh Nguyên cùng cầu nguyện trước Tượng Đài Thuyền Nhân. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Từ nơi an bình, các thuyền nhân sẽ không quên ơn của những người có tấm lòng cao cả đã nghĩ đến họ, đã khắc tượng đài Thuyền Nhân để lưu truyền cho các thế hệ sau, cứ nhìn vào bức tượng này, không cần lời giải thích cũng đủ biết bức tượng Thuyền Nhân đã nói lên điều gì cao quý giá trị của Tự Do và Nhân Quyền.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT