Đạo và Đời

Ngày lễ Độc Lập Mỹ năm nay, niệm Phật (hay ngồi thiền) cho chắc ăn

Wednesday, 03/07/2019 - 06:06:12

Mỗi năm, cứ đến mùa lễ Độc Lập, khi bà con ở chốn Bolsa đây -Việt cũng như Mỹ, Mễ, Ấn Độ, Trung Đông - đốt pháo (lậu cũng có) nổ đùng đùng hằng đêm...


(Getty Images)


Bài ĐỒNG PHÚC

Nói “nổ” theo kiểu người lớn tuổi hay nói, tôi đã có mặt ở xứ này gần nửa thế kỷ, tị nạn ở đất nước Huê Kỳ từ năm 1975. Còn nói cho chính xác thì chỉ mới có... 44 năm hà, chưa đủ tiêu chuẩn để nói là nửa thế kỷ, nhưng cũng “nổ” vậy cho nó oai với đám trẻ, với các con, các cháu.

Mỗi năm, cứ đến mùa lễ Độc Lập, khi bà con ở chốn Bolsa đây -Việt cũng như Mỹ, Mễ, Ấn Độ, Trung Đông - đốt pháo (lậu cũng có) nổ đùng đùng hằng đêm, trước và sau ngày lễ Độc Lập 4 tháng Bảy, tôi lại chạnh lòng nhớ về quá khứ, dẫu biết rằng trong Kinh Nhất Dạ Hiền Giả thì Phật đã nhắc nhở những hành giả tu giải thoát ngay câu đầu tiên là “Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng.”

Quá khứ đây của tôi là những năm ở Mỹ, được nhìn qua mỗi mùa lễ Độc Lập.

Lễ Independent Day đầu tiên của tôi là mùa hè năm 1975, mới rời trại tị nạn Indiantown Gap và sống với một gia đình bảo trợ ở Pennsylvania. Ngày đó tôi không hiểu gì hết về ngày lễ ấy, vì kém tiếng Anh. Ngày đó gia đình bảo trợ đã chở đám người tị nạn đi chơi ở công viên, cho ăn mấy món nướng, lai rai chút nước ngọt và bia, và xem đốt pháo.

Đúng giờ bắn pháo bông khi trời vừa tối vào đêm 4 tháng Bảy, thì không chỉ ở công viên đó mà toàn thể bầu trời ở các phố chung quanh cũng vang rền tiếng pháo, màu sắc bắn tung tóe rực rỡ trên bầu trời. Thế nhưng trong khi gia đình bảo trợ vui tiệc thì tôi lại nhớ về quê hương vừa mới rời đi có mấy tháng.

Quê tôi ở miền Trung, cha tôi tử trận trong vùng nông thôn không xa nhà là mấy, và hằng đêm ở một phố ven biển thì đám trẻ con chúng tôi thường nơm nớp lo sợ, nép sát mình vào những người lớn dồn ở một góc phòng, nghe tiếng đạn đại bác của Việt Cộng bắn xuống thành phố, mong sao những đầu đạn ấy không rơi trúng nhà mình. Thế nên trong mùa lễ Độc Lập đầu tiên ở xứ Mỹ này, tôi còn nỗi sợ trong ruột gan mỗi khi nghe một tiếng “đùng” thật lớn ở gần, tưởng chừng như sắp thấy thịt rơi máu đổ ở gần đó như đã xảy ra ở quê hương.

Thế rồi đến mỗi mùa lễ Độc Lập sau thì tôi cũng bớt thói quen “mường mán” kia, mỗi ngày một tiến bộ, văn minh hơn một chút, xả dần những ấn tượng hãi hùng từ quá khứ đau thương thời chiến tranh, bồi đắp bằng những kỷ niệm đẹp, tình tứ, lãng mạn, và ấm cúng.

Tôi còn nhớ một đêm Độc Lập kia, ngồi cạnh “nàng” ở công viên, xem thiên hạ đốt pháo bông mà không thực sự xem pháo, chỉ tìm cách quàng tay qua vai và ôm nàng một cái... cho đã. Còn nàng thì chẳng hiểu có sợ gì hay không, mà mỗi khi nghe pháo nổ “đùng” lại ép mình sát vào tôi. Sung sướng thì thôi.

Rồi “thành quả” của những lần ôm ấp như vậy là... có con. Chứ sao giờ? Mỗi ngày lễ Độc Lập từ ngày các con còn bé tí, tùy nơi mà gia đình lưu lạc tới năm đó, vợ chồng chúng tôi đều đưa con đi xem pháo bông ở công viên, xuống trung tâm thành phố chen chân với thiên hạ, ngồi ở mé sông, ở bãi biển, đủ chỗ hết, mà ở đâu cũng vui khi nghe tiếng pháo rang rền từ trên không trung chuyền xuống mặt đất.

Có lên thì có xuống, xuống rồi lại lên. Từ kinh nghiệm buồn nhớ quê hương ngày mới đến Mỹ, tôi vui lên theo sự trưởng thành của gia đình, của những năm tháng tuy cực nhọc với các con nhưng giúp chúng tôi học được những bài học về lẽ vô thường, về sự phiền não mà kiếp người mang đến. Ngài Thiền Sư Thái Lan Ajahn Chah đã ví chuốc vào đau khổ và hạnh phúc của kiếp người thì cũng như nắm vào đầu hay đuôi của một con rắn. Đầu rắn là đau khổ, đuôi là hạnh phúc, cả hai đều thuộc về một con rắn, và đến một lúc nào đó chúng ta cũng sẽ bị rắn... cắn, không thoát đâu được.

Rồi một mùa lễ Độc Lập kia các con không còn theo bố mẹ đi xem bắn pháo bông, chúng có những cuộc vui riêng với các “nàng” và “chàng” của chúng. Mấy mùa lễ vừa qua, tôi rủ vợ lên mái nhà ngồi xem dân Bolsa “mình” đốt pháo (hợp pháp cũng có) chung quanh khu phố Little Saigon đây. Vợ chồng cũng vui theo thiên hạ.

Đến ngày Độc Lập năm nay, chúng tôi không còn muốn “vui với thiên hạ” nữa, mà thật sự mong tìm đến niềm vui của đạo. Ở lứa tuổi của chúng tôi đây, cái tuổi đã gần “nửa thế kỷ” sống ở Huê Kỳ chứ không ít, thì đạo chính là niềm vui hợp lẽ nhất, niềm vui của con đường đi vào bên trong. Đạo giúp cho tôi thấy được sự vận chuyển không ngừng của định luật vô thường. Thời nay không như thời của hơn bốn thập niên trước. Ngày ấy thế giới còn thấy rõ lằn ranh giữa tự do và cộng sản, giữa lương thiện và độc ác, còn ngày nay thì không biết đâu là thiện, đâu là ác. Một lãnh tụ dù đã tiêu diệt chú, sát hại anh nhưng không bị xem là kẻ ác, vẫn được các lãnh tụ khác đến bắt tay, khen nhau như bồ tèo. Ở xa thì vậy, còn ở gần cộng đồng đây thì vẫn chuyện thị phi không bao giờ dứt, chỉ khác là những nhân vật đóng vai trong một vở tuồng kéo dài muôn kiếp.

Biết vậy nên chúng tôi không luyến tiếc gì chuyện thiên hạ nữa. Trong đêm lễ Độc Lập năm nay, từ một căn phòng nhỏ thờ Phật ở chốn Bolsa đây, có lẽ nàng nhà tôi sẽ niệm Phật như vẫn niệm hằng đêm, còn tôi sẽ niệm theo nàng, hay ngồi thiền để rồi nghe tiếng niệm Phật vọng lên đều đặn giữa những tiếng pháo ở ngoài kia. Rồi đến một lúc nào đó, âm thanh của pháo sẽ tan biến, không còn nữa, chỉ còn tiếng niệm Phật, tiếng niệm từ trong tâm mình.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT