Đời Sống Việt

Ngày đầu tiên khám phá New Delhi

Friday, 02/06/2017 - 07:59:45

Ô ! kìa mọi người reo lên khi thấy mấy cái xe đẩy bán đầy trái cây nào Saboche, rồi quýt ngọt giá lại quá rẻ 60 R (gần $1)/1 ký tha hồ lựa, tụi tôi xúm nhau mua, bù lại cho buổi sáng phải trân quý từng trái Saboche. Có lẽ đây là trái cây của địa phương nên nhiều, tươi và ngon tha hồ ăn cho đã đời.

Bài PHƯỢNG VŨ

Máy bay đáp xuống phi trường New Delhi, thủ đô của Ấn độ, sau gần 3 tiếng rời Dubai. Những thủ tục ở đây có vẽ thiếu văn minh hơn Dubai, những khuôn mặt lạnh lùng và hơi thiếu lịch sự khi kiểm tra giấy tờ xem có điền đầy đủ không?



Rồi thì chúng tôi cũng bước ra được ngoài phi trường, cái nóng hầm hập tạt vào người. Ôi chao sao mà nóng chẳng thua gì Saigon, và điều đầu tiên đập vào mắt tôi ngay đây là một dãy xe đạp cũ kỹ dựng ngay bờ tường, chắc là của những người lao động làm việc ở phi trường. Hình ảnh này nhắc tôi nhớ là đã bước sang một thế giới khác không còn là những siêu xe dát vàng chạy đầy đường như ở Dubai, không còn hình ảnh một phi trường văn minh hiện đại mà chúng tôi vừa rời bỏ với những khu thương mại với các cửa hàng danh tiếng thế giới, có cả khu Kid's zone rộng lớn cho trẻ con tha hồ chơi thoải mái. Ở đây chúng tôi phải tự kéo hành lý đi theo người phụ xế trên nền xi măng nhấp nhô, lồi lõm để đến chỗ xe đậu, giữa trời trưa nắng đổ lửa.
Lần đầu tiên đến một thành phố lạ, nên trên đường xe đưa về hotel, chúng tôi tha hồ ngắm cảnh và người. Điều tôi ngạc nhiên là tất cả bảng báo giao thông, tín hiệu trên đường và xa lộ đều dùng tiếng Anh, sau này tôi mới nhớ ra vì trước kia Ấn độ là thuộc địa của Anh. Cảnh giao thông của Ấn độ rất giống Việt Nam với đủ loại xe lưu thông trên đường. Xe mới, cũ, to nhỏ đủ cả rồi mạnh xe nào xe nấy chạy bát nháo.
Ở những đống rác lớn, có nhiều người đang bươi rác để nhặt nhạnh. Bên đường có nhiều khu nhà ổ chuột với những túp lều rách nát, tả tơi không khí đầy bụi bậm và dơ bẩn. Hèn gì tổ chức Y Tế Thế Giới WHO cho biết thủ đô New Delhi của Ấn Độ là thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Nhưng có một điều lạ đập mắt là cây xanh rất nhiều, những cây xanh to và cao phủ đầy bóng mát ở khắp thành phố. Hình như họ trân quý và bảo vệ từng cây xanh cho sức khỏe người dân, chứ không như Hà Nội sẵn sàng đốn bỏ hàng loạt cây xanh không chút thương tiếc.



Sau khi về hotel nhận phòng tắm rửa nghỉ ngơi thay quần áo, tụi tôi được hotel báo cho biết sẽ có giá bớt đặc biệt để welcome khách mới tới với giá buffet là $20 USD/ 1 người tại hotel. Chỉ có vài người chọn ở lại hotel ăn, đa số thích đi ra ngoài phố khám phá. Tôi rủ H, chị bạn cùng phòng ra chợ đêm rất gần hotel, vì nhân viên cho biết rẽ trái và chỉ đi bộ khoảng ba phút là tới, nhưng bạn tôi sợ không dám đi. "Không nhớ đã được dặn dò là phải đi cả đám đông cho an toàn mà!" Vậy là tụi tôi đổi tiền ở quầy tiếp tân rồi đợi nhau cùng đi.
Đi đông cũng vui thiệt, hèn gì người ta nói "tình bạn càng đông, càng vui." Tụi tôi thấy cái gì cũng đẹp cũng rẻ, và nhờ đi đông vậy mà tui khỏi bị mua hớ! Thấy sợi dây đeo cổ đẹp quá, hỏi bao nhiêu. Nghe giá 600 Ruby ($9.30), tôi không biết trả bao nhiêu vì lần ở Dubai trả còn 1/2 mà vẫn bị hớ, trả rẻ quá thì tôi không dám.
Một bạn trong nhóm trả“100 R,” tôi kêu lên, “Trả gì mà tệ quá vậy? Ai bán?" Nhưng không ngờ cậu bé ngần ngừ một chút rồi gật đầu đồng ý bán. "Thấy chưa?" Vậy là xúm nhau lựa chọn mua đủ thứ, mỗi người một rổ.
Rồi qua hàng dép, hàng nón thứ gì cũng rẻ thich quá tha hồ mua về tặng bạn. Hàng bày trên sạp hay dưới đất đều giá rẻ, lâu lâu cũng có cảnh đang ngồi lựa, bỗng thấy họ hốt hoảng túm tấm nylon chạy, thì ra cảnh sát tới. Sao giống VN quá vậy? Còn áo kiểu Ấn độ thì thấy có từ 200 R - 500R khá đẹp, ai cũng muốn mua ít cái mặc để đi chơi ở Ấn chụp hình cho vui. Sau đó tụi tôi vô tiệm trả giá, rồi xin lên lầu thử, mặc vô ngắm nghía lẫn cho nhau rồi "cố vấn" tùm lum, vui đáo để, nhưng ai nhỏ con thì có nhiều cơ hội để lựa chọn hơn.
Sau đó, đi ra ngoài gặp được một nhóm nhỏ khác, bèn rủ nhau đi xuống cuối phố xem có gì lạ. Ui chao dưới góc phố này có mấy hàng ăn lề đường trông hấp dẫn lắm: Nào là khoai lang nướng trên than đỏ au giá 60 R/ 1 dĩa. Mua thử một dĩa ăn chung, thấy họ bốc một củ khoai còn đang nóng hổi, lấy dao gọt vỏ rất dầy làm tụi tôi thấy tiếc, "Chèn ơi! gọt gì mà phí của quá vậy?"



Sau đó họ cho vô dĩa nhôm dùng dao cắt ra làm nhiều miếng với mấy cây tăm tre to gắm lên, chấm với nước me hay muối ớt nặn chanh (cái này coi bộ lạ nha!). Vậy là xúm nhau thử, thấy được quá, kêu thêm một dĩa nữa. Rồi gần đó thấy người ta bu đông nghẹt, chạy lại chen vô coi, thì ra có lẽ là món Há Cảo bỏ trong mấy cái xửng to đùng, khói bốc nghi ngút, khách mua không kịp bán. Dỡ xửng này ra là hết liền liền, mở xửng tiếp.
Vậy là tụi tôi cũng nhào vô mua, ăn thử chấm với tương đen đỏ, thấy cũng được quá! Ai nấy vừa ăn vừa hí hửng như con nít lần đầu tiên được mẹ dắt đi chợ cho ăn quà. Lúc đó thì bao nhiêu nguyên tắc về vệ sinh ăn uống, và đặc biệt là những lời cảnh cáo về ăn uống lề đường ở Ấn độ đã bay đi mất. “Mải vui, quên hết lời ai dặn dò.”



Thấy có một bà mẹ và hai đứa con nhỏ ở truồng, chỉ mặc áo đứng gần đó xin ăn. Tụi tôi bèn mua cho mấy mẹ con ăn luôn, nhìn mấy mẹ con vui mừng hí hửng vì được ăn ngon, tụi tôi lại càng thấy vui hơn, đúng là niềm vui tập thể! Một chị khác trong nhóm mang tới một bịch giấy đựng đậu phụng mới rang trong chảo to, thò tay vô bốc còn thấy ấm, ăn trong khi trời tối lành lạnh thật là thú vị!

Thừa thắng xông lên tụi tôi kéo nhau qua bên kia đường xem các gian hàng ăn uống cũng đang ì xèo rất đông khách. Ở đây có treo bảng giá 20 R/ 1 miếng thấy chiên nóng hổi, chấm tương ăn cũng thấy ngon, dù chẳng biết tên gì. Có một số người kỹ tính thì không dám ăn, ngó tụi tôi mà lắc đầu! (có lẽ trong bụng cũng thèm!) Đành ăn “mì ngóng, cháo ngó,” kỹ quá thì làm sao enjoy cuộc đời được vì “đời có bao lâu mà hững hờ.” Đôi khi phải "lang bạt" một chút thì đời vui hơn!



Trên đường về có bạn chưa kịp đổi tiền, thấy chỗ đổi tiền bèn ghé vô, quả là đổi tiền càng lúc càng thấy cao lên: ở hotel cao hơn ở phi trường đã mừng, bây giờ ngoài phố còn cao hơn hotel. Nhưng tội nghiệp quá đổi có $40 Mỹ kim mà ba, bốn người trong tiệm chạy tùm lum kiếm mượn, rồi dốc hết túi này tới túi khác mới đủ tiền cho khách.



Đi ngang một nhà hàng thấy mấy người khách ngoại quốc đang xúm nhau bá vai cười toe chụp hình với ông gác dan trước cửa tiệm (vì ông mặc y phục Ấn và cái rế đội đầu của ông sao nhìn giống hình ông cà ri Nị của VN quá!). Ông lại có hàm râu mọc quặp ngược hay là do ông vẽ nên trông rất tức cười. Vậy là tụi tôi cũng nhào vô cười toe chụp hình chung với họ. Đúng là cứ sống cởi mở không e dè chúng ta sẽ có nhiều niềm vui, hãy quăng hết mọi vị trí xã hội, mọi ràng buộc này nọ để sống hồn nhiên ở một nơi xa lạ chẳng ai biết mình là ai. Đó cũng là điều thú vị cho khách đi du lịch.

Đêm đầu tiên ở New Delhi chúng tôi có những trải nghiệm thật thú vị: một buổi tối đi chơi vừa mua sắm giá rẻ, vừa được thưởng thức “buffet đường phố” ngon miệng, lại quá rẻ mà bụng dạ vẫn yên ổn, không sao cả. Tạ ơn Trời.

Sáng hôm sau thức dậy khi xuống ăn sáng (buffet) tại hotel, gặp một chị đi chung đoàn chạy lại nói, “Nè, chị có thứ này đặc biệt lắm để dành cho cưng nè!”



Nghe vậy mắt tui sáng rỡ, "Cái gì vậy, chị cho em coi liền đi."
Chị từ từ lấy trong giỏ ra một trái Saboche xinh xắn trông thật ngon lành! Tôi khoái quá, “Cám ơn chị nhiều, ở đâu chị có vậy?"

"Thì ở đây, nhưng họ đem ra tới đâu hết tới đó liền, nên không còn nữa!"
Tôi đi một vòng quanh khu buffet thấy có quá nhiều món, nhưng có lẽ chỉ ăn được vài món như Yogurt, trái cây, trứng, bánh mì nâu, còn lại đa số là cà ri đủ loại, đúng là xứ sở Cà Ri nhưng cà ri ở đây không giống VN, cái mùi nó hơi nặng và hăng, nên ăn không quen.

Ăn sáng xong chúng tôi rủ nhau đi bát phố, vì hôm nay còn tự do trước khi vô chương trình của tour. Đem theo bản đồ hotel cho, vừa đi vừa hỏi thăm, thì có một vài người đàn ông chạy theo đề nghị sẽ hướng dẫn chúng tôi đi “Gold Market” là khu chợ lớn ở đây và sẽ gọi xe Tuck Tuck (giống kiểu Thái Lan), chở được ba, bốn người tới khu đó với giá chỉ có 10 R/ 1 xe. Tụi tôi bảo nhau, "Sao mà rẻ quá vậy?" nhưng cũng kéo nhau lên mấy xe đi.

Tới nơi khi trả tiền một chị trong nhóm bèn đưa cho tài xế 100 R ($1.50) và đề nghị cho luôn, nhưng ông ta từ chối vì cho nhiều quá! Đến khi tụi tôi tìm ra giấy 50 R thì ông mới chịu nhận và cám ơn rối rít. Ôi sao mà họ lương thiện và tử tế quá vậy? Nghe nói ở VN xe bia bị đổ xuống đường dân tràn ra không phải lượm giùm, mà là thi nhau lượm đem về xài?!

Chúng tôi được hướng dẫn đến một tiệm ngó sang trọng hèn gì bước vào bên trong nhìn món nào giá cũng “sang trọng” từ vài trăm cho tới vài ngàn Mỹ kim, có tệ lắm cũng gần 100 Mỹ kim. Do đó đa số xem cho biết rồi bỏ ra ngoài không mua gì hết. Lát sau rút kinh nghiệm, tụi tôi đi ngoài phố chứ không vào trong tiệm sang nữa, vì "nó không phải chỗ của mình."

Đi một đoạn chúng tôi tới một khu phố thấy buôn bán tấp nập đông vui, nhưng nhìn lên nhà cửa phía trên ở hai bên đường thì hỡi ôi! Có cái không có nóc, có cái không có vách và cửa... dây điện thì chằng chịt rối nùi cả đùm trông phát sợ. Trước đây tôi cứ nghĩ VN nghèo nhất, nhưng so với đây thiệt không thấm thía gì. Đó là chúng tôi đang ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ, còn những thành phố khác nghèo khổ hơn thì ra sao?
Thấy có gian hàng bên đường bán quần áo giá rẻ, tụi tôi rủ nhau ghé vào, thấy tội nghiệp ông bán hàng mồ hôi nhễ nhại cứ lôi ra từng đống này tới đống nọ, nhưng tụi tôi lựa hoài không cái nào vừa ý. Cuối cùng đành mua đại vài cái, cho ông vui dù ông không hề nói gì cả! Gặp VN buổi sáng như vậy thì nghe chửi phải biết! Đúng như điều tôi đã đọc về họ: "Người dân Ấn Độ, có thể do thấm nhuần niềm tin tôn giáo, nên cực kỳ hiền hòa và dễ mến. Bạn có thể thỏa sức mặc cả với các anh bán hàng (ở Ấn đa phần là nam giới bán hàng) mà không hề lo sợ bị mắng chửi, kể cả khi người ta chưa bán mở hàng."

Ô ! kìa mọi người reo lên khi thấy mấy cái xe đẩy bán đầy trái cây nào Saboche, rồi quýt ngọt giá lại quá rẻ 60 R (gần $1)/1 ký tha hồ lựa, tụi tôi xúm nhau mua, bù lại cho buổi sáng phải trân quý từng trái Saboche. Có lẽ đây là trái cây của địa phương nên nhiều, tươi và ngon tha hồ ăn cho đã đời.

Ở đây hát dạo và ăn xin khá nhiều, tội nghiệp nhất là với khí hậu nóng nực mà những người phụ nữ vẫn mặc y phục quấn quanh người với cả khăn trùm đầu, kể cả những người xin ăn. Đúng là phong tục tập quán đôi khi làm khổ con người ta quá nhiều! Đi tới một góc phố tôi ngạc nhiên như nhìn thấy hình ảnh của Saigon hồi thế kỷ trước, với vòi nước “phong ten” công cộng, mà người ta ra đó tắm rửa, giặt quần áo thoải mái dù đang ở thế kỷ 21 và ngay tại thủ đô của một nước lớn !

Buổi chiều mở Tivi xem tin tức, tôi mới biết ở New Delhi đang có cuộc biểu tình lớn, dân chúng và sinh viên tràn xuống lòng đường la hét và hô to nhiều khẩu hiệu. Điều tôi ngạc nhiên là thấy rất nhiều cảnh sát cầm dây thừng to đứng dọc hai bên đường và đi theo để bảo vệ đoàn người biểu tình. Đây mới đúng là hành ảnh "Cảnh sát là bạn của dân." Hoàn toàn trái ngược với VN khi dân biểu tình chống ngoại xâm Trung Quốc hay chống thảm họa môi trường Formosa, thì bị công an dùng dùi cui đánh đập, kể cả trẻ em. Hình ảnh công an đánh và kẹp cổ người dân lôi lên xe bus là phổ biến. Quyền biểu tình của người dân đã được hiến pháp công nhận từ lâu, nhưng bị nhà cầm quyền và quốc hội bù nhìn "ngâm tôm" hoài, chưa biết khi nào luật mới được thông qua??

Sau trọn một ngày đầu tiên tự khám phá New Delhi với nhiều điều thích thú, buổi tối chúng tôi có cuộc họp đầu tiên với tour guide để chuẩn bị cho chuyến tour bắt đầu từ ngày mai. Anh chàng hướng dẫn viên khá trẻ, đẹp trai tuy da đen, là dân địa phương nói tiếng Anh lưu loát. Anh ta căn dặn những điều về vệ sinh, nhất là với du khách đến từ Mỹ nghe mà giật mình: Không ăn thức ăn ngoài đường phố (cái này dặn sớm thì tụi tôi mất 1 bữa buffet đường phố rất vui và thú vị tối qua rồi!), không ăn rau sống, chỉ ăn rau đã luộc chín, không ăn trái cây đã cắt sẵn (thiệt là uổng với dưa hấu, táo, thơm, Honey Dew, Cantaloupe...)!

Hướng dẫn viên khuyên chỉ nên ăn chuối và quýt do tự tay mình lột và chỉ uống nước trong chai, không nên dùng nước đá. Ngoài ra khi súc miệng, đánh răng, rửa mặt đều nên dùng nước trong chai. Nghe thì nghe vậy nhưng theo thói quen tụi tôi vẫn dùng nước vòi để đánh răng, rửa mặt, lâu lâu mới nhớ dùng nước chai. Đi du lịch mà kiêng cữ đủ thứ thì đời mất vui! Hơn nữa đôi khi trái cây trở thành món ăn chính, vì nhiều món Ấn độ nuốt không vô! Đúng là có đi xa mới thấy không gì ngon bằng món ăn Việt Nam. (pv)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT