Thế Giới

Nga: Thành viên nhóm nhạc đối lập bị đầu độc

Friday, 14/09/2018 - 12:10:21

Verzilov và các thành viên nhóm Pussy Riot từng bị giam 15 ngày sau khi chạy vào phá rối trận chung kết World Cup vào tháng 7. Nhóm này nói rằng hành động của họ là nhằm phản đối việc cảnh sát giam giữ các đối thủ chính trị của điện Kremlin.

MOSCOW – Một thành viên của nhóm Pussy Riot, một ban nhạc chống chính phủ tại Nga, đã rơi vào tình trạng nguy kịch vào hôm thứ Tư, và ban nhạc cho rằng anh này đã bị đầu độc. Anh Pyotr Verzilov được đưa vào bệnh viện ở Moscow vào tối thứ Ba, sau khi anh bị mất thị lực và mất khả năng nói. “Mạng sống của anh ấy đang gặp nguy hiểm. Chúng tôi nghĩ anh ấy đã bị đầu độc,” ban nhạc viết trên Twitter hôm thứ Tư. Nhóm Pussy Riot nổi tiếng với việc biểu diễn dưới những chiếc mặt nạ sặc sỡ và các cuộc biểu tình gây tranh cãi.
Verzilov ngã bệnh sau một phiên điều trần tại tòa vào thứ Ba, và sau đó được đưa vào bệnh viện Bakhrushin City ở Moscow. “Khi nhân viên y tế đến, anh ấy vẫn trả lời được các câu hỏi của họ, nói rằng Không tôi không ăn gì hết, không uống gì hết,” cô Veronika Nikulshina, bạn gái của Verzilov, nói hôm thứ Tư. “Tuy nhiên, tình trạng anh ấy trở nên tệ hơn, và anh ấy bắt đầu co giật. Trên đường đến bệnh viện, anh ấy bắt đầu nói lắp bắp, nửa mê nửa tỉnh, và không còn nhận ra ai nữa.”
Verzilov và các thành viên nhóm Pussy Riot từng bị giam 15 ngày sau khi chạy vào phá rối trận chung kết World Cup vào tháng 7. Nhóm này nói rằng hành động của họ là nhằm phản đối việc cảnh sát giam giữ các đối thủ chính trị của điện Kremlin.

Nga: Hai nghi can vụ cựu điệp viên Anh lên tiếng
MOSCOW – Hai người đàn ông bị Anh quốc cáo buộc đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal hôm thứ Năm đã xuất hiện trên truyền hình, khẳng định họ tới thành phố Salisbury ở Anh để du lịch, đồng thời phủ nhận việc có liên quan tới âm mưu ám sát. Hai ông Alexander Petrov và Ruslan Boshirov, khoảng 40 tuổi, xác nhận họ tới Anh hôm 2 tháng 3 rồi tới Salisbury vào ngày hôm sau để đi ngắm cảnh, nhưng không ở lại lâu vì thời tiết xấu. "Chúng tôi tới đó để đi xem các địa điểm Stonehenge, Old Sarum, nhưng không thể bởi bùn lầy ở khắp nơi,” ông Petrov nói, nhắc tới những thắng cảnh của Salisbury.
Hai người tuyên bố không tham gia vào âm mưu giết hại cựu điệp viên Skripal và con gái Yulia bằng chất độc thần kinh Novichok vào ngày 4 tháng 3, cuộc tấn công mà London cho rằng do Điện Kremlin chủ mưu. Các nhà điều tra Anh cho hay, chất độc được đựng trong một chai nước hoa giả. Tuy nhiên, ông Boshirov nói: "Thật ngớ ngẩn khi hai gã đàn ông lại mang theo nước hoa phụ nữ bên người. Cơ quan quan thuế đã kiểm tra mọi thứ, họ chắc chắn sẽ đặt câu hỏi tại sao đàn ông lại mang nước hoa phụ nữ. Chúng tôi không mang theo chất độc.”
Hai ông Petrov và Boshirov cũng than phiền về việc cuộc sống của họ "bị đảo lộn" khi Anh công bố thông tin rằng họ là điệp viên quân sự Nga. "Chúng tôi sợ phải ra ngoài, chúng tôi luôn cảm thấy lo lắng cho mạng sống của chính mình và người thân,” ông Boshirov nói. Đài truyền hình cho biết hai ông Petrov và Boshirov đã tự liên lạc với họ qua điện thoại và cuộc phỏng vấn được ghi hình vào tối thứ Tư. Bài phỏng vấn được công bố chỉ 1 ngày sau khi Tổng Thống Vladimir Putin tuyên bố Nga đã xác định được danh tính 2 người đàn ông mà Anh tìm kiếm, và khẳng định họ là “thường dân.”

Iran: Vụ tấn công căn cứ Kurd là lời cảnh cáo
TEHRAN – Một viên chức lãnh đạo lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran hôm thứ Năm tuyên bố, vụ tấn công bằng hỏa tiễn do Tehran thực hiện, nhắm vào căn cứ của lực lượng người Kurd ở miền bắc Iraq vào tuần trước, là lời cảnh cáo cho các thế lực thù địch. Quân đội Iran đã bắn 7 hỏa tiễn vào trụ sở của đảng Dân Chủ người Kurd tại Iran PDKI, một tổ chức vũ trang đang chiến đấu để đòi quyền tự trị cao hơn cho cộng đồng người Kurd ở Iran. Truyền thông Iran nói ít nhất 11 người đã chết trong vụ tấn công.
Thiếu Tướng Mohammad Ali Jafari nói trên đài truyền hình quốc gia Iran rằng, vụ tấn công vào khu vực Kurdistan ở Iraq là “thông điệp gởi đến những kẻ thù, đặc biệt là những nước cho rằng họ có thể bắt nạt Iran.” Bộ Ngoại Giao Pháp đã lên án vụ bắn hỏa tiễn, nói rằng Paris hết sức lo ngại trước các hoạt động của Tehran, đặc biệt là chương trình phát triển hỏa tiễn của nước này. Trong khi đó, Israel coi sức ảnh hưởng trong khu vực của Iran, và sự can thiệp của nước này đối với cuộc nội chiến tại Yemen và Syria, là mối đe dọa lớn cho sự tồn tại của Israel.
Chính phủ Tehran lâu nay vẫn đe dọa sẽ hủy diệt các căn cứ Hoa Kỳ trên khắp Trung Đông và sau đó là Israel, nếu Iran bị tấn công bởi Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này trong khu vực. Sự căng thẳng giữa Iran và Washington đã tăng cao từ tháng 5, sau khi Tổng Thống Donald Trump rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 với Tehran.

Thụy Điển bắt nghi can trộm trang sức hoàng gia
STOCKHOLM - Cảnh sát Thụy Điển hôm thứ Năm thông báo đã bắt được 1 nghi can trong vụ đánh cắp trang sức hoàng gia bằng xuồng máy vào 2 tháng trước, nhưng vẫn chưa thu hồi được các đồ vật bị mất. Công tố viên sẽ xem xét và quyết định có nên giam nghi can để điều tra hay không. Trong vụ trộm hồi tháng 7, hai vương miện có niên đại từ năm 1611 và một quả cầu cắm thánh giá, tượng trưng cho quyền lực của vua Thụy Điển, đã bị đánh cắp. Vương miện thuộc về Vua Karl IX và Hoàng Hậu Christina, làm bằng vàng, gắn ngọc trai và đá quý. Những món trang sức vô giá này được bảo vệ trong lồng kính ở nhà thờ Strangnas, cách Stockholm khoảng 100 cây số.

Bé gái bị dọa đuổi học vì không đứng lên khi hát quốc ca
ÚC – Một cô bé 9 tuổi sống tại Úc đã bị giới lãnh đạo nước này chỉ trích gay gắt, khi em không chịu đứng lên khi hát quốc ca, vì cho rằng quốc ca Úc không tôn trọng người bản địa. Em Harper Nielsen, học sinh trường tiểu học Kenmore South State ở bang Queensland, Úc, cho biết em vẫn ngồi khi nhạc quốc ca vang lên, bởi tin rằng bài hát "Advance Australia Fair" không tôn trọng những thổ dân bản xứ. "Bài hát chỉ đề cao người da trắng. Câu hát 'chúng ta còn trẻ' đồng nghĩa với việc hoàn toàn bỏ qua những thổ dân Australia từng có mặt tại đây trước chúng ta tới 50,000 năm,” cô bé 9 tuổi giải thích.
Trong một video đăng lên mạng xã hội sau đó, Nghị Sĩ cánh hữu Pauline Hanson cáo buộc trường học đã "tẩy não" học sinh, đồng thời kêu gọi đuổi học Nielsen. "Quốc ca thể hiện chúng ta là đất nước như thế nào, là một phần của chúng ta. Đứa trẻ này đã bị người lớn tẩy não,” bà Hanson nói. “Cô bé đang đi sai hướng. Phụ huynh của cháu phải chịu trách nhiệm cho việc khuyến khích điều này.” Ông Jarrod Bleijie, thành viên đảng Tự Do Quốc Gia Queensland, nói rằng Nielsen chỉ là một "đứa trẻ.” "Cha mẹ cô bé thật đáng xấu hổ vì đã lợi dụng con mình như con cờ chính trị,” ông viết trên Twitter. Chính trị gia này thêm rằng, việc cô bé ngồi trong lúc hát quốc ca là không tôn trọng các cựu chiến binh và đề nghị đình chỉ học Nielsen nếu cô bé tiếp tục hành động này.
Sở giáo dục Queensland cho biết trường Kenmore South State chưa có ý định đuổi học Nielsen. Thay vào đó, họ cố gắng tôn trọng ý kiến của học sinh bằng cách đưa ra lựa chọn thay thế, ví dụ như không hát theo. Ông Mark Nielsen, cha của cô bé, đã gặp hiệu trưởng để bàn cách giải quyết, nhưng hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận. Ông Nielsen cho rằng hành động của con ông là "rất dũng cảm.”

Xác sư tử con còn nguyên lông sau 50,000 năm
YAKUTIA – Các nhà khoa học vừa tìm thấy một xác sư tử con 50,000 năm tuổi, với thi thể được bảo tồn gần như hoàn hảo trong lớp đất đóng băng vĩnh cửu. Con sư tử con thuộc loài sư tử hang động đã tuyệt chủng, được đặt tên là Spartak, vẫn còn mô mềm, lông, đuôi, mở ra hy vọng hồi sinh loài động vật cổ đại này. Xác sư tử con Spartak được tìm thấy trong lớp đất đóng băng vĩnh cửu trên bờ sông Tirekhtykh ở quận Abyisky của Yakutia, hay còn gọi là Cộng hòa Sakha, và được coi là một phát hiện lớn. Nó sẽ được chuyển đến thủ đô Yakutsk trong vài tháng tới để phân tích.
Nhà khoa học Valery Plotnikov cho biết con sư tử con được khoảng 1 tháng tuổi khi chết, vẫn còn quá nhỏ và chưa mở mắt. Cư dân địa phương Pavel Efimov là người phát hiện Spartak. "Cái xác khá hoàn chỉnh với mô mềm, bộ lông và chiếc đuôi dài. Có giả thuyết cho rằng nó là anh chị em của Boris, con sư tử con tìm thấy năm ngoái, vì địa điểm rất gần nhau,” Tiến Sĩ Plotnikov cho biết. "Nhiều khả năng sư tử cái có hai con. Sư tử con Boris bị chôn vùi ở địa điểm chỉ cách Spartak khoảng 15 mét. Do đó, chúng có thể là anh chị em cùng nhà,” Tiến Sĩ Plotnikov suy đoán. Xác sư tử Spartak sẽ được quấn màng và phủ tuyết ướt, sau đó đặt trong tủ đông để chờ phân tích. Nhóm nhà khoa học từ Yakutia và các đồng nghiệp nước ngoài từ Thụy Điển, Hoa Kỳ, và Anh sẽ tiếp tục nghiên cứu.

Gần 10 triệu người chết vì ung thư năm 2018
THỤY SỸ - Tổ chức Y Tế Thế Giới WHO dự báo, trong số 18 triệu người phát hiện mắc ung thư năm 2018, sẽ có hơn 9.6 triệu người tử vong. Thông tin này được Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) đưa ra ngày thứ Tư. Năm 2012, các chuyên gia dự báo vào năm 2018, toàn thế giới sẽ có 14 triệu ca mắc ung thư mới và 8 triệu người chết. Như vậy con số mới đã vượt xa mức dự báo vào 6 năm trước.
Dựa trên dữ liệu phân tích từ 185 quốc gia, IARC ước tính 20% đàn ông và khoảng 16% phụ nữ bị ung thư. Ung thư phổi giết chết nhiều người nhất. Tiếp đến là ung thư vú và ung thư đại tràng. Hơn 50% bệnh nhân ung thư tử vong là ở châu Á, khu vực bị ô nhiễm nặng nề. Châu Âu chiếm 23% ca bệnh, còn Hoa Kỳ chiếm 21%. Châu Phi có ít bệnh nhân ung thư nhất thế giới, chỉ xấp xỉ 7% nhưng tỷ lệ tử vong lại cao, chủ yếu do phát hiện trễ và thiếu thuốc men.
Tại các nước giàu có, nỗ lực phòng ngừa đã giúp ngăn chặn ung thư, đặc biệt là ung thư phổi và ung thư cổ tử cung. Ngược lại, ở các quốc gia đang phát triển, số bệnh nhân ung thư ngày càng tăng bởi liên quan đến sự phát triển kinh tế và xã hội. Tiến Sĩ Freddie Bray đứng đầu IARC dự đoán đến năm 2040, thế giới sẽ có 29 triệu bệnh nhân ung thư, với 16 triệu người tử vong. Tiến sĩ Etienne Krug, Giám đốc khoa Bệnh không truyền nhiễm thuộc WHO, cho biết dân số già là nguyên nhân quan trọng làm tăng tỷ lệ ung thư. Tuy nhiên, mỗi người có thể tự bảo vệ bản thân bằng cách ngăn chặn các yếu tố chính gây bệnh bao gồm thuốc lá, rượu bia, lười vận động và ăn uống thiếu khoa học. Bên cạnh đó, mỗi quốc gia cần tăng năng lực chẩn đoán và điều trị ung thư.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT