Thế Giới

Nga buộc ‘các nước không thân thiện’ phải mua nhiên liệu bằng tiền Nga ruble

Wednesday, 23/03/2022 - 06:02:34

Danh sách "nước kém thân thiện" bao gồm các quốc gia đã ra lệnh cấm vận Nga, trong đó có Hoa Kỳ.


Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron (bên trái) tiếp đón Thủ Tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tại Điện Tổng Thống Elysee ở Paris ngày 21 tháng 3, 2022. Ông Pedro Sanchez đã thăm các quốc gia Âu Châu nhằm vận động cho lập trường của Tây Ban Nha tại Hội Đồng Âu Châu trong vấn đề bớt lệ thuộc vào nguồn năng lượng khí đốt và dầu hỏa từ nước Nga. (Chesnot/ Getty Images)

 

MOSCOW - Vào thứ Tư, Tổng Thống Nga Vladimir Putin thông báo sẽ tiếp tục bán khí đốt cho các nước "không thân thiện" với Nga như Âu Châu, nhưng yêu cầu họ phải trả tiền bằng đồng ruble.

"Khác với một số đồng nghiệp, chúng ta coi trọng vị thế là đối tác và nhà cung cấp đáng tin cậy. Tất nhiên Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt với số lượng và mức giá được ghi trong các hợp đồng từ trước. Thay đổi duy nhất là cách thanh toán, trong đó sẽ sử dụng đồng ruble của Nga,” Tổng Thống Putin nói trong cuộc họp qua mạng với các bộ trưởng.

Lãnh tụ Điện Kremlin đặt thời hạn một tuần để chính phủ và ngân hàng trung ương Nga xây dựng cách thức thanh toán chi phí khí đốt bằng tiền tệ của Nga, trong khi hãng dầu khí quốc gia Gazprom được lệnh đưa thay đổi này vào các hợp đồng.

"Cần xây dựng quá trình thanh toán minh bạch và dễ hiểu cho toàn bộ khách hàng nước ngoài, trong đó có việc mua đồng ruble tại thị trường tiền tệ nội địa của Nga,” ông Putin nói thêm. Danh sách "nước kém thân thiện" bao gồm các quốc gia đã ra lệnh cấm vận Nga, trong đó có Hoa Kỳ, các nước thành viên Liên Âu, Anh, Nhật Bản, Gia Nã Đại, Na Uy, Tân Gia Ba, Nam Hàn, Thụy Sỹ và Ukraine. Thỏa thuận làm ăn với những người và công ty tại những nước này cần được ủy ban chính phủ Nga phê chuẩn.

Tính đến ngày 27 tháng Giêng, khoảng 58% lượng khí đốt Gazprom bán cho Âu Châu và các nước khác được trả tiền bằng euro, trong khi Mỹ kim chiếm 39%. Các nhà phân tích coi hành động mới của Nga là nhằm gây áp lực lên Âu Châu để đáp trả các biện pháp cấm vận. Với các lệnh trừng phạt Ngân hàng trung ương Nga, phương Tây đã đóng băng khoảng $300 tỷ Mỹ kim, gần một nửa dự trữ quốc tế của Nga. Khi mệnh lệnh của ông Putin được thực hiện, Âu Châu sẽ phải mua lượng ruble trị giá hàng trăm triệu euro mỗi ngày. Việc đó sẽ cung cấp cho Nga dòng chảy ngoại tệ mạnh, đồng thời thúc đẩy nhu cầu đối với đồng ruble.

Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của Âu Châu, trong đó Đức, Ý và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Khoảng 25% nguồn dầu mỏ cho Âu Châu cũng đến từ Nga. Sự phụ thuộc khiến nhiều nước EU không thể đáp lại lời kêu gọi từ Hoa Kỳ và Ukraine là cấm vận ngành năng lượng của Nga.

Ủy Ban Âu Châu (EC), cơ quan điều hành Liên Âu (EU), hôm 8 tháng 3 đã công bố mục tiêu giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga, với các biện pháp như tìm nguồn cung khí đốt mới, tăng dự trữ cho mùa đông năm sau và tìm cách cải thiện hiệu quả tiêu thụ năng lượng. EU đang hy vọng có thể độc lập hoàn toàn với nguồn khí đốt, dầu và than của Nga trước năm 2030.

Phó Thủ Tướng Nga Alexander Novak hôm 7 tháng 3 dọa cắt nguồn cung khí đốt cho Âu Châu, cảnh cáo giá dầu có thể lên $300 Mỹ kim/thùng nếu Âu Châu cấm nhập cảng năng lượng từ Nga.

EU hồi đầu tháng phải trả khoảng $722 triệu Mỹ kim tiền khí đốt mỗi ngày cho Moscow, cao gấp ba lần trước khi Nga tấn công Ukraine.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT