Thế Giới

Nga bắt đầu cuộc tập trận lớn nhất lịch sử

Tuesday, 11/09/2018 - 11:06:48

Cuộc tập trận diễn ra giữa lúc Tổng Thống Vladimir Putin đang đón tiếp Chủ Tịch Tập Cận Bình tại diễn đàn kinh tế Vladivostok. Ông Putin dự kiến sẽ đến quan sát tập trận trong tuần này.

MOSCOW – Vào thứ Ba, Nga đã chính thức khai mạc cuộc tập trận lớn nhất lịch sử nước này, điều động hàng chục hàng binh sĩ cùng sự tham gia của lực lượng Trung Quốc, trong sự kiện bị NATO chỉ trích là “đợt tập dợt cho một cuộc chiến lớn.” Bộ Quốc Phòng Nga cho biết, 300,000 binh sĩ sẽ tham gia cuộc tập trận có tên Vostok (phương đông) 2018, diễn ra tại vùng viễn đông Nga, gần Mông Cổ và Trung Quốc. Ngoài ra, Nga cũng điều động 36,000 xe tăng, 80 tàu chiến, và gần 1,000 máy bay trong sự kiện này.
Cuộc tập trận Vostok kéo dài 1 tuần, có nội dung tương tự như các cuộc diễn tập của Liên Xô trong thời cao điểm của Chiến Tranh Lạnh. Vostok được tổ chức 4 năm một lần, sau khi được Tổng Thống Vladimir Putin khôi phục vào thập niên những năm 2000. Tuy nhiên, sự kiện năm nay được Nga thực hiện với quy mô lớn chưa từng thấy, vượt qua cả cuộc tập trận lớn nhất từng được Liên Xô tổ chức năm1981. Ngoài quy mô lớn, Vostok 2018 còn thu hút chú ý vì có sự tham dự của Trung Quốc, với 3,200 binh sĩ cùng 900 xe tăng và thiết giáp. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc được Nga mời tham dự một đợt diễn tập lớn như vậy.
Sự hiện diện của Trung Quốc là dấu hiệu khẳng định sự hợp tác giữa Moscow và Bắc Kinh, trong lúc cả 2 nước đều đang có xung đột với Hoa Kỳ. Cuộc tập trận diễn ra giữa lúc Tổng Thống Vladimir Putin đang đón tiếp Chủ Tịch Tập Cận Bình tại diễn đàn kinh tế Vladivostok. Ông Putin dự kiến sẽ đến quan sát tập trận trong tuần này.

Người Catalan tuần hành ủng hộ ly khai
BARCELONA - Khoảng 1 triệu người Catalan đã tuần hành ở Barcelona vào thứ Ba để ủng hộ việc độc lập khỏi Tây Ban Nha, sau khi nỗ lực ly khai thất bại vào gần 1 năm trước. Cuộc tuần hành diễn ra vào dịp lễ Diada, ngày quốc khánh của Catalonia, kỷ niệm sự kiện thành phố Barcelona rơi vào tay lực lượng trung thành với vua Phillip V của Tây Ban Nha vào năm 1714. Bắt đầu từ năm 2012, ngày lễ Diada hàng năm của vùng Catalonia đã được người dân dùng làm dịp để tuần hành đòi ly khai.
Catalonia là vùng lãnh thổ tự trị phương bắc của Tây Ban Nha, nơi người dân có cuộc sống thịnh vượng và có ngôn ngữ riêng. Vào tháng 10 năm ngoái, Catalonia đã tổ chức trưng cầu dân ý và quốc hội địa phương đã tự tuyên bố độc lập. Tuy nhiên, mọi nỗ lực này đều thất bại sau đó. Trong cuộc tuần hành vào thứ Ba, những người biểu tình đã yêu cầu chính phủ Madrid thả các tù nhân chính trị, là các lãnh đạo Catalan hiện đang chờ xét xử vì việc tự tuyên bố độc lập vào năm ngoái.
Cảnh sát thành phố cho biết khoảng 1 triệu người đã tham gia biểu tình, tương đương với cuộc tuần hành năm 2017. Nhiều cuộc biểu tình khác dự kiến cũng sẽ diễn ra tại Catalonia vào ngày kỷ niệm 1 năm cuộc trưng cầu dân ý và ngày tuyên bố độc lập. Các đảng đối lập tại Catalonia cho rằng phe ly khai đang biến ngày lễ Diada thành ngày của riêng họ, khiến phân nửa dân số Catalonia còn lại, những người không ủng hộ độc đập, không thể tham gia. Một cuộc thăm dò vào tháng 7 cho thấy, có 46.7% người Catalan ủng hộ độc lập, chênh lệch rất ít so với 44.9% người phản đối.

Người Ghana tiễn đưa cựu Kofi Annan
ACCRA – Vào ngày thứ Ba, người dân Ghana đã bắt đầu được cho vào viếng linh cữu của cựu Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Anna, tại trung tâm hội nghị quốc tế AICC ở thủ đô Accra. Thi thể ông Annan được chuyển về Ghana vào thứ Hai, sau khi ông qua đời tại Thụy Sỹ ở tuổi 80. Ông Annan và Liên Hiệp Quốc cùng được trao giải Nobel Hòa Bình vào năm 2001, vì những nỗ lực cải tổ và ưu tiên cho các vấn đề nhân quyền. Chính phủ Ghana cho biết sẽ tổ chức quốc tang cho ông Annan vào thứ Năm, trước khi an táng ông tại nghĩa trang quân sự ở căn cứ Burma.

Xe bus lao xuống vực ở Ấn Độ, ít nhất 55 người chết
TELANGANA – Một xe bus chở quá tải đã lao xuống vực ở một bang miền nam Ấn Độ vào thứ Ba, khiến ít nhất 55 người thiệt mạng và một số người khác bị thương. Chếc xe bus, thuộc hệ thống xe bus cho chính quyền quản lý ở bang Telangana, đang trở về từ một ngôi đền trên đồi ở quận Jagtial. Theo truyền thông địa phương, nguyên nhân tai nạn có thể là do xe bị đứt thắng, tuy nhiên, nhà chức trách cho biết thông tin này cần được điều tra thêm. Được biết, khi gặp nạn, chiếc xe đang chở 94 người, kể cả tài xế và người soát vé, cao hơn rất nhiều so với mức giới hạn hợp pháp là 52 người. Ấn Độ là nước có nhiều người chết vì tai nạn giao thông nhất thế giới, với gần 150,000 chết vào năm 2016, theo thống kê mới nhất của New Delhi.

Zimbabwe tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì dịch tả
HARARE – Chính phủ Zimbabwe hôm thứ Ba thông báo dịch tả bùng phát tại thủ đô Harare, sau khi 20 người thiệt mạng vì căn bệnh này. Bộ Trưởng Y Tế Obadiah Moyo xác nhận 2,000 người đã nhiễm bệnh vì uống nước bẩn. Đợt dịch tả bùng phát sau khi một số ống cống ở khu ngoại ô Budiriro và Glenview bị bể, làm ô nhiễm nguồn nước uống của cư dân. Hội đồng thành phố Harare trong hơn 1 thập niên qua vẫn chưa thể cung cấp nước sạch đầy đủ cho cư dân khu vực ngoại ô, khiến họ phải dựa vào nguồn nước từ các giếng đào và giếng khoan. Vào năm 2008, Zimbabwe từng trải qua đợt dịch tả lớn nhất lịch sử, với hơn 4,000 người thiệt mạng và 40,000 người nhiễm bệnh.

Công ty Trung Quốc chuyển nhà máy ra nước ngoài để né thuế Hoa Kỳ
BẮC KINH - Các công ty Trung Quốc đang tìm cách tránh thuế nhập cảng của Tổng Thống Donald Trump, bằng việc chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước như Việt Nam, Serbia, và Mexico, để các sản phẩm không còn mang nhãn hiệu “Made in China.” Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đối đầu thương mại suốt nhiều tháng qua, sau khi Tổng Thống Trump đánh thuế 25% lên 50 tỷ Mỹ kim hàng Trung Quốc và Bắc Kinh đáp trả bằng sắc lệnh thuế tương tự.
Để đối phó tình hình này, các hãng xưởng Trung Quốc đang dần dần chuyển khâu sản xuất ra nước ngoài để tránh thuế đánh lên hàng xuất cảng vào Hoa Kỳ. Trên thực tế, các ngành sản xuất đã bắt đầu chuyển ra khỏi Trung Quốc trong những năm gần đây, do giá lao động tăng và chi phí bảo vệ môi trường quá cao. Các lệnh đánh thuế của Hoa Kỳ chỉ góp phần đẩy nhanh quá trình này. Nhiều hãng nước ngoài lớn đã chuyển nhà máy sản xuất khỏi Trung Quốc, như hãng đồ chơi Hasbro, hãng sản xuất camera Olympus, và nhãn hiệu giày Deckers and Steve Madden.
Nhiều hãng xưởng Trung Quốc cũng đang có hành động tương tự. Hãng Zhejiang Hailide, chuyên sản xuất vải vóc và sợi công nghiệp, vào tháng trước đã thông báo sẽ lập một nhà máy tại Việt Nam để sản xuất hàng cho thị trường Hoa Kỳ. Ngoài ra, một số hãng dệt của Trung Quốc cũng chuyển đến Myanmar và Thái Lan, đồng thời một hãng sản xuất mô-tô điện của nước này cũng vừa mua lại một nhà máy ở Mexico. Theo các chuyên gia Trung Quốc, toàn bộ ngành công nghiệp nước này đang đối mặt với nhiều trở ngại giao thương, và việc xây nhà máy ở nước ngoài sẽ đem lại sự phát triển gián tiếp, nhờ tránh được các rào cản thương mại quốc tế.

Trung Quốc ngừng cấp giấy phép cho các công ty Hoa Kỳ
BẮC KINH – Trong bối cảnh xung đột thương mại càng lúc càng nghiêm trọng, Trung Quốc đã ngừng cấp giấy phép kinh doanh cho các công ty Hoa Kỳ trong ngành dịch vụ tài chính và các ngành khác, cho đến khi Washington có có thiện chí hơn trong việc giải quyết vấn đề, theo một viên chức cho biết hôm thứ Ba. Việc hoãn cấp giấy phép áp dụng cho các ngành kinh doanh mà Bắc Kinh trước đây từng hứa sẽ mở cửa cho các hãng xưởng nước ngoài, theo lời ông Jacob Parker, phó chủ tịch Hội đồng thương nghiệp Mỹ - Trung (USCBC). Hội đồng này đại diện cho khoảng 200 công ty Hoa Kỳ đang làm ăn với Trung Quốc.
Trong các cuộc họp suốt 3 tuần qua, các viên chức nội các Trung Quốc đã nói với USCBC rằng, họ sẽ ngừng phê chuẩn các đơn xin kinh doanh, “ cho tới khi mối quan hệ Mỹ - Trung cải thiện và ổn định,” ông Parker nói. Trung Quốc trước đây đã hứa cho phép các hãng nước ngoài tham gia các lĩnh vực như ngân hàng, an ninh, bảo hiểm, và quản lý tài sản. Ông Parker cho biết, phía Trung Quốc muốn Tổng Thống Donald Trump dừng đánh thuế và đàm phán cách giải quyết xung đột. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng tỏ vẻ muốn các công ty nước ngoài giúp vận động hành lang với Washington.

Làng Thụy Sỹ trả cho dân $2,600 mỗi tháng
RHEINAU - Một ngôi làng ở Thụy Sỹ vừa quyết định thử nghiệm thực hiện chương trình Thu nhập cơ bản đại trà (UBI) tại nước này. Theo đó, mỗi người dân sẽ được trả 2,500 franc Thụy Sỹ (khoảng $2,570 Mỹ kim) hàng tháng mà không cần điều kiện gì. Theo website của nhà tổ chức, một nửa trong tổng số 1,300 cư dân làng Rheinau gần biên giới với Đức đã ghi danh tham gia. Đến hôm thứ Hai, số người đồng ý là 692 người. Các lá phiếu được nộp vẫn phải được kiểm lại dựa theo dữ liệu chính phủ để xác thực tính hợp lệ.
Quyết định được đưa ra vào 2 năm sau khi dự luật về một khoản trợ cấp vô điều kiện trên toàn Thụy Sỹ thất bại, do tỷ lệ ủng hộ thấp. Làng Rheinau nằm cạnh sông Rhine và cách trung tâm tài chính Zurich một giờ tàu hỏa. Đây là nơi nhà làm phim Rebecca Panian lựa chọn để thử nghiệm chương trình UBI. Cô cho biết đã bị thu hút bởi ý tưởng này trong các phiên tranh cử quốc gia hồi năm 2016. Do đó, cô quyết định chọn một khu vực để thử nghiệm. Nguồn tiền thực hiện sẽ được lấy từ các quỹ quyên góp tư nhân.
So với chi phí sinh hoạt tại Thụy Sỹ, 2,500 franc không phải số tiền quá lớn. Một nhân viên tính tiền ở cửa hàng làm việc 42 giờ mỗi tuần sẽ nhận lương khoảng 3,500 franc. Ý tưởng phát tiền cho người dân mỗi tháng mà không kèm điều kiện gì đã tồn tại hơn 1 thế kỷ nay. Những năm gần đây, ý tưởng này được thúc đẩy bởi các nền kinh tế lớn, do lo ngại về khoảng cách giàu nghèo tăng và mất việc làm bởi tự động hóa. Phần Lan cũng đã giới thiệu một dự án thử nghiệm về UBI, trong khi ý tưởng này cũng nằm trong chương trình nghị sự của chính phủ Ý.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT