Thế Giới

New Zealand: Chó bị bắn chết trên sân bay

Friday, 17/03/2017 - 10:39:10

Vụ này làm nhiều người dân New Zealand phản đối, có người cật vấn vì sao cảnh sát không dùng súng gây mê thì hay hơn.

Một con chó nghiệp vụ chuyên đánh hơi bom khủng bố của phi trường đã bị chính nhân viên an ninh bắn chết vì nó xổng chuồng chạy rong trên phi đạo ở New Zealand và các nhân viên an ninh đã “hết sức đau lòng” vì vụ này.
Con Grizz, 10 tháng tuổi, thuộc nòi chó Collie, vốn là loại chó được huấn luyện để đánh hơi bom trong các hành lý gửi máy bay, đã xổng chuồng vào lúc 4 giờ sáng thứ Sáu tại phi trường Auckland Airport, theo tin tức báo chí cho hay. Người ta bỏ ra nhiều giờ tìm kiếm nó và vụ này khiến cho 16 chuyến bay nội địa và quốc tế của phi trường không thể cất cánh vì lý do an toàn.
Tracy Philipps, một thanh tra cảnh sát, cho hay cuối cùng ban Giám Đốc sân bay quyết định nhờ cảnh sát bắn hạ con vật. Tin này làm toàn thể nhân viên phi trường rất đau lòng. Đại diện phi trường là bà Lisa Mutital nói, “Chúng tôi đã làm hết cách rồi, cuối cùng phải bắn chết con chó thôi.”
Vụ này làm nhiều người dân New Zealand phản đối, có người cật vấn vì sao cảnh sát không dùng súng gây mê thì hay hơn.

Trump đón nữ thủ tướng Đức
Tổng Thống Donald Trump đã tươi cười đón tiếp nữ Thủ Tướng Đức Angela Merkel trưa thứ Sáu tại Tòa Bạch Ốc và đây là cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên của hai nguyên thủ của hai siêu cường trên hai lục địa. Tại Phòng Bầu Dục, hai người đã tươi cười bắt tay nhau trước mặt các phóng viên.
Ông Trump còn nói đùa khi hối thúc các phóng viên nên “nhanh chóng gửi ảnh này về Đức.” Bà Merkel là lãnh tụ Châu Âu bị ông Trump công kích rất mạnh trong năm 2016, khi ông còn vận động tranh cử. Ông Trump từng nói bà Merkel đã sai lầm khi cho phép quá nhiều di dân được nhập vào Đức.
Ông Trump từng nói như sau, “Bà Merkel là một lãnh tụ vĩ đại nhưng tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra cho bà khi bà hành động như thế.”
Vấn đề Đức đóng góp tài chính cho NATO , cũng như vấn đề người nhập cư Hồi giáo, chống khủng bố quốc tế và cuộc chiến tại Ukraine nằm trong nghị trình bàn bạc của hai người. Vào tháng 9 năm 2016, khi được hỏi ông ngưỡng mộ lãnh tụ nào nhất thì ông Trump nói “đó chính là bà Merkel.”

Yemen: Thuyền chở người vượt biển bị tấn công
Một viên chức cao cấp của cơ quan về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc cho hay có 42 thi thể nạn nhân được vớt lên, sau khi một vụ tấn công quân sự nhắm vào tàu chở người vượt biển xảy ra ở ngoài khơi duyên hải của Yemen mới đây. Ông Mohammed Abdiker nói có nhiều nguồn tin chưa rõ ràng nên hiện vẫn chưa xác định là vụ tấn công phát xuất từ tàu chiến hay từ một máy bay trực thăng vũ trang.
Vụ tấn công diễn ra khoảng 3 giờ sáng hôm thứ sáu, theo ông Abdiker, là “hoàn toàn không sao chấp nhận được,” vì bất cứ phía bên nào trước khi khai hỏa cũng phải biết chắc chiếc tàu đó đang chở những ai. Ông cũng cho hay có 75 người đàn ông và 15 phụ nữ, vốn sống sót sau vụ tấn công, đã được đưa đến các trạm tạm giam.
Hoàn cảnh của họ thê thảm đến độ do địa phương không đủ nhà xác chứa các nạn nhân, một số xác chết của người vượt biển được đưa vào chợ cá ở thị trấn Hodeida.

Syria nói chiến đấu cơ Do Thái bị bắn hạ
Lực lượng phòng không Syria đã bắn hỏa tiễn phòng không vào các chiến đấu cơ của Do Thái vì cho là có bốn máy bay như thế đã vi phạm không phận của Syria.
Quân đội Syria cho hay các máy bay Do Thái đánh vào một nơi gần cổ thành Palmyra thuộc tỉnh Homs. Theo hãng tin SANA của Syria, một máy bay của Do Thái bị bắn rơi, họ còn bắn trúng một chiếc khác và làm cho hai chiếc còn lại phải “bỏ chạy.”
Không Lực Israel đã cho hay các máy bay chiến đấu của họ đã đánh vào một số mục tiêu ở Syria và bác bỏ thông báo của Syria là máy bay của họ đã bị bắn rơi. Israel bắn phản pháo vào các hỏa tiễn này của Syria, ít nhất một trong các hỏa tiễn của Syria đã bị hỏa tiễn chống hỏa tiễn của Israel bắn rơi. Đây là lần thứ nhì trong vòng sáu tháng qua, lực lượng phòng không Syria đã bắn hỏa tiễn vào khu trục cơ chiến đấu của Do Thái.

Nga bị tố cáo phân biệt tôn giáo
Giáo phái Nhân Chứng Jehovah ở Nga vừa lên tiếng cho hay họ bị Bộ Tư Pháp Nga phân biệt đối xử khi bộ này lại gán cho giáo phái nhãn hiệu là “tổ chức cực đoan.” Văn phòng báo chí của Giáo Phái Nhân Chứng Jehovah ra thông báo cho biết Tối Cao Pháp Viện Nga đang thụ lý một hồ sơ kiện cáo từ Bộ Tư Pháp Nga chống lại họ và Bộ này còn đòi phải “hủy bỏ mọi hoạt động của giáo phái này ở Nga.”
Bộ Tư Pháp Nga yêu cầu bản doanh của Nhân Chứng Jehovah ở thành phố St. Peterberg phải bị đóng cửa. Vào đầu năm 2017, lực lượng an ninh Nga đã xông vào trụ sở này, trong một hành động đầy đe dọa. Trong thông báo của Nhân Chứng Jehovah có đoạn: “Hàng triệu tín đồ của chúng tôi trên toàn thế giới xem hành động của Bộ Tư Pháp Nga là một sai lầm lớn lao, nếu chính phủ Nga nhất định đàn áp, thì tình tạng tự do tôn giáo ở Nga xem như bị tổn hại nghiêm trọng.”
Dưới thời Xô Viết, Nhân Chứng Jehovah bị đàn áp rất khốc liệt, mãi đến năm 1991 mới được phép tái hoạt động.

Dân Nhật thực tập chống hỏa tiễn Bắc Hàn
Còi hụ vang dội và loa phóng thanh inh ỏi vang lên hôm thứ Sáu trong cuộc thực tập đầu tiên mà chính phủ Nhật Bản huấn luyện cho dân chúng phòng chống một đợt tấn công bằng hỏa hỏa tiễn của Bắc Hàn.
Cách đây hơn một tuần, chính vì Bình Nhưỡng bắn liên tiếp bốn hỏa tiễn đạn đạo vào Biển Nhật Bản vùng phía tây bắc mà chính phủ ở Tokyo phải có những biện pháp phòng ngừa, nhất là khi một hỏa tiễn chỉ rơi cách thị trấn duyên hải Oga khoảng 124 dặm.
Cuộc thực tập giả định hỏa tiễn Bắc Hàn rơi chỉ cách phía tây của bán đảo Oga có 12 dặm. Cư dân của Oga, vốn nằm cách Tokyo khoảng 280 dặm về hướng bắc, đã được di tản vào một trung tâm tiếp cư đặc biệt, có đầy đủ thiết bị y tế và mặt nạ bảo vệ.
Ngay cả trẻ con trong các trường học cũng nằm sát rạt xuống đất khi còi báo động rú lên, rồi chúng được hối hả hướng dẫn chạy vào một phòng tập thể dục. Osamu Saito, một viên chức an ninh của quận hạt Akita, cho hay, “Phải thực tập thôi, bây giờ thì cái gì cũng có thể xảy ra.”

Châu Âu: Phi Luật Tân hãy thả bà Leila de Lima
Hôm thứ Sáu chính phủ Phi Luật Tân đã bác bỏ một lời kêu gọi của Quốc Hội Châu Âu đòi Manila phải trả tự do cho Nghị Sĩ Leila de Lima, hiện đang bị giam cầm vì các vu cáo cho rằng bà có liên hệ đến băng đảng ma túy. Bộ Ngoại Giao Phi Luật Tân nhận định là “nghị quyết của Quốc Hội Châu Âu kêu gọi kiểu như thế là chen vào hệ thống tư pháp của Phi Luật Tân, ai cũng phải bị pháp luật xét xử nếu có tội, vụ của bà de Leila đang chờ ra trước tòa án ở đây và chính phủ Philippines cho phép thủ tục tố tụng tiến hành một cách hợp pháp.”
Bà de Leila là tiếng nói tranh đấu nhân quyền mạnh mẽ chống lại các chủ trương trấn áp đẫm máu chuyện mua bán ma túy ở Phi Luật Tân. Bà bị bắt trong tháng Hai với cáo trạng là đã nhận tiền hối lộ của các thủ lĩnh băng đảng ma túy, khi bà còn là Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp dưới thời của vị Tổng Thống tiền nhiệm của ông Duterte, nhưng bà cương quyết phủ nhận cáo trạng này.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT