Đạo và Đời

Nếu ai giải thoát được mọi trói buộc đau khổ bằng cách không khởi tâm điên đảo, phân biệt chấp trước đối với cuộc sống, thì người đó sẽ đạt được Niết Bàn ngay trong cuộc sống này.

Thursday, 20/08/2015 - 12:04:27

Nếu ai giải thoát được mọi trói buộc đau khổ bằng cách không khởi tâm điên đảo, phân biệt chấp trước đối với cuộc sống, thì người đó sẽ đạt được Niết Bàn ngay trong cuộc sống này.

Tâm Diệu biên soạn

Hỏi: Đạo Phật là gì?
Danh từ Đạo Phật “Buddhism” là một danh từ của người phương Tây dùng để gọi một tôn giáo xây dựng trên nền tảng các lời dạy của Đức Phật. Tuy nhiên, tại các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á, danh từ thường dùng là “Buddha-Sasana”, có nghĩa là lời dạy của Đức Phật, Phật pháp hay Phật Giáo.
Từ Buddha được phiên âm ra tiếng Việt là Bụt hay Phật, không phải là tên riêng. Đó là một quả vị, có nghĩa là người Giác ngộ, người Tỉnh thức, hoặc là người Biết như thật, là người đã hoàn toàn giải thoát, không còn bị sinh tử luân hồi. Tên riêng của Đức Phật là Sĩ-Đạt-Đa Cồ-Đàm (Siddhattha Gotama). Tuy nhiên, ngày nay có rất ít người dùng tên gọi nầy. Chúng ta thường gọi Ngài là Đức Phật.
Phật giáo bắt nguồn từ Ấn Độ vào hơn hai ngàn năm trăm năm trước, khi Ngài Sĩ-Đạt-Đa Cồ-Đàm, hay Đức Phật, tự mình giác ngộ vào lúc 35 tuổi. Sau khi Ngài Niết Bàn gần hai trăm năm mươi năm thì Phật giáo trở thành tôn giáo mang tính thế giới, do công của vua A Dục đã lập những đoàn truyền giáo mang giáo lý Phật truyền sang Á Châu và một số quốc gia Châu Âu.
Hỏi: Đạo Phật có phải là một Tôn giáo không?
Đối với nhiều người, Phật Giáo không phải chỉ là một tôn giáo mà còn có thể xem như là một triết học, hay đúng hơn là "một lối sống". Gọi Phật Giáo là một triết học, vì danh từ “triết học - philosophy “ - bắt nguồn từ hai chữ “philo” nghĩa là “tình thương” và “Sophia” nghĩa là “trí tuệ”. Do vậy - triết học, nói gọn là tình thương và trí tuệ. Với ý nghĩa nầy, không thể không cho rằng Phật Giáo là một triết học được vì Phật Giáo là đạo từ bi và trí tuệ. Tuy nhiên, Phật giáo không thể hoàn toàn được xem như một triết học. Triết học liên quan chính yếu đến sự tìm hiểu biết và không chú trọng đến phần thực hành, trong khi đó Phật Giáo đặc biệt quan tâm đến sự thực hành và chứng ngộ. Có nhiều người cho rằng Phật giáo siêu việt trên cả triết học và tôn giáo.

Hỏi: Nếu nói Đạo Phật là một tôn giáo, vậy Đạo Phật có gì khác biệt với các tôn giáo khác không?
Học giả Smith Huston, trong cuốn The Religions of Man trình bày những tôn giáo lớn của nhân loại, ông nêu ra sáu điểm đặc biệt khác đời của Phật Giáo là: (1) một tôn giáo không quyền lực, (2) một tôn giáo không nghi lễ, (3) một tôn giáo không tính toán, suy lường, (4) một tôn giáo không tập tục truyền thống, (5) một tôn giáo không có khái niệm về quyền tối thượng và ân điển của một đấng Thượng-đế, (6) một tôn giáo không thần bí.
Ông cũng nhắc lại câu chuyện một người hỏi Phật: “Ngài có phải là Thượng Đế không?”. Đức Phật trả lời: “Không”. “Là một bậc Thánh?”. “Không”. Là một Thiên Thần?. “Không”. “Vậy Ngài là người thế nào?”. Đức Phật đáp: “Ta là người đã giác ngộ”. Câu trả lời của đức Phật đã trở thành danh hiệu của Ngài, bởi đây là điều đức Phật đã thuyết bày.

Hỏi: Đức Phật là người Giác ngộ. Đạo Phật là đạo Giác Ngộ. Vậy Đức Phật giác ngộ cái gì?
Sau bốn mươi chín ngày thiền định dưới cội bồ đề, Đức Phật đã tự thân chứng nghiệm nguyên lý duyên khởi, thấu rõ mối quan hệ hỗ tương của mọi sự vật hiện tượng, thấy rõ bản thể của nhân sinh vũ trụ. Nguyên lý duyên khởi nói rằng, tất cả hiện hữu trong thế giới bao la mênh mông này, không một hiện hữu nào có thể tồn tại một cách độc lập mà không nương tựa vào nhau. Sự nương tựa và tùy thuộc nhau để hình thành và tồn tại..vv.. là nguyên lý vận hành của vũ trụ nhân sinh này, tương tự như thế đối với hằng hà sa thế giới. [01]

Hỏi: Con người bình thường có thể giác ngộ như Ngài được không?
Đối với Phật Giáo, con người có thể giải thoát khỏi khổ đau, sinh tử luân hồi bằng các nỗ lực tu tập tự thân: làm lành, tránh ác và tự thanh tịnh hóa tâm ý. Bốn chân lý nền tảng của Phật giáo cho rằng mọi khổ đau (Khổ đế) của chúng sinh đều có một hay nhiều nguyên nhân (Tập đế) gây nên, chúng có thể bị giải trừ (Diệt đế) và có con đường để giải trừ khổ đau đó (Đạo đế). Con đường đó chính là con đường giải thoát, là Bát Chánh Đạo trong giáo lý căn bản của nhà Phật. Giáo lý này được qui thành ba bộ môn: Giới, Định và Tuệ. Thực hành Giới và Định là đưa tới trí Tuệ, là giải thoát khỏi sự mê muội, lòng ích kỷ và khổ đau, là đạt tới cảnh giới Niết Bàn.

Hỏi: Vậy Niết bàn là gì?
Niết bàn được xem là mục đích cứu cánh của đạo Phật, chỉ trạng thái tâm thức đã thanh lọc hết mọi vô minh phiền não, sự giải thoát khỏi tất cả mọi khổ đau, sự đoạn diệt hoàn toàn mọi tham ái, sự dập tắt tham sân si. Trạng thái an tịnh tuyệt đối không còn bị bốn tướng sanh lão bệnh tử chi phối nữa. Sự tận diệt tánh tham, sự tận diệt tánh sân và sự tận diệt tánh si là Niết Bàn. [02]

Hỏi: Niết bàn ở đâu?
Niết Bàn có thể chứng nghiệm được ngay trong xác thân này, trong thế giới này, trong cuộc sống hiện tại này, nghĩa là bất cứ trong giây phút nào con người không khởi tâm điên đảo, phân biệt chấp trước đối với cuộc sống, xa lìa được chấp ngã, không còn chấp cái tôi, cái của tôi và cắt đứt được cội nguồn tâm ý tham lam, sân hận và si mê là tâm hồn được thanh thản, tự do, tự tại, thì ngay giây phút đó là an lạc, giải thoát, là Niết bàn.

Hỏi: Đức Phật đã dạy những gì?
Sau sáu năm khổ hạnh và bốn mươi chín ngày tịnh tọa dưới gốc cây bồ đề, Ngài bừng tỉnh, trở thành bậc Giác Ngộ. Từ sự giác ngộ này, Ngài thấu suốt nguyên nhân mọi nỗi thống khổ của kiếp người và phương pháp để chấm dứt nỗi thống khổ đó, đó là Tứ Diệu Đế, tức là bốn chân lý hay bốn sự thật nhiệm mầu. Bài giảng về bốn chân lý nhiệm mầu có thể xem như là những lời dạy của một vị y sĩ: định bệnh (Khổ đế), xác định nguyên nhân của bệnh (Tập đế), mô tả trạng thái khi lành bệnh (Diệt đế), và cách thức trị bệnh (Đạo đế). Bốn chân lý đó là:
Sự Thật Về Khổ: Đây là sự thật về khổ kinh qua các vấn đề của đời sống, qua sinh, già, bệnh, chết, mong ước mà không được toại nguyện, thương yêu nhau mà phải chia lìa nhau, ghét nhau mà cứ phải gặp nhau và thân tâm thay đổi bất thường. Dù chúng ta có chối bỏ đến đâu đi nữa, thân này rồi một ngày sẽ già nua, bệnh hoạn và chết đi. Dù ta có tìm quên lãng trong những thú vui bao nhiêu đi chăng nữa, thì sự có mặt của tham luyến, giận hờn, thù ghét, lo âu, bối rối và căng thẳng vẫn còn tồn tại.
Sự Thật Về Tập: Còn gọi là nguyên nhân của khổ.Cái gì đã trói buộc chúng ta vào vòng bánh xe khổ lụy? Đức Phật thấy rằng sự trói buộc ấy nằm ngay trong tâm của mỗi người chúng ta, chúng ta bị trói buộc vì lòng ái dục, cố chấp vào quan điểm và ý kiến của mình, mê tín tin rằng những lễ nghi, hình thức bên ngoài có khả năng diệt được khổ đau, và nhất là cố chấp vào một cái tôi thường hằng, bất biến. Chúng ta lăn theo bánh xe khổ đau vì ta đeo theo nó, và chúng ta đeo theo nó cũng chỉ vì vô minh của mình.
Sự Thật Về Dứt Khổ: Sự thật thứ ba là kết quả sau khi con người đã diệt trừ và chấm dứt được ái dục, nguồn gốc của mọi khổ đau. Đó gọi là sự thật về sự chấm dứt khổ, là Niết Bàn. Nếu ai giải thoát được mọi trói buộc đau khổ bằng cách không khởi tâm điên đảo, phân biệt chấp trước đối với cuộc sống, thì người đó sẽ đạt được Niết Bàn ngay trong cuộc sống này.
Sự Thật Về Con Đường Dứt Khổ: Sự thật thứ tư này là con đường trực tiếp đưa đến sự giải thoát, chấm dứt khổ đau. Con đường này thường được diễn tả là Bát chính đạo, tức tám con đường chân chính hay còn gọi là tám bước nhiệm mầu dẫn đến an lạc hạnh phúc. Đây không phải là con đường quá khích, sung sướng hay khổ hạnh, cũng không phải là con đường của sự chìm đắm trong sắc dục. Đây chính là con đường trung đạo. Còn đường của sự tỉnh thức. Tám bước nhiệm mầu là lời Đức Phật dạy về cách thức tu tập để Phật tử nương theo mà hành trì, ngõ hầu kết thúc được mọi nỗi thống khổ, đạt được trạng thái tâm an lạc. Gom chung tám bước này thành ba bộ môn tu tập, gọi là Tam Học, tức là ba môn học chung cho mọi người tu Phật là: Giới học, gồm có: Chính ngữ, Chính nghiệp và Chính mệnh. Định học, gồm có: Chính tinh tấn, Chính niệm và Chính định. Tuệ học, gồm có: Chính kiến và Chính tư duy.
Nói tóm lại, Sự thật về khổ phải được ý thức rõ ràng. Sự thật về nguyên nhân của khổ phải được thấu hiểu. Chân lý về sự chấm dứt khổ phải được kinh nghiệm. Và con đường để chấm dứt khổ đau ấy phải được bước đi bởi mỗi người trong chúng ta. Đức Phật đã giác ngộ giải thoát và Ngài đã vẽ lại con đường đó để chúng ta đi theo. Ngài không giúp chúng ta hết khổ đau được, Ngài chỉ cho chúng ta thấy một con đường để đi tới. Không có một công thức huyền bí nào có thể đem ta ra khỏi những khổ đau này. Mỗi người chúng ta phải tự thanh lọc tâm mình, bởi vì chỉ có những ái dục trong tâm mới có khả năng trói buộc được ta mà thôi. Trong suốt 49 năm hoằng pháp Đức Phật đã giảng dạy rất nhiều đề tài, nhưng các điều căn bản trong Phật Giáo có thể tóm tắt trong Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo như trên.
(còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT