Văn Nghệ

Nét độc đáo của đàn Bầu (kỳ 1)

Friday, 22/06/2018 - 08:51:28

“Đàn thân tre ra đời trước, thường dùng cho người hát xẩm hoặc những nơi không có điều kiện chế tác tỉ mỉ, ít phổ biến bằng đàn hộp gỗ ra đời sau với sự cải tiến nhiều tính năng ưu việt hơn.”

Bài BĂNG HUYỀN

Trong chương trình kỷ niệm chặng đường 25 năm giữ gìn và phát triển âm nhạc truyền thống của dân tộc Việt Nam cho thế hệ trẻ gốc Việt trên xứ người của đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng (thuộc Hội Phát Triển Nghệ Thuật Truyền Thống Việt Nam) vào năm 2014 (tối Thứ Bảy, 8-11-2014) tại rạp Saigon Performing Art Center, các khán giả có mặt trong đêm diễn đã được thưởng thức khả năng diễn tấu của đàn Bầu dường như là vô biên khi em Cody Trần (là thành viên của đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng) xuất sắc biểu diễn bài nhạc chủ đề của phim “The God Father” hòa điệu cùng tiếng đàn keyboard của Tô Minh Hùng qua phần chuyển soạn của giáo sư Nguyễn Châu (Giáo sư Nguyễn Châu là một trong những người sáng lập và là giám đốc nghệ thuật đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng từ năm 1989 đến nay).


Hình dáng cây đàn Bầu

Đây là tiết mục đem lại sự thích thú cho người nghe bởi qua màn trình diễn này, thấy được rằng đàn Bầu Việt Nam không chỉ đánh được nhạc ngũ cung mà còn có thể chơi được nhạc Mỹ, với cách phối khí mới, hiện đại kế thừa trên nền truyền thống để phả vào tiếng đàn Bầu sự mới mẻ.

Nếu xưa kia đàn Bầu thường chỉ dùng để độc tấu hoặc đệm hát, hòa tấu cùng những nhạc cụ trong dàn nhạc cổ truyền cùng với một số loại đàn khác, thì những năm gần đây đàn Bầu được gắn thiết bị điện, tăng âm nên có thể độc tấu ngoài trời hoặc hòa tấu với dàn nhạc lớn, nhiều nhạc cụ. Không chỉ trình tấu nhạc truyền thống Việt Nam, tân nhạc Việt Nam, đàn Bầu còn được các nhạc sĩ dùng để biểu diễn khá nhiều tác phẩm âm nhạc quốc tế.
Theo Giáo sư Nguyễn Châu, cấu tạo của đàn Bầu rất đơn giản, chỉ với một dây đàn nhưng lại thể hiện được đầy đủ mọi giai điệu truyền thống trên cơ sở giàu âm điệu, giàu sức diễn tả với âm thanh phong phú của ngôn ngữ người Việt. Không chỉ vậy, đàn Bầu còn có cách trình tấu, có ngôn ngữ âm nhạc rất độc đáo.


Giáo sư Nguyễn Châu hướng dẫn học viên cao niên Thanh Trúc học đàn Bầu. (Băng Huyền/Viễn Đông)

Không chỉ có duy nhất đàn Bầu là đàn một dây

Đàn Bầu không chỉ là cây đàn một dây duy nhất trên thế giới. Trên thế giới có nhiều loại đàn chỉ có một dây ở nhiều nước khác nhau như ở châu Á thì có đàn Kingri, đàn Tuntune của Ấn Độ; đàn Xađiu của Campuchia, đàn Ichigenkin của Nhật Bản, đàn Tushuenkin của Trung Quốc. Đàn Cung ở vùng Đông Phi. Ở châu Âu thì có đàn Gusle ở ba nước Serbi, Croatia, Montenegro; châu Phi có đàn Orutu ở Kenya và Uganda…Riêng tại Việt Nam cũng có nhiều cây đàn có cấu tạo chỉ một dây như cây đàn Tàn Máng của người Mường, đàn Rabap Katoh của người Chăm, đàn Chhay Điêu của người Khmer, đàn Kơni của người Gia rai… Thế nhưng Giáo sư Nguyễn Châu cho rằng, đàn Bầu vẫn là cây đàn độc đáo của người Việt vì đàn Bầu là đàn duy nhất phát ra âm thanh là âm bồi chứ không phải âm thực. Các nhạc sĩ, những người chơi đàn Bầu khi trình tấu, dùng kỹ thuật uốn cần đàn, làm chùng dây đàn có thể phát ra nhiều cao độ khác nhau, tạo nên các âm thanh với âm sắc trong trẻo. Chỉ một lần gẩy đàn, đàn bầu có thể phát ra một âm cơ bản hoặc nhiều âm bồi với biên độ cao thấp có thể lên tới một quãng 5. Có thể nói, trong các nhạc âm nhạc trên thế giới không có nhạc cụ nào có thể làm ra các âm bồi như đàn Bầu. Đây cũng chính là nét nổi bật của nhạc cụ này khi tạo ra tiếng đàn là sóng bồi âm.

Đàn Bầu có hai phần chính, gồm phần cầm que tạo ra tiếng đàn và dùng cần đàn để nhấn cao độ lên, xuống. Thường các cây đàn khác bật bằng dây buông, ví dụ như đàn guitar có phím để thay đổi âm vực khác nhau, nhưng cây đàn bầu thì cái chặn dây lại bằng tay thay cho phím đàn, là nét độc đáo của nhạc cụ thuần Việt này.
Đàn bầu là nhạc cụ không thể thiếu trong dàn nhạc cổ truyền Việt Nam, đàn nhị (đờn cò), thập lục, tam thập lục, đàn tranh, sáo trúc với những hình thức diễn tấu như hòa tấu, không chỉ vậy đàn Bầu có thể hòa tấu với các nhạc cụ hiện đại một cách nhuần nhuyễn.


Giáo sư Nguyễn Châu hướng dẫn học viên cao niên Thanh Trúc học đàn Bầu. (Băng Huyền/Viễn Đông)

Cấu Tạo của đàn Bầu

Đàn Bầu có cấu tạo rất đơn giản. Những vật liệu làm ra cây đàn Bầu là các loại cây tre, bương, vầu, vỏ quả Bầu... vốn là những vật liệu rất quen thuộc trong đời sống người Việt. Trước đây, thân đàn Bầu được làm bằng một đoạn ống tre, ống bương, ống vầu theo thời gian, đến nay thân đàn Bầu được làm bằng hộp gỗ hình chữ nhật dài khoảng trên dưới 1 mét. Một đầu to có bát âm làm từ vỏ quả bầu khô với cần đàn nối với dây đàn, đầu bên kia nhỏ hơn có dây đàn gắn với cần chỉnh dây. Bầu đàn làm bằng đầu cuống quả bầu hoặc gỗ tiện giống quả Bầu. Cần đàn làm bằng sừng tre dẻo dài khoảng 50-70 cm, về sau này thì được thay bằng sừng trâu. Ban đầu dây đàn làm bằng dây móc xe lại hoặc dây mây, dần dần được thay bằng dây tơ, sau này thay bằng dây sắt. Khi chơi đàn người chơi gảy bằng ngón tay, móng hay que gảy, phát ra âm thanh do va chạm trực tiếp, một lần, tạo ra"âm thực", kết hợp với việc rung cần đàn tạo ra nhiều âm thanh có các cao độ khác nhau với âm sắc trong trẻo, quyến rũ vô cùng.

Bài viết “Đàn Bầu: Linh hồn dân tộc Việt” của tác giả Chân Mỹ Phương có giới thiệu hình dáng và tính năng của Đàn Bầu khá chi tiết, “Đàn Bầu là một nhạc khí độc đáo của Việt Nam chỉ có một dây duy nhất, không có phím, dùng cần đàn (vòi đàn) để tạo nên những cao độ trầm bổng trong âm nhạc. Cây đàn này ngày xưa gọi là “đàn một dây”, về sau mặt đàn đóng bằng gỗ ngô đồng, hoặc gỗ vông, thành đàn bằng gỗ trắc và để quả bầu vào cho đẹp, nên gọi là “Đàn Bầu”. Trong hệ thống nhạc cụ, Đàn Bầu là loại nhạc cụ có một dây, thuộc họ dây, chi dây gảy; được phân loại thành 2 kiểu là đàn thân tre và đàn hộp gỗ.

“Đàn thân tre ra đời trước, thường dùng cho người hát xẩm hoặc những nơi không có điều kiện chế tác tỉ mỉ, ít phổ biến bằng đàn hộp gỗ ra đời sau với sự cải tiến nhiều tính năng ưu việt hơn.”

Cũng trong bài viết này, tác giả Chân Mỹ Phương ghi rõ, “Đàn bầu thường có hình dạng một ống tròn (bằng tre, bương, luồng) hoặc hình hộp chữ nhật (bằng gỗ) thường có chiều dài khoảng 1,15 mét, cao khoảng 10,5 cm. Trước kia, thân Đàn Bầu được làm bằng một đoạn ống bương hoặc vầu, có thể để nguyên hoặc được chẻ ra làm đôi giống hình cái máng hứng nước ở vùng đồng bằng Bắc bộ và được gọi là đàn Bầu máng, sau này được thay bằng gỗ ngô đồng hoặc gỗ vông. Các bộ phận bao gồm: một đầu to có bát âm với đường kính khoảng 12,5 cm; một đầu vuốt nhỏ hơn một chút khoảng 9,5 cm; cần đàn (vòi đàn) được làm bằng sừng tre dẻo dài khoảng 50 – 70 cm (sau này thay bằng sừng trâu); dây đàn làm bằng dây móc xe lại hoặc dây mây, dần thay bằng dây tơ (sau này bằng dây sắt); bầu đàn làm bằng đầu cuống quả bầu nậm hoặc gỗ tiện giống hình quả bầu; que khảy đàn thường được vót bằng tre, giang, thân dừa, gỗ mềm…, dài khoảng 10 cm (sau này thiết kế ngắn lại chừng 4 - 4,5 cm. Đối với đàn hộp gỗ, cây đàn phải hội đủ hai yếu tố "mặt ngô - thành trắc", có nghĩa là mặt đàn phải làm bằng gỗ cây ngô đồng sao cho vừa xốp vừa nhẹ. Khung và thành đàn làm bằng gỗ trắc hoặc gụ, vừa đẹp lại vừa bền. Cần đàn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các sắc độ âm thanh khác nhau và làm cho tiếng đàn tròn, mượt. Mặt đàn với thớ gỗ óng ả, khi kết hợp với hộp cộng hưởng sẽ tạo nên những âm thanh vang, trong trẻo. Ngoài ra còn có nhiều hoa văn hoặc khảm trai được trang trí trên đàn với các hình ảnh miêu tả cảnh sinh hoạt phong phú của người dân Việt Nam.”

Một số tính năng của Đàn Bầu

Theo tác giả Chân Mỹ Phương, “đàn Bầu có âm vực rộng tới 3 quãng tám. Đẹp nhất là âm thanh phát ra trong vòng 2 quãng tám. Nếu người nghệ sĩ kết hợp các kỹ thuật chơi đàn điêu luyện như sử dụng âm thực với sự tác động kéo căng hay giảm dây của cần đàn (vòi đàn) thì âm vực của Đàn Bầu có thể vượt trên 3 quãng tám. Điểm đặc biệt nhất của Đàn Bầu so với những cây đàn khác là việc sử dụng “âm bồi” trong diễn tấu tác phẩm. Vì vậy mà âm sắc của Đàn Bầu vang lên vô cùng mượt mà, trong trẻo, sâu lắng và quyến rũ, rất gần với âm điệu, tiếng nói của con người nên dễ dàng chuyển tải được những tâm tư, tình cảm mà người dân lao động Việt Nam xưa kia muốn nói. Chính vì lẽ đó mà tiếng Đàn Bầu cất lên chính là tiếng lòng, vừa mang ý nghĩa nhân văn, vừa mang nỗi khổ “sinh – lão – bệnh – tử” thời cuộc phong kiến nhiều thị phi. Bằng việc sử dụng các kỹ thuật chơi đàn như: kỹ thuật gảy bồi âm, kỹ thuật nhấn, luyến, vỗ, vuốt, láy, rung, dật,… người nghệ sĩ đã tái hiện nên rất nhiều cung bậc cảm xúc phong phú. Tiếng đàn có khi buồn bã, thiết tha; có khi ngọt ngào tình tự; có khi êm dịu, trữ tình nhưng cũng có lúc khỏe mạnh, tươi vui.”

Em Cody Trần (là thành viên của đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng) đang trình tấu bài nhạc chủ đề của phim “The God Father” hòa điệu cùng tiếng đàn keyboard của Tô Minh Hùng trên sân khấu Saigon Performing Art Center. (Băng Huyền/Viễn Đông)

Giới thiệu về vai trò và sự phát triển của Đàn Bầu trong đời sống văn hóa Việt, tác giả Chân Mỹ Phương cho biết, “Thuở hàn vi, cây Đàn Bầu đơn sơ đã gắn liền với nghệ thuật hát Xẩm – một loại hình ca hát dân gian độc đáo của người Việt khiếm thị ở Bắc Bộ. Lúc bấy giờ, cây đàn thể hiện vai trò của mình trong việc đệm hát hoặc độc tấu. Về sau, Đàn Bầu không chỉ đóng khung trong nghệ thuật hát Xẩm mà đã được các nghệ sĩ sử dụng trong nhiều hình thức nghệ thuật ca hát cổ truyền khác như: sân khấu Tuồng, sân khấu Chèo, sân khấu Múa rối nước, Ca nhạc thính phòng Huế, Đờn ca Tài tử, sân khấu Cải Lương và trong hòa tấu với các nhạc cụ dân tộc khác.
“Thời nhà Lý, Đàn Bầu được dùng để đệm cho người hát xẩm, làm thanh bồi cho các khúc ca dân dã của nam thanh nữ tú tuổi tâm tình, của người già khắc khổ trong chuyến hành hương cuộc đời gian nan, của trẻ em hồn nhiên với tuổi thơ đầy bươn chải. Lời ca tiếng nhạc ngân lên như chính khúc tơ lòng, thánh thót nhưng ai oán, thở than, đầy trầm tư cho kiếp dân quê đói nghèo lam lũ - những "Làn thảm" của chèo; "Bèo dạt mây trôi" của quan họ; "Nam ai" xứ Huế...; và vị ngọt ngào của những điệu hát ru, những lời tình tứ ý nhị "Hoa thơm bướm lượn"; lại cả khi vui nhộn yêu đời với "Trống cơm", "Con gà rừng"... Cuộc sống sinh hoạt của người làng quê xưa, luôn có sự tồn tại của cây đa, giếng nước, sân đình, những bụi tre già, cánh đồng lúa và đâu đó có cả những giọt đàn bầu.

“Tuy vậy, lịch sử ra đời và rong ruổi của cây Đàn Bầu truân chuyên theo năm tháng. Mặc dù từ thời Lý, Đàn Bầu đã vô cùng phổ biến trong tầng lớp chúng dân nhưng đến năm 1892, Đàn Bầu mới được những người hát xẩm phía Bắc đưa vào xứ Huế để đệm đàn cho một số bộ phận vương quan. Cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, Vua Thành Thái – một trong ba vị vua yêu nước thời Pháp thuộc - đã yêu tiếng đàn Bầu như hơi thở quê hương xứ An Nam, lúc đó Đàn Bầu mới được thay thế đàn tam trong ngũ tuyệt: tranh - tỳ - nhị - nguyệt - bầu, giữ vai trò là nhạc khí không thể thiếu - với chức năng hòa tấu - trong dàn nhạc cổ truyền dân tộc.”
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT