Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Nét độc đáo của cây đàn Sến trong dàn nhạc cải lương (kỳ cuối)

Friday, 05/02/2016 - 11:05:36

Theo nhạc sĩ cổ nhạc Văn Hoàng, muốn học đàn cổ nhạc cải lương dù là đàn Kìm, đàn Sến, đàn Guitare phím lõm, đàm Cò, đàn Bầu, đàn Tranh đòi hỏi người học phải bỏ công khổ luyện nhiều lắm thì tiếng đàn mới mùi được chớ không phải một sớm, một chiều mà đàn được đâu.

Bài BĂNG HUYỀN

So sánh ba nhạc cụ Guitar phím lõm, đàn Kìm, đàn Sến với nhau, cả ba cùng là nhạc cụ dây gảy, định âm cố định, nhạc sĩ cổ nhạc Văn Hoàng cho biết, đàn Sến nhờ có phím nhiều, đủ 5 cung, chữ đờn nhiều hơn cho cùng một bài bản, làm dầy nốt nhạc và là nhạc cụ ở giữa đàn Guitare phím lõm và đàn Kìm.
“Vì đàn Guitare phím lõm có thể đánh được rất nhiều chữ nhạc trong 1 khuôn, tiếng thanh như đàn tranh; còn đàn Kìm thì ít chữ nhạc, người đàn có thể nắn nót, nhấn sâu, tạo cho tiếng đàn trầm, chậm rãi và sâu lắng.

“Cho nên âm sắc vang, đanh, tiếng gọn và chữ nhạc ở mức độ trung bình, không nhiều, không ít của đàn Sến sẽ làm dầy thêm chữ nhạc trong một ô nhịp và liên kết các nhạc cụ này lại với nhau thành một bè phối âm độc đáo khi hòa tấu.

“Về số lượng phím thì đàn Guitare phím lõm nhiều nhất, rồi kế đến là đàn Sến và sau cùng là đàn Kìm. Còn về số lượng chữ nhạc trong một ô nhịp thì đàn Guitare phím lõm vẫn nhiều nhất, kế đến là đàn Sến, sau cùng mới đến đàn Kìm

Hình dáng cây đàn Sến



Nhạc sĩ Văn Hoàng nhận xét: “Âm thanh đàn Sến trong trẻo, giòn giã, rộn ràng, nhưng ít ngân vang hơn so với đàn Kìm. Đàn Sến có âm vực hơn hai quãng 8, từ Sol1 - Si3. Dây đàn lên theo quãng 5 đúng (Sol, Rê).”

Cách trình tấu đàn Sến
Về cách trình tấu của đàn Sến thì riêng về kỹ thuật của bàn tay phải khi trình tấu, có hai kỹ thuật đó là:
Ngón phi: người đàn sử dụng miếng gảy bằng tay phải, đàn ngón phi gần như ngón vê.

Ngón vê: là cách gảy liên tiếp lên dây đàn, có thể vê bằng miếng gảy hoặc bằng ngón tay và vê trên một dây hoặc hai dây. Ngón vê thể hiện tính chất dồn dập, sôi nổi và có thể vê trên nốt ngân dài hoặc ngắn, tương tự như kỹ thuật Trémolo (reo dây) trên đàn Mandoline.

Còn về kỹ thuật của bàn tay trái: Có ngón láy, ngón luyến, ngón bật, ngón mổ, ngón bịt và đặc biệt là ngón vuốt, ngón này thường kết hợp với ngón vê của tay phải.

Đàn Sến có khả năng chạy nốt rất linh hoạt có thể đánh bán âm, hay 3/4 âm, hoặc 1/4 âm.
Ngoài ra còn có ngón nhấn: đây là kỹ thuật bấm và ấn mạnh trên dây đàn làm cho tiếng đàn cao lên, có nhiều cách thực hiện ngón nhấn.

Ngón luyến: là kỹ thuật để tạo cho hai âm nối liền nhau, luyến với nhau nghe mềm mại như tiếng nói với nhiều thanh điệu, tình cảm. Khi đánh ngón nhấn luyến, tay phải chỉ gảy một lần.

Còn về chồng âm và hợp âm của đàn Sến rất thuận lợi, nhất là những thế bấm phía dưới cần đàn, đánh các chồng âm, hợp âm chính. Đàn Sến có phím nên có thể đánh được nhiều kiểu chồng âm, hợp âm, nếu đánh đàn bằng miếng gảy có thể đánh được cùng một lúc trên các dây cách nhau.

Ngoài đàn Sến 2 dây còn có đàn Sến 3 dây

Đàn Sến hai dây là một cây đàn thông dụng từ xưa đến nay trong dàn nhạc cải lương, nhưng theo một số tài liệu phổ biến trên mạng lưới toàn cầu mà người viết tổng hợp lại, các tài liệu này cho biết:
Ngoài đàn Sến 2 dây, còn có đàn Sến 3 dây do nghệ nhân Trần Minh Đức (sống tại Cần Thơ) cải tiến từ 2 dây 12 phím cổ điển thành 3 dây 14 phím âm cho đúng 2 bát độ trong mỗi dây, với âm vực như sau: Dây 1 (dây buông): Liêu - tương đương nốt Rê; dây 2 (dây buông): Xang - tương đương nốt Sol; dây 3 (dây buông): OAN - tương đương nốt Đô. Hệ thống dây này có thể đàn được vọng cổ dây Mỹ Châu (dây Đô), vọng cổ dây Xề Đào (dây Mi).

Cây đàn Sến cải tiến này thêm được chữ “tì” kết âm song thinh với dây số 1, vừa trợ âm, hay những lúc xuống “xàng”, thêm dây thứ 3 sẽ làm lắng nhịp. Khi nhịp lắng xuống là lúc cảm xúc thăng hoa. Cây đàn 3 dây vừa giòn tan theo những cung điệu vui, vừa “nhấn nhá” buồn khi trỗi điệu Nam ai, Tứ đại oán, Văn thiên tường, đàn Xuân Nữ, Bài Chòi Nam Trung Bộ hay những nhạc phẩm mang âm hưởng dân ca, hay Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu đều hay.

Đàn sến ba dây vừa reo được giòn giã như tiếng Mandoline, lại vừa nhấn nhá rất mùi như tiếng đàn Kìm khi đàn những bản vọng cổ. Dây 3 và dây 1 của đàn Sến cải tiến cách nhau một quãng tám đúng, tạo nên hòa âm song thanh rất tuyệt vời làm nền cho dây giữa (dây 2) tha hồ nhấn nhá, bay bổng. Dây giữa được định vị ở âm XANG là chủ âm của hệ thống ngũ cung.

Còn theo tác giả Tiến Trình viết về nghệ nhân Hai Đức phổ biến trên trang mạng báo Thanh Niên, cho biết nghệ nhân Hai Đức kể rằng khi còn trẻ ông đã thọ giáo những danh cầm ở miền Tây như thầy Hai Duyên, danh sư Sáu Hóa. Tiếp cận được đỉnh cao của đờn cổ, Hai Đức quyết tâm lãnh hội được những tuyệt chiêu của thầy và nhanh chóng trở thành tay đờn giỏi.

Ông chơi được nhiều nhạc cụ nhưng cây đờn Sến vẫn luôn theo Hai Đức trong suốt thăng trầm cuộc sống, trên sân khấu cải lương, trên sóng phát thanh truyền hình, trong các cuộc liên hoan thi thố hay lúc thất chí đi bán quần áo dạo ở khắp vùng Rạch Giá, Cà Mau. Tiếng sến theo ông qua nhiều hoàn cảnh, có lúc nó như lạ, như thiếu mà tâm trạng đòi hỏi dù ngón đờn có điêu luyện cũng không “chiều” theo được.
Năm 1990, Hai Đức thấy cần cho cây sến thêm dây để nhịp vui thêm giòn, để nhịp buồn thêm lắng. Sáng chế và được chấp nhận, đờn Sến 3 dây của ông len lỏi vào đời sống âm nhạc. Nhiều lúc người ta giật mình biết tới và muốn ông biểu diễn và đều có chung nhận xét với ngón đờn của người nghệ nhân này, đờn sến 3 dây đã đạt tới một giá trị khác mà ít ai tưởng tới. Tuy nhiên, cũng không ít người hoài nghi về tính lưu truyền của loại đờn này, bởi chỉ ở trong tay Hai Đức nó mới phát huy được công hiệu bằng sự sáng tạo và đòi hỏi của người đờn.

Dù trước đó ông vốn theo học đàn Sến Năm 1990, Hai Đức thấy cần cho cây sến thêm dây để nhịp vui thêm giòn, để nhịp buồn thêm lắng.

Sến 3 dây được biết đến nhiều cũng trong những lần ông mang đờn đi biểu diễn, thi thố khắp nơi. Nhiều bạn đờn biết được đã nhờ Hai Đức làm cho cây đờn 3 dây. Ông rất sẵn lòng làm đờn gửi tặng và cũng mong tìm được người để lưu truyền tâm huyết.

Nhưng theo lời ông Hai Đức chia sẻ trong bài viết thì ông vẫn chưa tìm được người để kế thừa ngón đờn tuyệt kỹ, “để truyền thụ được sến 3 dây cũng rất cần người cảm nhận được nó. Trẻ thì ít người cảm thụ được, còn khi cảm thụ được thì… đã già. Thêm nữa, để truyền dạy được sến 3 dây thì tốt nhất là người học… chưa biết đờn sến 2 dây. Đờn Sến bây giờ lại rất ít người theo học.”Đó không chỉ là nỗi ngậm ngùi của riêng nghệ nhân Hai Đức ở trong nước và không riêng gì với việc tìm người kế thừa ngón đờn đàn Sến 3 dây, mà với những nhạc cụ dân tộc khác nữa. Còn tại hải ngoại, thì nỗi ngậm ngùi vì thiếu người kế thừa những truyền nhân của các nhạc cụ như Kìm, Sến, Cò, Bầu còn nhiều hơn.

Theo nhạc sĩ cổ nhạc Văn Hoàng, muốn học đàn cổ nhạc cải lương dù là đàn Kìm, đàn Sến, đàn Guitare phím lõm, đàm Cò, đàn Bầu, đàn Tranh đòi hỏi người học phải bỏ công khổ luyện nhiều lắm thì tiếng đàn mới mùi được chớ không phải một sớm, một chiều mà đàn được đâu.

Hầu hết các nhạc sĩ cổ nhạc cải lương đàn trong những chương trình cải lương chuyên nghiệp tại hải ngoại hay những buổi diễn tổ chức trong cộng đồng đều là những người từng học tại Việt Nam, có kinh nghiệm tham gia trong các đoàn hát lớn nhỏ khác nhau, qua đây có cơ hội trở lại cầm đàn.

Mà những nhạc sĩ cổ nhạc này theo thời gian tuổi đời dần chồng chất, muốn tìm người kế thừa thật khó vô cùng, vì người trẻ trưởng thành ở bên này nếu có yêu thích cổ nhạc, chịu khó học hỏi, thì cũng chỉ dừng lại phục vụ cho sở thích đam mê “tài tử” của mình mà thôi, chứ không thể trở thành một nhạc sĩ cổ nhạc chuyên nghiệp sống chết với nghề. (bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT