Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Nét độc đáo của cây đàn Sến trong dàn nhạc cải lương (kỳ 1)

Friday, 29/01/2016 - 08:14:37

Hay hòa tấu ba nhạc cụ: đàn Kìm, đàn Tranh, đàn Cò; đàn Kìm, đàn Tranh, đàn Bầu; đàn Tranh, đàn Cò, đàn Bầu... Hoặc kết hợp pha trộn các nhạc cụ hòa tấu theo thứ tự: “Kìm, Cò, Tranh, Bầu, Tiêu” v.v

Bài BĂNG HUYỀN

Giai điệu và tiết tấu trong âm nhạc của cải lương thường nhẹ nhàng vì các nhạc cụ dùng trong dàn nhạc của cải lương là các loại đàn dây tơ và dây kim, không có kèn trống như bên Hát Bội. Trong dàn nhạc cải lương, ngoài các loại nhạc cụ chính như: Đàn Kìm, Đàn Tranh, Đàn Cò, Đàn Guitare phím lõm, còn có thêm các loại nhạc cụ khác như: Đàn Sến, Violon, Sáo, Tiêu để làm phong phú thêm màu sắc và tính chất âm nhạc. Vì với sô lượng bài bản phong phú bên sân khấu cải lương, những nhạc cụ trên sẽ đủ sức phục vụ cho một sân khấu với những xung đột tình cảm phức tạp và dễ dàng thể hiện những đề tài hiện đại.
Theo nhạc sĩ cổ nhạc (chuyên về đàn Guitar phím lõm và đàn Sến) Văn Hoàng cho biết, nhiều nhạc sư, nhạc sĩ Đờn Ca Tài Tử xưa kia kể lại rằng vào khoảng thập niên 1920 - 1930, đàn Sến không chỉ xuất hiện trong dàn nhạc ở các gánh cải lương mà cây đàn này đôi khi còn được sử dụng hòa đàn trong những nhóm Đờn ca Tài tử. Tuy nhiên đàn Sến chỉ đàn những bài Bắc và nhạc Lễ. Khi tham gia trong hòa đàn Đờn Ca Tài Tử cùng với đàn Kìm thì đàn Sến phải đàn ít chữ lại và hay có tiếng “vuốt” (tay phải đàn lên tiếng rồi tay trái nhấn vuốt trên cần đàn, tạo âm thanh có hiện quả luyến liền bậc từ thấp lên cao hoặc ngược lại...) để tạo nét riêng vì có cùng âm sắc với đờn Kìm. Khoảng thời gian sau đó, ít thấy đàn Sến được các nhạc sĩ Đờn Ca Tài Tử sử dụng nữa mà chỉ thấy hiện diện trong dàn nhạc sân khấu Cải Lương thôi.

“Vì lối hòa đàn của Đờn Ca Tài Tử là hòa sắc, chứ không hòa thanh, không theo lối ba, bốn bè ở các âm vực cao, trung, trầm... như âm nhạc Tây phương. Ngoài hình thức độc tấu, những hình thức song tấu, tam tấu, tứ tấu, hòa ca v.và thường thấy trong hình thức hòa đờn, hòa ca tài tử. Những nghệ sĩ Đờn Ca Tài Tử thích kết hợp hai hay nhiều nhạc cụ có âm sắc khác nhau. Xưa nay, Đờn Ca Tài Tử thường hòa đàn từ hai đến năm nhạc khí. Đàn Kìm hòa với Tranh – tiếng tơ với tiếng sắt. Tiếng đàn Kìm tuy không trong và thanh như tiếng đàn Tranh và Guitare phím lõm nhưng khi hòa với đàn Tranh nghe rất hay. Tùy hơi cao thấp của diễn viên, đàn Kìm có thể đàn năm dây Hò khác nhau. Hoặc đờn Kìm hòa với Cò, nhạc cụ dây gẩy với nhạc cụ dây kéo. Hay hòa tấu ba nhạc cụ: đàn Kìm, đàn Tranh, đàn Cò; đàn Kìm, đàn Tranh, đàn Bầu; đàn Tranh, đàn Cò, đàn Bầu... Hoặc kết hợp pha trộn các nhạc cụ hòa tấu theo thứ tự: “Kìm, Cò, Tranh, Bầu, Tiêu” v.v

Nghệ sĩ Văn Kha đàn Sến (thứ 3 từ trái qua phải) hòa chung âm sắc với đàn guitare phím lõm và violon. (Băng Huyền/ Viễn Đông)



“Trong hoà tấu Đờn ca Tài tử lúc xưa không thấy xuất hiện những nhóm hoà đàn có hai hay ba nhạc cụ cùng âm sắc. Xu hướng đưa vào dàn hòa tấu thật nhiều nhạc cụ, thậm chí các nhạc cụ cùng âm sắc như Kìm, Guitare phím lõm, Sến, Đoản, Tam... của một số nhóm đờn ca tài tử ngày nay chỉ làm cho rầm rộ, xôm tụ chứ không thể hiện được đặc điểm hòa sắc các nhạc cụ của lối hòa tấu tài tử. Nhiều nhạc cụ cùng âm sắc, khi chơi cùng nét giai điệu hoặc khả dĩ có thể ngẫu hứng, thêm thắt hoa lá cũng dễ bị lẫn vào nhau, không thể bày ra hết được những nét riêng của từng nghệ sĩ, những nét nhấn nhá sâu sắc trong từng cung bậc, vốn là đặc trưng của âm nhạc tài tử.”

Đàn Sến không còn chơi trong Đờn Ca Tài Tử mà chỉ trong dàn nhạc Cải lương
Giải thích thêm lý do vì sao trong Đờn Ca Tài Tử đã không còn chơi đàn Sến, nhạc sĩ Văn Hoàng nói: “Vì bên Đờn Ca Tài Tử, cây đờn Kìm đã hay quá rồi. Âm thanh đờn Sến nổ rôm rả thôi, nhưng nó không êm dịu, không mùi mẫn bằng đờn Kìm. Chỉ chơi được những bài bản nhỏ như Khốc Hoàng Thiên, Bình Bán Vắn, Xang Xừ Líu... Nhưng chơi những bản Bắc, đờn Sến chơi vẫn không hay bằng đờn Kìm. Những bài Oán thì đờn Sến càng không thể hay bằng đờn Kìm. Tiếng đờn Kìm buồn lắm, đờn Sến thì không buồn. Chơi đờn Kìm phải nắn nót nhiều hơn, nhiều cảm xúc hơn. Còn đờn Sến thì chỉ sài chữ thôi, nghĩa là chỉ đờn nốt thôi, không cảm xúc nhiều bằng đờn Kìm. Ngày này, đờn Sến chỉ dùng để đờn vọng cổ, chứ không còn dùng trong Đờn Ca Tài Tử nữa. Trong dàn nhạc của cải lương đôi khi đờn Sến có thể thay thế đờn Kìm, Nhưng như tôi đã nói, đờn Sến chỉ hay ở chỗ giòn giã, vui tươi, giòn tan theo những cung điệu vui thôi, còn khi “nhấn nhá” buồn điệu nam ai, tứ đại oán, văn thiên tường... những tình huống bi cảm, buồn tự sự trong vở diễn thì đờn Sến đàn không thể hay bằng đờn Kìm được.”


Nghệ sĩ Văn Kha đàn Sến (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Cấu tạo của Đàn Sến
Giới thiệu về cây đờn Sến, nhạc sĩ cổ nhạc Văn Hoàng cho biết đờn Sến cũng có hình dáng tương tự như cây đờn Kìm (đàn Nguyệt), cùng có hai dây, nhưng điểm khác biệt của đờn Sến so với đờn Kìm chính là ở thùng đờn và phím đờn. Nếu đờn Kìm thùng lớn và tròn như mặt trăng nên còn có tên là Nguyệt cầm (đàn nguyệt ), thì đờn Sến nhỏ hơn một chút, mặt đàn không tròn như đàn Kìm mà hình cánh hoa, có 6 cánh tất cả, với đường kính độ 28 phân. Thùng đàn Sến kín cả hai mặt trước và sau nên âm thanh tự do bay bổng.

“Bề dài của thùng đàn tức khoảng cách giữa hai mặt đàn ngắn hơn đàn Kìm. Thùng đàn thường được làm bằng gỗ mít, nhưng cần bằng gỗ trắc, hình dáng không đều, trên nhỏ, (độ 1 phân 5) dưới lớn ( độ 3 phân) và dài khoảng 62 phân. Cần có một đầu gắn dính vào thùng đàn, đầu kia không có uốn cong ra sau.

“Trên mặt đàn Sến có 17 phím bấm. Phím đàn được gắn dựa theo thang âm 7 cung chia đều. Đàn có 3 trục gỗ nhưng chỉ dùng 2 trục để lên dây còn 1 để trang trí. Hai dây đàn bằng tơ se, được lên cách nhau một quãng 4 hoặc quãng 5: Fa - Do1 hoặc Sol - Do1, chiều cao và chiều ngang của mỗi phím không đều nhau.

“Đàn Sến khi tấu lên nghe giống tiếng đàn Banjo, là 1 nhạc cụ bộ dây được sáng tạo bởi các nô lệ châu Phi ở Mỹ, dựa vào nhiều nhạc cụ truyền thống của họ ở quê nhà. Banjo có 4 hoặc 5 dây, cũng có loại 6 dây và có thể chơi tương tự Guitar. Banjo tương đối khó chơi với nhiều kỹ thuật phức tạp và cần tốc độ nhanh. Banjo được sử dụng trong nhạc Bluegrass, nhạc Country và nhạc Folk ở Mỹ và cũng có loại Electric.

Vì sao gọi là đàn Sến
Được biết đàn Sến có nguồn gốc từ Tần Cầm (cây đàn có từ thời Tần Thủy Hoàng, 221 - 207 trước Công Nguyên). Tiếng Hoa phát âm Tần Cầm là Xỉn Xỉn (Qin Qin), vì vậy âm Sến là biến âm của tên cây đàn do người Hoa mang theo trong quá trình nhập cư vào miền Tây Nam Bộ Việt Nam. Nếu cây đàn Tần Cầm của Trung Hoa (còn được gọi là Mai Hoa Cầm vì bầu đàn hình hoa mai sáu cánh) cần đàn có 12 phím, thì khi vào Việt Nam đã được Việt hóa thành đàn Sến có 2 dây, cần đàn có 14 phím. Đàn Sến gẩy bằng miếng gẩy giống như đàn mandolin, do tiếng nghe luyến láy dòn tan nên cũng có thể đờn được những điệu nhạc bolero.

So sánh sự giống và khác nhau của đàn Sến với đàn Kìm, nhạc sĩ Văn Hoàng cho biết: “Cần đờn Kìm bản lớn còn đờn Sến bản nhỏ. Phím đờn Kìm thưa nên khi khảy có lúc phải nhấn sâu để mượn nốt. Người chơi Đàn Kìm phải dùng lực ngón tay để nhấn sâu, tạo cho tiếng đàn trầm, chậm rãi và sâu lắng. Còn đàn Sến thì phím nhiều, đủ 5 cung, tiếng thanh hơn, chữ đờn nhiều hơn cho cùng một bản. Đàn Sến có cách đàn rung còn đàn Kìm thì không, nên khi đàn nghe giòn giã, âm sắc vui tươi, réo rắt hơn đàn Kìm. Học đàn Sến dễ hơn học đàn Kìm, vì nhờ vào nhiều phím đặt sít sao chứ không có khoảng cách xa như cây đàn Kìm (phải mượn nốt khi đàn đờn Kìm).

(còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT