Sức Khỏe

Nên làm gì khi có người thân bị trầm cảm

Friday, 22/02/2019 - 08:41:55

Cũng không hữu ích là việc để cho người ấy lải nhải. Nghiên cứu cho thấy các giao tiếp xã hội tập trung quá mức vào việc thảo luận về các vấn đề hay các suy nghĩ tiêu cực của người bị trầm cảm có thể phản tác dụng. Đây có thể là một cân bằng khó làm được.

BS Nguyễn Thị Nhuận

Càng ngày người ta càng nhận ra số người Mỹ mắc bệnh tâm thần rất nhiều và có thể nói bệnh trầm cảm là một trong những bệnh xảy ra nhiều nhất. Tuy nhiên, mọi người vẩn e dè khi nói đến bệnh tâm thần và hầu hết đều cảm thấy ngại ngùng không biết phải làm gì trước một người bệnh tâm thần, cho dù đó là người thân của mình.

Một người bị trầm cảm cần sự hỗ trợ cũng giống như một người mắc phải một căn bệnh nghiêm trọng nào khác, chẳng hạn như ung thư. Tuy nhiên, trầm cảm thường khiến người ta tự cô lập mình. Nó có thể thay đổi tính cách và năng lượng của họ. Và nó có thể làm cho họ chống lại sự hỗ trợ và giúp đỡ của người khác.
Nancy Burgoyne, một nhà tâm lý học lâm sàng, đã thảo luận về lý do tại sao ngay cả những lời đề nghị giúp đỡ có ý nghĩa nhất đôi khi cũng không có ích mà còn có thể có hại, và đưa ra lời khuyên về cách giúp đỡ người thân bị trầm cảm.

Tiến sĩ Burgoyne là một nhà trị liệu trong hơn 25 năm và là giám đốc lâm sàng tại The Family Institute tại Northwestern University, nơi bà giám sát 170 nhà trị liệu và dạy về hôn nhân và trị liệu gia đình tại Trung Tâm Nghiên Cứu Tâm Lý và Gia Đình Ứng dụng, nghiên cứu của Viện thường cùng hợp tác với trường đại học. Dưới đây là những trích đoạn từ cuộc phỏng vấn.

Làm sao để biết một người đang bị trầm cảm?

Tiến sĩ Burgoyne: Các triệu chứng thông thường bao gồm: thay đổi thói quen ngủ và ăn, cảm thấy buồn hoặc không biểu lộ cảm xúc, không có khả năng tập trung, cáu kỉnh, dễ tức giận hoặc chảy nước mắt, không còn cảm thấy thích thú với những điều trước đây họ thích, cô lập xã hội, tiêu cực hoặc suy nghĩ phi lý.
Thông thường, bạn sẽ thấy sự suy sụp của họ trong việc giao tiếp, cả về tần suất và phẩm chất, vì người đó trở thành hướng nội. Có thể có sút giảm trong việc tự chăm sóc và các trách nhiệm, cũng như tăng nhạy cảm khi có xung đột.
Lời khuyên của tôi, nếu bạn thấy những điều này xảy ra lâu hơn một hoặc hai tuần ở một người thân, nên hỏi, "Tôi không muốn vi phạm riêng tư, nhưng bạn có ổn không? Bạn có vẻ không giống trước và tôi muốn biết tại sao."

Đôi khi người ta cảm thấy không muốn được giúp đỡ. Tại sao?

Tiến sĩ Burgoyne: Trầm cảm cô lập người ta. Người trầm cảm có xu hướng tập trung vào bên trong. Và họ nghe từ chính họ một luận điệu rất tiêu cực, khiến họ không liên lạc với người khác. Họ có thể nghe thấy những ý nghĩ như: "Người ta không quan tâm đâu," "Chẳng ai muốn dính tới tôi hoặc thực sự muốn giúp đỡ" hoặc "Nếu tôi nói với bạn những gì tôi đang nghĩ, bạn sẽ từ bỏ tôi hoặc nghĩ tôi bị điên."
Và bởi vì trầm cảm cũng là một trải nghiệm thân-tâm toàn diện khiến bạn khó tập trung hoặc tiếp cận năng lượng hoặc động lực để thực hiện các việc đơn giản như tắm hoặc có mặt trong cuộc trò chuyện, người trầm cảm phải cố gắng rất nhiều để tham gia xã hội. Một bệnh nhân của tôi hỏi: "Tôi có nên xuất hiện mặc quần tập thể dục và tóc bẩn và hy vọng tôi có thể tập trung, hay tôi không nên xuất hiện? Bởi vì tôi không thể tắm, mặc quần áo và tự mình đến đó."

Những gì chúng ta làm có giúp họ được không?

Tiến sĩ Burgoyne: Có chứ. Có thể bắt đầu bằng cách chấp nhận rằng trầm cảm là một căn bệnh có thực. Người ta không thể "tự lành bệnh" được và bất kỳ câu nào nói rằng họ nên tự cứu đều là bôi nhọ họ và làm rõ hơn cảm giác bị hiểu lầm, cô đơn và vô dụng của họ. Điều này phá vỡ niềm tin trong mối quan hệ. Tiếp theo, hãy bỏ đi ý nghĩ biến nó thành trách nhiệm của bạn đối với họ.
Có một cách để có mặt cho một ai đó mà không gây áp lực cho họ. Hãy có mặt và cho họ sự chấp nhận và sự chú ý của bạn.

Bạn bè và các thành viên trong gia đình có thể đóng một vai trò quan trọng, nhưng không có lợi khi họ cho rằng đó là nhiệm vụ của mình để "chữa" người bị trầm cảm. Người đó không muốn các thành viên gia đình của họ phải chịu đựng hoặc cần phải lo cho họ. Các thành viên gia đình không thể tránh được việc bị ảnh hưởng. Nhưng tìm kiếm sự cân bằng giữa chăm sóc bản thân và chăm sóc người khác đặc biệt quan trọng trong mối quan hệ với một người bị trầm cảm.

Có điều gì mọi người hay làm mà không hữu ích?

Tiến sĩ Burgoyne: Đôi khi mọi người nói những điều vô tình, nghĩ là để trấn an nhưng trống rỗng: "Mọi việc sẽ ổn thôi," "Bạn sẽ ổn thôi," hay "Tôi sẽ gọi bạn ngày mai," nhưng lại không gọi. Hầu hết mọi người muốn cho những câu trấn an này có vẻ thành thật. Nhưng có một sự khác biệt giữa một câu sáo mòn "sẽ ổn thôi" như một cách đuổi khéo người bệnh trầm cảm và câu nói thành thật "nó sẽ OK" vì bạn sẽ có mặt bên cạnh họ khi họ đang đối mặt với căn bệnh.

Những thứ không hữu ích khác gồm có: bảo người đó bỏ qua chuyện trầm cảm đi; không hiểu rằng trầm cảm là một căn bệnh và coi thường nó; có cùng hi vọng cho người thân yêu của bạn giống như đối với người không bị trầm cảm; không học hỏi về trầm cảm.

Cũng không hữu ích là việc để cho người ấy lải nhải. Nghiên cứu cho thấy các giao tiếp xã hội tập trung quá mức vào việc thảo luận về các vấn đề hay các suy nghĩ tiêu cực của người bị trầm cảm có thể phản tác dụng. Đây có thể là một cân bằng khó làm được.

Lắng nghe một cách thương cảm là hữu ích. Nhưng cùng nhau nhai lại thì không. Sự khác biệt là khi bạn thực sự lắng nghe, cuộc trò chuyện sẽ tiến triển. Khi không có động lực để đi về phía trước, khi cứ lặp đi lặp lại, thì đã đến lúc thay đổi. Và bạn có thể làm điều đó một cách tôn trọng. Bạn có thể nói ra: Tôi biết rằng điều này đang khiến bạn phát điên và tôi ở đây vì bạn. Nhưng không ích lợi gì khi cứ nói đi nói lại một chuyện."

Vậy điều gì là hữu ích?

Tiến sĩ Burgoyne: Hãy hỏi người thân yêu của bạn. Không phải ai cũng cần một loại hỗ trợ giống nhau. Một số người coi trọng sự khuyến khích. Những người khác thấy nó như là áp lực. Một số coi trọng sự hỗ trợ bằng hành động, thí dụ như đi lấy sữa giùm họ. Những người khác thì lại thấy nó như là áp đảo.
Có một cách để hỗ trợ cho một ai đó mà không gây áp lực cho họ và không tham gia với họ trong việc tập trung vào những suy nghĩ tiêu cực. Cho họ sự hiện diện của bạn, sự chấp nhận và giải trí. Đặt chương trình không có áp lực: Đi xem phim. Cùng nhau xem một chương trình truyền hình thú vị. Cùng nhau nấu ăn, nói về cuộc sống của chính bạn một chút, hỏi về một chủ đề mà họ quan tâm. Tôn trọng khi họ cảm thấy đã đủ.

Những người trầm cảm thường chống lại sự giúp đỡ chuyên nghiệp. Làm thế nào để khuyến khích họ đi khám bệnh?

Tiến sĩ Burgoyne: Bạn có thể đề nghị giúp họ tìm một nhà trị liệu hoặc khuyến khích họ đi khám bác sĩ của mình. Nhưng cứ nhắc đi nhắc lại về chuyện đó sẽ không ích lợi. Họ có thể cảm thấy xấu hổ khi cần sự giúp đỡ, đặc biệt là đàn ông. Họ có thể cần một chút thời gian để đi đến thỏa thuận với thực tế là họ không thể tự chữa. Nếu bạn đã có một kinh nghiệm có thể liên quan, bạn có thể nói ra.

Trầm cảm có thể khó khăn cho các mối quan hệ, đặc biệt là các cặp vợ chồng, phải không?

Tiến sĩ Burgoyne: Vâng, bởi vì người trầm cảm không có mặt. Họ có thể chấm dứt liên lạc, không đóng góp cho gia đình, không tham gia vào những thứ cùng nhau thưởng thức. Kết quả là, một trong những điều này có thể xảy ra. Người không bị trầm cảm có thể trở nên tức giận hoặc tổn thương. Hoặc họ có thể cố gắng làm chủ và trở thành một siêu anh hùng trong nỗ lực để thành có ích. Vì vậy, nhiều động lực được chuyển động khiến sau đó mối quan hệ là thứ cần được giúp đỡ, không chỉ là người trầm cảm.
Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là một nhà trị liệu chuyên cho cặp vợ chồng. Một chuyên gia có thể giúp cặp vợ chồng làm việc trong giới hạn mà trầm cảm thể hiện trong khi giúp họ kết nối và hoạt động tốt.

Bạn có nên để người ấy một mình nếu người đó đẩy bạn ra xa?

Tiến sĩ Burgoyne: Không nên để lâu. Nên hiểu rằng người bị trầm cảm có khả năng tham gia hạn chế, vì vậy họ có thể có ít hơn để cho. Nên nói về điều này và thiết lập một sự thông cảm: "Tôi rất hiểu rằng anh (em) muốn ở một mình, nhưng tôi không muốn chúng ta phạm sai lầm khi để anh (em) ở một mình quá lâu. Và sau đó, trở về với việc đặt ra một chương trình ít áp lực.
Nếu bạn nghi ngờ ai đó muốn tự tử, hãy hỏi họ. Bạn sẽ không gợi ý cho họ đâu. Tôi chưa bao giờ nghe bất cứ ai bị trầm cảm mà không bằng lòng về câu hỏi đó khi nó được hỏi trực tiếp và với lòng quan hoài. Khi bạn bị trầm cảm và nghe rằng đời sống của bạn đủ quan trọng với ai đó để họ hỏi" bạn có an toàn không?" thì thật là đầy ý nghĩa.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT