Người Việt Khắp Nơi

Nạn mua bán lông đuôi voi đe dọa loài voi ở Tây Nguyên VN

Sunday, 30/09/2018 - 10:23:27

Tại Miến Điện, nhiều con voi bị giết chết để cung cấp thuốc chữa được bệnh chàm hoặc mụn trứng cá. Việc mất môi trường sống và nạn săn trộm cũng đã làm giảm bớt khá nhiều số lượng voi ở Thái Lan, Cam Bốt, và Lào, nơi mà voi được tôn thờ trong nhiều thế kỷ.


Mất đuôi, voi bị thương tật, không thể phủi ruồi và làm sạch vệ sinh. (Getty Images)


BAN MÊ THUỘT - Trong một ngôi làng ở “vương quốc voi” của Việt Nam, một người bán hàng giơ lên một cái đuôi khô, lấm tấm với những sợi lông thô mà bà hứa là sẽ mang lại sự may mắn. Đây là một hoạt động buôn bán mới mẻ, và tàn bạo, đang gây nguy hiểm cho số lượng voi ít ỏi còn sót lại trên cao nguyên miền Trung Việt Nam. Hãng thông tấn AFP đã tìm hiểu về nạn buôn lông đuôi voi.

“Tôi sẽ cắt một sợi lông ra ngay trước mặt bạn, để cho bạn có thể biết chắc đây không phải là lông giả,” người bán hàng ở làng Tri A, trên vùng cao nguyên rừng núi miền trung Việt Nam, nói với phóng viên giả làm người đi mua lông đuôi voi.

Việc ưa chuộng những chiếc nhẫn và vòng đeo tay có gắn lông voi đang đưa đến một mốt thời trang gây lo ngại, tại một quốc gia đã mang tiếng xấu về nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, từ sừng tê giác cho tới vảy tê tê, nanh cọp và mật gấu.
 

Nhẫn có lông đuôi voi được rao bán trên mạng.

Xu hướng này đang gây áp lực cho số voi ít ỏi còn sống sót ở Việt Nam. Lông voi bị nhổ hoặc đuôi voi bị cắt bởi những kẻ săn trộm, khiến cho những con vật này bị mất đi phần bộ phận quan trọng được dùng để phe phẩy phủi ruồi và giữ cho phía mông của chúng được sạch sẽ.

Bà Dionne Slagter, quản lý an sinh động vật thuộc tổ chức bảo vệ thú vật Animals Asia, nói với hãng tin AFP, “Đuôi là một phần quan trọng cho vấn đề vệ sinh cơ thể, vì thế khi nhổ lông hoặc cắt đứt cả khúc đuôi phía thấp hơn, người ta đang làm cho voi bị mang tật.”

Với chỉ 80 con voi còn sót lại bị nhốt trong chuồng, và khoảng 100 con voi trong thiên nhiên - giảm bớt từ 2,000 con trong năm 1990 - bà Slagter nghi ngờ rằng hầu hết những chiếc đuôi được bán trên thị trường đen tại Việt Nam là hàng buôn lậu từ các nước láng giềng hoặc từ xa mãi tận Phi Châu.
Nhu cầu thèm muốn bộ phận của voi là một xu hướng tuy độc ác nhưng lại phổ biến ở các nước Đông Nam Á.

Tại Miến Điện, nhiều con voi bị giết chết để cung cấp thuốc chữa được bệnh chàm hoặc mụn trứng cá. Việc mất môi trường sống và nạn săn trộm cũng đã làm giảm bớt khá nhiều số lượng voi ở Thái Lan, Cam Bốt, và Lào, nơi mà voi được tôn thờ trong nhiều thế kỷ.

Ở Việt Nam, hai sắc dân thiểu số M'nông và Êđê ở tỉnh Đăk Lăk vẫn giữ một lòng tôn kính tân linh sâu sắc đối với voi. Tỉnh cao nguyên này được mệnh danh là “vương quốc của loài voi,” vì có những đàn voi lớn từng đi lang thang trong các khu rừng.

Theo truyền thuyết, việc tình cờ tìm được một sợi lông đuôi trên sàn rừng được coi là điều may mắn. Đây là một truyền thuyết địa phương được loan truyền bởi các chủ tiệm bán lông voi trong những năm gần đây, cùng với đồ trang sức bằng ngà và tượng Phật với giá có thể lên tới $900 Mỹ kim.

Tuy nhiên truyền thống ở đây không có việc cắt đuôi hoặc nhổ lông voi. Lông tự nhiên được tìm thấy mới là quí.

Bà Linh Nga Nie Kdam, một nhà nghiên cứu về văn hóa sắc tộc Eạđê, cho biết, “Người sắc tộc yêu mến và xem voi là một thành phần thuộc gia đình họ, nên họ sẽ không làm bất cứ điều gì gây tổn thương cho voi. Họ không bao giờ bán lông voi.”
Vậy kẻ bán lông voi là những kẻ săn lùng bất lương.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT