Hoa Kỳ

Nấm và bọ que 50 triệu năm tuổi trong khối hổ phách

Sunday, 17/07/2016 - 10:48:49

Cả loài nấm và bọ que trong khối hổ phách tới nay đều không còn tồn tại. Mặc dù nấm được phát hiện nhiều lần trong những hóa thạch ở những vùng khác trên thế giới, nhưng đây là mẫu nấm đầu tiên xuất hiện trong hổ phách vùng Baltic và chứa những sinh vật mới.

Khối hổ phách lưu giữ cây nấm 50 triệu năm tuổi, lớp vỏ ngoài của bọ que đã tuyệt chủng và một sợi lông chuột. Ảnh: Đại học Oregon.

 

OREGON – Các nhà khoa học của trường đại học Oregon vừa tìm thấy một khối hổ phách đặc biệt, có chứa bên trong một cây nấm thuộc kỷ Eocene 50 triệu năm tuổi, cùng lớp vỏ sau lột xác của một loài côn trùng, và một sợi lông của loài gặm nhấm. Khối hổ phách được phát hiện gần vùng biển Baltic, nơi ngày nay là Đức, Ba Lan, Nga và bán đảo Scandinavia. Vùng Baltic là nơi có trầm tích hổ phách lớn nhất thế giới, nổi tiếng từ hàng ngàn năm qua, và hiện vẫn tiếp tục được khai thác.

Cả loài nấm và bọ que trong khối hổ phách tới nay đều không còn tồn tại. Mặc dù nấm được phát hiện nhiều lần trong những hóa thạch ở những vùng khác trên thế giới, nhưng đây là mẫu nấm đầu tiên xuất hiện trong hổ phách vùng Baltic và chứa những sinh vật mới.

Theo các nhà khoa học, khung cảnh lưu lại bên trong khối hổ phách cung cấp cái nhìn về sự sống trên Trái Đất một thời gian ngắn sau khi loài khủng long tuyệt diệt. Một con côn trùng vừa lột xác, bỏ lại chiếc vỏ cũ chỉ vài giây trước khi nhựa cây bao phủ. Sợi lông chuột kẹt trong hổ phách cho thấy một số con chuột có thể đang ăn nấm khi dòng nhựa cây đổ xuống.

Các nhà khoa học đã tìm thấy hàng ngàn mẫu vật côn trùng, thực vật và các dạng sống khác trong những khối hổ phách cổ. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên họ tìm thấy hóa thạch của một sinh vật vừa kịp trốn thoát. "Côn trùng bé nhỏ trong hóa thạch này là bọ que, một trong những dạng côn trùng sử dụng vẻ ngoài giống cành cây hoặc lá để ngụy trang", ông George Poinar, nhà nghiên cứu cổ sinh vật thuộc đại học Oregon nói.
Lớp vỏ cũ của con bọ trong khối hổ phách vẫn còn những đường gân nhỏ, vốn chỉ tồn tại khi chiếc vỏ vừa lột ra. Những đường gân này sẽ biến mất nếu lớp vỏ lột đã tồn tại từ lâu. Điều này cho thấy con bọ que vừa kịp chui ra khỏi lớp vỏ lột ngay trước khi nhựa cây phủ xuống.

Hóa thạch hổ phách cung cấp cái nhìn quý giá về hệ sinh thái cổ đại. Nhờ những mẫu vật hiếm hoi như lần này, các nhà khoa học có thể hiểu sâu hơn về sự tương tác và sinh thái học giữa các dạng sống khác nhau, giúp tái hiện hệ sinh thái cổ.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT