Thế Giới

Nam Hàn gởi đoàn thể thao đến Bắc Hàn luyện tập

Wednesday, 31/01/2018 - 09:02:27

Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in coi Olympic là cơ hội nối lại quan hệ với Bắc Hàn, sau thời gian dài căng thẳng do chương trình hạt nhân và hỏa tiễn của Bình Nhưỡng.



SEOUL – Phái đoàn Nam Hàn 45 người gồm đấu thủ trượt tuyết, nhân viên hỗ trợ và phóng viên, vào hôm thứ Tư đã bay đến phi trường Kalma của Bắc Hàn, rồi tới khu trượt tuyết Masik, theo Bộ Hợp Nhất Nam Hàn cho biết. Họ sẽ tập luyện chung và thi đấu giao hữu với các nhà thể thao Bắc Hàn vào thứ Sáu. Các đấu thủ Nam Hàn này là thành viên dự bị của đội tuyển quốc gia, và sẽ không tham gia Olympic mùa đông ở Pyeongchang, khai mạc vào ngày 9 tháng 2. Đoàn Nam Hàn sau đó sẽ bay về nước cùng với 10 đấu thủ Bắc Hàn được mời tham gia Olympic.
Đây là chuyến bay thẳng đầu tiên từ Nam Hàn đến Bắc Hàn kể từ năm 2015, khi các nhà hoạt động công đoàn Nam Hàn bay tới Bình Nhưỡng để tham dự một trận túc cầu giao hữu với công nhân miền bắc. Trong khi đó, Seoul đang chuẩn bị đón hàng trăm người Bắc Hàn đến dự Olympic, bao gồm các viên chức, đấu thủ, nghệ sĩ, ký giả, và nhóm cổ vũ 230 người. Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in coi Olympic là cơ hội nối lại quan hệ với Bắc Hàn, sau thời gian dài căng thẳng do chương trình hạt nhân và hỏa tiễn của Bình Nhưỡng.

Nga sẽ trục xuất tất cả người lao động Bắc Hàn
MOSCOW - Nga sẽ yêu cầu tất cả người lao động Bắc Hàn về nước trước cuối năm 2019, tuân theo các lệnh trừng phạt quốc tế. "Chúng tôi sẽ phải tuân thủ quyết định của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và trục xuất tất cả người lao động Bắc Hàn ở Nga trước cuối năm 2019,” Đại Sứ Nga tại Bắc Hàn Alexander Matsegora nói, và cho biết thêm rằng không có người lao động Bắc Hàn bất hợp pháp ở Nga.
Theo lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, các nước thành viên phải yêu cầu tất cả người lao động Bắc Hàn về nước trong vòng hai năm, theo sắc lệnh được ban hành ngày 22 tháng 12 vì chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng. Ông Matsegora cho biết hàng chục ngàn người lao động Bắc Hàn sẽ phải hồi hương. Truyền thông Nam Hàn ước tính, khoảng 50,000 người lao động Bắc Hàn đang làm việc ở Nga để kiếm ngoại tệ cho Bình Nhưỡng.

Canada không tin Hoa Kỳ sẽ rời khỏi NAFTA

OTTAWA - Trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư, Thủ Tướng Canada Justin Trudeau cho biết, ông không nghĩ rằng Tổng Thống Donald Trump sẽ rút Hoa Kỳ khỏi hiệp ước thương mại Bắc Mỹ NAFTA, bất chấp những khác biệt hiện nay trong quá trình đàm phán. Bình luận của ông Trudeau là một trong những dự đoán lạc quan nhất mà một chính trị gia Canada từng đưa ra, kể từ khi các nước liên quan bắt đầu gặp mặt vào năm ngoái để điều chỉnh hiệp ước trị giá $1.2 ngàn tỷ Mỹ kim, vốn từng bị ông Trump gọi là một thảm họa.
Trả lời phỏng vấn, ông Trudeau nói: “Tình hình sẽ rất tệ nếu NAFTA bị hủy bỏ, do đó, tôi không nghĩ rằng Tổng Thống Trump muốn phá bỏ hiệp ước này.” Ông Trudeau cũng thêm rằng, Canada có nhiều kế hoạch dự phòng trong trường hợp Washington quyết định rút lui khỏi NAFTA. Chính phủ Trump đang đề nghị nhiều thay đổi lớn trong hiệp ước, và điều này gây căng thẳng giữa Hoa Kỳ với Canada và Mexico. Đại diện thương mại của Hoa Kỳ, lên tiếng tại Montreal vào thứ Hai vừa qua sau vòng đàm phán thứ 6, đã bác bỏ các đề nghị để phá vỡ thế bế tắc, nhưng hứa sẽ tìm kiếm các giải pháp khác.
Các ngoại trưởng Hoa Kỳ, Canada, và Mexico, sẽ gặp gỡ tại Mexico City vào thứ Sáu để thảo luận về việc đàm phán và một số vấn đề khác. Đề nghị tái đàm phán hiệp ước NAFTA 1994 được đưa ra không lâu sau khi Tổng Thống Trump nhậm chức vào 1 năm trước. Ông Trump nói, nếu NAFTA không được điều chỉnh để có lợi hơn cho người lao động Hoa Kỳ, Washington sẽ rút lui khỏi hiệp ước này.

Hoa Kỳ trọng vai trò của Lebanon tại Trung Đông
TEL AVIV – Vào ngày thứ Tư, Hoa Kỳ cam kết tiếp tục hỗ trợ quân đội Lebanon, coi đây là lực lượng tiềm năng để chống lại phiến quân Hezbollah được Iran ủng hộ. Tuy nhiên, ngược lại, Israel lại cho rằng 2 lực lượng này là không có gì khác biệt trong các cuộc chiến tương lai. Quân đội Lebanon không tham gia vào cuộc chiến năm 2006 giữa Hezbollah và Israel. Trong suốt 7 năm qua, lực lượng này đã nhận hơn $1.5 tỷ Mỹ kim hỗ trợ quân sự từ Hoa Kỳ, và được lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ huấn luyện.
Trong bối cảnh quân Hezbollah đang hỗ trợ Tổng Thống Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến Syria, Israel và Hoa Kỳ lo ngại rằng phe phiến quân người Shiite này có thể sẽ mở rộng ảnh hưởng tại Lebanon. Trong hội nghị an ninh Israel diễn ra tại Tel Aviv, ông David Satterfield, phụ tá Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, khẳng định Washington sẽ ủng hộ các thể chế an ninh hợp pháp tại Lebanon, bao gồm cả quân đội. Ông Satterfield thêm rằng, quân đội Lebanon có thể sẽ là lực lượng đối trọng, chống lại nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của phiến quân Hezbollah và cả Iran.
Tuy nhiên, cũng tại hội nghị Tel Aviv, Bộ Trưởng Quốc Phòng Israel Avigdor Lieberman nhắc lại ý kiến của ông rằng, quân đội Lebanon hiện đang chịu sự chỉ huy của phe Hezbollah. Ông Lieberman nói: “Tất cả đất nước Lebanon, từ chính phủ tới quân đội, là không có gì khác biệt với Hezbollah. Họ là một phần của Hezbollah, và sẽ sẵn sàng tham gia bất kỳ cuộc tấn công lớn nào nhắm vào Israel.” Quân đội Lebanon trước đây từng nói rằng, họ hoạt động độc lập với Hezbollah, và lần gần đây nhất là chiến dịch chống Nhà Nước Hồi Giáo tại biên giới Lebanon – Syria vào năm ngoái.

Nga: Liên Hiệp Quốc không có kế hoạch trừng phạt Iran
LIÊN HIỆP QUỐC – Chính phủ Nga không tin rằng Liên Hiệp Quốc sẽ có hành động chống lại Iran, theo lời đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc cho biết hôm thứ Tư, sau khi đến Washington để quan sát các mảnh vũ khí được cho là do Tehran cung cấp cho phiến quân Houthi ở Yemen. Trong nhiều tháng qua, chính phủ Trump đã vận động để Iran bị trừng phạt tại Liên Hiệp Quốc, đồng thời, Hoa Kỳ cũng đe dọa sẽ rút khỏi hiệp ước nguyên tử Iran 2015. Đại Sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia nói, nước Nga chỉ nghe được một số thông tin chung chung, và sẽ không đưa ra phán xét quá sớm. Ông Nebenzia cũng khẳng định, hiện nay không có vụ cáo buộc nào chống lại Iran tại Liên Hiệp Quốc.
Vào đầu tuần, Đại Sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley đã đưa 14 đồng nghiệp trong Hội Đồng Bảo An đến một căn cứ quân sự gần Washington, để xem các phần còn lại của vật được Ngũ Giác Đài gọi là một hỏa tiễn đạn đạo do Iran sản xuất. Hỏa tiễn này được bắn từ Yemen vào ngày 4 tháng 11, nhắm vào thủ đô Riyadh của Ả Rập Saudi, và bị quân đội nước này đánh chặn. Iran luôn bác bỏ cáo buộc hỗ trợ quân sự cho phiến quân Houthi, và nói rằng các vũ khí làm bằng chứng tại Washington đều là đồ giả mạo. Đại Sứ Nga Nebenzia nói, Yemen có rất nhiều vũ khí còn lại từ trước đây, khi mọi nước đều muốn bán vũ khí cho Yemen dưới thời cựu Tổng Thống Ali Abdullah Saleh. Do đó, Nga sẽ không thể đưa ra kết luận gì về các bằng chứng của Hoa Kỳ.

Thái Lan: Anh bán tòa đại sứ
BANGKOK – Khó khăn tài chính khiến Bộ Ngoại Giao Anh phải bán đại sứ quán ở Bangkok để thu về khoản tiền gần $600 triệu Mỹ kim, dùng cho việc đầu tư vào các dự án khác. Đây là thỏa thuận đất đai lớn nhất trong lịch sử Thái Lan, và cũng là thương vụ lớn nhất của Bộ Ngoại Giao Anh. Bộ cho biết số tiền thu được sẽ được tái đầu tư vào bất động sản ở nước ngoài, và sẽ tài trợ từ 30 đến 40 dự án nâng cấp cơ sở ngoại giao của Anh trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Washington DC.
Tòa đại sứ Anh ở Bangkok được bán cho tập đoàn Hongkong Land. Đại sứ quán mới sẽ được đặt tại tháp AIA Sathorn Tower ở khu thương mại trung tâm Bangkok, dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Đại sứ quán được xây dựng vào năm 1922, khi chính phủ Anh mua lại khu đất rộng hơn 3.6 mẫu ở ngoại ô Bangkok. Ngoại Trưởng Anh Boris Johnson nói, ông muốn các nhà ngoại giao Anh “có đủ công cụ cần thiết để thực hiện công việc của họ một cách hiệu quả. Điều này bao gồm làm việc trong môi trường hiện đại, an toàn, phù hợp với mục đích ngoại giao, tại các cơ sở không chỉ ở Bangkok mà trên toàn thế giới.”
Số tiền thu về sẽ được dùng cho những dự án như hệ thống dây điện mới tại đại sứ quán ở Paris, sửa chữa đại sứ quán tại Cairo, và mua một khu liên hợp ngoại giao mới ở New Delhi.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT