Thế Giới

Nam Hàn bối rối trước những lời tuyên bố gây xích mích của ông Trump

Friday, 28/04/2017 - 10:27:43

Quân đội Hoa Kỳ đã hối thúc Seoul khai triển hệ thống, và cuối cùng chính phủ đã đồng ý trong tháng Bảy năm ngoái. Theo thỏa thuận của họ, Hoa Kỳ sẽ trả tiền cho hệ thống, trong khi đó Nam Hàn sẽ cung cấp đất cho nó.


Chúng mình sẽ làm như thế này, thế này...
Ngoại Trưởng Nam Hàn Yun Byung Se (bên trái) đang nói chuyện với Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson sau khi cuộc họp kết thúc tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ngày thứ Sáu. Các ngoại trưởng của Trung Cộng, Nga, và Anh cũng có mặt để bàn về vấn đề ngăn chặn chương trình hạt nhân của Bắc Hàn. Ông Tillerson đã chủ tọa cuộc họp khẩn đặc biệt này. Trong cùng ngày, Bắc Hàn đã khiêu khích thế giới bằng cách bắn thêm một hỏa tiễn. Điều đó đã khiến Ngoại Trưởng Tillerson phải buông một lời cảnh cáo, rằng Bắc Hàn không còn nhiều thời giờ để tuân phục trước khi bị trừng phạt. ( Eduardo Munoz Alvarez/Getty Images)

SEOUL – Hết gây hấn với láng giềng Mễ Tây Cơ ở phương nam, Trung Quốc, các nước đồng minh ở Âu Châu, rồi nước láng giềng Gia Nã Đại ở phương bắc, nay ông Donald Trump gây thêm xích mích với bạn đồng minh Nam Hàn, một nước đang phải canh chừng cộng sản Bắc Hàn từng ngày.

Giữa tuần này, chính phủ Nam Hàn đã chới với khi nghe Tổng Thống Trump đột ngột nhấn mạnh rằng Seoul sẽ phải trả $1 tỉ Mỹ kim cho một hệ thống phòng thủ hỏa tiễn mà nhiều người ở Nam Hàn không muốn Mỹ đặt ở nước của họ. Đây là vụ mới nhất, trong một loạt những hành động cho thấy chính phủ Trump xem thường một nước đồng minh hàng đầu của Mỹ tại Á Châu.

Những lời ông Trump nói hôm thứ Năm được đưa ra vào một thời điểm đặc biệt nhạy cảm trên bán đảo Triều Tiên: Không những sự căng thẳng với Bắc Hàn đang tăng lên mức cao nhất tính trong nhiều năm, mà trong vòng hai tuần dân Nam Hàn sẽ đi bỏ phiếu để chọn một tổng thống có lập trường đối nghịch với ông Trump trong nhiều vấn đề chính yếu.

Cho đến nay, phản ứng ở Nam Hàn được xem là kiềm chế một cách đáng kinh ngạc, đối với tất cả những điều mà ông Trump đã nói hoặc đã làm trong 100 ngày đầu tiên mà ông nắm quyền tại Hoa Thịnh Đốn.
Họ chưa có phản ứng rõ rệt vì còn cố gắng tìm hiểu ông thuộc loại người như thế nào. Dân Nam Hàn biết ông là một tổng thống bất thường, và họ đang giảm bớt rất nhiều tầm quan trọng trong những điều ông thốt ra từ miệng của ông. Thế nhưng cuối cùng những lời phát biểu như thế sẽ gây tác động nghiêm trọng.

Hôm thứ Năm ông Trump lặp lại, với giọng đặc biệt cộc lốc, những lời than phiền mà ông từng tuyên bố trong thời gian vận động tranh cử. Ông nói rằng Nam Hàn không trả đủ tiền cho việc phòng thủ của họ, và họ thu lợi được nhiều hơn từ hiệp ước thương mại với Hoa Kỳ.

Lời đều nghị Nam Hàn phải trả $1 tỉ Mỹ kim đã nối tiếp theo sau lời ông khẳng định rằng Nam Hàn từng là một phần của Trung Hoa, khiến cho nhiều người Nam Hàn tức giận. Họ cũng bất bình vì ông Trump chỉ nói chuyện với Bắc Kinh và Đông Kinh khi bàn về vấn đề Bắc Hàn hiện nay, nhưng ông không hề thảo luận với Nam Hàn một tiếng nào. (Nghe quen thuộc, như thời Mỹ thương lượng với cộng sản Bắc Việt và hai đồng minh của Hà Nội là Tàu và Nga, mà không tham khảo ý kiến với phía miền Nam Việt Nam.)
Nam Hàn đang chuẩn bị bầu lên một tổng thống mới, sau khi bà Park Geun-hye (Phác Cận Huệ) bị kết tội trong tháng qua. Nhiều người Nam Hàn đã cảm thấy bực bội vì ông Trump đã không có thái độ lịch sự để gọi điện thoại cho quyền tổng thống của họ, về những vấn đề liên quan đến Bán Đảo Triều Tiên.
Trong diễn biến mới đây nhất, ông Trump nói rằng ông muốn chính phủ ở Seoul trả tiền cho hệ thống phòng thủ Terminal High Altitude Air Defense (THAAD), mà quân đội Hoa Kỳ vừa mới lắp đặt tại Nam Hàn trong tuần này. Hệ thống ấy sẽ bắt đầu hoạt động trong mấy ngày sắp tới.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters, ông Trump nói, “Tôi đã thông báo với Nam Hàn rằng nếu họ trả tiền, đó sẽ là điều hợp lý. Đó là hệ thống tốn kém hàng tỷ Mỹ kim.”

Thật ra chính phủ Nam Hàn đã ngần ngại không muốn khai triển hệ thống ấy, mà mục tiêu là để phòng vệ chống lại mối đe dọa của Bắc Hàn, vì hệ thống ấy sẽ chọc tức Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của họ.

Quân đội Hoa Kỳ đã hối thúc Seoul khai triển hệ thống, và cuối cùng chính phủ đã đồng ý trong tháng Bảy năm ngoái. Theo thỏa thuận của họ, Hoa Kỳ sẽ trả tiền cho hệ thống, trong khi đó Nam Hàn sẽ cung cấp đất cho nó.

Nhưng hệ thống ấy vẫn còn gây tranh cãi. Người dân đã chống đối kịch liệt qua những đợt biểu tình, khi quân đội Hoa Kỳ vận chuyển những phần chính của thiết bị THAAD tới địa điểm khai triển, vào lúc giữa đêm trong tuần này.

Theo các phân tích gia nói, ý tưởng cho rằng Nam Hàn sẽ phải trả tiền cho một hệ thống mà nhiều người từ chối, theo các nhà phân tích, sẽ làm tăng mức ủng hộ dành cho ông Moon Jae-in, một ứng cử viên theo khuynh hướng cấp tiến ra tranh cử tổng thống. Ông Moon đã thề hứa sẽ xem xét lại quyết định của chính phủ trước đó đón nhận hệ thống THAAD.

Ông Moon dẫn đầu khá xa trong các cuộc thăm dò, trong đó có một số cuộc thăm dò cho ông mức ủng hộ nhiều hơn gấp đôi, so với đối thủ gần nhất của ông. Trong những điều ông đề nghị về chính sách của ông, ông muốn tiếp tục lại việc thu xếp giải quyết với Bắc Hàn, theo đuổi một lộ trình rất khác với lối tiếp cận “áp lực tối đa” của ông Trump.

Cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào ngày 9 tháng Năm, tức là trong vòng 10 ngày sắp tới.
Khi những người cấp tiến được bầu làm tổng thống trước đây, như Kim Dae-jung vào năm 1997 và Roh Moo-hyun trong năm 2002, thái độ chống Mỹ đã tăng mạnh trong cả hai dịp ấy.
Vì vậy nhóm của Moon chụp lấy lời phát biểu của ông Trump.

Youn Kwan-suk, phát ngôn viên của ban vận động tranh cử của ông Moon, nói với các phóng viên tại Seoul, “Rõ ràng tiến trình quyết định khai triển đã bị khuyết điểm nghiêm trọng ngay từ đầu.”
“Vì hệ thống của THAAD sẽ gây tác động lớn đến nền an ninh của chúng tôi, và áp đặt những mức phí tổn kinh tế rất lớn, điều thiết yếu là chúng tôi tìm kiếm sự chấp thuận hệ thống ấy từ Quốc Hội.” Ông Youn nói như vậy, nhắc lại ý định của ông Moon xem xét toàn thể kế hoạch ấy.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT