Thế Giới

Nam Hàn: 3 học sinh tử vong vì ngộ độc khí than

Tuesday, 18/12/2018 - 08:57:46

Nhà chức trách cho biết sẽ tiếp tục điều tra sự việc, và tin rằng đây là một vụ tai nạn, không phải tự tử hoặc giết người.

GANGWON – Cảnh sát và lực lượng cứu hỏa tại tỉnh Gangwon, Nam Hàn, vào ngày thứ Ba cho rằng, khí carbon monoxide là nguyên nhân khiến 3 học sinh thiệt mạng và 7 em khác bất tỉnh, trong sự việc xảy ra tại một khách sạn nhỏ ở địa phương. Người chủ khách sạn ở thành phố Gangneung, tỉnh Gangwon, phát hiện 10 em học sinh vào lúc hơn 1 giờ sáng, trong tình trạng nôn mửa và sùi bọt mép. Tất cả những em gặp nạn đều là nam sinh thuộc trường trung học cấp 3 Daeseong tại Seoul. Những nam sinh này đến Gangneung du lịch sau khi hoàn thành kỳ thi đại học.
Cảnh sát cho biết trong phòng khách và những căn phòng còn lại của khách sạn ở Gangneung có lượng carbon monoxide khá cao, ở mức 155 ppm, trong khi mức chấp nhận được là 20 ppm. Họ phát hiện máy sưởi khách sạn đã không nối với ống thông hơi, và đây có thể là nguyên nhân dẫn đến việc khí carbon monoxide lan tràn trong khách sạn.
Nhà chức trách cho biết sẽ tiếp tục điều tra sự việc, và tin rằng đây là một vụ tai nạn, không phải tự tử hoặc giết người. Trong 7 nam sinh bất tỉnh có 2 em đang trong tình trạng nguy kịch, và đã được chuyển đến bệnh viện lớn. Trong khi đó, 5 em còn lại đang hồi phục dần, nhưng vẫn chưa tỉnh táo. Các nam sinh này đến khách sạn tại Gangneung vào 4 giờ chiều ngày thứ Hai, và đều đã xin phép phụ huynh.

Người biểu tình đốt trạm thu phí trên xa lộ Pháp
PARIS – Những người biểu tình “Áo Vàng” đã chiếm các trạm thu phí trên xa lộ ở Pháp và đốt một số địa điểm, gây ra cảnh hỗn loạn tại nhiều vùng trong bối cảnh chỉ còn vài ngày là đến kỳ nghỉ Giáng Sinh.
Hãng quản lý xa lộ lớn nhất nước Pháp - Vinci Autoroutes - cho biết những cuộc biểu tình đã diễn ra tại 40 địa điểm trên mạng xa lộ của họ, và một số trạm thu phí đã bị phá hủy nghiêm trọng, đặc biệt là tại các thị trấn du lịch như Avignon, Orange, và Agde, ở miền nam nước Pháp.
Trạm thu phí Bandol ở phía đông thành phố Marseille đã bị đốt cháy trong đêm thứ Hai, khiến xa lộ A50 phải đóng cửa đoạn giữa Marseille và Toulon. Một trạm thu phí khác là Manosque cũng bị đốt. Khoảng 20 người đã bị bắt vào ngày thứ Ba vì liên quan đến các vụ đốt phá.
Ngoài ra, cũng còn 4 người khác đã bị giam từ thứ Bảy đến nay vì tội tương tự. Hãng Vinci đã ra thông cáo nhắc nhở rằng: “Các tài xế phải hết sức cẩn thận khi đi qua các trạm thu phí và lối vào xa lộ, do sự hiện diện của rất nhiều người đi bộ.” Một số người đã thiệt mạng trong những tuần gần đây, do các vụ tai nạn xảy ra tại những khu vực bị người biểu tình chặn đường.
Phong trào biểu tình “Áo vàng” bắt đầu vào ngày 17 tháng 11, ban đầu nhằm chống lại luật tăng thuế xăng, nhưng sau đó đã phát triển thành phong trào chống Tổng Thống Emmanuel Macron và các chính sách cải tổ kinh tế của ông. Mặc dù chính phủ Pháp và Tổng Thống Macron đã nhượng bộ trước những yêu cầu của người biểu tình, nhưng những người “Áo vàng” vẫn tiếp tục biểu tình vào cuối tuần qua, đánh dấu tuần thứ 5 liên tiếp phong trào này diễn ra.

Hỏa hoạn thiêu cháy 600 ngôi nhà tại Brazil
MANAUS – Trận hỏa hoạn xảy ra trong đêm thứ Hai tại một khu dân cư nghèo ở thành phố Manaus, phía bắc Brazil, đã thiêu hủy ít nhất 600 ngôi nhà gỗ, theo nhà chức trách cho biết hôm thứ Ba. Vụ cháy khiến 4 người bị thương, nhưng không có ai thiệt mạng.
Ngoài ra, sự việc cũng khiến hơn 2,000 người phải di tản. Bộ Trưởng An Ninh Công Cộng Amazonas, ông Amadeu Soares, cho biết vụ cháy có thể bắt nguồn từ một vụ nổ nồi áp suất. Thành phố Manaus, thủ phủ bang Amazonas, là trung tâm tài chính và phát triển kinh tế tại miền bắc Brazil.
Khu nhà gỗ bị cháy là khu nhà tạm được xây dựng cho hàng ngàn người mất nhà cửa sau trận lũ lụt vừa qua. Sự việc vẫn đang được điều tra và nhà chức trách đã xác định được điểm bắt nguồn của vụ cháy.

Nga muốn thêm nước thứ ba vào hiệp ước hạt nhân với Hoa Kỳ
MOSCOW - Tổng thống Nga hôm thứ Ba đã đề nghị giải pháp duy trì hiệp ước hạt nhân tầm trung INF, đồng thời khuyến cáo Moscow sẽ đáp trả nếu Washington rút khỏi thỏa thuận.
"Có một số trở ngại khi nhiều quốc gia sở hữu hỏa tiễn tầm ngắn và tầm xa lại không tham gia hiệp ước. Tại sao chúng ta không thảo luận với họ về việc gia nhập hiệp ước hiện tại hoặc đàm phán về một thỏa thuận mới,” Tổng Thống Nga Vladimir Putin nói, nhắc tới Hiệp ước vũ khí hạt nhân tầm trung (INF) được Liên Xô và Hoa Kỳ ký năm 1987.
Ông Putin đưa ra đề nghị này sau khi Hoa Kỳ tuyên bố sẽ bắt đầu rút khỏi INF nếu Nga không từ bỏ hệ thống hỏa tiễn 9M729 trong vòng 60 ngày. Điều khoản INF cấm Moscow và Washington phát triển mọi loại hỏa tiễn hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5,500 cây số, trong khi Hoa Kỳ nhiều lần cáo buộc hỏa tiễn 9M729 của Nga có tầm bay lên đến hơn 5,000 cây số.
Tổng thống Nga cũng nói rằng Hoa Kỳ đã vi phạm thỏa thuận, đe dọa trả đũa nếu Washington rút khỏi INF.
"Bất chấp một số chỉ trích, hiệp ước này đang giúp duy trì sự ổn định, hỗ trợ khả năng dự đoán và kềm chế các hành động quân sự,” ông Putin nói.
Căng thẳng Nga - Mỹ khiến nhiều đồng minh của Washington lo ngại, cho rằng việc nước này rút khỏi INF sẽ mở đầu cuộc chạy đua vũ trang mới và đặt châu Âu trong tầm ngắm của nhiều loại hỏa tiễn hạt nhân. Tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Garesimov trước đó tuyên bố, Hoa Kỳ đang có "bước đi nguy hiểm” và đe dọa Nga có thể tấn công những địa điểm Hoa Kỳ đặt hỏa tiễn ở châu Âu.

Anh quốc đề phòng cho việc rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận
LONDON - Chính phủ Anh vào ngày thứ Ba cho biết nước này sẽ bắt đầu thực hiện kế hoạch dự phòng cho trường hợp phải rời Liên Âu (EU) mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào, và kêu gọi các hãng xưởng cùng công dân chuẩn bị cho nguy cơ Brexit sẽ diễn ra mà không có giai đoạn chuyển tiếp.
Các kế hoạch dự phòng bao gồm sắp xếp sẵn các chuyến phà để bảo đảm nguồn cung cấp thiết bị y tế vẫn diễn ra trôi chảy, và điều động 3,500 binh sĩ túc trực sẵn sàng để hỗ trợ chính phủ trong trường hợp cần thiết.
Trong bối cảnh chỉ còn 100 ngày nữa là đến thời hạn Anh quốc rời EU, Thủ Tướng Anh Theresa May vẫn chưa có đủ sự ủng hộ trong quốc hội để phê chuẩn cho thỏa thuận mà bà đạt được với Brussels vào tháng trước, nhằm duy trì liên hệ với tổ chức thương mại châu Âu.
Bà May đã dời phiên bỏ phiếu về thỏa thuận với EU đến giữa tháng 1, khiến một số nhà lập pháp chỉ trích rằng bà đang cố ép buộc quốc hội phải đồng ý, bằng cách đẩy phiên bỏ phiếu đến gần sát thời hạn Brexit là ngày 29 tháng 3. Việc London và Brussels không đạt được thỏa thuận có nghĩa là sẽ không có giai đoạn chuyển tiếp, và việc Anh quốc rời EU sẽ diễn ra một cách đột ngột.
Đây sẽ là cơn ác mộng cho các công ty quốc tế, nhưng lại là mong ước của những người ủng hộ Brexit có lập trường cứng rắn và muốn thấy một sự rời đi đầy quyết đoán. Thủ Tướng May, người vừa vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào tuần trước, đã cảnh báo rằng việc quốc hội không ủng hộ thỏa thuận của bà sẽ chỉ dẫn đến 2 tình huống, hoặc là Anh quốc rời EU mà không có bất kỳ thỏa thuận nào, hoặc là sẽ không có Brexit.

Nam Hàn tước giải nhân quyền của bà Suu Kyi
SEOUL - Cố vấn chính phủ Myanmar vừa mất thêm một danh hiệu về nhân quyền, do phản ứng yếu kém của bà trong cuộc khủng hoảng Rohingya. Quỹ Tưởng Niệm 18 tháng 5, một trong những nhóm nhân quyền lớn nhất Nam Hàn, vào ngày thứ Ba tuyên bố tước giải thưởng nhân quyền Gwangju được họ trao cho Cố vấn chính phủ Myanmar Aung San Suu Kyi hồi năm 2004.
"Sự thờ ơ của bà Aung San Suu Kyi trước các chiến dịch tàn bạo chống lại người Rohingya đi ngược lại các giá trị mà giải thưởng đại diện, đó là bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền,” theo lời Cho Jin-tae, phát ngôn viên của quỹ, tuyên bố.
Bà Suu Kyi, chủ nhân giải Nobel Hòa Bình năm 1991, đang giữ chức Cố vấn chính phủ, Ngoại trưởng, và Bộ trưởng văn phòng tổng thống Myanmar. Bà từng được ca ngợi khắp thế giới như một biểu tượng đấu tranh vì dân chủ, khi chống lại chính quyền quân sự Myanmar và bị quản thúc suốt 15 năm. Việc đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà giành được chính quyền vào năm 2015 từng mang tới hy vọng thay đổi Myanmar. Nữ chính trị gia 73 tuổi dường như không trực tiếp kiểm soát về an ninh, nhưng vẫn bị chỉ trích trước tình trạng người Hồi giáo Rohingya phải rời Myanmar để tránh bị đàn áp.
Quỹ Tưởng Niệm 18/5 được thành lập năm 1994 để tưởng nhớ cuộc nổi dậy chống lại nhà độc tài Chun Doo-hwan tại thành phố Gwangju vào năm 1980, khiến hơn 200 người thiệt mạng và bị thương do quân đội đàn áp. Sự kiện này đã truyền cảm hứng cho các cuộc biểu tình vì dân chủ ở Nam Hàn. Tổ chức Ân Xá Quốc Tế tháng trước cũng tước danh hiệu “Đại sứ lương tri” mà họ từng trao cho bà Aung San Suu Kyi năm 2009. Tổ chức này cho rằng bà "không còn là biểu tượng đại diện cho hy vọng, lòng can đảm và sự bảo vệ kiên trì cho nhân quyền.”

Trung Quốc liên tiếp bán trái phiếu Hoa Kỳ
BẮC KINH - Số liệu do Bộ Tài Chính Hoa Kỳ vừa công bố cho thấy, trong tháng 10, giá trị số trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ do Trung Quốc nắm giữ đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp, về $1,140 tỷ Mỹ kim. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 5, 2017.
Dù vậy, Trung Quốc vẫn là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Hoa Kỳ, theo sau là Nhật Bản với $1,020 tỷ Mỹ kim. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã khiến nhà đầu tư lo ngại về thị trường Trung Quốc, gây áp lực lên chứng khoán và đồng yuan của nước này.
Hồi tháng 10, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc cũng giảm mạnh nhất trong gần 2 năm, với 1.1%, xuống $3,050 tỷ Mỹ kim. Việc Bắc Kinh bán trái phiếu Hoa Kỳ thỉnh thoảng được coi là cách nước này đáp trả Washington trong chiến tranh thương mại, đặc biệt sau khi đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ hồi tháng 3 tỏ ý rằng nước này có thể giảm mua trái phiếu Hoa Kỳ để trả đũa thuế nhập cảng.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT