Thế Giới

Nam Dương kêu gọi ngưng đánh roi

Wednesday, 25/10/2017 - 11:39:34

Người ta cho là luật này lạm dụng vì nó áp dụng luôn cho những ai không phải là tín đồ Hồi giáo. Năm 2016 một phụ nữ Thiên Chúa giáo chỉ vì bán rượu lậu mà cũng bị phạt đánh roi.

Tổ chức Human Rights Watch cho hay trong vòng hai năm qua, đã có trên 500 người bị đánh roi nơi công cộng tại Indonesia. Tổ chức nhân quyền này kêu gọi tổng thống Nam Dương nên chấm dứt kiểu trừng phạt mà họ mô tả là “man rợ” này.
Tỉnh Aceh đông dân nhất của Indoneisa là nơi vẫn còn cho thi hành những điều khoản gay gắt của luật hồi giáo Sharia. Đặc biệt những người bị gán ghép vào các “tội” như đồng tính luyến ái hay ngoại tình sẽ bị xử phạt đánh roi. Vào tháng 10 năm 2015, một điều khoản mới có tên Qanun Jinayat có hiệu lực ở tỉnh Aceh, theo đó những cuộc hôn nhân đồng tinh sẽ bị trừng phạt bằng 100 cú dánh roi và tội ngoại tình bị phạt 30 cú đánh roi.
Người ta cho là luật này lạm dụng vì nó áp dụng luôn cho những ai không phải là tín đồ Hồi giáo. Năm 2016 một phụ nữ Thiên Chúa giáo chỉ vì bán rượu lậu mà cũng bị phạt đánh roi.

Bắc Hàn bị hàng không mẫu hạm Mỹ thị uy
Hai hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ đã đến vùng Thái Bình Dương từ ngày 23 tháng 10, khiến tổng số hàng không mẫu hạm của Mỹ ở vùng biển này lên đến ba chiếc. Đó là các chiếc USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz cùng nhiều chiến hạm, kể cả khu trục hạm USS Howard có gắn hỏa tiễn đạn đạo, đã gia nhập vào Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ, theo loan báo của Hải Quân Mỹ.
Đệ Thất Hạm Đội là một hạm đội hùng hậu nhất của Hải Quân Hoa Kỳ, hoạt động luôn cả về phía đông của Ấn Độ Dương và phía Tây Thái Bình Dương, kể cả một phần của Nam Cực kéo dài đến quần đảo Kuril ở Bắc Cực. Hàng không mẫu hạm thứ ba là chiếc hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan thường neo đậu ở cảng Yokosuka của Nhật Bản và đã tham dự các cuộc tập trận với Nam Hàn trong các tuần lễ vừa qua. Sự hiện diện của lực lượng Hải Quân Mỹ trong vùng, cùng với lực lượng hùng hậu đi kèm, chắc chắn là một thông điệp mạnh gửi đến Bình Nhưỡng.

Ấn Độ: Tìm được hóa thạch khủng long
Các nhà khảo cổ của Ấn Độ đã khai quật được xương hóa thạch có 152 triệu năm của loài khủng long ichthyosaur, một loại bò sát sống dưới biển, tại bang Gujarat phía tây Ấn Độ. Đây là lần đầu tiên, một bộ xương hóa thạch của loài khủng long hải dương này mới được tìm ra ở Ấn Độ, trong sa mạc Kutch.
Xương hóa thạch được tìm thấy bên trong các lớp đá trầm tích của khu vực Mesozoic Era, có tuổi từ 66 triệu đến 252 triệu năm. Giáo sư Guntupalli VR Prasad, người lãnh đạo cuộc khai quật, cho hay bộ xương hóa thạch dài đến 5.5 mét của con ichthyosaur gần như hoàn chỉnh, chỉ thiếu vài phần của hộp xương sọ và một phần đuôi của nó mà thôi.
Khám phá này đáng chú ý không những vì lần đầu tiên ở Ấn Độ người ta tìm thấy mẫu hóa thạch như thế, mà còn chứng tỏ trong thời Jurassic, các động vật có liên hệ nhau rất rộng giữa các lục địa.

Úc: Phụ nữ bị chó nuôi cắn chết
Một phụ nữ Úc đã bị một con chó nuôi trong nhà cắn đế chết tại thành phố Canberra. Trong lúc các cảnh sát dang tìm cách hô hấp nhân tạo cứu bà thì con vật hung tợn lại xông đến tấn công họ, nên họ buộc lòng bắn chết con vật. Một người đàn ông khác cũng bị con chó này cắn bị thương ở chân được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện. Vụ chó cắn chết chủ này khiến các giới chức Úc khuyến cáo phải xem lại các luật lệ về thú nuôi tại nhà, vì con chó nói trên từng tấn công người khác trong quá khứ.
Ông Tony Crocker, Giám Đốc Sở Cảnh Sát Canberra cho hay, “Đây là thảm kịch lớn lao cho gia đình này, chúng tôi thành thực chia buồn với họ.” Báo Canberra Times cho hay trong năm 2016, toàn thành phố xảy ra đến 389 vụ chó tấn công cắn người. Trong những tuần tới, các nhà lập pháp tại đây sẽ thảo luận những luật khe khắc hơn cho người chủ, thí dụ như các tiền phạt và các hình thức phạt khác.

Kenya tổ chức tái bầu cử tổng thống
Chính phủ Kenya sẽ cho tái tục cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống xứ này vào ngày thứ Năm, theo lời người Chủ tịch của Ủy Ban Bầu Cử Quốc Gia cho hay. Tổng Thống Kenya Uhuru Kenyatta đang muốn có nhiệm kỳ thứ nhì, được cho là đã chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng Tám, nhưng kết quả này đã bị hủy bỏ do có nhiều than phiền về chuyện mờ ám đã xảy ra.
Tòa Tối Cao Pháp Viện Kenya phải can thiệp và quyết định duy trì cuộc tái bỏ phiếu vào ngày mai như đã định. Đối thủ của Tổng Thống Keneyatta, ông Raila Odinga, đã than phiền có bất minh xảy ra và đã có bạo động giữa cảnh sát và cử tri tại thành phố Kisumu, một nơi chống đối chính phủ của ông Keneyatta rất mạnh.
Tình hình vẫn chưa yên ắng vì vẫn có nhiều de dọa nhắm vào các viên chức bầu cử vào ngày mai. Các quan sát viên quốc tế cho là chưa chắc cuộc bầu cử diễn ra êm xuôi.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT