Thế Giới

Mỹ: Trump công nhận Obama sinh ở Mỹ

Friday, 16/09/2016 - 09:40:38

Trước lời vu cáo của ông Trump, bà Hillary Clinton liền phản công và nói tại Hoa Thịnh Đốn hôm thứ Sáu, “Từ năm năm qua, ông Trump dẫn đầu phong trào muốn làm cho vị tổng thống da đen đầu tiên mất thế hợp pháp, và ông Trump luôn sống trong giả dối.”

Hôm thứ Sáu ông Donald Trump tuyên bố, “Chuyện sinh đẻ của ông Obama ở đâu thì đến đây chấm dứt, tôi nghĩ ông ta sinh ra ở Mỹ, chấm hết.” Tỉ phú Donald Trump và ban vận động của ông trước đây cho là TT Obama không sinh ra ở Hoa Kỳ, và họ làm sống lại cuộc tranh cãi về nguồn gốc của ông Obama. Thế nhưng trước dư luận không mấy tán thành về chuyện đào bới một cách vô lý, nhà tỉ phú phải tuyên bố quyết tâm chôn vùi vụ tranh luận về thực hư quốc tịch của TT Obama.
Trước khi đi đến một kết luận mà ai cũng đã biết, ông Trump từng nói với báo Washington Post hôm thứ Năm là ông ta sẽ trả lời về vấn đề này vào một thời điểm thích hợp. Thế rồi sau khi công nhận mình theo đuổi một giả thuyết sai lầm, ông Trump lại tố cáo phía ban vận động Dân Chủ của bà Hillary Clinton từng khuấy động vụ nơi sinh ở ông Obama 2008, một điều cũng không đúng sự thật sau khi giới truyền thông Hoa Kỳ kiểm tra lại các tin tức từ gần một thập niên trước.
Trước lời vu cáo của ông Trump, bà Hillary Clinton liền phản công và nói tại Hoa Thịnh Đốn hôm thứ Sáu, “Từ năm năm qua, ông Trump dẫn đầu phong trào muốn làm cho vị tổng thống da đen đầu tiên mất thế hợp pháp, và ông Trump luôn sống trong giả dối.”

Thụy Điển sắp thẩm vấn Assange
Một tòa kháng án gạt bỏ nỗ lực chạy tội của ông Julian Assange, giám đốc trang mạng WikiLeaks. Ngày thứ Sáu tòa nói rằng trát bắt ông ta vẫn còn hiệu lực. Năm nay 45 tuổi, Assange đã trốn trong Tòa Đại Sứ Ecuador ở Anh quốc từ nhiều năm qua, do sợ hãi nếu bị bắt về Thụy Điển, ông ta có thể bị dẫn độ sang Hoa Kỳ đối diện với cáo trạng gián điệp vì đã để lộ nhiều tài liệu quan trọng ở WikiLeaks.
Nhiều lần trong quá khứ, Assange luôn thách thức giá trị của trát lệnh bắt giữ ông ta của ngành tư pháp Thụy Điển, vì khi tòa án Svea Court of Appeal ra trát này thì ông ta vẫn chưa chính thức bị truy tố. Trát lệnh này muốn đưa ông trở về Thụy Điển để chất vấn ông ta về cáo trạng tấn công tình dục mà hai phụ nữ xứ này tố cáo. Luật sư Per Samuelsson đại diện cho ông Assange cho hay Assange sẽ mang quyết định của tòa Phá Án nói trên trước Tối Cao Pháp Viện của Thụy Điển để có quyết định sau cùng về vụ này.

Mỹ: Sát thủ giết phụ nữ, giấu dấu xác trong nhà
Một nghi can bị bắt tại một căn nhà ở tiểu bang Ohio, nơi người ta tìm thấy hai xác phụ nữ bị giấu. Nghi can bị truy tố hai tội sát nhân và một tội bắt cóc người thứ ba. Nghi can Christiopher Grate bị truy tố tội đã sát hại bà Stacey Stanley và một phụ nữ khác chưa xác định danh tính. Ngoài ra Biện Lý Christopher Tunnell cũng cho hay các viên chức đang cố gắng tìm hiểu xem cái xác thứ ba trong một nhà khác là ai.
Gia đình của bà Stanley, 43 tuổi, từng chỉ trích cảnh sát đã làm ngơ khi họ báo cáo vụ mất tích của bà và nghi ngờ bà “đang gặp nguy hiểm.” Nghi can Grate bị bắt hôm thứ ba trong tuần khi một phụ nữ gọi báo và nói, “Tôi đang bị bắt cóc, xin nhanh lên.”
Phụ nữ này cũng nói nghi can có súng và bà ta quen biết nghi can khoảng một tháng nay và bà ta sợ có thể đánh thức nghi can thức vì hắn cũng ngủ trong phòng ngủ nơi bà bị trói. Tổng cộng đã có ba xác phụ nữ được cảnh sát tìm ra, trong số có bà Stanley.

Miến Điện: 7 binh sĩ bị bắt giữ vì tàn sát dân làng
Chính phủ đã ra những bản án không nặng cho các binh sĩ trong quân đội đã phạm tội sát hại năm dân làng. Họ chỉ bị tuyên án năm năm lao động khổ sai, sau khi thú nhận dùng dao đâm chết các dân làng này rồi vùi xác họ vào hố chôn tập thể. Trong số bảy thủ phạm có bốn sĩ quan trong quân đội.
Vụ này chỉ được biết sau khi người ta đào được các hố này và các xác mang đầy vết thương vì dao đâm. Họ bị quân đội Miến Điện ruồng bố vào tháng Sáu năm nay vì bị nghi ngờ đã ủng hộ và giúp đỡ cho phiến quân trong tỉnh bang Shan phía đông Miến Điện.
Các quan sát viên cho là vụ xử án này rất hiếm hoi vì ít khi nào quân nhân Miến Điện bị đưa ra tòa công khai trước một tòa án quân sự như thế. Sai Kaung Kham, một nhà tranh đấu bào về cho dân thiểu số ở làng Mong Yaw, nhận xét, “Ít ra cũng phải có hành động từ chính phủ, còn hơn là họ không thèm làm gì cả.”

Tổng thống Phi muốn bỏ Mỹ, chơi với Trung Cộng?
Kể từ khi chính thức lên nắm quyền tổng thống, ông Rodrigo Duterte đẩy mạnh các biện pháp như nuốt sống đám phiến quân ở Phi Luật Tân, khuyến khích bạo động chống băng đảng, nhất là ma túy và hăm he Hoa Kỳ đủ thứ. Chiến dịch chống Mỹ bắt đầu từ việc mạ lỵ Tổng Thống Obama bằng ngôn từ hạ cấp, đến việc đòi đuổi quân nhân Mỹ ra khỏi miền nam Phi Luật Tân.
Có vẻ như ông Duterte muốn chơi canh bạc của mình, vì Ngoại Trưởng Phi Luật Tân từng nói, “Chúng tôi vẫn tôn trọng các đồng minh nhưng Phi Luật Tân không muốn bị Hoa Thịnh Đốn đối xử như mấy thằng đàn em da nâu Châu Á đâu.”
Phi Luật Tân cũng không muốn tham gia các cuộc tuần tra ở Biển Đông trong tuần này với Mỹ hay với bất cứ ai, vì e là “chuyện như thế gây ra các phản ứng thù nghịch,” nhưng rõ ràng thái độ của Duterte khá bí hiểm vì thực ra không biết ông ta có muốn ngã theo Trung Quốc thực hay không và chính Bắc Kinh cũng e dè chưa dám nhìn nhận như thế.

Ấn Độ: Dân biểu từ chức để phản đối
Một dân biểu trong đảng cầm quyền của chính phủ Ấn Độ dại diện cho vùng Kashmir đã xin từ chức, nhằm tỏ thái độ phản đối cách thức mà New Delhi giải quyết những khủng hoảng chính trị tại vùng này mới đây. Dân Biểu Tariq Hameed Karra mô tả những chủ trương của chính phủ Ấn Độ là “quá tàn nhẫn,” nên đã xin rút lui ra khỏi đảng của ông ta và rút lui ra khỏi chức vụ Dân Biểu Quốc Hội.
Hơn 80 người đã bị sát hại kể từ khi các vụ biểu tình bạo động chống đối chính phủ Ấn Độ nổ ra trong vùng Kashmir từ tháng 7 đến nay.
Chính phủ ra lệnh đóng luôn các đền thờ Hồi giáo của Kashmir khiến lễ hội quan trọng Eid al-Adha trong tuần bị đình lại. Ông Karra nói, “Lần đầu tiên trong lịch sử, dân chúng Hồi giáo ở Kashmir không được tổ chức lễ Eid, máu của người dân Kashmir đã lan rộng trên đường sá, trên các bức tường và ngay cả trong các thung lũng xa xôi nữa.”

Thủ tướng Đức nhận định nội bộ EU có vấn đề
Tại cuộc họp thượng đỉnh các lãnh đạo của các quốc gia thành viên khối EU, nữ Thủ Tướng Đức Angela Merkel nhận xét “tình cảnh của EU hiện nay rất nguy hiểm” sau khi Anh rút ra khỏi tổ chức này. Khôi phục lại niềm tin là nhiệm vụ hàng đầu của EU, theo bà Merkel cho báo chí hay, nhất là về các vấn đề an ninh, hợp tác và phát triển kinh tế.
Hiện nay nhiều quốc gia trong khối EU có bất đồng sâu rộng trên các lãnh vực phát triển kinh tế và con số người di dân được nhận vào từng nước. Nhưng các lãnh đạo tránh không bàn về chuyện “Brexit” tại hội nghị.
Bà Merkel phát biểu, “EU đang ở trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng và chúng ta cần có những giải pháp cho châu Âu, dù chúng ta không thể giải quyết các vấn đề chỉ trong một cuộc gặp thượng đỉnh.”
Tổng Thống Pháp Francois Hollande cũng cảnh cáo là EU sẽ gặp “nguy khốn nếu các thành viên không chịu hợp tác với nhau để tạo ra một động lực mới.”

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT