Thế Giới

Mỹ thách Trung Cộng, cho B-52 bay vào vùng ‘nhận diện phòng không’

Wednesday, 27/11/2013 - 06:43:39

Một hàng không mẫu tác chiến của Hoa Kỳ và một hạm đội gồm nhiều tàu chiến Nhật đang tiến vào một vùng biển mà Trung Cộng vừa lên tiếng giành chủ quyền.



Các quân nhân Nhật đang lắng nghe Thủ Tướng Shinzo Abe kêu gọi bảo vệ đất nước trong một cuộc duyệt bịnh diễn ra tại trại lính Asaka cuối tháng 10 vừa qua. (Getty Images)
 
OKINAWA, Nhật – Một hàng không mẫu tác chiến của Hoa Kỳ và một hạm đội gồm nhiều tàu chiến Nhật đang tiến vào một vùng biển mà Trung Cộng vừa lên tiếng giành chủ quyền.

Theo các nguồn tin quân sự hôm thứ Ba, một hạm đội Nhật và một mẫu hạm Mỹ sẽ tiến vào một vùng biển để tập trận trong ngày thứ Tư 27/11 mặc dù vùng biển này mới được nhà cầm quyền Bắc Kinh tuyên bố nằm trong không phận “nhận diện phòng không” của Trung Cộng.

Cuộc thao dượt quân sự này sẽ cho thấy sự cương quyết của Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe và của Hoa Kỳ trước sự bành trướng thế lực của Trung Quốc.

Cuộc tập trận chung Mỹ-Nhật cũng là một lời thách thức trực tiếp đối với lời tuyên bố chủ quyền được Trung Quốc đưa ra cuối tuần qua. Quân đội Hoa Kỳ cho biết trong ngày thứ Ba, hai chiếc phi cơ thả bom B-52 của Không Quân Mỹ đã bay trên một vùng biển mà không báo cho Bắc Kinh biết mặc dù Bắc Kinh đã yêu cầu tất cả các phi cơ quân sự của nước ngoài phải trình báo trước khi bay vào một khu vực mà Bắc Kinh xem là không phận cần được phòng thủ của họ.

Một viên chức giấu tên của quân đội Mỹ cho biết một chiếc B52 đã cất cánh từ đảo Guam hôm thứ Hai trong một cuộc tập dượt như thường lệ. Sau đó máy bay thả bom này đã lướt vào khu vực “nhận diện phòng không’ của Trung Cộng bất kể chỉ thị của Bắc Kinh.

Trung Cộng đã tuyên bố chủ quyền trên gần 1 triệu dặm vuông trên biển Hoa Đông. Bắc Kinh nói rằng những nguồn tài nguyên hải sản cũng như năng lượng trong khu vực này thuộc về họ. Tuy nhiên, phần lớn vùng biển mà Bắc Kinh đang giành chủ quyền đều nằm cách xa bờ Trung Quốc hàng trăm dặm, kể cả những vùng biển nằm gần Nhật, Nam Hàn và Đài Loan. Đó là chưa kể Bắc Kinh cùng đòi chủ quyền trên hầu hết Biển Đông nằm về phía nam, mặc dù vùng biển này nằm gần Phi Luật Tân và Việt Nam.

Vào ngày thứ Bảy vừa qua, Trung Cộng còn đi xa hơn và tuyên bố rằng những vùng biển đang nằm trong sự kiểm soát của họ cũng nằm trong không phận phòng thủ của Bắc Kinh, và do đó mọi phi cơ bay vào không phận này đều phải báo cáo cho họ được biết.

Không phận mà Trung Cộng mới tuyên bố đã bao trùm các hải đảo Senkaku đang thuộc về Nhật Bản. Bắc Kinh nói rằng không phận được tạo lập nhằm “phòng thủ trước những mối đe dọa trên không trung.”

Ông Brack Glosserman, giám đốc của Trung Tâm Diễn Đàn Thái Bình Dương Dành Cho Nghiên Cứu Chiến Lược Và Quốc Tế, một viện nghiên cứu tại Honolulu, nói rằng Bắc Kinh đã có hành động rất nguy hiểm.

Ông nói, “Trung Quốc đã cố tình đẩy tới và thách thức ông Abe từ ngày ông nắm chức thủ tướng, và trong hầu hết thời gian qua thì ông Abe đã làm ngơ. Thế nhưng lần này thì Bắc Kinh đã đi một bước rất dốt, rất mạo hiểm. Nếu Quân Đội Nhân Dân tìm cách cản trở (cuộc tập trận chung Mỹ-Nhật), vấn đề thật sự rắc rối sẽ không tránh khỏi.”

Hôm thứ Hai, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài tại Hoa Thịnh Đốn cho biết Mỹ sẽ không thay đổi hoạt động bay bất chấp việc Trung Quốc vừa tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông.
“Chúng tôi sẽ không thay đổi bất kì hoạt động bay nào,” ông Steve Warren tuyên bố.

Ông nói thêm, phi công Mỹ sẽ không thông báo kế hoạch bay cũng như phát tín hiệu về thông tin cũng như tần số chuyến bay của mình cho Trung Quốc khi bay ở vùng nhận dạng phòng không mà Trung Cộng vừa áp đặt.

Nói về vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc áp đặt hôm 23/11, ông Warren nói: “Chúng tôi xem nó như một hành động gây bất ổn” và phi công Mỹ luôn luôn duy trì khả năng tự vệ.

Hôm 23/11, Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông và cho biết, quân đội của họ sẽ có “các biện pháp phòng thủ khẩn cấp” nếu máy bay vào khu vực này không báo cáo kế hoạch bay hay thông tin chuyến bay cho họ.

Hành động này khiến Nhật Bản và Hoa Kỳ cực lực phản đối bởi vùng nhận dạng phòng không này bao gồm cả quần đảo đang tranh chấp Senkaku.

Thủ Tướng Abe nói rằng Nhật vô cùng quan tâm về khu vực nhận dạng phòng không và không thể chấp nhận việc khu vực này bao gồm cả quần đảo Senkaku. Ông Abe cũng cảnh cáo Bắc Kinh về “những rủi ro không thể lường trước được.”

Trong mấy ngày qua Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry cùng Bộ Trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel cũng bày tỏ sự quan tâm về hành động của Trung Cộng. Hai người cũng cam kết sẽ bảo vệ Nhật Bản.

Chưa ai thật sự biết rõ tại sao Trung Cộng lại tuyên bố không phận phòng thủ như vậy trong thời điểm này. Có phải đó là quyết định của Chủ Tịch Tập Cận Bình hay của quân đội mà ông muốn nắm quyền kiểm soát? Trước sự việc Mỹ và Nhật đang tập trận để thách thức Trung Cộng, ông Narushige Michishita, giám đốc viên nghiên cứu an ninh và quốc tế tại Tokyo nói rằng, “Đây là một trường hợp rất đang sợ, và chuyện gì sắp xảy ra sẽ tùy thuộc vào Trung Quốc.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT