Bình Luận

Mỹ rút ra, Nga tiến vào

Sunday, 10/06/2018 - 12:44:24

Một chính khách khác, bà thủ tướng Đức Angela Merkel, cũng không có thiện cảm với Tổng Thống Trump. Bà đã đích thân đến Mỹ để thuyết phục ông Trump đừng rút khỏi thỏa ước nguyên tử với Iran, nhưng ông vẫn cứ rút.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Hôm thứ Ba 6/5/18, Tổng Thống Nga Vladimir V. Putin đến Austria để chỉnh đốn lại những liên hệ giữa Nga và khối Liên Âu -việc làm tưởng như vô cùng khó khăn mới vài tháng trước. Thời điểm đó Liên Âu lên án Nga xâm lấn Ukraine, chiếm Crimea, tham chiến giúp Syria. Ấy là chưa kể đến việc Nga sử dụng tuyên truyền xám tung ra nhiều fake news (tin giả tạo ) đầu độc dư luận, tạo thay đổi nhiều cuộc bầu cử tại Mỹ và Liên Âu, cùng với việc mưu sát bố con một cựu điện viên điệp Nga đang sống tại Anh.

Giờ này Putin đang có nhiều thuận lợi để thuyết phục Liên Âu thấy là ông vẫn tốt hơn, nhã nhặn hơn, đáng tín nhiệm hơn tổng thống Mỹ -ông Donald Trump. Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình thực hiện trước chuyến công du qua Vienna, Putin nói, “Nga không nhắm chia rẽ bất cứ người Âu nào với bất cứ cường quốc nào; ngược lại Nga còn mong được thấy một Liên Âu đoàn kết chặt chẽ và sinh hoạt cường thịnh, vì Liên Âu và Nga là những nước chí cốt đồng minh, có nhiều liên hệ kinh tế chặt chẽ. Nga không bao giờ muốn bất hòa với Liên Âu, vì bất hòa chỉ tạo ra nghi kỵ, không tin tưởng lẫn nhau.”

Trả lời một phóng viên truyền thông về liên hệ giữa ông và tổng thống Mỹ, ông Putin nói, “Tôi và ông Trump đã gặp nhau nhiều lần, và chúng tôi vẫn thường nói chuyện qua điện thoại.”


Tổng Thống Austria Alexander Van der Bellen tiếp đón Tổng Thống Nga.

Dư luận đánh giá ông Putin là thời cơ chủ nghĩa và vụn vặt chiến thuật, nhưng qua cuộc tấn công tình cảm các quốc gia Liên Âu, nhiều người cho là ông đã bắt đầu có tầm nhìn chiến lược trong cuộc vận động thay chỗ của Mỹ trong liên hệ với Liên Âu -một tổ chức lớn mạnh- mà ông Trump vẫn coi rẻ trong cuộc chiến tranh kinh tế, bác bỏ mọi yêu cầu không đánh thuế tariffs sản phẩm của các quốc gia đồng minh, đặc biệt là thuế đánh trên thép và nhôm.

Mặc dù rất thận trọng để không tỏ ra thỏa mãn trước những lủng củng giữa Mỹ và những đồng minh cũ của Mỹ, nhưng chắc chắn Putin đang rất hài lòng với những diễn biến căng thẳng đang diễn ra.
Phe thân Nga vừa thắng cử tại bốn quốc gia Âu Châu -Hy Lạp, Hung Gia Lợi, Ý, và Áo khiến thái độ của Âu Châu không còn quá khắt khe đối với Nga nữa, và những biện pháp trừng phạt kinh tế của Âu Châu đối với Nga có hy vọng giảm bớt, mặc dù Ukraine vẫn quyết liệt chống Nga, vì Nga nhúng tay vào nội tình Ukraine, tạo ra nội chiến giữa người Ukraine gốc Nga, và cư dân địa phương.

Đảng Bình Dân Ý lại vừa đắc cử, khiến nhà lãnh đạo cực tả Matteo Salvini của Ý trở thành phó thủ tướng, và bộ trưởng nội vụ; ông này thường công khai ca tụng Putin, và đang vận động chấm dứt mọi biện pháp trừng phạt kinh tế Nga


Matteo Salvini tiếp xúc với truyền thông

Về phía Mỹ, ông Trump đối đầu với hai thử thách ngoại giao -ngày mùng 8 và mùng 9 tháng Sáu, ông dự hội nghị Thất Hùng (G7 )- bảy nước kỹ nghệ; tại đó ông phải đối diện với sáu vị nguyên thủ của sáu quốc gia tiền tiến trên thế giới -gồm Canada, Anh, Pháp, Đức, Nhật, và Ý, tại thành phố Charlevoix, tỉnh bang Quebec. Bốn trong sáu nước đó nằm trên lãnh thổ Âu Châu, điểm nhắm đồng minh vận của Putin.
Trước kia Nga cũng tham dự những cuộc họp hàng năm đó, nhưng từ 2014, biện pháp trừng phạt của thế giới về tội Nga cưỡng chiếm Crimea của Ukraine, khiến Nga bị loại.

Mỗi năm, Thất Hùng gặp nhau tại một địa điểm của những quốc gia hội viên, năm nay đến phiên thủ tướng Canada Justin Trudeau đóng vai chủ nhà.

Putin đến Âu Châu hai ngày trước ngày họp của Thất Hùng, ông chọn Áo (Austria) -quốc gia có lập trường trung lập, và có nhiều liên hệ giao thương với Nga. Áo đã không trừng phạt Nga trong lúc các quốc gia Liên Âu khác trục xuất một số nhân viên ngoại giao Nga sau vụ Nga bị cáo là đầu độc cựu điệp viên đôi Sergei V. Skripan và cô Yulia, con gái ông ta.

Một lãnh tụ Âu Châu khác mà Tổng Thống Trump có thiện cảm là ông Emmanuel Macron, Tổng Thống Pháp; ông này đã sang Mỹ, để đích thân yêu cầu ông Trump không đánh thuế quá nặng sản phẩm Pháp xuất cảng sang Mỹ.

Emmanuel Macron than phiền về chính sách kinh tế của Trump, trong hội nghị St. Petersburg, tại Nga.

Cuộc thăm viếng Âu Châu của Putin có thể góp phần gây ảnh hưởng cho những cường quốc thành viên của tổ chức kinh tế Thất Hùng, mặc dù ông phủ nhận là không hề có ý định đó. Ông lập đi, lập lại là "Nga không nhắm chia rẽ bất cứ người Âu nào với bất cứ khối kinh tế hay chính trị nào."
Trên đài truyền hình Áo ORF, ông khẳng định là cuộc thăm viếng của ông chỉ nhắm duy trì tình thân hữu giữa các quốc gia Âu Châu, vì Nga cũng nằm trên lãnh thổ Âu Châu. Dĩ nhiên đó chỉ là ngôn ngữ khéo léo và cân nhắc của một chính khách.

Một chính khách khác, bà thủ tướng Đức Angela Merkel, cũng không có thiện cảm với Tổng Thống Trump. Bà đã đích thân đến Mỹ để thuyết phục ông Trump đừng rút khỏi thỏa ước nguyên tử với Iran, nhưng ông vẫn cứ rút.

Bà Merkel còn cho là ông Trump đặc biệt 'trừng phạt' Đức vì sự thành công của Đức trên bình diện kỹ nghệ; ngoài việc không giảm thuế nhập cảnh thép và nhôm của Đức, Trump còn đang nhắm vào việc đánh thuế nặng những chiếc xe hơi sản xuất tại Đức và bán ra tại Mỹ.

Có thể ông Putin nói thật: ông không tìm cách chia rẽ Liên Âu với Hoa Kỳ, vì ông tự biết ông không thể làm gì hơn những việc ông Trump đã làm, và còn đang làm, để tạo ra sự chia rẽ đó.

Quốc Hội Mỹ đang muốn làm luật giới hạn quyền tổng thống tự do thao túng thương trường thế giới; Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan, và Nghị Sĩ Dân Chủ Heidi Heitkamp chỉ trích tổng thống lạm dụng thuế tariffs gây bất mãn cho nhiều cường quốc đồng minh với Hoa Kỳ.

Họ cho là Âu Châu đang trở thành chiến trường tranh giành ảnh hưởng: Mỹ rút ra tạo cơ hội cho Nga tiến vào.

Tuy nhiên đừng vội trách, mà nên chờ xem đòn hẹn của ông Trump; một ngày trước khi đến Canada phó hội, ông viết tweet trả lời hai quốc trưởng Canada và Pháp như sau, “Xin nhắn giùm với Thủ Tướng Trudeau và Tổng Thống Marcron là họ trách Hoa Kỳ đóng thuế Tariffs quá nặng và tạo ra rào cản. Không hiểu ông Macron có biết là số thặng dư mậu dịch giữa Liên Âu và Hoa Kỳ lên tới $151 tỉ không? Và ông Trudeau có biết là Canada đóng cửa không mua nông phẩm của nông dân Mỹ không? Xin gặp nhị vị ngày mai.
 
Chắc chắn những con số và dữ kiện tổng thống đưa ra đều phải chính xác. Chờ xem quý vị quốc trưởng Pháp và Canada trả lời như thế nào.
(ndt)





Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT