Bình Luận

Mỹ rút ra, Nga tiến vào

Wednesday, 16/10/2019 - 06:07:06

Chiến trường Bắc Syria đang thay đổi toàn bộ, mà không một tiếng súng nổ, không một người chết; lính Nga ca tụng lính Mỹ rút nhanh đến mức bỏ lại khá nhiều thực phẩm cho họ.


Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Chiến trường Bắc Syria đang thay đổi toàn bộ, mà không một tiếng súng nổ, không một người chết; lính Nga ca tụng lính Mỹ rút nhanh đến mức bỏ lại khá nhiều thực phẩm cho họ. Tổng Thống Donald Trump tự đắc vì ông là vị tổng tư lệnh đầu tiên chấm dứt được một cuộc chiến tranh cù nhầy, đánh cả chục năm vẫn chưa ngã ngũ.
Quân xa made in Russia cắm cờ Nga và cờ Syria tiến vào tiền đồn Manbij của quân Mỹ mà không gặp một sức kháng cự nào cả. Một ngày trước đó cờ Mỹ còn tung bay tại tiền đồn này.


Quân xa made in Russia, cắm cờ Nga và cờ Syria tiến vào tiền đồn Manbij. (NY Times)


Một ngày trước cờ Mỹ còn tung bay tại đó. (NY Times)

Thị trấn Manbij cũng vắng tanh; 150,000 cư dân -vợ con của trên 1,000 thân binh người Kurd, và vợ con của trên 1,000 tù binh Hồi Giáo ISIS, bị thân binh Kurd bắt sống- cũng bỏ thị trấn chạy thoát thân.
Trước khi bỏ chạy, thân binh Kurd mở cửa nhà giam thả tù ISIS, vì họ biết nếu không được thả những người tù Hồi Giáo này và vợ con họ sẽ bị giết, dù lực lượng tiến vào Manbij trước nhất là quân Nga, quân Syria, hay quân Thổ (Turkey).

Ngày 'chiến thắng' không đổ máu của liên quân Nga-Syria là ngày hôm qua -15 tháng Mười, 2019; quân Mỹ đồng loạt rời bỏ chiến trường Syria -tuân hành lệnh của vị tổng tư lệnh Tờ Rum Trump.
Trong bài diễn văn State of the Union đọc năm ngoái, tổng thống nói “Great nations do not fight endless wars,” (Cường quốc không đánh những cuộc chiến tranh không bao giờ chấm dứt); câu nói đó là một chân lý thâm thúy, dễ nói, nhưng vô cùng khó thực hiện.
Trump không phải là loại lãnh tụ chỉ thích nói, mà không dám làm: bằng cớ là ông vừa chấm dứt cuộc chiến tranh của Mỹ tại Syria.

Ngày Chủ Nhật, mùng 6 tháng Mười, vừa rồi, ông điện đàm với Tổng Thống Thổ Recep Tayyip Erdogan -lân quốc có nhiều liên hệ với cuộc chiến tranh Syria; và chỉ ba hôm sau, ông ra lệnh rút quân Mỹ ra khỏi chiến trường Syria.
Mệnh lệnh quân sự là điều mà bất cứ quân nhân nào, mang bất cứ cấp bực gì cũng phải nhắm mắt tuân phục, không ngần ngừ, không phản đối.
Trả lời một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, một sĩ quan thuộc Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ nói, "Thân binh Kurd tin tưởng Mỹ sẽ bảo vệ họ, dù sao họ cũng lãnh trợ cấp của Mỹ, được Mỹ võ trang, và chiến đấu dưới sự chỉ huy của Mỹ; giờ này chúng ta bỏ rơi họ. Tôi cảm thấy xấu hổ với họ.
"Trong truyền thống quân đội tình cảm sâu đậm nhất là tình chiến hào; chúng tôi đã sống chung trong một chiến hào với thân binh Kurd, giờ này chúng tôi rút lui, bỏ họ đơn độc chịu đựng cuộc tấn công của quân Thổ, từ phía Bắc đánh xuống, và cuộc tấn công của quân Syria từ phía Nam, đánh lên."
Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark T. Esper xác nhận, "Tổng thống ra lệnh rút toàn bộ lực lượng Mỹ ra khỏi vùng biên giới Thổ-Syria."

 


Thân binh Kurd từng kiểm soát khoảng 1/3 toàn thể lãnh thổ Syria, mầu vàng trên bản đồ.


Giờ này họ nằm trong gọng kềm, bị quân Thổ, từ phía Bắc đánh xuống, và quân Syria từ phía Nam, đánh lên.

Lệnh của Hoa Thịnh Đốn vô cùng giản dị và minh bạch: quân Mỹ rút ra, không quan tâm đến số phận của thân binh Kurd.
Đại Tướng Joseph L. Votel, nguyên tư lệnh quân khu Trung Ương của Mỹ, chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh Syria, nhận định, "Người thân binh Kurd đảm nhận nhiều trọng trách vô cùng lớn lao; họ có khả năng đánh du kích rất tài tình, và chịu đựng nhiều tổn thất đáng kể."


Đại Tướng Joseph L. Votel (Dept. of Defense)

Tướng Votel nói Hoa Kỳ đã khuyến cáo thân binh Kurd nộp vũ khí nặng cho Thổ, phá hủy công sự chiến đấu và rút ra khỏi vùng biên giới để tránh bị quân đội Thổ tấn công tiêu diệt.
Với tư cách tư lệnh quân khu Trung Ương, Tướng Votel từng chỉ huy thân binh Kurd và tỏ ra có cảm tình với những người lính không nói sõi tiếng Anh đó.
Ông nói, "Mỗi lần bị tổn thất nặng, họ buồn lắm, tôi cũng buồn; nhưng chưa bao giờ họ thất bại trong những công tác khó khăn."

Bình luận về quyết định rút quân, để chấm dứt một trong những 'cuộc chiến tranh không bao giờ chấm dứt' của Tổng Thống Trump, tờ nhật báo The New York Times viết, "Trump vừa tạo ra
một thảm họa luân lý và một thảm họa chiến lược (Trump Just Created a Moral and Strategic Disaster).
Thảm họa luân lý vì phản bạn, phản những chiến binh Kurd đồng minh với Mỹ, chiến đấu không lương trong một cuộc chiến tranh do Mỹ phát động, chỉ vì tình trạng không có một mảnh đất dung thân, mặc dù người Kurd cũng là một sắc tộc đông đến cả chục triệu dân.
Người Kurd sống trên nhiều quốc gia Trung Đông, trong tình trạng bị xua đuổi và tấn công; lực lượng Kurd chiếm đóng vùng Bắc Syria không chỉ là một lực lượng quân sự, mà còn là một xã hội gồm nhiều gia đình, nhiều sinh hoạt, buôn bán, giao thông, giáo dục, ...
Thảm họa chiến lược là Mỹ không còn sự đồng minh của người Kurd nữa, trong lúc họ vẫn còn sa lầy tại Afghanistan, và sắp sa lầy tại Saudi Arabia. Điều này sẽ làm Mỹ phải gửi thêm nhiều quân sang Trung Đông hơn.

Tổng Thống Nga Vladimir Putin có mặt tại Syria trong những ngày quan trọng này; ông gọi điện thoại cho Tổng Thống Thổ Erdogan mời ông này sang thăm Nga, và ông Erdogan đã nhận lời. Đôi bên thỏa thuận trên nguyên tắc việc thành lập một liên minh giữa Thổ, Syria, và Nga.
Riêng Tổng Thống Trump đang hãnh diện với việc ông là người đầu tiên chấm dứt được một cuộc chiến tranh lầy nhầy, không chịu chấm dứt.
Một niềm hãnh diện vô cùng xứng đáng.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT