Thế Giới

Mỹ không có chân trong hiệp ước thương mại lớn nhất thế giới

Monday, 16/11/2020 - 06:31:49

Có Nhật, có Úc, có Tàu nhưng không có Hoa Kỳ.


Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in (giữa trong hình bên trái) đang phát biểu với các lãnh đạo đang dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN qua video mạng. Năm nay hội nghị ASEAN được tổ chức tại Hà Nội. (Nhac Nguyen/ AFP via Getty Images)

 

Có Nhật, có Úc, có Tàu nhưng không có Hoa Kỳ. Vào ngày Chủ Nhật vừa qua, Trung Quốc, Việt Nam và 13 quốc gia khác trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương đã ký kết một hiệp ước để thành lập một khối quốc gia mậu dịch lớn nhất thế giới, bao gồm gần một phần ba sinh hoạt kinh tế trên toàn quốc. Các quốc Á Châu đã hy vọng hiệp ước này sẽ giúp nền kinh tế quốc gia sẽ phục hồi mau hơn trong giai đoạn hậu đại dịch coronavirus.

Hiệp Ước Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực (The Regional Comprehensive Economic Partnership, viết tắt RCEP) đã được 15 quốc gia ký kết qua mạng toàn cầu, bên lề hội nghị thượng đỉnh hằng năm của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) mà năm nay do Việt Nam tổ chức. Vì đại dịch nên hội nghị diễn ra qua mạng điện toán. Việt Nam nói rằng hiệp định này sẽ đưa khối ASEAN lên hàng đầu thế giới trong lãnh vực tự do mậu dịch toàn cầu.

Khi được thực hiện, hiệp ước sẽ giúp các quốc gia thành viên trong thời gian dài được hưởng mức thuế nhập cảng còn thấp hơn so với hiện nay, và hiệp ước RCEP không toàn diện hiệp ước xuyên Thái Bình Dương gồm 11 quốc gia mà Tổng Thống Donald Trump đã rút ra khỏi một thời gian ngắn sau khi ông nhậm chức tổng thống gần bốn năm trước.

Khối ASEAN gồm 10 quốc gia là Nam Dương, Thái Lan, Tân Gia Ba, Mã Lai Á, Phi Luật Tân, Việt Nam, Brunei, Cam Bốt, Miến Điện, và Lào. Ngoài 10 quốc gia này, hiệp ước RCEP còn được ký kết bởi năm quốc gia có nền kinh tế vững mạnh trên thế giới là Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, và Tân Tây Lan.

Các viên chức nói rằng hiệp ước này đang mở cửa để đón nhận Ấn Độ trở lại. Quốc gia Nam Á này từng rút ra khỏi dự thảo RCEP trong thời gian hiệp ước được soạn thảo suốt mấy năm qua, vì có sự chống đối trong nội bộ Ấn Độ.

Hiệp ước này sẽ còn cần một thời gian rất lâu để hoàn chỉnh hết các chi tiết về thuế má và quy định cho tất cả 15 quốc gia. Chỉ riêng quy định về thuế cho Nhật Bản không thôi đã dày 1,334 trang.

Hiệp ước RCEP sẽ không rộng lớn như của Liên Minh Âu Châu, nhưng được xem là một biểu tượng mạnh mẽ, cho thấy gần bốn năm sau khi chính phủ Trump thi hành chính sách “Nước Mỹ Ưu Tiên” thì khối Á Châu vẫn tiếp tục tiến tới trong nỗ lực tạo dựng tự do mậu dịch giữa các quốc gia, vì sự tự do mậu dịch này được xem là công thức mang lại sự thịnh vượng cho các quốc gia.

Trước khi dự “hội nghị thượng đỉnh đặc biệt” của RCEP, Thủ Tướng Nhật Yoshihide Suga tuyên bố rằng chính phủ của ông rất ủng hộ "việc mở rộng khu vực thương mại tự do và công bằng, với tiềm năng Ấn Độ sẽ trở lại trong tương lai, và với sự hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia khác.”

Các kinh tế gia nhận xét rằng hiệp ước RCEP sẽ giúp Trung Quốc gia tăng vai trò lãnh đạo và ảnh hưởng địa lý-chính trị, trong khi Hoa Kỳ bị bất lợi.

RCEP được xem là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, với tổng dân số của các nước thành viên lên đến một-phần-ba dân số trên thế giới, và chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT