Bình Luận

Mỹ bỏ, Tầu lượm

Monday, 25/03/2019 - 07:15:26

Từ hai năm nay Mỹ bỏ Âu Châu trên cả hai phương diện kinh tế và quân sự, Trung Quốc tưởng thị trường Âu Châu là bở, âm thầm vận động với chính quyền Ý,


Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Từ hai năm nay Mỹ bỏ Âu Châu trên cả hai phương diện kinh tế và quân sự, Trung Quốc tưởng thị trường Âu Châu là bở, âm thầm vận động với chính quyền Ý, và hôm thứ Bảy 23/3/2019 Trung Quốc đã linh đình tổ chức lễ ký kết với Ý thỏa ước nhận Ý là một thành viên của Kế Hoạch Đường Tơ Lụa Mới (KHDTLM).

Thủ Tướng Ý Giuseppe Conte đón tiếp Chủ Tịch Tập Cận Bình rất trịnh trọng, vì Ý là quốc gia thứ nhất trong bảy cường quốc tham gia KHDTLM; Mr. Xí -tên Mỹ của ông Tập- được lực lượng quân sự cổ điển Ý nghênh đón trong nghi lễ quốc khách, và chiếc xe chở vợ chồng ông được kỵ binh cỡi ngựa đi hộ tống.


Tập Cận Bình được nghênh đón với nghi lễ quốc khách. (Getty Images)



(Getty Images)


Tổng Thống Mỹ Donald Trump can thiệp để Ý tái xét kế hoạch cộng tác kinh tế với Trung Quốc, nhưng Ý không thay đổi, vì Trung Quốc cam kết giúp Ý xây dựng một hệ thống xa lộ Liên Âu, và tối tân hóa hải cảng Trieste -đầu cầu giúp Trung Quốc đổ hàng vào Âu Châu.



Hải cảng Trieste (Getty Images)

Truyền thông Mỹ lo ngại việc cộng tác giữa Ý và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nặng nề đến cán cân chính trị thế giới, và khiến nhiều quốc gia Liên Âu ngả vào vùng ảnh hưởng kinh tế, chính trị của Tầu.

Thủ Tướng Giuseppe Conte nói Ý không tổn thất gì trong việc để Trung Quốc canh tân hải cảng và đường giao thông của Ý, vì trong lúc giúp chuyển vận hàng hóa Tầu đến những quốc gia Âu Châu khác, hệ thống đường xá cũng phục vụ tiện nghi và quyền lợi của người Ý.

Ông còn nói là quan ngại về việc giúp Trung Quốc ra khỏi những bế tắc về thị trường không phải là quan ngại của ông.

Ý tự nguyện tham gia kế hoạch 'Một vòng đai, một con đường (One Belt One Road -OBOR ) do Trung Quốc đề xướng; vòng đai kinh tế đó gồm 68 quốc gia, 4.4 tỉ người, với tổng số lợi tức hàng năm GDP bằng với 40% GDP toàn thế giới. Nói cách khác đó là thị trường Trung Quốc mơ ước; giấc mơ còn nằm trên giấy, nhưng cũng không phải là không thực hiện được.

Ý có nhu cầu xuất cảng sản phẩm của mình, và nhập cảng nhiều sản phẩm của Tầu, nhu cầu đó là chuyện thông thường của mọi quốc gia. Giờ này ưu tiên của Ý là mua hàng của Tầu và bán hàng sang Tầu.

Giáo sư Christopher Balding, dạy kinh tế học tại Peking University nói Trung Quốc còn có tham vọng thực hiện một hệ thống đường xe lửa Âu-Á nối liền Bắc Kinh với Mạc Tư Khoa và Luân Đôn, tạo một thị trường khổng lồ cho sản phẩm Trung Hoa.

Chính quyền Mỹ cảnh cáo Âu Châu về sản phẩm điện tử của hãng Huawei; Mỹ nói là các nước Âu Châu nên tránh sử dụng những sản phẩm mạnh đến độ 5G của tầu, vì khả năng gián điệp của những dụng cụ đó.

Lễ ký thỏa ước giữa Ý và Tầu được thực hiện tại biệt thự Villa Madama; tổng cộng hai bên đã ký với nhau 29 khế ước.

Dân Ý đứng khá đông hai bên đường, vẫy tay chào đón ông Tập như một lãnh tụ thân hữu; Tập nên có thái độ biết ơn Mỹ, vì dù sao tổng thống Mỹ cũng giúp ông được người Ý coi như một hảo nhân; giúp bằng cách tạo ra một lãnh tụ siêu cường xấu xa để so sánh.

Tờ The New York Times viết, "Con đường Tơ Lụa sẽ tạo ra nhiều tỉ euros cho những doanh gia hai nước Tầu và Ý; nhưng tổn thất của Mỹ không chỉ giới hạn vào địa hạt tiền tài thôi, mà Mỹ còn tổn thất về mặt chính trị nữa.”
Một chính khách Ý thân Mỹ -ông Bộ Trưởng Nội Vụ Ý Matteo Salvini đã tránh mặt trong lúc Ý ký thương ước với Tầu. Salvini viết nhiều bài báo vạch rõ nguy cơ cộng tác với Tầu -cường quốc có truyền thống đế quốc, và có thành tích xâm chiếm các nước khác.

Ông chế nhạo việc một vài chính khách Ý dùng hai chữ 'free market' để ca tụng nền kinh tế Tầu; tuy chống Tầu, nhưng Salvini nói ông đồng ý với Thủ Tướng Conte là giao thương với Tầu, Ý không bị xử ép như giao thương với Mỹ.

Đối chiếu với Bộ Trưởng Ý thân Mỹ Salvini, là chính khách Luigi Di Maio, lãnh tụ phong trào 5 SAO -Five Star Movement, ông này đã thăm viếng nhiều cơ sở kỹ nghệ của Trung Quốc và cũng đã từng tuyên bố với báo chí Mỹ, "lãnh tụ Mỹ chủ trương America first' thì người Ý cũng chủ trương 'Italy first."

Sau nghi lễ đặt đầu cầu kinh tế tại hải cảng Trieste, Tập Cận Bình đến thăm thành phố bờ biển Nice của Pháp; tại đó Tập hội kiến với Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron, và Thủ Tướng Đức Angela Merkel cùng nhiều chính khách Liên Âu khác.

Họ Tập có âm thầm lượm mót của Mỹ tí tài sản nào Mỹ vứt bỏ trên bãi biển Nice hay không, trong lúc tại Trieste, ông Zeno DAgostino -chủ tịch Hội Đồng Quản Trị hải cảng Trieste mạnh miệng bênh vực thái độ thủ tướng Ý đón mời thương vụ con đường Tơ Lụa, là việc làm giúp phục hồi nền kinh tế Ý.

DAgostino còn nói, "Ngoại thương là sinh hoạt tối thiểu cần hai nước, Mỹ đã bế quan, tỏa cảng, thì Ý phải chọn một nước khác; đó là chuyện đương nhiên thôi."

Trả lời dư luận nhắc nhở cái nguy cơ Ý bị xâm nhập qua giai thoại Trojan Horse, phụ tá bộ trưởng kinh tế Ý Michele Geraci nói, "Con ngựa thành Trojan là ngựa của chúng tôi đó; chúng tôi mời người Tầu vào ngồi trong bụng ngựa, rồi đưa họ đến đổ hàng xuống hải cảng Trieste."

Tổng thống Trump thích tự xưng là Tariff Man, có thể sẽ hơi buồn tay vì ít hàng Tầu cho ông đánh thuế tariff. Chân tướng của con đường tơ lụa mới thật sự chỉ là con đường họ Tập trốn thuế tariff đó thôi.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT