Thế Giới

Mỹ bao vây Tàu ở Biển Đông, lợi hay hại?

Sunday, 17/04/2016 - 11:27:29

Ấn Độ là quốc gia từ nhiều thập niên qua có vai vế như một thủ lĩnh của khối không liên kết trên thế giới và hay tỏ ý nghị kỵ việc phải hợp tác quân sự với các siêu cường, nhưng nay thái độ này có vẻ đã thay đổi và họ đang nghiêng về phía Mỹ.

Ông Ash Carter đang cùng Bộ Trưởng Quốc Phòng Ấn Độ kiểm tra một động cơ phản lực trên chiếc tàu chiến USS Eisenhower ngoài khơi Virginia cuối năm 2015. Mỹ và Ấn Độ đang hợp tác nhiều hơn để đối phó Trung Cộng. (Mark Wilson/ Getty Images)


Cuộc thăm viếng hai quốc gia Ấn Độ và Phi Luật Tân mới đây của Bộ Trưởng Ash Carter có ý nghĩa quan trọng thật sự vì ý định liên kết để bao vây Trung Quốc của Hoa Thịnh Đốn đã khá lộ liễu.

Ấn Độ là quốc gia từ nhiều thập niên qua có vai vế như một thủ lĩnh của khối không liên kết trên thế giới và hay tỏ ý nghị kỵ việc phải hợp tác quân sự với các siêu cường, nhưng nay thái độ này có vẻ đã thay đổi và họ đang nghiêng về phía Mỹ.

Còn Phi Luật Tân thì từ những năm 1990 đã từng ra lệnh đóng quân cảng quan trọng bậc nhất ở Subic Bay không cho Hải Quân Mỹ trú đóng nữa, nay đã mở rộng vòng tay đón tiếp, giao luôn ít nhất năm địa điểm quan trọng để Hoa Kỳ lập căn cứ.

Tất cả cũng do hai quốc gia này e ngại sự trỗi dậy của “con rồng Trung Quốc” ở Biển Đông. Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Ash Carter dùng trực thăng bay ra thăm mẫu hạm USS Stennis có thể là dấu hiệu quyết tâm của Mỹ sẽ trả lời cứng rắn trước các thách thức trắng trợn của Trung Quốc.

Các quan sát viên nhận định việc làm của ông Carter mang dáng vẻ của một đấu trí hơn là gì khác. Hoa Kỳ muốn nhắc nhở Bắc Kinh biết Mỹ sẵn sàng hợp tác với các đồng minh trong khu vực để ngăn chận Trung Quốc.

Hai chuyến thăm của ông Carter sang Ấn Độ và Phi Luật Tân đã làm nổi bật việc này, cộng với cuộc tập trận giữa Mỹ và Phi Luật Tân, nhưng các lãnh đạo Hoa Kỳ cũng phải tính đến nỗi lo ngại của Bắc Kinh là Mỹ muốn ngăn chận không cho Trung Quốc bành trướng.

Các chuyên gia cho là nếu Hoa Kỳ càng làm tới và đưa nắm đấm vũ lực ra đe dọa, thì Trung Quốc do bị đẩy vào chân tường cũng sẽ không nhịn thua và càng có thêm những hành động làm bầu không khi thêm phần “ nặng mùi khói súng” và nguy cơ va chạm quân sự rất cao.

Trong chuyến thăm viếng sáu ngày Ấn Độ và Phi Luật Tân của Bộ Trưởng Carter, Hoa Kỳ không hề che giấu ý định tung ra nhiều biện pháp kể cả quân sự, vũ khí, chiến đấu cơ, siết chặt hợp tác với đồng minh để đối đầu với Trung Quốc.

Ông Carter đã đi thăm hàng không mẫu hặm của Ấn Độ, đây là lần đầu tiên một bộ trưởng quốc phòng Mỹ làm chuyện này và còn cho hay “Hoa Kỳ sẽ giúp Ấn Độ kỹ thuật nâng cấp hàng không mẫu hạm của mình” cũng như san sẻ kỹ thuật quân sự cho Ấn Độ.

Ông Carter còn cho hay sau khi chấm dứt 11 ngày tập trận chung, quân đội Mỹ “sẽ để lại một số quân nhân Mỹ ở Phi Luật Tân và đầy đủ trang thiết bị quân sự để góp phần vào việc bảo vệ an ninh và ổn định vùng“

Người ta chờ đợi Bắc Kinh sẽ trả lời ra sao trước những ngón cờ vây hãm của Hoa Kỳ, nhưng chắc chắn là chính phủ Obama mong muốn Bắc Kinh phải “lùi một bước” vì dù sao Trung Quốc cũng phải suy nghĩ lại một chút. Không phải vô cớ mà “cọp giấy Mỹ” nổi tiếng là đệ nhất siêu cường quân sự trên toàn cầu.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT