Tiêu Thụ

Mua sắm có …. sướng không?

Friday, 30/09/2016 - 07:55:03

Mua thêm một thứ là mua thêm một nỗi lo: Thêm một món đồ vật chất chúng ta đưa vào đời sống của mình là thêm một thứ có thể bị bể, vỡ, sây sứt hoặc mất cắp…. mà mình phải ra công bảo vệ.

Eric Trần

Ai có đồ mới mà chẳng thích. Trừ khi bạn là “cái rốn” của vũ trụ mới có thể ngồi yên chờ kẻ này người khác mang đồ đến cống nạp. Còn người trong thiên hạ, tất cả đều phải đi mua sắm mới có. Vậy hỏi rằng mua sắm có sướng không? Câu trả lời dễ dàng vuột ra khỏi cửa miệng là… sướng! Bởi vì bạn không nghiện shopping, lâu lâu mới sắm sửa một cái gì đó, nên cảm giác hạnh phúc có thể sờ chạm được. Nhưng nếu hỏi ngay chính những người nghiện shopping thì chưa chắc. Câu trả lời có thể là: mua sắm không sướng đâu!



Sau đây là 9 lý do mà các nhà nghiên cứu tâm lý tiêu thụ đã tìm ra cho thấy mua sắm không sướng. Nhiều điều nghe có vẻ triết lý nặng ký, nhưng ngẫm ra cũng thấy hay:

Sản phẩm nào rồi cũng sẽ cũ: Tất cả mọi thứ chúng ta sở hữu về bản chất đều là tạm bợ, chóng phai. Trông đẹp đẽ sáng sủa trong cửa hàng, nhưng nhiều thứ chỉ cần mang về tới nhà, ngay khi mở hộp, chúng ta đã hết hẳn sự háo hức. Những thứ còn duy trì được niềm vui, thì niềm vui ấy cũng sớm tàn, vì chúng bắt đầu cũ, phai, hoặc rữa thối….

Lúc nào cũng có một món đồ mới hơn ở ngoài kia: Mốt mới, kiểu mới, sáng kiến mới, thành tựu mới…. khi chưa chiếm hữu được, chúng ta nghe lùng bùng ngày đêm trong lỗ tai. Từ trang phục tới xe hơi, đồ dùng trong nhà bếp tới máy móc kỹ thuật, lúc nào cũng có những sản phẩm mới chào đời, và món đồ chúng ta nắm trong tay rất nhanh trở nên lỗi thời.

Mua thêm một thứ là mua thêm một nỗi lo: Thêm một món đồ vật chất chúng ta đưa vào đời sống của mình là thêm một thứ có thể bị bể, vỡ, sây sứt hoặc mất cắp…. mà mình phải ra công bảo vệ.

Của cải đòi hỏi sự bảo trì: Những thứ chúng ta sở hữu đều đòi hỏi thời gian, công sức và sự quan tâm chúng ta dành cho nó. Nào là cần phải lau chùi, cần phải sắp xếp, cần phải quản lý, cần phải bảo trì…. Rốt cuộc, càng có nhiều chúng càng làm cho ta bị lạc hướng, không biết dùng thời gian của mình cho những gì thực sự hữu ích hơn.

Mua sắm khiến chúng ta tốn kém hơn cái giá ban đầu: Trong cửa hàng, khi móc tiền ra trả, chúng ta chỉ nghĩ đến giá tiền: Thứ này vài đô, thứ kia mấy chục đô. Nhưng Henry David Thoreau, một triết gia người Mỹ nổi tiếng, có nhận xét: “Bất cứ thứ gì cũng đòi hỏi chúng ta phải trả bằng cái giá của đời sống mình”. Chúng ta không chỉ mua sắm bằng tiền, nhưng bằng chính những giờ phút của đời sống chúng ta.
Thiên hạ có vẻ không nể phục như mình nghĩ: Nhận xét phiến diện, chúng ta thường nghĩ rằng mình mua sắm để làm thỏa lòng mình. Nhưng các nhà nghiên cứu tâm lý cho rằng, nếu không được thúc động một cách ý thức thì ít nhất trong vô thức, chúng ta đều mong muốn rằng món đồ mình mới sắm được đây sẽ làm thiên hạ nể phục. Cụ thể là, tiềm thức của ai cũng có một kho thuốc nổ, khao khát chực chờ có dịp là nổ tung…. Mong người ta nể phục mình vì cái xe mới, phục mình vì cái điện thoại mới, khen mình vì đôi giầy mới, bộ vest mới…. Nhưng trong đa số trường hợp, chúng ta thường thất vọng khi thấy người khác không chú ý như mình nghĩ. Bởi vì, bản thân họ cũng đang bận rộn tìm mua một món gì đó để thu hút lời khen hoặc sự chú ý của bạn.

Luôn luôn có người nào đó hơn mình: Đây là một thực tế đau lòng, khiến mình cứ phải cố hoài, cố hoài, mệt nhọc mà vẫn hoài hơi. Mua sắm là một cuộc chiến không bao giờ bạn là người thắng cuộc.
Mua sắm không thể nào làm thỏa lòng ước ao: Sự thỏa lòng, sự đầy đủ không nằm trong sự miệt mài mua sắm. Bằng chứng là những Closets chật ních áo quần, và những ngăn kéo tủ phồng căng không còn chỗ chứa. Dù có nhiều bao nhiêu cũng không là đủ.

Những kinh nghiệm của đời sống mới là tài sản làm cho chúng ta giầu có hơn đồ đạc vật chất: Chúng ta không còn nhớ tới nhiều thứ mình đã mua, có thứ mới chỉ mua vài tháng trước. Nhưng ai trong chúng ta cũng có những kỷ niệm đẹp xảy đến đã lâu mà mình không thể quên. Các nhà thông thái khuyến khích chúng ta nên cố tìm đến những trải nghiệm đẹp đẽ và có ý nghĩa hơn là chạy theo mua sắm thời trang….
Với 9 lý do trên thì mua sắm chỉ gây thêm lướng vướng, chứ có sướng gì? Tuy nhiên, người viết không có ý kết luận “Tu là cõi phúc, tình là dây oan!” đâu. Bởi vì, chắc gì nhà tu đã hoàn toàn không mê thu vén vật chất?

Erictran216@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT