Tiêu Thụ

Mua hàng rồi có nên trả lại? (bài 2)

Friday, 11/04/2014 - 10:05:27

Bên cạnh những thiệt hại đương nhiên phải chấp nhận do khách trả lại hàng đã mua, giới bán lẻ còn chịu thiệt hại thêm do kẻ gian cố tình lợi dụng khe hở để trục lợi. Cùng với sự phát triển của kỹ thuật computer, photoshop, v.v. mánh khóe lừa gạt càng lúc lại càng tinh xảo hơn, cụ thể là ngụy tạo receipt

Eric Trần


Bên cạnh những thiệt hại đương nhiên phải chấp nhận do khách trả lại hàng đã mua, giới bán lẻ còn chịu thiệt hại thêm do kẻ gian cố tình lợi dụng khe hở để trục lợi. Cùng với sự phát triển của kỹ thuật computer, photoshop, v.v. mánh khóe lừa gạt càng lúc lại càng tinh xảo hơn, cụ thể là ngụy tạo receipt giả rồi mang trả lại hàng nhằm trục lợi bất chính. So sánh với những rủi ro khác, cũng mang lại thất thoát cho giới bán hàng như nạn trộm cắp do người mua (shoplifting) và trộm cắp do nhân viên (employees theft), thì tệ nạn trả hàng thiếu lương thiện (Return Fraud and Abuse, gọi tắt là RFA) xem ra khó đối phó hơn nhiều. Nó thể hiện dưới rất nhiều cấp độ, từ một cháu gái tuổi vị thành niên cố tình mua chiếc áo đầm về diện xong rồi mang ra trả lại, cho đến những kế hoạch ăn cắp hàng hóa qui mô sau đó mang trả lại để lấy về hàng trăm, thậm chí hàng ngàn đô la.

Tuy nhiên, số người mua lương thiện trả lại hàng vì những lý do chính đáng vẫn là đa số, diễn ra hằng ngày. Nên thực là khó cho chủ hàng khi phải ra nội qui cấm đoán. Không có công ty nào muốn tên tuổi của mình dính với nhãn hiệu “Trả hàng khó lắm” trong thời buổi cạnh tranh gay gắt này. Một chính sách như vậy chắc chắn sẽ làm cho nhiều khách hàng chân chính buộc phải rời xa. Việc này đặt giới chủ vào một tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, và cách giải quyết duy nhất là buộc phải tăng giá bán các mặt hàng khác nếu không muốn phá sản hoặc đóng cửa tiệm. Rốt cuộc, sự thiệt hại cũng lại đặt lên lưng đại đa số khách hàng chân chính. Là người trong giới tiêu thụ, chúng ta có thể làm được gì?

Trước tiên, cần tìm hiểu những kiểu trả hàng gian dối. Ông David Speights thuộc công ty Return Exchange, một công ty nghiên cứu và cung cấp kỹ thuật chống RFA, phân loại thành nhiều bậc gian dối như sau:

1. Lợi dụng cơ hội (Opportunistic Return Abuse): Đó là trường hợp người khách mua hàng với giá khác, rồi trả hàng lấy tiền lại theo giá cao hơn. Ông Speights đưa ra một thí dụ: “Món hàng được mua với giá $80, nhưng khách hàng đánh mất biên nhận (receipt). Sau đó họ trả lại món đồ, cửa hàng vẫn nhận. Vì không có biên nhận, cửa hàng không biết món hàng được mua lúc nào, giá bao nhiêu, nên chỉ dựa vào giá hiện nay là $100 để trả lại tiền. Người khách yên lặng nhận lại tiền, lời được $20 do sai biệt giá cả, mà chẳng buồn nói ra là mình chỉ mua mất có $80 mà thôi!”

Trường hợp vừa kể, chúng ta không lạ gì, có thể cũng đã xảy ra với chính mình. Nếu là bạn, thì bạn có trả lại cho cửa hàng $20 đó không? Nếu không, theo ông Speights, sự im lặng “ăn tiền” như vậy cũng là phạm lỗi gian dối, trục lợi trên sự sai lỗi của người khác.

2. Cố tình gian dối (Intentional Return Abuse): Tệ hơn nữa, người mua cố tình trục lợi bằng cách liên tục mua hàng về dùng, rồi mang trả lại sau khi đã dùng xong cho mục đích của mình, miễn là còn trong thời hạn cho phép. Việc làm này, dù chỉ thực hiện một lần cũng là vô đạo đức, có người còn dựng lên một kế hoạch hoặc chủ trương làm như vậy với tất cả mọi thứ đương sự mua.

Chuyện này chắc cũng không lạ, chúng ta đã từng nghe nói có người này, người kia làm như vậy. Trong giới tiêu thụ, người khách hàng chân chính nghĩ rằng những người làm như vậy là không fair, là lỗi công bằng, là vô đạo đức; mặc dầu vậy, chúng ta cũng nhận ra một tình thế nan giải, một thói xấu mà giới chủ hàng không thể nào phát giác được, và luật pháp thì… bó tay!

Thực ra, giới chủ hàng đã được báo động từ lâu. Họ còn có một tên gọi riêng để chỉ những sinh hoạt lạm dụng này, đó là “mượn đồ xài miễn phí” hoặc “thuê đồ xài theo giá rẻ.” Gọi là “mượn miễn phí” khi người mua trả hàng không bị tính một đồng lệ phí nào, họ nhận lại trọn vẹn số tiền đã bỏ ra để mua hàng. Đa số các cửa hàng đều theo tục lệ này. Nhưng cũng có một số cửa hàng tính 15% lệ phí, gọi là “restocking fee” (lệ phí để đưa hàng tái nhập kho), và trả lại cho khách hàng 85% số tiền đã bỏ ra để mua món đồ đó. Nếu người mua chủ tâm dùng cho xong việc rồi đem trả lại, họ sẽ coi 15% lệ phí đó như số tiền “thuê đồ theo giá rẻ.”

Thực vậy, một bộ đồ Vest hoặc bộ trang phục dạ hội, trang phục trình diễn… có giá cả ngàn, hoặc vài ngàn đô mà nay họ chỉ phải trả chừng $100 hoặc $200 để có thể dùng suốt 30 ngày (hoặc 90 ngày) thì đúng là rẻ hơn khi phải chính thức thuê món đồ này để dùng lâu như vậy.

Các cuộc nghiên cứu của nhà chức trách cho thấy, hình thức trả hàng gian lận kiểu này chiếm phần lớn, tức 52% các trường hợp RFA. Người chủ tâm vi phạm nhắm tới nhiều mặt hàng, từ y phục sử dụng trong các buổi dạ hội, dạ vũ, trình diễn … cho tới máy móc và đồ dùng điện tử sử dụng cho một công tác ngắn hạn hoặc một dịp sinh hoạt nào đó.

Đứng trước tình trạng lạm dụng này, giới bán lẻ cố gắng đưa ra những biện pháp thích ứng nhằm giảm thiểu thiệt hại, như rút giảm thời gian dùng thử, nâng cao “restocking fees,” hoặc lập danh sách theo dõi những người thường xuyên trả hàng để có biện pháp thích ứng.

Các mánh khóe của những thành phần thiếu lương tâm đã làm hoen ố lòng tin hỗ tương giữa hai bên – bán hàng và mua hàng. Nhưng chưa hết, mánh khóe của họ không dừng lại ở đó, chúng ta sẽ nói tiếp về đề tài này trong bài lần sau.

Erictran15751@gmail.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT