Tiêu Thụ

Mua hàng giá rẻ qua đấu giá? (bài 2)

Saturday, 29/03/2014 - 01:22:08

Thời buổi này không thể nói về thị trường mà không nói tới Internet. Với Internet, chúng ta có thể mua bán dễ dàng thuận tiện hơn rất nhiều. Người tiêu thụ còn có thể mua hàng bằng cách đấu giá qua Internet. Hiện nay, trên mạng có 2 loại đấu giá: Đấu giá theo lối bình thường như Ebay, và đấu giá theo kiểu “quái chiêu”

Eric Trần



Một trang mạng đấu giá “quái chiêu”


 
Thời buổi này không thể nói về thị trường mà không nói tới Internet. Với Internet, chúng ta có thể mua bán dễ dàng thuận tiện hơn rất nhiều. Người tiêu thụ còn có thể mua hàng bằng cách đấu giá qua Internet. Hiện nay, trên mạng có 2 loại đấu giá: Đấu giá theo lối bình thường như Ebay, và đấu giá theo kiểu “quái chiêu” như Quibids. Bài này xin nói chi tiết về cách đấu giá “quái chiêu.”

Để hiểu thế nào là “quái chiêu,” chúng ta cần nói sơ qua về kiểu đấu giá bình thường, tiêu biểu là eBay, và nhiều trang mạng đấu giá khác. Người tham gia cứ việc đưa ra một cái giá nào đó, miễn là nó phải cao hơn con số của người “đấu” trước đó. Cao hơn bao nhiêu? 1 xu, $1? Hay $5….? Tùy ý mỗi người. Cũng có khi ban tổ chức đấu giá qui định mức sai biệt giữa 2 con số đấu giá, chẳng hạn, số sau phải cao hơn ít nhất $25, $50, hoặc …$100. Kết thúc, chỉ có người thắng cuộc mới phải bỏ tiền mua sản phẩm theo giá mình đã đấu.

Những người thua cuộc không mất mát gì cả. Là một sinh hoạt bình thường như vây, đấu giá trên eBay không đòi hỏi người tham gia phải cảnh giác về một trò gian dối hoặc lừa đảo được che đậy.

Tuy nhiên, gần đây thị trường mạng mới phát sinh một hình thức đấu giá khác - chẳng hạn như Quibids.com, beezid.com, grabswag.com…, gọi chung là Penny Bid. Theo những người tổ chức đấu giá, họ đã từng bán ra những cái TV màn ảnh phẳng, những cái iPhones với giá …95 xu. Những lời tuyên bố “quái chiêu” như vậy buộc giới tiêu thụ phải cảnh giác, và nêu lên câu hỏi, “Liệu đây có phải là trò lừa?”

Penny Bid: Trò lừa đảo?

Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta có thể nói ngay: Không! Ít nhất đối với trang mạng Quibids.com là không. Họ không phải là một bọn lừa đảo, thậm chí còn được điểm cao qua đánh giá của cơ quan Better Business Bureau nữa.

Nhưng nếu họ không phải lừa đảo thì liệu chúng ta có thể mua được gì với giá thật rẻ như họ nói không? Cũng xin trả lời ngay: Khó lắm, và gần như là không. Có nghĩa là, những người tham gia đấu giá, phần lớn đều không mua được món hàng giảm giá 95%. Và oái oăm hơn nữa, dù không mua được sản phẩm, tất cả những người tham gia đều bị mất tiền, không ít thì nhiều.

Ảnh hưởng về phía khách hàng

Tất cả mọi khách hàng khi tham gia Penny Bid đều phải chịu mất mát, dù có trúng được sản phẩm hay không. Đối với người thành công (chỉ có một người), sự mất mát ấy có thể tính vào trị giá món hàng, nhưng với những người thất bại (có thể hàng trăm hoặc hàng ngàn người), không thể nói điều gì khác hơn là công nhận: Đó là sự thiệt hại. Bởi lẽ, họ phải bỏ tiền ra để mua số “bid”, xin giải thích cụ thể như sau:

Trong một cuộc đấu giá thông thường, bạn có thể tham gia “đấu” mà không phải bỏ ra đồng nào trước. Không thắng cuộc, bạn không mất gì. Nhưng với Penny Bid, bạn phải trả tiền cho mỗi lần đưa giá, tức là cho mỗi lần “bid”, cụ thể là 25 xu, 60 xu, hay $1…. Thông thường bạn phải thiết lập trương mục (account) và mua sẵn một số Bids để đó. Chúng ta thử cùng nhau tham gia một cuộc đấu giá để mua cái iPad trên mạng Quibids.com, là nơi mà chúng ta phải trả 60 xu cho mỗi lần bid:

- Cái iPad hiện đã có người trả giá 99 xu. Khi tham gia, bạn chỉ có thể nâng giá lên $1.00, nghĩa là trả thêm 1 xu (penny) mà thôi. Không mua được sản phẩm với giá đó, bạn tiếp tục bid thêm, bid thêm…. cho đến khi cuộc đấu giá kết thúc: Chiếc iPad được bán với giá $25.09 xu, nhưng rơi vào tay … một người khác

- Tổng kết lại, với giá cuối cùng là $25.09 xu và mỗi bid chênh lệch 1 xu thì đã có tới 2,509 lượt người tham gia trả giá. Trong số 2509 lượt đó có 40 lần bid của bạn. Với 60 xu cho một lần bid, bạn đã tiêu mất $24 cho cuộc đấu giá thất bại này. Chắc chắn ngoài bạn, còn nhiều người khác đã tham gia và cũng bị thất bại với số thiệt hại có thể lớn hơn. Và biết đâu, ngay cả người thắng cuộc, họ cũng phải bid vài trăm lần trước khi có thể mua được cái iPad đó. Cộng chung số tiền để mua vài trăm bid, phí tổn của cái iPad không phải chỉ là $ 25.09 xu, mà chắc chắn cao hơn nhiều.

Ảnh hưởng về phía người bán

Xét về phía người bán, chúng ta có thể tự hỏi, “Làm sao họ có thể bán một cái iPad trị giá $700 với giá $25.09 xu? Họ thu lợi ở chỗ nào?”

Thực ra, lợi lộc không nằm ở cái giá bán cuối cùng $25.09 xu. Nhìn tổng quát, chúng ta thấy tổng số bid cho cái iPad này là 2,509 lần. Với mỗi lần bid giá 60 xu, người bán đã thâu được $1,505.40, gấp đôi giá bình thường của cái iPad này rồi.

Kết luận:

Tóm lại, không thể nói rằng những cuộc đấu giá Penny Bid là lừa đảo hoặc gian dối. Nhưng cơ may thắng lợi của người mua là rất nhỏ, không khác gì như xác suất đoạt giải trong một cuộc xổ số có vài ngàn người tham gia. Ấy là chưa kể, bạn còn phải có đủ kinh nghiệm và sự khôn ngoan khi “giao đấu” với hàng ngàn người khác, chứ không đơn thuần trông chờ vào sự may rủi giống như trong một cuộc xổ số. Đó là sự thật về những cuộc đấu giá “quái chiêu”. Bạn có chiêu thức nào cao, muốn đem ra “so cựa” với thiên hạ không?

Erictran15751@gmail.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT