Đời Sống Việt

Mùa Giáng Sinh đến với "người không nhà"

Thursday, 18/12/2014 - 07:33:33

“Chương Trình Phục Vụ Người Vô Gia Cư đến từ miền Bắc nước Mỹ”: Hằng năm người vô gia cư từ miền bắc nước Mỹ được Rescue Mission đưa về miền nam để tránh những ngày giá lạnh sương tuyết từ tháng 12 - tháng 4...” Tôi bèn điện thoại liên lạc để xin ghi danh phục vụ.

Viết tặng chị L., người bạn TT mới quen

Phượng Vũ

Mùa Giáng Sinh sắp về, ban đêm trời trở lạnh nhiều, có khi mặc áo ấm dày với khăn quấn cổ mà vẫn còn thấy giá buốt. Một tối về khuya, chợt nhìn thấy một người không nhà đứng co ro bên lối ra xa lộ, vì luồng xe đang chạy tôi không thể ngừng lại lục túi cho ông ít tiền lẻ, nhưng hình ảnh “người co ro trong đêm giá lạnh” đã theo tôi về nhà và ám ảnh tôi những ngày sau đó. Tôi quyết tâm làm một điều gì đó dù nhỏ, nhưng cụ thể cho những người không nhà, vì ngày xưa khi chào đời Chúa cũng là "kẻ không nhà".




Buổi sáng dậy mở email, nhận được thư của MH, cô học trò ruột ngày xưa, cánh tay từ thiện nối dài của tôi ở Saigon, viết :
"Cô ơi, mai Thứ Tư , em định dắt mấy em học trò tặng quà cho các bé , chút quà Noel, cỡ 10-12 ngàn, họ nằm phải cả tuần để cấy ghép da vì hoại tử, vì gãy xương. Noel đến, chút xíu cho họ ấm lòng. Bên bệnh viện nhi bảo em, ở mấy khoa phỏng, tim, người ở tỉnh nghèo lắm. Có lẽ cần một số phong bì giúp họ. Em mới vô khoa bỏng thấy người dân tộc, người Đắc lắc, nằm dưới đất, bé trên giường. Nhìn thấy khổ lắm.
Em định mua quà cỡ ít triệu cho các bé Bỏng 30 em và15 em khoa xương. Còn 2 phòng nhi cỡ 30 em nữa, em chưa ghé. Xin được thêm em sẽ ghé nữa. Thấy mình, cha mẹ các em ấm lòng lắm, họ kể nhiều chuyện nghe sao mà đau lòng.Ai cũng khổ hết, mỗi người khổ một kiểu khác nhau.
"Cô ơi! Em định tặng quà cho các em bệnh nhân khoa phỏng, bệnh viện Nhi Đồng, nay mai. Vô đó mới thấy thương tâm quá. Các em bé ởtỉnh bị phỏng nước sôi, phỏng nồi luộc heo, bàn ủi ...quá nhiều (30 em) vì không ai trông chừng các bé. Sáng nay, dò đường vô khoa thì biết khoa bỏng phải cách ly, em vô chuyện trò với người nhà các bé khoa Xương, bị bó bột. Các bác sĩ đề nghị tặng sữa cho các bé bồi dưỡng. Em thì lại nghĩ đến quà Noel, nho nhỏ, con nít ở tỉnh về đây buồn lắm, tối ngày quanh quẩn trong bệnh viện, bị cách ly, đến giờ ba mẹ mới vô cho ăn. Ngó tội nghiệp lắm."
Ôi thương quá các thiên thần bé nhỏ, ngây thơ đáng yêu, đang phải đau ốm "lê lết cực khổ" ở các bịnh viện! Quả "đời là bể khổ", bởi vậy khi mới sinh ra, con người đã chào đời bằng tiếng khóc "oa oa". Tôi vội vàng email đáp ứng lời mời gọi của MH để an ủi phần nào nỗi đau khổ của các bé ở quê nhà. Nhưng còn quê hương thứ 2 của tôi, nơi đã cho tôi cuộc sống ổn định và an bình, cũng còn rất nhiều kẻ không nhà “co ro trong đêm giá lạnh” cần giúp đỡ. Thật là "cầu được, ước thấy" tình cờ tôi đọc được bản tin Xã Hội trong tờ Hiệp Thông mới lấy ở nhà thờ về:
“Chương Trình Phục Vụ Người Vô Gia Cư đến từ miền Bắc nước Mỹ”: Hằng năm người vô gia cư từ miền bắc nước Mỹ được Rescue Mission đưa về miền nam để tránh những ngày giá lạnh sương tuyết từ tháng 12 - tháng 4...” Tôi bèn điện thoại liên lạc để xin ghi danh phục vụ.




Trong cuộc sống, tôi quan niệm làm bất cứ việc gì có bạn vẫn vui hơn. Hơn nữa đi đường ban đêm, đến chỗ lạ, có 2 người tìm chỗ vẫn dễ hơn, nên trong một bữa tiệc "Vinh danh các bậc sinh thành", tôi rủ bạn là chị Minh đi với tôi phục vụ người “homeless”, chị L đi ngang nghe vậy bèn đòi xin đi theo. Đúng là “duyên từ thiện” đã dẫn chúng tôi đến với nhau, dù trước đó chúng tôi chưa hề quen biết nhau. Tôi còn đang băn khoăn không biết mang gì đến với buổi phục vụ thì chị L mau mắn đề nghị chị sẽ làm 200 cuốn chả giò, nhờ đó mới có sáng kiến sẽ mang salad trộn để họ ăn với chả giò. Từ trước tới giờ tôi chưa bao giờ chuẩn bị bữa ăn cho quá 10 người, nên tôi không hình dung nỗi bao nhiêu là đủ cho 150 - 160 người, nhưng nhờ hỏi ý kiến người này người nọ nên mọi việc cũng tạm ổn.
“Buổi sáng hôm đó, một buổi sáng nhiều gió lạnh”, lần đầu tiên tôi đi chợ mua rau salad, cà rốt, dưa leo ... với số lượng thật nhiều đủ cho hơn 150 người ăn, rồi đợi xin mấy cái thùng to để chia ra khiêng nhiều lần cho đỡ nặng, buổi chiều còn dùng thùng đó đựng salad trộn... Từ 3 giờ chiều tôi bắt đầu đứng cắt mấy chục cái búp salad, rồi cà rốt, rồi dưa leo để trộn chung. Giờ chót chị M tới phụ tôi một tay cũng đỡ phần nào. Vậy mà gần 6 giờ chiều mọi việc mới tạm hoàn tất, lo dọn dẹp, rồi ăn vội miếng mì xào sẵn từ sáng, trước khi lên đường kẻo tối bị đói bụng. Hai chân tôi bị mỏi nhừ vì đứng quá lâu, không có giờ duỗi chân 5 phút cho đỡ mỏi, rồi cùng chị Minh “hì hục” khiêng đồ ra xe để đi kẻo trễ.
Xuống tới khu Santa Ana, trời tối đen, nhờ có tra bản đồ trước để định hướng, nhưng vẫn không thể nào tìm được số nhà. May quá đang cho xe chạy rề rề thì thấy một dãy người sắp hàng dài,chúng tôi biết là mình đã đến đúng "nơi phải đến". Tôi và chị Minh lần lượt phụ khiêng 2 thùng salad to, rồi còn 4 chai nước táo to nặng trĩu, còn kẹo gừng và những thanh “chocolate -nut”. Đến cửa chúng tôi bối rối khi nhìn thấy cổng security như ở phi trường, nhưng may quá, các nhân viên ở đó đã ngoắc tay cho chúng tôi đi vào thoải mái. Vào trong mới thấy chị L đã có mặt với mấy khay chả giò nóng hổi, một số các anh chị tới trước đang chuẩn bị sẵn những túi giấy để bỏ vào đó muỗng, nĩa,khăn ăn và chuối. Chúng tôi bỏ thêm vào đó kẹo gừng và thanh chocolate -nut. Địa điểm này dưới sự quản lý của các nhân viên quân sự (trước đây nó là phòng luyện tập quân sự) nên mọi việc diễn ra thật ngăn nắp, trật tự. Đây là nơi tạm trú qua đêm trong mùa lạnh cho những người không nhà. 5 giờ sáng họ sẽ ra khỏi nơi đây, chiều tối có xe bus đón họ ở những điểm tập trung rồi chở về đây. Chính vì vậy khi tối trở về, họ phải xếp hàng chờ qua cổng Security để bảo đảm họ không mang theo vũ khí, chất nổ... Trong phòng lớn đã có những tấm đệm trải sẵn để họ nằm ngủ.
Gần 7 giờ, các anh phụ trách khiêng vào một thùng pasta thật to nóng hổi. Chúng tôi bắt đầu trộn salad và đợi pizza mang đến là phần phục vụ ăn tối sẽ bắt đầu. Từ xa họ đã xếp hàng trật tự và từng người được gọi đến lấy phần ăn của mình: một đĩa to gồm pasta, salad, pizza, chả giò và một túi tráng miệng, rồi tới lấy nước uống ở góc bên cạnh. Khi ăn hết, nếu cần nữa, họ có thể trở lại để xin thêm. Nhìn những đĩa thức ăn đầy ắp, ngon lành nóng hổi được phân phát tận tay từng người, tôi chợt nhớ tới lần phát quà Noel năm ngoái cho những người không nhà ở Saigon. Trời lạnh lẽo, họ chui rúc dưới các gầm cầu, xó chợ, hiên nhà hay cạnh các bô rác hôi hám..., làm gì hưởng được sự quan tâm chăm sóc chu đáo như ở đây. Thật là tội nghiệp!
Dãy người xếp hàng nhận thức ăn ngắn dần và những thùng thức ăn cũng vơi gần hết, từng miếng salad cuối cùng đã được vét sạch, không đủ chia cho 30 hộp để dành cho những người về trễ. Nhìn họ ăn ngon lành, những mỏi mệt của một ngày làm việc bỗng tan biến, cái vết thương chảy máu ở ngón tay cái,vì cắt cà rốt phạm phải, cũng hết đau luôn. Tôi thấy một niềm vui nhẹ nhàng lan tỏa, nhất là khi chúng tôi được gặp một “ông già Noel” thứ thiệt, đẹp phương phi, râu tóc bạc như cước, chỉ cần cho ông đội mũ Santa Clauss vào là đủ, không cần hóa trang mang râu tóc giả như các ông già Noel khác. Ông đến cám ơn chúng tôi đã cho ông và các bạn không nhà của ông một bữa ăn tối ngon lành nóng sốt. Tôi xin phép chụp ông một tấm hình để các nhà tướng số nghiên cứu sao tướng ông trông phong lưu, đẹp lão quá mà lại trở thành homeless?
Sau bữa ăn là đến phần phát quà gồm một tấm chăn mỏng và một gói quà xinh xắn có mũ len và đôi vớ. Có các cháu nhỏ đi theo bố mẹ để phát quà cho từng người. Đây là việc làm tốt nuôi dưỡng lòng bác ái và tinh thần chia sẻ với người nghèo nơi các cháu ngay từ nhỏ. Thay vì chỉ được bố mẹ dẫn đến các khu shopping sang trọng đèn màu lấp lánh hay những bữa tiệc Giáng Sinh đầy quà và thức ăn thì tràn ngập, thừa mứa. Như vậy làm sao các cháu có cơ hội thực hiện lời Chúa dạy: "Khi ta đói, con đã cho ta ăn, khi ta khát đã cho ta uống, ta lạnh lẽo đã cho ta mặc", nhất là vào những mùa đông kỷ niệm Chúa sinh ra đời trong khó nghèo.
Trong khi phát quà, tôi mới phát hiện ra có một ông Việt Nam, vì ông khiếu nại muốn có cái chăn dầy hơn, ông chê cái chăn này quá mỏng! Các người Mỹ thì nhận quà với lời cám ơn nồng hậu. Có vài người Mỹ từ chối nhận quà vì họ đã có sẵn đầy đủ rồi. Tôi thấy đây là ưu điểm của người Mỹ, khi họ không có nhu cầu, họ không nhận, để phần đó cho người khác cần đến. Một số người Việt Nam thì khác, không có nhu cầu vẫn nhận để dành đó hoặc cho bạn bè, ngay cả nhà housing có nhiều người nhận rồi bỏ trống đó, lâu lâu ghé qua, trong khi biết bao nhiêu người không có nhà ở.
Buổi phục vụ kết thúc. Khi chúng tôi ra về thì các nhân viên ở cửa chặn lại bảo chúng tôi đợi, rồi họ kêu gọi tất cả những người không nhà đứng dậy cùng vỗ tay và ngỏ lời cám ơn . Sau đó viên sĩ quan tới bắt tay từng người và cám ơn lần nữa. Về tinh thần cám ơn thì người Mỹ là số 1, vì trẻ khi mới 3 tuổi bước vào lớp pre school đã được cô giáo dạy biết nói “Thank you”. Chúng tôi vui vẻ ra về và không quên chúc mọi người “Merry Christmas“
Lúc về, chị L nhờ tôi đưa về, chị không lái xe được, lúc nãy chị nhờ người khác chở đến. Tôi thầm phục chị khi nhìn cái chân đau bị bể mắt cá, phải bó bột, đi cà nhắc, vậy mà chị vẫn hăng say tình nguyện đi làm từ thiện. Thế mới biết khi người ta thực sự có tấm lòng thì trở ngại nào người ta cũng vượt qua được, như Nguyễn Bá Học đã nói:
"Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông"
Khi tôi cám ơn chị vì đã là bạn đồng hành tích cực của tôi trong chuyến đi từ thiện này thì chị cười trả lời:
- Tôi phải cám ơn chị vì chị đã cho tôi cơ hội phục vụ người nghèo theo nhóm nhà thờ của chị dù biết tôi không cùng tôn giáo. Nhờ đó tối nay tôi có được niềm vui và sẽ ngủ rất ngon.
Tôi chưa kịp trả lời thì chị Minh đã lên tiếng :
- Làm từ thiện đâu có ai phân biệt tôn giáo, thôi thì chúng ta cùng cám ơn nhau và cám ơn Trời đã cho chúng ta có cơ duyên gặp nhau để cùng làm việc thiện để cùng được hưởng niềm vui "cho đi tốt hơn là được nhận".
Cả ba chúng tôi cùng cười vui vẻ và tán đồng ý kiến của chị M. Xin phép TCS sửa lời một chút cho “hợp tình, hợp cảnh” với niềm vui chị em chúng tôi có ngày hôm nay
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Cùng với chị em tìm đến người nghèo
Tôi cũng thầm cám ơn Chúa đã cho tôi có nhiều người “bạn đồng hành từ thiện” bằng cách này hay cách khác, từ lâu đã luôn hỗ trợ tôi từ tinh thần tới vật chất để tôi có thêm cơ hội gặt hái được nhiều niềm vui “cho đi” khi đến với người nghèo khó
Tôi đưa chị M về nhà trước. Còn chị L, trên đường đến nhà, chị khoe với tôi tuy chị là một Phật tử nhưng trước nhà chị vẫn chăng đèn kết hoa rực rỡ để mừng Christmas, chị kết luận “cho đời thêm vui”. Quả là trước nhà chị rực rỡ ánh đèn đủ kiểu nhấp nháy làm sáng vui cả một góc phố trong đêm. Chị L có những ý tưởng hay khi luôn biết cách tự tạo những niềm vui nhỏ trong cuộc sống mỗi ngày của mình và nhờ đó niềm vui ấy được lan tỏa đến mọi người chung quanh
Xin cầu chúc chị và những người có lòng tốt, sẽ được hưởng lời chúc lành của Thiên Thần trong đêm mừng Chúa sinh ra đời:
"Bình an dưới thế cho người Thiện Tâm"
Mùa Xmas 2014
Phượng Vũ

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT