Hoa Kỳ

Mùa cúm hoành hành, các công ty hoảng hốt vì nhân viên nghỉ hàng loạt

Sunday, 26/02/2017 - 09:59:48

Brandon Dudley là phó giám đốc công ty BusBank - chuyên nhận tổ chức những chuyến đi đường dài - cho biết: "Có những lúc công ty thiếu người tới mức những người còn lại không biết phải làm gì, vì một người không thể làm choàng cho hai, ba người khác."


Người dân xếp hàng chờ được chích ngừa cúm miễn phí tại San Pablo, California. (Justin Sullivan/ Getty Images)


NEW YORK - Mùa cúm đang tấn công Hoa Kỳ, khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ lao đao vì nhân viên xin nghỉ hàng loạt. Trước tình hình này, chủ nhân doanh nghiệp nhỏ phải vất vả tìm kiếm người làm thay để công việc được hoàn thành.

Tại BusBank, một công ty cho thuê xe bus ở New York, có 26 nhân viên nhưng hầu như tất cả đều xin nghỉ trong cùng một thời gian vì bị cúm, chỉ còn năm người ngồi trực văn phòng. Trong một ngày tồi tệ nhất của mùa cúm, có sáu người xin cáo bệnh hoặc ở nhà chăm sóc con bị bệnh, và bốn người "biến mất" sau khi gởi đơn xin nghỉ phép.

Brandon Dudley là phó giám đốc công ty BusBank - chuyên nhận tổ chức những chuyến đi đường dài - cho biết: "Có những lúc công ty thiếu người tới mức những người còn lại không biết phải làm gì, vì một người không thể làm choàng cho hai, ba người khác."

Từ phòng nhân sự cho tới chủ nhân công ty, tất cả đều choáng váng trước tình trạng vắng mặt hàng loạt có liên quan tới bệnh cúm. Trong báo cáo mới nhất, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh dịch (CDC) cho biết có 35 tiểu bang đang bị dịch cúm tấn công, từ mức trung bình tới mức cao nhất. Trong tuần lễ từ 5 tháng 2 tới 11 tháng 2, có 5% bệnh nhân tới bệnh viện vì bị những triệu chứng giống cúm, tăng 2.2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Amy Marcum là chuyên gia cố vấn cho phòng nhân lực của BusBank, nói rằng hoạt động của doanh nghiệp nhỏ rất dễ bị tác động mỗi khi có hai người xin cáo bệnh cùng một lượt. BusBank cũng vậy. Tuy nhiên hoạt động từ xa cũng giúp giảm bớt tác động của dịch cúm, vì nhân viên BusBank chỉ làm việc với computer. Do đó khách hàng vẫn có xe bus để chạy. Nhưng một số dự án như việc cập nhật website của công ty hầu như phải bị bỏ dở.

Denise Stern là chủ nhân Let Mommy Sleep, một công ty chuyên cung cấp "overnight baby care" cho bọn trẻ từ mới sinh cho tới 6 tháng; hoặc cho những người bị bệnh không thể chăm sóc bé mới sinh. Cô nói khi nhân viên bị bệnh, không thể làm việc, họ phải nghỉ, chấm hết. Cô cho biết trong mùa cúm này, có những ngày 20 "caregiver" của cô gọi điện thoại vào công ty, xin nghỉ một lượt. Cô nói: "Dịch cúm tấn công giống như ném cả tấn gạch vào văn phòng công ty."

Khi một "caregiver" bị bệnh, cô thường tìm người khác thay thế. Nhưng nếu nhiều người xin nghỉ một loạt, cô luôn đối mặt với tình trạng gia đình em bé không muốn nhận một "caregiver" mà họ không quen biết. Gặp trường hợp như vậy, cô đành cáo lỗi với họ. Cô ước tính nội tháng 2 này, lợi nhuận công ty giảm 15% vì dịch cúm.

Tại BOCA Communications, trong những ngày này, chuyện bốn hoặc năm nhân viên xin nghỉ trong một ngày - vì cúm hoặc vì đau dạ dày do nhiễm trùng - là điều không thể tránh khỏi. Ashley Breinlinger là phó giám đốc của BOCA Communications, công ty cung cấp hoạt động quan hệ công chúng, cho biết: "Đây là mùa cúm ghê gớm nhất mà tôi nhìn thấy trong mười năm qua. Nhân viên ngả bệnh như rạ."

Tình trạng lây nhiễm cũng tồi tệ tới mức Ashley và tổng giám đốc Kathleen Shanahan phải yêu cầu nhân viên nên ở nhà nếu cảm thấy không khỏe, để đừng lây bệnh cho những người khỏe mạnh. Khả năng làm việc tại nhà của nhân viên cũng có hiệu quả như làm việc tại văn phòng, do đó công ty cho phép những ai mới nhiễm bệnh ở nhà làm việc, miễn sao hoàn thành dự án. Ashley nói vì khách hàng cũng bị bệnh nên họ không phàn nàn điều đó.

Với mùa cúm còn kéo dài tới mùa xuân, các doanh nghiệp nhỏ được khuyên phải chủ động bảo vệ sức khỏe nhân viên cũng như hoạt động của công ty. Nhân viên nên được khuyến khích làm việc tại nhà nếu cảm thấy không khỏe, và nên chích ngừa bệnh cúm nếu họ chưa chích. Một số công ty mời nhân viên y tế tới cơ quan đê chích ngừa cho nhân viên.

Kristen Burris là đồng chủ nhân Eagle Acupuncture ở Eagle, Idaho. Cô ước tính mất khoảng mười ngày làm việc trong tháng Giêng khi hai mẹ con cô cùng bị bệnh. Cô cũng công nhận đây là mùa cúm tồi tệ nhất trong đời. Chồng cô, Tony, cố gắng mở cửa tiệm mỗi ngày nhưng đành phải hủy cuộc hẹn của nhiều bệnh nhân. Ngoài dịch cúm, tiệm cũng đóng cửa nhiều ngày vì bão tuyết.

Tuần này cô ráng làm thêm 12 giờ, vừa châm cứu vừa giác hơi cho những bệnh nhân của tuần trước. Nhưng cô rầu rĩ than thở mất đứt 100% lợi nhuận.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT