Chuyện Nước Pháp

Một vòng thời sự trên xứ sở của Nhân Quyền (Kỳ cuối)

Wednesday, 16/07/2014 - 09:02:51

Mùa hè đang đến trên xứ Pháp, đường phố vắng bớt xe cộ vì dân chúng đi nghỉ mát tản ra khắp nơi. Giới trẻ gồm sinh viên, học sinh, trẻ em tiểu học và mẫu giáo đều được nghỉ rảnh rang, các chuyến xe bus đưa họ đến trường cũng thưa nhiều. Cả giờ hay nửa giờ mới có 1 chuyến, xe nhà cũng khỏi làm nhiệm vụ đưa đón con em cực nhọc.

Nguyễn Thị Ngọc Diễm



Đoàn xe đua năm nay chạy ngang một thành phố xinh đẹp ở phía Đông nước Pháp.
 
Mùa hè đang đến trên xứ Pháp, đường phố vắng bớt xe cộ vì dân chúng đi nghỉ mát tản ra khắp nơi. Giới trẻ gồm sinh viên, học sinh, trẻ em tiểu học và mẫu giáo đều được nghỉ rảnh rang, các chuyến xe bus đưa họ đến trường cũng thưa nhiều. Cả giờ hay nửa giờ mới có 1 chuyến, xe nhà cũng khỏi làm nhiệm vụ đưa đón con em cực nhọc.

Người lớn đi làm thì thay phiên nhau cày bằng thích, họ vẫn vui hơn là vào mùa đông trời đất thường hay ảm đạm thiếu ánh nắng mặt trời. Xứ bốn mùa, được này mất kia. Xuân, hạ, thu, đông quay vòng không ngớt. Mùa hè luôn luôn là mùa số một với cây cối xanh tươi khắp nơi nào kém gì các vùng nhiệt đới, chỉ khác là thiên đàng ấm áp này không kéo dài quanh năm suốt tháng!

Mùa hè cũng là mùa bán xon bắt đầu nơi đây, từ cuối tháng 6, khi trường học chuẩn bị đóng cửa, người người lo tính đi hè ở đâu. Mùa bán xon có hai thời kỳ trên đất Pháp: vào mùa đông và hạ. Điều này đã thành lệ hàng năm quen thuộc. Mùa xon dài khoảng 1 tháng rưỡi nói chung (6 tuần lễ, do luật pháp cho phép).

Lúc đầu, danh từ này (giống đực, còn giống cái chỉ một món tiền) chỉ định những hàng hóa bán không chạy còn dư trong kho được đem ra bán rẻ hầu vớt vát được tí gì còn hơn là không. Theo một tác giả Pháp thì ông Tây Simon Mannoury, chủ nhân một tiệm bán hàng lớn ở Paris là người chế ra tục lệ này, khi ông có sáng kiến bán rẻ hàng hóa đã ế ẩm vào 2 mùa đông và hạ. Tiệm của ông sau này phát triển thêm nhiều và trở thành thương xá danh tiếng Mùa Xuân (Printemps) có mặt khắp nơi trong nước.

Lần bán xon đầu tiên, giá cả hạ một nửa, đã là hấp dẫn người mua vô cùng vì các món hàng không còn là "đồ bỏ" nữa. Dân chúng sắp hàng vào sáng sớm trước 8 giờ để khi siêu thị mở cửa là ào vô rinh hàng đã chọn ! Với sự nhanh tay nhanh chân như vậy, họ mua được những món hời rất đáng giá... rẻ, ngày thường nó đắt gấp hai.

Một cái máy chụp hình Canon 400 trăm Âu kim nay chỉ còn 200 thì quả là đáng công chờ đợi và so sánh khắp nơi. Dĩ nhiên, loại hàng này chỉ có vài cái để câu khách nên mới có sự xô đẩy, giành giựt; chạy ùa thật nhanh như chạy đua vào các gian hàng thường thấy trên đài truyền hình hàng năm. Lần nhì tỷ lệ hàng xon xuống đến 70 hay 75%. Trên mạng ảo của Internet, chúng ta bị bủa vây bởi những thứ quảng cáo tùm lum đủ loại hàng hóa bán xon.

Dân mê "shopping" dán mắt vào màn ảnh nhỏ của máy tính quên cả cuộc đời đang sôi động chung quanh, họ đã trở nên ghiền ngôi chợ vĩ đại qua hình ảnh và các con số, qua những màn bấm nút tới lui xui ngược mới chọn được món hời để rồi lấn cấn vì đổi ý hay cảm thấy ... bị gạt vào giờ chót. Xon gì mà cho tới 90% ...? Chưa kể những số mật mã thêm vào, màn trình diễn chót gay cấn khi phải khai báo thẻ ngân hàng để thanh toán phí tổn. Hiện nay, nhờ hệ thống an toàn tối đa mà khách hàng hết lo lắng bị "Tin tặc" cướp gọn thẻ của mình vì biết mật mã rồi xài luôn cho tiện! Nạn cướp ảo thành thật này đang bị chận đứng, nhưng ai biết ra sao về sau.

Trở lại hiện tượng bán xon trên khắp xứ Pháp, mở rộng ra một chút đến cả Châu Âu. Thủ đô Paris vốn có tiếng là nơi sản xuất các món đồ "mốt" cao sang tột bực, dân du lịch thế giới và ở Âu Châu đều biết phải đến đây để mua đồ xon vào mùa đông là lý tưởng nhất. Còn ở thủ đô Anh, Luân Đôn thì nên đi vào thời điểm "Boxing Day", 26 tháng 12. Ngoài ra còn có xon ở Barcelone (Tây Ban Nha) vì giá rẻ hơn cả Pháp, Madrid (Thụy Điển) giá cũng thấp hơn Pháp mà kéo dài đến những 3 tháng.

Bruxelles (Bỉ) với văn hóa phong phú kèm theo xon, Berlin (Đức) đặc sắc với giá bán xon không do chính phủ ấn định mà do các chủ tiệm tùy cơ ứng biến quanh năm, Milan (Ý) bán xon nhiều hàng cực tốt mốt thời trang mà ngày thường có thể chúng ta không với tới. Một điều chót được chính phủ lưu ý dân chúng là hàng bán xon cũng phải có thời hạn bảo đảm tốt đẹp như các món hàng thường theo đúng luật lệ hiện hành. Do đó có thể trả hàng lại và được bồi hoàn giá cả nếu nó hư hỏng trước thời hạn.

Một vòng qua chuyện thể thao, túc cầu thế giới năm nay có đội banh Châu Âu khăn gói hành hương tới Châu Mỹ và thắng giải toàn thế giới, ngược lại tiền lệ! Một thống kê khác đã đúng phóc: nước nào hạ gục chàng Gô-Loa ở vòng tứ kết, nước ấy sẽ đoạt cúp vàng. Bà thủ tướng Đức có mặt đã nhảy lên mừng vui ...

Thứ nhì là cuộc đua xe đạp thế giới có lúc đi vòng quanh nước Pháp "Le Tour de France". Các cua-rơ (coureur, người đạp xe đua) có nhiều quốc tịch khác nhau và giải thưởng cũng khá cao sau túc cầu và quần vợt. Người thắng giải mặc áo đua màu vàng sẽ lãnh được 450.000 Âu kim. Người về nhì lãnh 200.000, người về ba ẳm gọn 100.000 rồi sau đó tụt xuống vài chục ngàn trở lại. Những vị về chót kể từ thứ 91 cho đến 150 chỉ còn có 400 bạc.

Cạnh đó, những giải an ủi khác tưởng thưởng các cua-rơ không về nhất nhì nhưng có tài leo núi hay đồi cao bền bĩ. Tay đua nào mang áo màu trắng đầy chấm đỏ leo dốc cừ nhất lãnh 20.000, tay đua phóng nhanh cực kỳ qua mặt tất cả đến mức mau nhất mặc áo xanh lá cây sẽ được thưởng 25.000. Anh chàng trẻ nhất, giỏi nhất, mặc áo màu trắng sẽ cho vào giỏ 20.000.

Tiền thưởng quá lớn khiến chúng ta chưa quên vụ tay đua Mỹ chiến thắng 7 lần liên tục từ năm 1999 cho đến năm 2005 Tour de France: Lance Amstrong, sau đó bị điều tra vỡ lỡ có dùng thuốc kích thích. Nhờ luật sư bào chữa, ông này đã ôm luôn 12 triệu đô la không đòi lại được bởi vị lãnh đạo vòng đua Pháp!

Cuộc đua đã bắt đầu từ ngày 5 tháng 7 và sẽ chấm dứt ngày Chủ Nhật 27 cùng tháng. Đây là cuộc đua thứ 101, chia làm 21 giai đoạn và dài 3,664 cây số. Về chi tiết, các cua rơ đã chạy từ thành phố Leeds ở Yorkshire bên Anh và sẽ ngừng trên đại lộ Champs-Elysées gần dinh Tổng Thống. Cuộc đua này do tổ chức UCI (Union Internationale des Cyclistes, Hiệp hội Quốc tế Người đua xe đạp) lãnh trách nhiệm lần thứ 4 với 18 ê-kíp thế giới.

Đặc biệt các cua rơ Tour de France đã chạy qua nơi tôi cư ngụ, điều này làm tôi không khỏi nhớ lại kỷ niệm cũ nơi quê nhà vào thập niên 1960-1970. Dù còn bé tí lúc đó, nhưng tôi vẫn nhớ như in đoàn xe đạp đông đảo, người đua cầm chiếc ghi-đông đặc biệt có hai tay nắm cong vòng của thứ xe đua khác hẳn xe đạp bình dân, chân họ chuyển động đều nhau ; rất đẹp mắt với trang phục chung quần sọt màu xanh dương, áo cụt tay trắng, đội nón bảo vệ, mang giày thể thao. Dân chúng trong xóm đổ xô ra coi cua rơ đang rướn người lên đạp xe qua dốc Cầu Bông, từ đầu cầu bên đại lộ Lê Văn Duyệt qua tới Đinh Tiên Hoàng và reo hò hoan hô cổ vũ.

Được biết qua sử sách ghi lại, cuộc đua xe thể thao Nam-Bắc năm 1941 cho kết quả đầu bảng với nhân tài Võ Văn Xã gốc An Giang, và còn tay đua miền Nam danh tiếng Ngô Thành Liêm ở Cần Thơ.

Ngày 14 là lễ Quốc Khánh Pháp. Trước đó, pháo bông nổ lẻ tẻ khắp nơi. Hàng triệu người trong đó có tôi ngồi dán mắt suốt buổi sáng vào màn ảnh nhỏ của đài truyền hình quốc gia số 2 xem diễn binh rầm rộ thật hấp dẫn.

Tối đến, tháp Ép-Phen sẽ lại một phen rực rỡ ánh pháo bông huy hoàng tráng lệ và lung linh như thêm huyền diệu trong truyện cổ tích xứ Lang-Sa. Ngày lễ này rơi vào Thứ Hai đầu tuần nên may thay hầu hết các siêu thị đều mở cửa đón khách, nhưng đóng cửa sớm hơn để mọi người còn đi tham gia những buổi nhã nhạc và khiêu vũ bình dân trước khi ngắm pháo bông tô điểm đêm đen thành bức tranh toàn mỹ.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT