Chuyện Nước Pháp

Một vòng thời sự trên xứ sở của Nhân Quyền (kỳ 1)

Thursday, 03/07/2014 - 10:07:47

Chúng ta đang ở vào giữa năm 2014. Thời sự nước Pháp diễn tiến theo vòng thăng trầm hàng năm dưới sự điều khiển của phe Xã Hội, với sự thay đổi nội các vừa qua đã mang lại vài cải cách, đồng thời cũng có nhiều sự kiện không mấy tốt đẹp cho nền kinh tế đang dậm chân tại chỗ



Học sinh Pháp đi thi tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp.

 

Chúng ta đang ở vào giữa năm 2014. Thời sự nước Pháp diễn tiến theo vòng thăng trầm hàng năm dưới sự điều khiển của phe Xã Hội, với sự thay đổi nội các vừa qua đã mang lại vài cải cách, đồng thời cũng có nhiều sự kiện không mấy tốt đẹp cho nền kinh tế đang dậm chân tại chỗ. Xin mời quý độc giả theo dõi các biến chuyển gần đây nhất trên xứ Sáu cạnh (Hexagone), cũng còn là đất nước nổi tiếng tôn trọng nghiêm chỉnh Quyền Làm Người (Les Droits de l'Homme).

Về giáo dục, sự sửa đổi nề nếp giờ giấc của học sinh bậc tiểu học khiến cho các phụ huynh cũng không mấy vừa lòng khi các thói quen bị xáo trộn. Khi thì cho nghỉ ngày Thứ Bảy, lúc thì bắt buộc đi học tuy ngày Thứ Tư trong tuần lễ là ngày nhà trường đóng cửa. Nền giáo dục Pháp quá nặng nề về giờ giấc, và chương trình học cho các em bé gần như cầm đèn đỏ cho sự quá trớn này so với đa số các nước trên thế giới!

Vào loại tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, ngủ chưa đủ giấc buổi sáng sớm đã bị đánh thức dậy đến trường làm nhiều em bị khó khăn nơi học tập vì quá mệt mỏi khó mà tập trung nghe bài giảng. Những sự thay đổi liên miên nhằm cố gắng cãi thiện điều này vẫn chưa đi đến mục tiêu tốt nhất nên các phụ huynh và con em đành gồng mình chịu đựng, họ có càu nhàu hay cằn nhằn rồi mọi thứ cũng trì trệ như trước.
Cuối cùng, hư chỗ nào sửa chỗ đó, nhưng đường lối tổng quát vẫn còn quá ôm đồm nhiều thứ đổ lên đầu các mầm non tương lai. Có thể nào làm khác hơn hơn khi người lớn sai lầm cho rằng nhồi nhét kiến thức càng sớm càng tốt cho chúng nó ? Biến trẻ con thành người quá nhanh, đó là đốt giai đoạn, theo thiển ý người viết bài. Đúng ra, tổ chức phải mềm dẻo hơn: chẳng hạn bé con nào thích đi học sớm và đầy đủ khả năng ứng đáp với những yếu tố gây căng thẳng bên ngoài từ môi trường lạ thì gom chúng lại cho đến trường. Những đứa bé nào chưa đủ bản lãnh thì đi học sau, chỉ cần làm "test" (trải qua thí nghiệm cụ thể) là đủ.

Thật quan trọng để khám phá "thần đồng" hay trẻ bình thường rồi đưa vào trường lớp thích hợp. Dĩ nhiên, người Pháp hay phân bua là "nói dễ làm khó", nhưng không hề làm thì không bao giờ có kết quả. Trong những lớp mẫu giáo, trẻ con đi học từ lúc lên ...3, khi vừa thôi mang tã. Tội nghiệp các đứa nhỏ này lần đầu tiên đến lớp luôn luôn có em khóc rùm lên vì không quen xa mẹ! Dần dần mới quen đi, nhưng nhỏ quá đến vì bị bắt buộc nhiều hơn là vui mà đến.

Có 816,000 thanh thiếu niên nam nữ ở lứa tuổi 14-15 đi thi tốt nghiệp trung học phổ thông cấp 1 (lớp đệ tứ cũ, hiện là lớp 9). Một số Toà Đô Sảnh có tục lệ thưởng hiện kim cho em nào thi đậu với hạng Ưu khiến bọn trẻ học giỏi nhất nhì trong lớp thêm phần phấn khởi. Trẻ con ngày nay rất khôn ngoan và khi có sự khuyến khích đúng mức của phụ huynh, nhà trường và chính phủ thì bọn chúng làm việc rất tốt để nhận phần thưởng hậu đãi công sức bỏ ra.

Tuy vậy, tôi vừa xem truyền hình, thấy các nhà giáo lại đang rục rịch tìm cách thay đổi lối chấm điểm từ zê-rô cho đến 20/20. Thay vì trừ điểm nếu viết chính tả sai bét, mỗi lỗi lầm sẽ được vớt lại với điểm dương khi học sinh viết đúng văn phạm và chia động từ chính xác cân bằng lại điểm âm. Điều này có vẻ công bằng hơn, khiến nhiều em thấy mình tự tin và bớt chán nản.

Qua tới bậc trung học, một đề thi toán Tú Tài ra quá khó khiến 26,000 học sinh đi thi đã cùng nhau ký tên phản đối. Điều này rất hiếm có, nhưng đã xảy ra và các em đang chờ đợi kết quả phán xét của các viên chức cao cấp bộ Giáo Dục. Tinh thần dân chủ cao đến mức trẻ nhỏ chưa trưởng thành cũng biết "đoàn kết gây sức mạnh", châu chấu đá voi phải nhào. Ông thầy Toán hôm đó giận hiền thê hay sếp bắt nạt hoặc muốn chơi ác với học trò đã trút hận lên đầu chúng và lãnh đủ hậu quả.

Một em bé trai 14 tuổi đi thi Tú Tài trong lúc một cụ ông 76 tuổi cũng làm giống như em. Em bé học sớm 4 năm thuộc loại thần đồng, và em than "Phải chi tôi được sinh ra bình thường thì đỡ khổ!". Đúng vậy vì em bị các bạn khác chế diễu, bị cho ra rìa vì quá giỏi các môn chính, làm bài nhanh hơn mọi người. Em sẽ đậu với hạng Ưu nhưng không thể nào đi đâu hết để lên đại học vì còn ở tuổi vị thành niên. Thật khổ tâm cho thần đồng, vì thế em đã quyết định sẽ học lại đệ nhất năm tới (lớp 12) với bộ môn Kinh Tế là chính
.
Cậu này sẽ là thí sinh trẻ nhất nước Pháp năm 2015 với hai bằng cấp Tú Tài trong tay. Còn cụ ông thì suốt đời mãi đi làm việc sau khi có bằng cấp thấp nhất bậc Tiểu Học, đến lúc về hưu khá lâu rồi ông hứng chí học lại và đi thi lấy bằng tú tài với sự khuyến khích của bà vợ gương mẫu. Trông ông còn rất mạnh khoẻ, sáng suốt. Khi tuổi thọ càng ngày càng kéo dài thì ông còn khoảng hơn 20 năm nữa để tiếp tục vào Đại Học và trở thành Tiến Sĩ. Chuyện này đã có người làm rồi, nhất là ở Hoa Kỳ ; điều này rất tốt cho các bô-lão vì não bộ làm việc nhiều thì tế bào thần kinh càng thêm sắc bén khi tự động chia nhánh thêm chi chít và khoẻ mạnh lâu hơn. Năm nào trên đất Pháp cũng đều có 2 trường hợp đặc biệt này, thành lệ.
Về thể thao, nổi bật nhất là bộ môn túc cầu thế giới đang diễn ra ở Brazil, với sự tham gia của đội banh Pháp. Năm nay, trời xui đất khiến sao mà các tay chơi cá độ đá banh đã mất nhiều tiền khi Tây Ban Nha, giữ cúp năm rồi, bỗng nhiên bị loại ngay vòng đầu vì đá quá tồi tuy họ đã chơi với nhiều nước khác trong nhóm (chia ra kiểu "chuồng gà", 5 nước loại hết 4)! Cầu thủ Pháp thì may mắn lọt vào vòng trong. Brazil hốt bạc nhờ khách du lịch tứ xứ đổ về, một vé chợ đen vào cửa xem đá banh trị giá bằng 2 tháng lương dân bản xứ.

Về thời tiết: tháng 5 vừa qua là tháng nóng nhất kể từ thế kỷ thứ 19 đến nay! Theo một cơ quan ghi nhận Hoa Kỳ, từ năm 1880 đến nay mới có một tháng Năm nóng hơn bình thường tại Pháp nói riêng và trên nhiều quốc gia thế giới nói chung. Có lúc nhiệt độ lên đến 33 độ C và nóng khô, những cơn gió mát và bóngrâm của vườn cây hay các con đường khiến cho dân chúng được an ủi nhờ sự mát mẻ dung hoà này.

Nước uống được nhắc nhở liên tục cho giới lão làng và trẻ em. Cửa nẻo cũng mở rộng, quạt máy chạy thường trực luôn cả về đêm để dễ ngủ yên giấc. Trước đó ít lâu, vài trận mưa đá hạt to bằng quả banh tennis đã rơi xuống và làm thiệt hại mùa màng, nhất là ruộng nho. Chủ ruộng nho cầm trong tay những cục đá màu trắng đục lồi lõm đã làm những nhánh cây nho đứt gãy thành nhiều đoạn nhỏ đưa lên cho phóng viên thấy rõ.
(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT