Tiêu Thụ

Một vài nhận định về tình trạng y tế tại Hoa Kỳ

Friday, 25/08/2017 - 07:57:14

Ở Mỹ, người ta có Medicaid hoàn toàn do chính phủ tài trợ cho người nghèo, có bảo hiểm Medicare với sự tài trợ phần lớn dành cho người cao niên.

Bài ERIC TRẦN

Là người tiêu thụ, chúng ta muốn có một thị trường tự do, trong đó giới tiêu thụ dùng tiền của mình để mua sản phẩm theo nhu cầu, giới sản xuất cạnh tranh để đưa ra hàng tốt giá hạ. Tuy nhiên, chúng ta không thể tìm thấy thị trường tự do tuyệt đối, ngay cả trong các nước tư bản. Nhất là đối với thị trường y tế, là nơi mà chính quyền phải can thiệp trong một giới hạn nào đó để bảo đảm sức khỏe cho ngay cả những người cần đến dịch vụ y tế mà không có khả năng chi trả.


Bảng so sánh chi phí y tế do tổ chức OECD đưa ra, trong đó Hoa Kỳ tiêu tốn hơn $9,000 cho một người dân một năm. So với Ý, số tiền đó chỉ là $3,600 một người dân một năm. Nhưng kết quả chăm sóc y tế mà người dân Hoa Kỳ nhận được có cao hơn không?

Ở Mỹ, người ta có Medicaid hoàn toàn do chính phủ tài trợ cho người nghèo, có bảo hiểm Medicare với sự tài trợ phần lớn dành cho người cao niên. Và trong 3 năm nay, người ta lại có Obamacare. Với những nỗ lực đó, nhà nước Hoa Kỳ đã tạo ra một thị trường y tế như thế nào? Nhiều người dân Mỹ không còn tin tưởng nơi cái hệ thống mà nhiều chuyên gia cảnh cáo là không đáp ứng được nhu cầu y tế đại chúng.

Ý kiến của một chuyên gia trong ngành, bà Cynthia Cox, giám đốc Kaiser Family Foundation, phát biểu: Chi phí y tế của Hoa Kỳ cao hơn, nhưng kết quả thì lại không được bằng (các quốc gia khác). Thực tế có đúng như vậy không? Sau đây là một vài số liệu của các nhà báo Melissa Eehad và Kyle Kim đăng trên LA Times số ra ngày 18 tháng Bảy vừa qua.

Theo khảo sát của tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế thế giới OECD (Organization for Economic Cooperation and Development), chi phí y tế tại Hoa Kỳ trong năm 2015 lớn hơn gấp ba so với chi phí trung bình của các quốc gia khác có cùng mức lợi tức tương đối.

Nhưng mặc dầu chi phí nhiều hơn, kết quả của ngành chăm sóc sức khỏe tại Hoa Kỳ lại không cao hơn. Lấy Anh Quốc và Ý Quốc làm thí dụ, bản khảo sát OECD cho biết chi phí y tế tại hai nước này ít hơn $5,000/một người, nhưng họ lại có kết quả tốt hơn thể hiện qua tuổi thọ của người dân các nước này.

Ông David Squires, chủ tịch Commonwealth Fund, một tổ chức tư nhân chuyên khảo cứu độc lập về các vấn đề y tế tại New York, đồng ý, “Hoa Kỳ chi tiêu nhiều hơn, mà kết quả lại tệ hơn. Chi phí cao không phải vì người dân sử dụng nhiều. Thực ra, dân Mỹ đi bác sĩ ít hơn, và vào nhà thương cũng ít hơn, nhưng chi phí cao hơn là vì trang thiết bị chúng ta sử dụng.”


Nhưng kết quả thế nào? Tài liệu từ Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO (World Health Organization) cho thấy, người dân Mỹ đoản thọ hơn người dân trong 30 nước khác. Tuổi thọ trung bình tại Mỹ là 79.3 tuổi, được coi là mức thấp nhất so với các nền kinh tế phát triển khác như Thụy Sĩ, Úc và Canada. Nhận xét về tình trạng này, ông Squires phát biểu, “Thật là một con số đáng ngại, cho thấy sức khỏe của dân Mỹ là kém so với những quốc gia có cùng mức độ phát triển.

Theo số liệu của European Observatory on Health Systems and Policies, một tổ chức quan sát các hệ thống y tế tại Âu Châu thì năm 2013, số người chết tại Hoa Kỳ do những bệnh có thể ngăn ngừa được là cao hơn so với 12 quốc gia phát triển khác. Cụ thể, trong 100,000 người chết trước tuổi 75 tại Hoa Kỳ, có 112 người chết vì những biến chứng hoặc tình trạng có thể chữa được nếu được săn sóc hiệu quả và kịp thời.
Giới nghiên cứu cũng dùng số giường bệnh trong nhà thương làm chỉ số đo lường phẩm chất phục vụ y tế. Chẳng hạn, số giường bệnh viện không cao, đó là một chỉ dấu hạn chế về phương tiện chăm sóc. Nghiên cứu OECD cho biết, về phương diện này, Hoa Kỳ có 2.83 giường bệnh dành cho mỗi 1,000 người dân, một trong những tỷ lệ thấp nhất. So sánh với các quốc gia khác, tỷ lệ tại Nhật Bản là 13 giường cho mỗi 1,000 người, Nam Hàn 11 giường; các quốc gia khác như Đức, Áo, và Hungary cũng có tỷ lệ vượt trên trung bình trong tổng số hơn 30 quốc gia OECD.

Nhưng nghiên cứu OECD cũng thừa nhận, tỷ lệ giường bệnh chưa hẳn phản ảnh sự thiếu thốn phương tiện chăm sóc, mà có thể vì sự tiến bộ của y khoa làm giảm số ngày nằm nhà thương của bệnh nhân. Thực vậy, số trung bình của các quốc gia trong khối OECD là 5.5 giường cho mỗi 1,000 dân vào năm 2000. Nhưng năm 2013, con số đó đã giảm xuống còn 4.8 giường cho mỗi 1,000 dân.
*
Trên đây là vài số liệu theo nghiên cứu của các tổ chức thế giới, được trình bầy để bạn đọc rộng đường dư luận, nói chung, đều đưa ra một hình ảnh thua sút về y tế của xứ sở giầu mạnh nhất địa cầu. Những con số này có phản ánh thực tế như chính những người đang sinh sống tại Hoa Kỳ cảm nhận hay không? Chúng ta hy vọng sẽ trở lại đề tài này trong một dịp khác.
Erictran216@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT