Chuyện Nước Pháp

Một trong những sự kiện nổi bật năm 2016

Wednesday, 28/12/2016 - 08:05:06

Đó là sự chế tạo và sản xuất ra các động cơ phân tử kiểm soát được bởi con người nhằm hoàn thành sứ mạng giao phó cho nó.

Bài NGUYỄN THỊ NGỌC DIỄM

Đi ngược dòng thời gian đã qua không bao giờ trở lại trong thế giới của con người vào thế kỷ 21, và riêng tại đất Pháp, chúng ta nhìn lại chuyện cũ để biết qua điều mới (ôn cố tri tân). Bằng tai mắt và trí tuệ của những bậc thức giả uyên bác nhận định kèm theo ý kiến của khối đông đa số thầm lặng người thường chúng ta từng chứng kiến nhiều điều đã xảy ra, năm 2016 quả nhiên đã là một năm không tốt đẹp cho lắm. Vài đợt khủng tặc gây náo loạn sát sinh hàng loạt người hoặc lẻ tẻ đã xảy ra gây nên sự kéo dài tình trạng khẩn cấp (nhiều lệnh cấm ban hành, thí dụ không được phép tụ tập đông đảo). Nhiều cuộc biểu tình chống đối đạo luật mới do chính phủ đưa ra, tình hình chính trị do đảng Xã Hội cầm đầu xuống dốc với nhiều vị bộ trưởng từ chức và Tổng Thống đương nhiệm cũng không dám ra tái ứng cử, phe đảng cực Hữu của bà Le Pen đang lên như diều gặp gió mặc cho phe Hữu cũng lăm le chiếm lại ngai vàng v.và đã được ghi nhận rồi bình luận.

Chuyên gia nghiên cứu Hoá Học đoạt giải Nobel 2016 và nguyên tắc chế tạo động cơ phân tử siêu vi


Tuy nhiên, vẫn có chuyện ngoại lệ để người Pháp có thể hãnh diện với thế giới: giải Nobel khoa học được tặng thưởng cho 3 chuyên gia ngành Hóa. Ông Tây tên họ Jean-Pierre Sauvage mặc dù đã về hưu (sinh năm 1944, 72 tuổi) nhưng vẫn còn tiếp tục làm việc xứng danh tại Viện Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia là một, hai vị còn lại của Hoa Kỳ và Hòa Lan. Đề tài nghiên cứu đã đoạt giải thưởng cao quý nhất thế giới thuộc về những công trình nghiên cứu lâu năm về các bộ máy phân tử hoạt động ra sao. Một thang máy cực tiểu, những bắp thịt nhân tạo, mấy cái động cơ tí hon: nhà khoa học nghiên cứu thành công khi cung cấp năng lượng cho chúng hoạt động. Đó là sự chế tạo và sản xuất ra các động cơ phân tử kiểm soát được bởi con người nhằm hoàn thành sứ mạng giao phó cho nó.

Nhà khoa học Pháp làm việc tại đại học Strasbourg thuộc về một thành phố nhỏ ở miền Đông nổi tiếng với chợ Giáng Sinh lâu đời nhất hàng năm tôi đã có lần viết bài. Mục tiêu nghiên cứu mà ông ứng dụng tìm tòi và khám phá thành công thật ra đã bắt đầu từ năm 1983. Dựa vào nguyên tắc Hóa Học hữu cơ, vô cơ, phân tích (Chimie organique, minérale, analytique) tìm tòi từ năm 1950 của các chuyên gia muốn chế ra những bộ máy phân tử không phải nối liền nhau bởi các cầu nối điện tử hóa trị hai (liaison covalente, hai nguyên tử cùng chia nhau cầu nối hợp lại bởi 2 hạt điện tử) thông thường, mà là cầu nối cơ giới. Điều này rất khó thực hiện vì nhiều phân tử chứa các nguyên tử hóa trị hai nói trên phải chồng chéo lên nhau không cho phép sự phản ứng liên đới giữa các chất khác nhau tác dụng. Nếu có chế ra được thì số lượng rất nhỏ hầu như không đáng kể và cách thực hiện vô cùng khó khăn làm nản chí nhiều nghiên cứu gia.

Vì lý do trên, mãi đến năm 1983, gần như hơn 30 năm sau mới có ông JP nói trên điều khiển một nhóm chuyên gia sử dụng 1 nguyên tử đồng (Cuivre, hoặc Copper ký hiệu hóa học Cu) làm chất trung gian kết hợp nhiều phân tử khác nhau theo hình chụp qua 4 giai đoạn. Chất đồng sau đó được lấy đi. Nhờ chất trung gian gắn liền các phân tử với nhau như vậy, số lượng đạt được tăng lên 40 % so với mấy phần trăm khi trước! Đó là nhờ ông trưởng nhóm đã nhận xét thấy và khai thác đặc điểm quấn vào nhau thành vòng dưới ánh sáng tác dụng vào 2 phân tử kèm theo chất đồng đứng giữa. Thành công trong khám phá mới này mở ra viễn ảnh của ngành Hóa áp dụng vào Hình Học (Chimie Topologie). Đó là những sợi dây chuyền chồng chất lên nhau không theo thứ tự nào hoặc những cái nơ hay gút rắc rối cấu tạo bởi các phân tử hóa chất khác nhau. Chúng nó chỉ là bước đầu tiên của bộ máy phân tử (tên gọi là chuỗi phân tử, caténane) cần được chế ra sau đó. Đã gọi là bộ máy, thì các chuỗi phân tử nói trên phải có thể tự chuyển động được so với các chuỗi khác chung quanh nó. Đó là điều căn bản mà viên trưởng nhóm đã thực hiện xongđể bộ máy thi hành phận sự giao phó.
Năm 1991, khoa học gia Mỹ Fraser Stoddart đã tiếp tục khai thác ý kiến trên của chuyên gia JPS bên Tây. Ông và nhóm thầy thợ khoa học đã hì hục chế được một loại máy phân tử biết quay tròn quanh 1 trục nằm ngang tên là 'rotaxane' trong 1 dung dịch (có chứa nước). Đến năm 2000, ông Mỹ tài ba này đã sáng chế ra một loại thang máy siêu vi (nanomètre, phần triệu mét) treo lơ lửng trên mặt chất nào đó hoặc một thứ bắp thịt nhân tạo 'vô hình' có khả năng bẻ cong một lá vàng ròng mỏng tanh. Những ứng dụng của Mỹ sẽ mở rộng thêm chân trời sáng chế những chiếc máy điện tử tối tân siêu vi hơn hiện nay đang có! Riêng vị cùng lãnh giải Nobel bên Hòa Lan, đã có công chế tạo những chuỗi phân tử chỉ xoay vòng theo 1 chiều nhất định như kim đồng hồ chứ không theo hai chiều ngược nhau như trên thực tế. Để thực hiện được điều này, cách làm cũng rất phức tạp và tế nhị.

Công trình của ba hóa-học-gia Pháp, Mỹ và Hòa Lan sẽ đưa đến chân trời mới là những bộ dụng cụ động cơ phân tử hóa học (tương tự như động cơ điện khám phá ra vào năm 1830, thế kỷ thứ 19) được chế tạo ra để áp dụng. Một trong những ngành nghề đáng lưu ý nhất là Y Tế. Bộ máy (hay động cơ) phân tử có thể cắt rời ra hay ráp nối lại những phân tử đạm chất căn bản nhất cấu tạo nên bản đồ di thể người nhằm chữa trị những chứng bệnh di truyền gây ra vô phương cứu chữa do sự sai lệch vị trí của chúng nằm phân bố trong chuỗi ADN (hay DNA theo Hoa Kỳ). Đến đây, chúng ta đã hiểu được vì sao ban tổ chức đã trao tặng cho 3 nhà bác học nói trên giải thưởng Nô-Ben về Hóa Học phục vụ trong chiều hướng tốt đẹp cho nhân loại.
Trong 1 bài báo viết về khoa học gia Pháp Jean-Pierre Sauvage với giải thưởng thế giới danh dự như thế, một ký giả chuyên nghiệp ngành đó đã đưa ra nhiều nhận xét bi quan về chủ trương của giới chính trị gia hiện tại. Thật đáng buồn, theo ông viết - là thay vì đào tạo thêm những khoa học gia trẻ tuổi khác nối nghiệp ông cha thật tài giỏi có thể đề cử lãnh giải Nobel, nhà nước Pháp quốc đang làm chuyện ngược lại! Ký giả cho biết những biện pháp xấu của chính quyền hiện nay là giảm bớt những chi phí cho sự nghiên cứu khoa học căn bản, giảm lương khoa học gia và nhân viên hành chính chung quanh các Viện đại học danh giá và làm họ sống trong lo âu bị sa thải bất ngờ... Từ năm 2007 đến nay, tình trạng này có phần nào bị chặn đứng lại bởi sự biểu tình phản đối của các nghiệp đoàn liên quan và những nhà bác học lừng danh, nhưng thật sự nó vẫn còn tồn tại một cách tệ hại. Chỉ vì các chính trị gia xuất thân từ các đại học hành chính cao cấp chẳng hiểu gì về thế giới khoa học cao siêu nên có phần xem thường nó quá đáng. Những Viện Hàn Lâm, những viện Bách Khoa danh tiếng nhất ở Paris vẫn bị xếp hạng thấp so với những mục tiêu khác của giới cầm quyền. Thật là bệnh trầm kha khó chữa. Cả hai phe Tả Hữu đều tiếp tục tà tà tiến tới như vậy làm cho giới khoa học trầm ngâm suy ngẫm một thân một mình nơi đèo heo hút gió như kiểu ông JPS. Trước khi lãnh giải Nobel, ông có được thưởng vài huy chương khuyến khích trong nước.

Ntnd

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT