Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Một trời một vực: Một tựa đề

Anvi Hoàng/Viễn Đông Tuesday, 04/09/2012 - 01:13:53

Do đó nhà soạn nhạc P.Q. Phan, tác giả của vở opera "Chuyện Bà Thị Kính", phải nghĩ cách đặt tựa đề vở opera của mình sao cho người xem thấy được tính văn hóa Việt Nam đặc biệt của câu chuyện Thị Kính.

Hành trình một vở opera (kỳ 3)

Anvi Hoàng/Viễn Đông


Ở Việt Nam có chuyện Phật Bà Quan Âm Thị Kính. Ở Trung Quốc, Đại Hàn, và một số nước Châu Á khác cũng có chuyện Phật Bà, nhưng không ở đâu mà chuyện Phật Bà lại phổ biến và được yêu thích như "Quan Âm Thị Kính" ở Việt Nam. Do đó nhà soạn nhạc P.Q. Phan, tác giả của vở opera "Chuyện Bà Thị Kính", phải nghĩ cách đặt tựa đề vở opera của mình sao cho người xem thấy được tính văn hóa Việt Nam đặc biệt của câu chuyện Thị Kính.


Truyền thuyết Phật Bà Việt Nam: Quan Âm Thị Kính
Hiện thân của Bồ Tát Avalokitesvara trong hình hài Phật Bà ở Việt Nam được gọi là Quan Âm. Truyền thuyết về Quan Âm được kể qua tuần bản của vở chèo Quan Âm Thị Kính là câu chuyện về một Thị Kính bình thường, sinh ra trong một gia đình bình thường. Thị Kính đi tu là vì hoàn cảnh bắt buộc. Trải qua nhiều gian nan, Thị Kính được lên niết bàn vì Đức Phật động lòng trước những hy sinh không tính toán của Thị Kính, nên tôn bà lên thành Phật Quan Âm Thị Kính.
Câu chuyện Thị Kính này quả thật là na ná chuyện của Đức Phật. Cũng như Đức Phật, Thị Kính phải trải nghiệm cuộc sống trần tục trước khi đi theo con đường tu hành và rồi trở thành Phật. Thị Kính cũng không có ý răn dạy mọi người nên sống như thế nào. Bà chỉ sống theo cách mà bà cho là đem lại hạnh phúc cho mình và mọi người xung quanh. Qua những hành động và hy sinh cho người khác của Thị Kính, người đọc và người xem không khỏi cảm thấy ý nghĩa chuyện Quan Âm Thị Kính Việt Nam quả là gần gũi với triết lý Phật giáo mà không hề đượm màu đạo Lão.

Từ "Quan Âm Thị Kính" thành "Chuyện Bà Thị Kính"
Nhiều người dịch "Quan Âm Thị Kính" sang tiếng Anh thành “Goddess of Mercy Thị Kính”. Cách dịch này có hai sai lầm. Thứ nhất, Thị Kính không phải là Goddess (nữ thần, tiên). Từ “goddess” có thể dùng để nói đến thần tiên trong đạo Lão. Thần tiên thì vẫn còn mang nhiều ham muốn như con người, trong khi đó Phật là đã thoát trần rồi và không bị chi phối bởi các tình cảm vui, buồn, giận dữ như thần tiên và con người nữa. Do đó, đây là sự khác biệt quan trọng cần phải thấy.
Thứ hai, “mercy” (lòng thương người) ngụ ý sự tha thứ cho những người trước kia đã đối xử tệ với mình. Tuy nhiên, ngay từ đầuThị Kính đã không hề có ý oán trách ai vì những chuyện oái oăm xảy ra cho mình, cho nên sau này bà không cần tha thứ cho ai. Nhân vật Thị Kính lựa chọn cách sống sao cho tâm hồn mình được an ổn và mọi người được bình yên. Vì hai lý do kể trên, P.Q. Phan cho rằng cách dịch gần nhất để diễn tả con người Thị Kính là “Our Benevolent Lady Thị Kính”.
Với tựa đề này, câu chuyện về Thị Kính vẫn còn mang tính tôn giáo và giai cấp cao bởi vì “benevolent” nói đến sự tốt bụng và rộng rãi của một đấng bề trên hoặc người cầm quyền. Những tác giả nông dân của vở chèo "Quan Âm Thị Kính" đã góp công xây dựng một nhân vật Thị Kính cũng bình thường như họ, không lý gì họ lại đi tôn thờ tầng lớp cầm quyền. Thực tế là trong vở chèo họ luôn luôn tìm cách để cười nhạo tầng lớp này. Vì vậy P.Q. Phan vẫn cảm thấy tựa đề này chưa ổn thỏa cho vở opera ông muốn viết.
Ngoài ra, ông cho biết nếu ông đặt tựa đề cho vở opera mới của mình là “Our Benevolent Lady Thị Kính”/"Quan Âm Thị Kính", người ta sẽ nghĩ đây là câu chuyện hoàn toàn về tôn giáo. Trong khi đó, ông lại muốn kể câu chuyện theo một khía cạnh khác – là khía cạnh nhân bản của nó. Câu chuyện "Quan Âm Thị Kính" thật ra là xoay quanh cuộc đời của Thị Kính – nhân vật này đã sống và hy sinh cuộc đời của mình cho một xã hội tốt đẹp hơn. Đây đúng là tiếng nói đòi quyền sống của con người, của đàn bà. Vì vậy có người gợi ý đặt tựa đề cho vở opera là "The Tale of Lady Thị Kính". Từ “tale” chỉ có nghĩa là “câu chuyện" và mang ý nghĩa trung lập hoàn toàn, không hàm ý tôn giáo hoặc giai cấp gì cả. P.Q. Phan thích tựa đề này và quyết định chọn "The Tale of Lady Thị Kính" làm tựa đề tiếng Anh và "Chuyện Bà Thị Kính" làm tựa đề tiếng Việt.
"The Tale of Lady Thị Kính"/"Chuyện Bà Thị Kính" sẽ miêu tả đời sống và văn hóa nông thôn Việt Nam, qua đó ngụ ý nói rằng: một người đàn bà bình thường, sống một cuộc đời bình thường và hy sinh cho một xã hội tốt đẹp hơn thì có thể siêu thoát để trở thành người thoát tục như Đức Phật; rằng người ta không cần phải là đầu thai của Phật hoặc Bồ Tát để rồi sau khi chết trở thành Phật, mà ai cũng có thể trở thành Phật cả. Dưới lăng kính nghiên cứu xã hội, các nhân vật trong "Chuyện Bà Thị Kính"/"The Tale of Lady Thị Kính" sẽ là đại diện cho tiếng nói của người dân bình thường trong xã hội Việt Nam đòi công bằng (justice), bình đẳng (equality) và tự do yêu đương (free love). Sẽ không có ai bay trên sân khấu như thần, tiên -- ngoại trừ lúc Thị Kính lên niết bàn.
Tựa đề đã có, Kỳ 4 sẽ bàn đến việc P.Q. Phan phân tích truyền thống chèo Ta và opera Tây để xử trí tuần bản của "Chuyện Bà Thị Kính"/"The Tale of Lady Thị Kính".

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT