Đời Sống Việt

Một thoáng hương xưa...

Wednesday, 09/11/2016 - 08:25:46

Đó là cái thời "mít ướt" khi bị cô giáo la không chịu học bài là ngồi tấm tức khóc, đứa này khóc lan qua đứa kia rồi rủ nhau cả lớp khóc tập thể cho có bạn.

Viết để tặng các bạn Gia Long thân yêu!

Phượng Vũ

Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi
Cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ
Cho tôi tìm lại, cho tôi một ngày...

Tôi vừa trở về sau chuyến cruise ngắn ngày với các bạn cùng lớp Gia Long ngày xưa. Lâu lâu chúng tôi cũng có họp mặt với nhau, nhưng vì đứa ở tiểu bang khác, đứa ở bắc, đứa ở nam CA, nên có khi vài năm chưa họp mặt nhau 1 lần. Kỳ này tụi nó quyết đinh đi chung 1 chuyến cruise để có nhiều giờ với nhau hơn, và nhất là không phải bận tâm về chuyện ẩm thực, phòng ngủ, rồi xe cộ đi lại...nên đi cruise là phương cách tốt nhất, vừa có giờ đi chơi chung, tha hồ ăn chung nhiều bửa, đi bộ, thưởng thức show ca nhạc với nhau... Do đó chúng tôi đã lên kế hoạch đi từ lâu, vậy mà giờ chót cũng có chút trục trặc. Có bạn cần về Việt Nam dự đám cưới cháu, nên ngày cruise về hơi cập rập vì cũng là ngày bạn phải ra phi trường đi VN; T thì có ông chồng già, đi bỏ ông ở nhà không ai coi nên phải đem theo, con cái lớn ra riêng hết rồi. Lúc đầu ông đồng ý đi, giờ chót ông đổi ý kiến than mệt không chịu đi nữa. Vậy là phải thuyết phục năn nỉ để ông chịu lên đường. Tôi thì đã đi chuyến này nhiều lần rồi, nhưng lần này đi là vì bạn, đi để..."cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ ".


Hình như càng già thời gian trôi càng nhanh, cảm tưởng mới hôm nào tụi tôi họp mặt ở bắc CA, lúc cháu ngoại tôi mới chào đời. Vậy mà bây giờ BB đã đi học và biết nói đủ chuyện rồi, chúng tôi mới có dịp họp mặt nhau lần nữa. Lần đi này có nhiều thời giờ với nhau nên tha hồ nhắc kỷ niệm xưa hồi học GL: nào là cảnh nhảy cò cò phải cột 2 vạt áo dài lên cho khỏi vướng. Rồi chơi giựt khăn, choi "u..u.." lo chạy té sứt đầu gối. Có đứa còn nhắc lại cảnh "ăn chực" khi thấy bạn có miếng xoài tượng thật to lại còn thêm mắm ruốc ở trên, nhìn thèm quá bèn lại gần dụ khị: "Cho tao cắn chút xíu đi!" hay là "Thèm quá, cho liếm một miếng cũng được!" rồi cả đám lăn ra cười no nê. Qua chuyến đi này chúng tôi tha hồ cười thoải mái, vì cười vang là 1 trong những cách tốt nhất để loại bỏ những suy nghĩ lo lắng mà không gây hại. Ngoài ra tiếng cười cũng làm giảm đi những lo lắng. buồn phiền... của cuộc sống mà mỗi người đều đeo mang cách này cách khác. Nhất là với T, lúc trẻ lấy chồng già hơn nhiều tuổi thấy không là vấn đề, mà mình còn được “cưng chiều” nên cũng thích. Ông bà xưa đã chẳng từng nói "Chồng già vợ trẻ là tiên trên đời" đó sao! Ngày xưa chàng là phi công đẹp trai hào hoa, nên rước được người đẹp về dinh. Họ sống yên vui hạnh phúc qua bao nhiêu năm trường, nhưng đời không như là mơ. Bây giờ chàng đã là ông lão 80 yếu đuối từ thể chất tới tinh thần, nên đầy mặc cảm tự ti. Khi phải sống chung với 1 người đàn ông đầy mặc cảm tự ti bạn sẽ hứng chịu nhiều nỗi khổ tâm dằn vặt triền miên không nói nên lời. Có đôi lần ngồi nói chuyện với bạn, khi nhắc đến chồng tự nhiên nước mắt T ứa ra. Bỗng nhiên tôi thấy thương vợ chồng bạn, ngày xưa có câu hát "Tình yêu còn đó! Em lo sợ gì?" Bây giờ “tình yêu vẫn còn đó” nhưng trong mắt T, tôi thấy đầy vẻ lo sợ vì tình trạng tâm lý của ông chồng. Tụi tôi thương bạn nhưng cũng không biết làm cách nào giúp bạn, chỉ biết khuyên bạn chấp nhận hoàn cảnh thực tế, cố gắng làm vui lòng chồng, coi như bao nhiêu năm ông chăm sóc T, bây giờ tới phiên T chăm sóc lại. Thực ra T cũng hiểu chuyện và thường nói với ông như vậy, nhưng ông cứ than chán đời, muốn chết cho xong nợ, vì cảm thấy bị lệ thuộc và không còn giúp ích gì được cho vợ . Bởi vậy đâu phải lúc nào "có đôi" tới lúc cuối đời cũng đều là hạnh phúc đâu! Tụi tôi phải lựa lời an ủi bạn “Còn hơn là chồng nhỏ D, khỏe mạnh nhanh nhẹn, nhưng lúc nào cũng “buông cô này, bắt bà kia.... Nó cũng sống căng thẳng muốn khùng". Đối với phụ nữ yếu tố chung thủy là quan trọng hàng đầu, nhưng nhiều ông già rồi lại sinh chứng thích "gặm cỏ non", có lần tôi đùa bảo "nhưng không biết có còn răng để mà gặm không?" thì 1 ông đã mau mắn trả lời “Nếu hết răng thì còn lợi “măm măm” cũng đỡ ghiền”. Nhìn cái miệng ông giả bộ "măm măm" bằng lợi mà tụi tôi lăn ra cười. Thiệt là hết ý cho loại già "đặc biệt" này! Quả đời là bể khổ, đặc biệt là đối với phụ nữ, nên phải tập sống chung với khổ cho quen, biết đâu nhờ vậy mà sớm thành "hiền triết". Dường như xã hội ở khắp nơi, nhất là ở VN đều có một mẫu số chung: người đàn bà sinh ra để hy sinh, để chịu đựng khổ đau và bất công, nên đa số phụ nữ VN nhất là các thế hệ trước đều là “hiền triết” cách này cách khác. Phòng tụi tôi ở sát phòng T nên cửa phòng tụi tôi không bao giờ đóng, để khi nào chồng ngủ rồi là T chạy qua không cần gõ cửa, nhào vô tám chuyện ngày xưa rồi cười tưng bừng cho đời vui. Nhớ lại cảnh ghẹo phá các thầy cô ngày xưa: nhắc lại cảnh nhỏ MP tới giờ thầy toán là lên bục giảng bắt chước thầy quơ tay làm điệu “đuổi ruồi” làm cho thầy mắc cỡ mặt đỏ ké và tụi tôi bèn giả lả hỏi thăm:

“Sao mặt thầy đỏ quá xá, bộ thầy mắc bệnh dư hồng huyết cầu hả thầy?”
Hay là giờ cô Lý, có đứa bắt chước cô đứng trước bảng nhích cọng kính cận kéo lên khi nó hay bị xệ xuống mũi rồi thong thả nói rề rề:



“Mấy em hiểu hay hông hiểu cũng vậy thôi, vì sách nó nói vậy, chứ hổng phải tui nói. à nhen..."
Đó là cái thời "mít ướt" khi bị cô giáo la không chịu học bài là ngồi tấm tức khóc, đứa này khóc lan qua đứa kia rồi rủ nhau cả lớp khóc tập thể cho có bạn.

Nói tới khóc bỗng nhiên tôi nhớ lại năm đệ ngũ, nhỏ bạn ngồi cạnh bị bịnh thương hàn, nghỉ học có mấy hôm rồi chết. Tụi tôi ngồi cùng bàn nên được trường cho xe hiệu đoàn chở đi dự đám tang, thấy người ta khóc, cả đám khóc theo sưng cả mắt. Về nhà tôi bắt má dẫn đi tiệm chụp hình "để lỡ con có chết thì còn có hình để trước cái hòm, cho người ta biết ai chết? " bị má la quá trời! Rồi những giờ làm toán chạy, đứa nào cũng lăm le vừa làm bài, vừa sẵn sàng phóng lên bàn thầy với tốc độ như hỏa tiễn, có khi đụng nhau u đầu. Rồi những lần đi tập văn nghệ, đi thi đồng diễn thể dục, thi lái xe đạp chậm... lúc nào cũng mang giải thưởng về cho Gia Long, nên mặt đứa nào cũng vui như tết. Đó là cái thời "Hoa chưa ra hoa, nụ hoa chưa hé" nên còn rất vô tư, chơi giỡn thả giàn, nghịch ngợm chọc phá thiên hạ. Đi học đôi khi vội, cài lộn nút áo dài là chuyện thường. Đạp xe đi học về, xe trục trặc không chịu chạy, nhỏ bạn bày cho cách "đá vô bánh xe mấy cái là nó sợ nó chạy lại liền!". Vậy mà áp dụng có kết quả mới tài chứ!

Lên đệ nhị cấp mấy chị ngồi ở đằng sau, xóm nhà lá, đã biết viết thơ tình. Có chị đã có bồ đón đưa trước cổng trường, Riêng đám bạn "còn thơ ngây", đám ngồi ở bàn nhất, vẫn còn vô tư ăn hàng dài dài. Trong hộc tủ lúc nào cũng có xí muội, ô mai, chùm ruột ngâm, cóc chua, xoài tượng ăn với mắm ruốc. Bây giờ chỉ kể lại mà tui thấy nước miếng đã ứa ra đầy chân răng rồi. Mỗi lần thầy cô vô trễ là "giờ hành sự" của nhóm ăn vụng, phải nhanh tay và biết chùi mép cho lẹ để khỏi bị lộ tẩy. Có lần nhỏ bạn mới lủm miếng xoài vô miệng thì cô giáo bước vào, nó sợ quá nuốt trộng, tưởng là chết nghẹn rồi chứ! Không biết sao mà những món ăn đó lại có sức hấp dẫn tụi tôi hơn là những chàng trai tình nguyện làm "cái đuôi" rồi hay ca cẩm bài "Cho anh xin số nhà" hay là mùi mẫn với "Ngày xưa Hoàng thị" ... Có lẽ vì thấy con gái vẫn còn mê "ăn hàng" quá, nên tôi hay bị má la "chỉ có cái xác lớn..." ý má tui muốn nói "to đầu mà dại", nhưng mà có lẽ má tui nói đúng "to xác, nhưng đường đời thì khờ lắm! Ra đường ai nói gì cũng tin hết!" Đôi khi nhớ lại sao năm đệ tam, tự dưng tui "nhổ giò" cao lớn hẳn. Mới đây gặp lại nhỏ bạn cùng lớp từ đệ thất tới đệ tứ, lên đệ tam chia ban B đi lớp khác, trường rộng, học khu khác nên không có dịp gặp nhau...Bây giờ gặp lại bạn xưa nó la lên: "Ủa sao hồi đó, tao nhớ mày nhỏ xíu mà sao bây giờ mày cao lớn dữ vậy?". Nó cứ ấm ức thắc mắc hoài, nên ông chồng nó bèn giải đáp giùm: "Chắc tại chị qua Mỹ, uống sữa Mỹ nên mau lớn chứ gì, tui hay nghe người ta nói vậy đó!" - "Anh giải thích nghe hay quá, nhưng anh quên tui đâu phải là trẻ con khi qua Mỹ hì hì...!". Năm đệ tam là năm xả hơi vì không có thi cuối năm, nên năm này tụi tôi tham gia nhiều các công tác xã hội cứu trợ bão lụt miền trung. Nhớ lại những ngày lên bộ xã hội để phân loại từng kiện quần áo ra cái nào của con trai, con gái...Năm đệ tam tụi tôi mới bắt đầu làm quen học tiếng Pháp (sinh ngữ 2) và câu tụi tui nhớ nằm lòng là “qu'est-ce que c'est?” bèn đem ra áp dụng thực tế. Đi đâu, gặp cái gì cũng “xổ” tiếng Tây: “qu'est-ce que c'est?” Lựa quần áo là cơ hội tốt nhất vì tiếng Pháp có phân biệt giống đực, giống cái, rồi tụi tui cãi nhau ì xèo xem món nào giống đực, món nào giống cái, xem đứa nào đúng, đứa nào sai. Thật là vui! . Để rồi bây giờ vốn liếng tiếng Pháp chỉ còn vỏn vẹn: “Đời, C'est la vie. Tình, C'est l'amour”.
Năm nay tụi tôi bắt đầu tham gia viết báo tường, báo Xuân của trường. Rồi tập tành làm thơ, viết văn để thả trôi những ước mơ của mình vào đó

Em ước mơ mơ gì, tuổi mười tư, tuổi mười lăm?
Em ước mơ em đẹp như trăng rằm tươi tắn. 

Năm đệ Tam “rảnh rỗi” và những năm sau đó, nhờ mấy đứa bạn đốc thúc, tôi bắt đầu tập tành viết văn gửi đăng báo “chuyện phiếm” hoặc phóng sự gửi nhật báo Chính Luận. Vậy là có tiền nhuận bút xài lai rai mua áo dài tơ lụa... Dần dần đối với tôi viết trở thành một sinh hoạt, một nhu cầu tinh thần, chứ không phải vì tiền, tuy có tiền vẫn vui hơn. Vì nhờ có tiền nhuận bút nên tôi hào phóng “bao” bạn bè tha hồ ăn bò bía, chè đậu đỏ bánh lọt ngon nổi tiếng (bên hông trường, phía đường Bà Huyện Thanh Quan). Bây giờ nói tới món “Đậu đỏ bánh lọt nước dừa nổi tiếng” của Gia Long mà tôi vẫn còn thấy thèm! Nhớ lại lời hát của TCS, nghe sao mà thấm thía :

”Nhớ Sài gòn những chiều gặp gỡ
Nhớ món ăn quen nhớ ly chè thơm.”

Bây giờ đã qua rồi cái thời nhờ “văn chương” để được ăn bò bía, đậu đỏ bánh lọt và mua áo dài tơ lụa, nhưng “văn chương” bây giờ lại giúp tôi gặp được những mối “kỳ duyên” rất đáng quý như chị N sẵn sàng làm mạnh thường quân để hỗ trợ tôi trong những chuyến công tác từ thiện ở VN, như L đem tặng tôi những chậu hoa Lan tươi, hay R lấy giờ lunch từ sở chạy đến nhà để tặng tôi những đĩa nhạc mà tôi yêu thích, để “thưởng công” tôi viết bài cho đọc. Ôi! thật cám ơn Đời, cám ơn cái “duyên văn chương” đã cho tôi gặp được những con người quá đỗi dễ thương!


Lên đệ nhị, đệ nhất năm nào cũng có kỳ thi cuối năm, nên lo học hành, nhưng vẫn không quên đùa giỡn. Nhưng lại rất nghiêm túc và nề nếp đáng khen trong những lần tham gia diễn hành nhân các dịp lễ lớn : Đoàn Trường Nữ Trung Học Gia Long với các nữ sinh mặc đồng phục quần trắng, áo dài trắng, tay cắp nón lá trắng, đi thật đều. Đoàn đi tới đâu là được bà con hai bên đường vỗ tay vang dội, làm mặt đứa nào cũng có vẽ nghếch lên một chút. Thật là tự hào khi được là "Nữ Sinh Gia Long". Vì dân Gia Long luôn xuất sắc trong các kỳ thi quốc gia đạt rất nhiều hạng cao: Tối Ưu, Ưu, Bình, Bình Thứ. Nói tới học xuất sắc, tôi bèn hỏi thăm MC ở chung phòng với tôi, vì nó luôn đậu hạng Ưu trong các kỳ thi và được học bổng du học nước ngoài

- Bí quyết nào giúp bồ hồi xưa học giỏi quá vậy?

Câu trả lời của bạn làm tôi hơi bất ngờ:

- Vì tui nung nấu ước mơ "thoát ly" gia đình. Tôi học ngày học đêm cho thiệt giỏi, đậu thiệt cao để được đi du học. Đó là cách thoát ly gia đình êm thấm và đẹp đẽ nhất.

Thực ra tuy chơi chung với nhau thời trung học, nhưng tụi tôi ít có dịp gần gũi tâm tình. Nay nhờ đi cruise có dịp ngủ chung để tỉ tê tâm sự đời mình mới biết: Bố bạn theo lối gia trưởng nghiêm khắc làm con cái sợ, cái gì cũng ngăn cấm, cũng kiểm soát, cũng rầy la làm không khí trong gia đình luôn căng thẳng, ngộp thở. Bạn kể có những lúc bố vắng nhà mấy chị em nô đùa với nhau vui vẻ, thấy bóng bố về là đứa nào đứa nấy nem nép sợ sệt, mẹ thì lại càng sợ bố một phép. Nghĩ lại sao thấy tội nghiệp thân phận phụ nữ Việt Nam. Bố độc tài luôn muốn tự mình quyết định mọi chuyện trong gia đình kể cả chuyện học hành và tình cảm của con cái. Tôi biết đây không phải là tình trạng cá biệt mà là khá phổ biến trong nhiều gia đình Việt Nam, với những ông bố độc tài gia trưởng, còn những ông "tía" miền nam thì có vẽ dễ chịu hơn. Các ông cứ nghĩ khó khăn cho con vô nề nếp, nhưng các ông đâu biết chính các ông đã bóp nghẹt tuổi thơ của các con. Môi trường lớn lên của chúng là sự sợ hãi và cảm thấy bị kềm kẹp, mất tự do, nên chúng chỉ tìm cơ hội để thoát ra càng sớm càng tốt. Sao nghe thấy giống chủ nghĩa Cộng Sản quá! mà lạ một điều, những vị này lại là những người chống Cộng hàng đầu! Đúng là người ta ít khi chịu nhìn lại mình là vậy! Bạn cho biết chị của bạn cũng học GL, vừa giỏi, vừa đẹp nhưng cũng quyết tâm chọn con đường du học để thoát ly gia đình theo kiểu “một đi không trở lại”. Quả là "có những niềm riêng lòng không muốn nói". Bây giờ mọi thứ đã trôi vào dĩ vãng quá lâu, nên bạn mới kể ra! Ôi cuộc đời luôn có những cảnh "phía sau hậu trường" đáng cho các phụ huynh tự học hỏi nhiều hơn. Chẳng bù cho thời nay, con cái lại tự do quá trớn!

Năm lên đệ nhất chúng tôi học Lý với thầy Phó Đức Minh, thầy là giáo sư ĐH Khoa Học, nhưng được trường mời thỉnh giảng môn Lý cho lớp chúng tôi. Thầy tuy có gia đình và 2 con, nhưng nom thầy hiền lành và có phần “ngây thơ”. Mỗi lần thầy giảng bài xong, khi cho lớp làm bài tập, thầy hay xuống đứng ở bàn đầu gần cửa lớp nói chuyện với nhóm tụi tôi. Lâu dần quen, tụi tôi bèn nghĩ cách phá thầy, một hôm theo thói quen giảng xong, thầy xuống đứng ở bàn đầu, tụi tôi nháy nhau rồi cùng ôm bụng nhăn nhó, thấy vậy thầy bèn hỏi thăm:
“Sao thế?”
“Thầy ơi, tụi em đói bụng quá, nên bị đau bao tử rồi!”
“Vậy à!, cũng sắp tới giờ tan học rồi, về nhà ăn cơm!”
“Không được đâu thầy ơi, nhà xa lắm, đạp xe về là sẽ bị xỉu dọc đường.”
Nghe vậy, lòng thầy chợt “từ bi bất ngờ” bèn móc túi quần sau moi tiền trong bóp ra đưa cho tụi tôi:
“Lấy tiền này, tí nữa tan học ra nhớ mua gì ăn rồi hãy về nhé!”
Tụi tôi mừng quá:
“Dạ, cám ơn thầy nhiều lắm!”
Rồi bấm bụng nhau mà nín cười, vì màn kịch bất thần không tập dợt mà diễn ra quá hay! Tôi ngó bộ mặt “ngây thơ”của thầy mà thấy tội nghiệp vì bị học trò “bắt địa”. Chuông tan học vừa reo, là tụi tôi “3 chân, 4 cẳng” phóng ra xe đậu đỏ bánh lọt, bò bía ăn một bụng no trừ cơm trưa, mà vẫn chưa hết tiền thầy cho, tụi nó hẹn ngày mai ăn tiếp. Tôi hơi áy náy hỏi:

“Tụi mình làm vậy có tội không?”
“Tội gì, tội lội xuống sông hết tội, thầy làm giáo sư ĐH, đi xe hơi, nhiều tiền lắm! Mày đừng lo bò trắng răng.”
Nhỏ T còn đế vô:

“Biết đâu tụi mình đang cho thầy niềm vui vì nghĩ mình đã “cứu đói” mấy đứa nữ sinh tội nghiệp”.
Tôi đành lắc đầu chào thua cái lũ nghịch ngợm “quỷ sứ” trong đó mình cũng có tham gia rồi tự nhủ thầm “Thôi kệ! sắp chấm dứt đời nữ sinh rồi, nên “quậy” một chút cũng không sao! mà mình cũng có đói bụng thiệt chứ bộ! Hơn nữa lòng thầy “từ bi bất ngờ” nên tự động cho, chứ tụi tui đâu có hề xin đâu? “. Bây giờ kể lại mà cả đám cứ ôm bụng lăn ra cười chảy cả nước mắt. Đúng là "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò"

Nói tới ma quỷ, tôi lại nhớ ra ngày chúng tôi lên tàu lại là ngày Halloween, nên tôi email nhắc các bạn nhớ mang theo mặt nạ hóa trang hay cái gì liên quan đến Halloween để hòa nhập với mọi người trên tàu cho vui. Vậy là các bạn mượn đỡ của cháu nội, ngoại mặt nạ, quần áo...để diện vào đi chơi cho vui. Hình như khi người ta mang mặt nạ vào, người ta hành sử thoải mái hơn, vì không phải e dè mọi người biết mình là ai? Dân Mỹ thì tha hồ hóa thân thành big bear, ma cà rồng, quỷ sứ... rồi nghĩa trang, mồ mả được thiết lập khắp nơi, thành thử qua lễ hội này cái chết có vẽ cũng gần gũi với con người. Do đó đám bạn đứng chung quanh mộ người chết chụp hình mà cười toe! Trong cuộc sống đôi khi chỉ một tích tắc là ta đã từ thế giới này bước qua thế giới kia rồi! Ai cũng phải một lần chạm mặt với nó thì nên làm quen với nó dần dần để khi nó xuất hiện thì khỏi phải hoảng sợ.

Những buổi ăn trưa, ăn tối trên cruise là cơ hội cho chúng tôi ngồi nhớ và kể lại những mối tình ngày xưa của bạn bè trong lớp. Không phải là những mối tình lãng mạn như trong các tiểu thuyết thời đó. Tôi nhớ có lần đi cắm trại Vũng Tàu 3 ngày, buổi chiều đi ra tắm biển. Tôi thấy có bạn cứ lang thang đi trên bãi biển rồi lại đứng dưới góc dừa ngó ra biển mênh mông như trông ngóng ai! Tôi lấy làm lạ vì thấy chiều nào bạn cũng tái diễn màn này, bèn hỏi thăm. Lúc đó bạn mới thiệt thà kể:

"Sao tui đọc trong tiểu thuyết, họ hay tả cảnh hoàng hôn trên bãi biển, rồi có những mối tình đẹp xuất hiện giữa một chàng trai và một cô gái. Vậy mà mấy bữa nay đi dạo trên bãi biển, tui để ý tìm hoài đâu có thấy chàng trai nào xuất hiện đâu?"
Nghe sao mà thấy tội nghiệp cho những mộng mơ của tuổi mới lớn.

Nhưng những mối tình của bạn bè cùng lớp, tụi tôi nhắc lại ở đây thuộc loại "kỳ duyên", nghĩa là nó khởi sự "kỳ cục", chứ không có êm đềm thơ mộng chút nào. N kể về lần đầu tiên gặp chàng không phải “tinh tú quay cuồng” vì tiếng sét ái tình, mà vì tan học đang dắt xe ra định ngồi lên đạp, thì honda chàng ở đâu sớn sác tông vào xe N, làm bạn lảo đảo, giận quá bạn tức tối, quay lại thì thấy chàng ríu rít:
"Xin lỗi chị, bị... tui không thấy chị..."

"Đâu anh ngó lại coi, cái thân tui "bồ tượng" như vầy mà anh nói không thấy là sao?” (vì nhỏ N, thân hình hơi mủm mỉm, tròn trịa) Vậy mà đó lại là phút đầu gặp gỡ để sau này chàng Luật cõng nàng “bồ tượng” về dinh đi tuốt qua nước ngoài làm ngành ngoại giao. Còn vụ nhỏ V có hàm răng đẹp, nụ cười tươi lọt vào mắt xanh của 1 chàng nha sĩ, nhưng chàng không biết làm cách nào để tiếp cận người đẹp vì nàng rất khó. Một hôm chàng lấy cớ khen hàm răng nàng đẹp, rồi hù "ngó ngoài thấy đẹp vậy chứ bên trong có khi bị sâu tùm lum mà không biết" Nghe vậy nàng sợ quá:

“Vậy có cách nào để biết răng có bị sâu không?”
“Mời chị hôm nào tới phòng Nha, tôi chụp X ray là sẽ biết liền.”
Vậy là khi nàng tới chụp X ray, chàng đưa phim chụp ra hù “chị bị 2 cái răng sâu, trám liền thì cứu kịp, còn để chậm sau này nó ăn sâu vô nữa là mất răng”. Vậy là chàng hẹn tới hẹn lui nhiều lần để trám cho xong 2 cái răng sâu rồi... từ từ xin được trở thành "nha sĩ riêng" để chăm sóc hàm răng đẹp cho nàng. Câu chuyện chưa kết thúc ở đó, 20 năm sau khi mới qua Mỹ định cư, nàng đi nha sĩ Mỹ khám răng,về nhà than phiền:
"Sao anh chăm sóc răng nói tốt mà đi nha sĩ Mỹ họ bảo hư tùm lum"

“Đừng tin mấy thằng nha sĩ, nó kiếm chuyện để moi tiền, răng em là tốt số 1, chưa từng hư cái nào.”
Nàng ngần ngừ rồi chợt nhớ ra:

“Ủa sao hồi đó anh nói em bị hư 2 cái răng, không trám liền thì bị mất răng đó!”
Lúc đó chàng bèn cười thú thiệt:
"Anh phịa ra vụ hư răng, để kiếm cớ hẹn em tới lui làm răng, chứ răng em tốt lắm."
"Chèn ơi! Vậy là lâu nay anh xí gạt tui hả?"

Còn nhỏ H thì yếu đuối thục nữ, hễ bị sợ quá là ngất xỉu. Một hôm nàng đạp xe đi học về vừa quẹo phải thì bị 1 xe khác trờ tới quẹt té, nhỏ sợ quá, hết hồn té xuống rồi ngất xỉu luôn. Mọi người cuống quýt chở vô phòng cấp cứu bịnh viện. Ở binh viện chàng bác sĩ cầm tay người đẹp bắt mạch, thấy nàng yếu đuối dễ thương quá, nên tìm cách "xin bàn tay" nàng luôn. Vậy là “duyên nợ” được khởi đầu từ 1 vụ tông xe, 1 vụ trám răng (giả) rồi 1 vụ trong phòng cấp cứu... đâu có cái nào lãng mạn nên thơ đâu. Nhưng dòng đời vẫn cứ trôi thả những buồn vui, như mưa nắng của cuộc đời, để rồi hôm nay:

Ngoảnh nhìn cuộc đời như giấc mộng
Được mất bại thành bỗng chốc hóa hư không

Vậy đó mà cũng đã gần nửa thế kỷ trôi qua. Bọn con gái "thơ ngây" chúng tôi ngày nào giờ đây tóc đã hai màu, có đứa đã là bà nội, bà ngoại và thời gian dường như quá khắc nghiệt ít ra là đối với phụ nữ. Cả đời lo toan vất vả hy sinh cho chồng cho con, vậy mà cuối đời 2 chữ “bình an” vẫn thoáng ẩn thoáng hiện.

Người thân nhiều kẻ không còn nữa
Đời cũng trôi theo những đoạn trường

Mỗi Cây Mỗi Hoa, Mỗi Người Mỗi Cảnh. Nói vậy không có nghĩa là tuổi hoàng hôn này đã hết nụ cười niềm vui. Miễn là chúng ta biết cách nhìn nhận mỗi lứa tuổi đều có cái hay, cái đẹp riêng của nó và biết sống vui từng ngày. Hãy tận dụng từng cơ hội để đem lại niềm vui cho riêng mình: gắp gở bạn bè, thưởng thức một chương trình nhac hay, xem 1 vở kịch vui, 1 cuốn phim cảm động, thậm chí là những chiều hẹn nhau đi bộ. Hay là những lần rủ nhau đi làm từ thiện để đón nhận niềm vui "cho đi" đôi khi có cực một chút nhưng niềm vui sâu xa hơn nhiều, vì “Hạnh Phúc không phải là thứ có sẵn, nó đến từ chính hành động của bạn” (lời Đức Đạt Lai Lạt Ma).

Khi chia tay các bạn và hẹn cho lần gặp tới tôi muốn cám ơn các bạn đã cùng tôi đi về cái thời mơ mộng xa xưa đó... nhờ vậy bỗng dưng tôi thấy mình như trẻ lại rất nhiều, lòng mình chợt an nhiên và bạn có biết không, " khi tâm bạn an nhiên, bạn đang ở trong mùa đẹp nhất đời người.”

Phượng Vũ

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT