Thế Giới

Một phi công từng bị bại liệt thời thơ ấu, xem Mẹ Teresa là "người mẹ của tôi"

Saturday, 03/09/2016 - 09:13:27

Tôi không thể nào quên Mẹ Teresa – người chẳng bao lâu sau đã trở thành ThánhTeresa của Kolkata (xưa là Calcutta). Mẹ đã cho tôi cơ hội để thoát khỏi đói nghèo và sống một số phận khác ở Anh Quốc.

Mẹ Teresa trong hình chụp năm 1960. Mẹ được phong thánh trong ngày Chủ Nhật hôm nay. (Getty Images)
 

Ông Gautam Lewis nay là một phi công bị liệt đôi chân, là một nhiếp ảnh gia và từng thoát chết vì bệnh bại liệt ở Ấn Độ. Ông đã trải qua những năm tháng đầu đời ở Shishu Bhavan, được Mẹ Teresa chăm sóc trước khi được nhận làm con nuôi ở nước Anh. Bài viết của ông được đăng trên mạng của đài CNN trong tuần qua với tựa đề “Mẹ Teresa: Vị thánh này là người mẹ của tôi.” Nhân dịp Mẹ Teresa được Đức Giáo Hoàng Francis tuyên phong hiển thánh vào ngày Chủ Nhật, 4 tháng Chín, 2016 hôm nay tại Vatican, xin chuyển ngữ bài viết của ông Gautam Lewis như để chia sẻ niềm vui với hàng triệu người kính mến Mẹ Theresa.

Tôi không thể nào quên Mẹ Teresa – người chẳng bao lâu sau đã trở thành Thánh Teresa của Kolkata (xưa là Calcutta). Mẹ đã cho tôi cơ hội để thoát khỏi đói nghèo và sống một số phận khác ở Anh Quốc.
Tôi sinh ở Kolkata năm 1977, mặc dù bây giờ không có giấy tờ chính thức gì ghi ngày sinh của tôi. Tôi không có chút ký ức gì về cha mẹ ruột của mình mà những báo cáo về nơi sinh, ngày sinh và những người đã sinh ra tôi thì trái ngược nhau. Một số giấy tờ truy gốc gác tôi ở khu 24 Parganas, cha mẹ cùng đinh sống trong khu bần cùng lộn xộn của ngoại ô Kolkata.
Một bức thư khác nói chi tiết về những năm tháng đầu đời của tôi ở thành phố Howrah giàu có hơn, cha mẹ tôi là bác sỹ và y tá thuộc giai cấp cao. Mẹ nuôi tôi, bà Patricia thì lại cho rằng đây có thể chỉ là chuyện đơm đặt không đúng chỗ với hy vọng mẹ nuôi tôi sẽ chăm sóc tôi tử tế hơn nếu biết tôi xuất thần từ tầng lớp có đặc quyền hơn.
Thật khó mà biết được gì từ những lời khai mâu thuẩn và những giấy tờ khác nhau như vậy.
Mà dù ở trong hoàn cảnh nào thì có lẽ vì tôi bị bại liệt nên cha mẹ ruột tôi đã không thể chăm sốc tôi đúng cách nên đành phải bỏ tôi.
Về phần tôi, hai chân cử động rất hạn chế. Bệnh bại liệt có thể dẫn đến tử vong hoặc khuyết tật vĩnh viễn. Tôi vẫn sống sót khi bị con virus ấy tấn công vào hệ thần kinh, vào một thời điểm và một nơi mà cứ năm trẻ bị bại liệt thì có một em tử vong.

Những kẻ bị xã hội ruồng bỏ

Dù những năm tháng đầu đời của tôi có thể coi là không may nhưng tôi vẫn tự cho là mình may mắn vì đã được Mẹ Teresa chăm sóc.
Không rõ tôi bao nhiêu tuổi khi được đưa về Shishu Bhavan, nhà của Mẹ Teresa dành cho trẻ em ở Kolkata, chắc khoảng giữa 18 tháng và 4 tuổi.
Gia đình tôi hẵn đã phải đứt gan đứt ruột khi làm điều đó với tôi.
Đó là một nơi hỗn loạn, nhưng Mẹ Teresa không cố làm công tác xã hội- đó không phải là công việc của người.
Mẹ chỉ đi theo tiếng gọi của tình thương sâu thẳm đối với niềm tin và tôn giáo của người, và đó là cái đưa người đến với cõi nhân sinh.
Mẹ không ở đó để trị bệnh hay sắp xếp chỗ ở cho người khác. Mẹ ở đó để nhặt những người đang hấp hối, những kẻ bị xã hộ vứt ra đường khi không còn ai khác đoái hoài đến nữa.
Mẹ chưa bao giờ điều hành một tổ chức gì như Shishu Bhavan, và có lẽ cũng không nghĩ nó sẽ phát triển lớn như thế nào. Khi tôi sống ở đó, nó chỉ là những căn phòng dài vô tận với những chiếc giường cũi và trẻ em, và các chị cố hết sức làm tốt công việc của họ.
Tuy nhiên, khi bạn có thức ăn, nước uống và tình thương thì đó là nền móng của mọi thứ khác.

Chiếc bóng che chở cao lớn của tôi

Tôi không gặp mẹ Teresa mỗi ngày bởi vì mẹ phải làm rất nhiều công việc. Nhưng mẹ bảo đảm luôn hỏi thăm kỹ lưỡng về “các con” của mẹ.
Mỗi Chủ Nhật, mẹ lại đến mặc áo quần tươm tất cho chúng tôi, dắt chúng tôi tới nhà nguyện và làm thánh lễ cho mọi người.
Hồi đó, tôi bước đi không được, dù các chị phải ẳm tôi tới lễ thánh để tôi khỏi làm bẩn áo quần, những lúc khác tôi phải lết trên sàn.
Vì tôi phải bò lết khắp nơi, Mẹ Teresa đối với tôi dường như thật cao lớn khi tôi ngước nhìn lên mẹ cho dù trong thực tế mẹ rất bé nhỏ.
Mẹ là chiếc bóng che chở cao lớn của tôi, luôn để mắt nhìn bảo vệ cho tôi.
Mẹ nói rất khẽ, bằng một giọng nói tiếng Anh nhẹ nhàng. Tôi không bao giờ thấy mẹ quát tháo ai, nhưng mẹ là người mà bạn biết bạn không bao giờ muốn thô lổ.

Ba người mẹ của tôi

Nhiều ký ức tôi có về Kolkata và giai đoạn tôi sống như trẻ mồ côi là một cơn ác mộng. Đó là một chuỗi ngày đen tối, buồn thảm và cô đơn.
Tôi thậm chí ngừng nói chuyện sáu tháng trời khi biết không ai đến đón tôi, và có lẽ tôi đã không nói chuyện lại được nếu Mẹ Teresa không đưa một chuyên gia tâm lý đến giúp tôi.
Vài kỷ niệm tôi có về mẹ là những kỷ niệm hạnh phúc, và tôi không thích giữ những bóng ma trong ác mộng, mà thay vào đó, tập trung vào những kỷ niệm yêu thương về mẹ- nhất là nụ cười của người.
Trong đời tôi, tôi có ba người mẹ. Mẹ ruột của tôi, me nuôi tôi, Patricia, và Mẹ Teresa.
Chắc tôi không còn sống nếu như tôi không ngẫu nhiên gặp người.
Mẹ che chở cho tôi và bảo vệ quyền lợi của tôi nhờ vậy mà tôi có thể sống sót trước cái “hố đen của Kolkata”. Nếu không có Mẹ Teresa thì tôi không thể ngồi đây để viết bài này.


Ông Gautam Lewis, một phi công và chuyên hướng dẫn những người bị bại liệt khác có thể làm việc bất kể khuyết tật của họ. (Hình CNN)

Một số phận khác

Tôi được mẹ Patricia nhận làm con nuôi năm 1985 và đưa về Auckland (Tân Tây Lan).
Phiên tòa nhận tôi làm con nuôi rơi vào ngày 12 tháng Hai, vì vậy vị thẩm phán lấy luôn ngày đó làm ngày sinh của tôi-12 tháng Hai. Rồi ông chọn luôn năm sinh của tôi là 1977.
Ngày 12 tháng Hai, 1986 là thời điểm kết thúc cơn ác mộng và bắt đầu ước mơ. Đến 18 tháng sau, chúng tôi dời sang Anh Quốc, nơi tôi may mắn có một cuộc sống đầy ưu đãi. Tôi thụ hưởng một nền giáo dục tuyệt vời, có bạn tốt, và được điều trị y khoa tốt nhất.
Thành thực mà nói, nó buộc tôi phải đối diện trước những vấn đề khó khăn liên quan tới ý thức về bản ngã và bản sắc dân tộc của mình. Mãi sau này tôi mới chấp nhận đối mặt với cội nguồn của mình dễ dàng hơn, và đó là một thập niên nữa tôi mới quay trở lại Kolkata.
Mặc dù vậy, trong chuyến đi đầu tiên tôi đã đến thăm Mẹ Teresa, và đó cũng là năm mẹ qua đời.
Tôi không biết mình có nói “cám ơn mẹ đã cho con sự sống” hay không, nhưng lẽ ra tôi cần phải nói.
Còn đây là những gì mẹ nói với tôi. “Không có cái gì khó, chỉ có cái khác lạ mà thôi. Nếu con không thể tìm ai giúp con đạt được cái con muốn, hãy làm một mình và đừng bao giờ sợ cái mình chưa biết.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT